“Nhìn sang trái" và cách để có một đường xương hàm chân ái
Bạn có xu hướng nghiêng mặt sang trái mỗi khi chụp hình không? Nếu câu trả lời là có, vậy thì bạn đang nằm trong số đông những người ưa thích góc mặt trái rồi đấy!
Với góc mặt này, bạn có thể khoe trọn sống mũi thẳng, hàng mi cong, bờ môi hững hờ. Và không thể thiếu, chính là xương quai hàm (hay còn gọi là jawline) đầy sắc sảo.
Khi đường xương hàm sắc nét trở thành xu thế
Nếu bạn tìm kiếm hashtag #jawlinecheck trên TikTok sẽ thấy vô số video với tổng lượt xem lên đến 260,8 triệu. Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ bắt đầu theo đuổi hình tượng sắc sảo, cá tính với điểm nhấn là đường xương hàm sắc nét.
Tại Việt Nam, cụm từ “góc nghiêng thần thánh” - nhằm khen ngợi góc mặt bên xinh đẹp, khí chất của một ai đó - cũng cho ra 661.000 kết quả tìm kiếm trên Google. Cụm từ này thường xuất hiện ở các tựa báo, bài đăng trên mạng xã hội cho đến các cuộc hội thoại hằng ngày.
Gần đây, cư dân mạng còn được dịp mãn nhãn trước vô vàn góc nghiêng thần thánh nhờ trào lưu “Nhìn sang trái” bắt nguồn từ video quảng bá cho ca khúc “Bước qua nhau” của nam ca sĩ Vũ. Có thể thấy, điều làm nên thành công của trào lưu này phần lớn đến từ những chiếc xương hàm đẹp sắc nét.
Xương hàm làm thay đổi gương mặt chúng ta như thế nào?
Đường xương hàm sắc nét sẽ mang lại cho bạn một vẻ ngoài tươi trẻ và đầy sức sống. Bác sĩ Tracy Mountford cho biết trong khi nam giới theo đuổi đường xương hàm sắc cạnh và mạnh mẽ, nữ giới lại muốn nó trông mềm mại và rắn chắc hơn.
Ngược lại, một số người lại không có đường xương hàm rõ nét hoặc dường như không thể thấy bằng mắt thường. Theo bác sĩ Kurt Doolin, có 3 lý do giải thích cho tình trạng này: xương hàm không phát triển vì không nhai đủ thức ăn cứng khi còn đang dậy thì; tăng cân dẫn đến tăng mỡ mặt; lão hoá khiến hàm răng suy thoái và xương hàm bị che lấp bởi mỡ cằm.
Mất bao lâu để có được đường xương hàm như ý?
Bác sĩ thẩm mỹ Roy Kim cho rằng để có thể thay về mặt cấu trúc xương hàm thì cần can thiệp bằng tiêm botox/filler hay phẫu thuật thẩm mỹ. Niềng răng cũng được xem là biện pháp giúp cải thiện đường xương hàm. Tuy nhiên, bạn không cần đụng đến dao kéo nhưng vẫn có cách để cải thiện đường xương hàm thông qua một số bài tập luyện đơn giản.
Các bác sĩ từ Ấn Độ đã nghiên cứu 5 bài tập giúp giảm mỡ nọng và định hình đường xương hàm thông qua những động tác cơ bản như cười, nâng cơ mặt, luyện cơ môi và cơ hàm dưới (mandibular). Thời gian đạt được hiệu quả cũng sẽ khác nhau ở mỗi người, thường sau 3-5 tháng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử tham khảo các bài tập yoga đánh bay “nọng” do Châu Bùi hướng dẫn. Chỉ cần bỏ ra 10 phút mỗi ngày thực hiện các động tác đơn giản này là bạn đã có thể cải thiện được phần nào xương hàm của mình rồi đấy.
Bác sĩ da liễu Julie E Russak cũng đồng ý rằng các bài tập hiện đang thịnh hành trên Internet góp phần hỗ trợ kéo căng da mặt, nhờ đó giúp đường xương hàm hiện lên rõ nét hơn.
Cô cũng lưu ý rằng để gương mặt thêm thon gọn, bạn cần hạn chế các thức ăn có nhiều muối, bởi lượng sodium cao sẽ dẫn đến việc cơ thể trữ nhiều nước gây sưng mặt. Đồng thời, bạn cũng cần uống nhiều nước để thanh lọc chất toxin - một nguyên nhân khác khiến mặt bạn bị sưng phù.
Những lưu ý đối với các dụng cụ tập đường xương hàm
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm ra đời nhằm hỗ trợ cho công cuộc “mài dũa” ra một đường xương hàm hoàn hảo. Các dụng cụ này có ngoại hình như một chiếc bóng silicon. Để sử dụng, bạn cần kẹp nó vào hàm răng và nhai như nhai thức ăn.
Thế nhưng, có một vài điều mà bạn cần lưu ý trong việc chọn mua và sử dụng. Về giá cả, một bộ tập xương hàm cơ bản của hãng Jawzrsize có giá niêm yết là 24.99 đô (xấp xỉ 580.000 đồng), còn của hãng Jawliner là 39.95 euro (xấp xỉ hơn 1 triệu đồng).
Trong khi đó, trên các sàn thương mại điện tử hiện nay lại bán tràn lan các sản phẩm với những mức giá khác nhau, có khi chỉ vài chục nghìn. Vậy nên, hãy thật cẩn thận trong việc chọn mua bởi đưa vào cơ thể loại silicone kém chất lượng sẽ gây hại đến sức khỏe của bạn.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo rằng các dụng cụ tập có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến người dùng. Tiến sĩ Mark Wolff tại trường Đại học Pennsylvania cho biết việc sử dụng lâu dài sẽ khiến vị trí răng bị thay đổi.
Tiến sĩ Nathaniel Lawson đến từ trường Đại học Alabama tại Birmingham cũng tiết lộ rằng việc lạm dụng các dụng cụ này sẽ gây ra rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), dẫn đến các triệu chứng đau đầu và cổ.
Từ đó, bạn nên cân nhắc về thời gian sử dụng các sản phẩm này, và tốt hơn hết là hãy tham khảo ý kiến từ nha sĩ hay các chuyên gia trước khi luyện tập cơ hàm.
Một góc nghiêng với đường xương hàm đẹp chắc hẳn là niềm mong ước của rất nhiều người. Thế nhưng, đừng vì vậy mà bất chấp lao vào các phương pháp luyện tập trước khi có sự tìm hiểu kĩ càng, bởi đến cuối cùng bạn sẽ phải trả giá bằng sức khỏe của bản thân.