Những bức thư làm nên văn chương
Thư tay đã trở nên xa lạ và kỳ quặc trong thời đại này. Dường như, chúng ta chỉ tìm thấy chúng trong những món kỷ vật của ông bà, cha mẹ còn cất giữ lại.
Vì thế, thư tay giờ đây còn là sự hoài niệm. Thậm chí, chúng ta chỉ đọc được chúng qua những áng văn chương của nghệ sĩ Đông - Tây như Rainer Maria Rilke, Franz Kafka, Trịnh Công Sơn, Linda Lê, Thuận.
Vietcetera giới thiệu đến bạn 5 cuốn sách cũng là những “lá thư” đặc biệt. Chúng không chỉ kể câu chuyện cá nhân, mà còn là câu chuyện của thời cuộc. Dù là những bức thư tay đơn thuần hay tiểu thuyết viết dạng một bức thư, chúng đều có khả năng khiến ta thấy hoài niệm, rung động và thấu cảm.
Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi - Rainer Maria Rilke
Thân mật nhưng nghiêm cẩn là những gì chúng ta cảm nhận đầu tiên khỉ bắt đầu đọc Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Rainer Maria Rilke (1875 - 1926). Để rồi càng đọc, ta càng không thể chối từ chất văn chương, những suy niệm cùng nhiều lời khuyên bổ ích mà chân thành của thi hào người Áo.
Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi tập hợp 10 bức thư Rilke hồi đáp lại Franz Xaver Kappus, một sĩ quan đang thắc mắc về sứ mệnh của một nhà thơ. Những bức thư này dài ngắn khác nhau, được Rilke viết và gửi đi nhưng đều xoay quanh chủ đề thi ca, sáng tạo.
Không chỉ là những lời nhắn gửi đến Franz Xaver Kappus, nhà thơ vĩ đại còn khuyên những tác giả trẻ tuổi hãy đi sâu vào nội tâm, tìm kiếm lý do sâu thẳm muốn được sáng tạo văn chương, nghệ thuật.
Rilke Maria Rilke viết: “Quan trọng nhất là, hỏi chính mình trong những thời khắc thinh lặng của đêm: Ta có bắt buộc phải viết? Đào sâu trong chính mình để lấy ra một câu trả lời."
Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Rainer Maria Rilke được xem là kinh điển. Cuốn sách cũng được xem là một tiểu luận văn chương xuất sắc. Ở đó, những người trẻ của thế đọc, suy ngẫm rồi tìm thấy hướng đi cho riêng mình trong hành trình sáng tạo.
Thư tình gửi một người - Trịnh Công Sơn
Nhắc đến Trịnh Công Sơn là nhắc đến Diễm xưa, Hạ nhớ, Đóa hoa vô thường... Bên cạnh gia tài âm nhạc đồ sộ, Trịnh Công Sơn còn nổi tiếng với những bức thư gửi cho người tình của ông.
Thư tình gửi một người là tập sách đầu tiên công bố những bức thư tình viết tay của cố nhạc sĩ gửi riêng cho ca sĩ Ngô Vũ Dao Ánh. Ông đã viết hơn 300 bức thư, nhiều nhất từ năm 1964 đến 1967, khi ở Bảo Lộc (Lâm Đồng.) Bên cạnh đó, cố nhạc sĩ họ Trịnh cũng từng sáng tác 11 bài tặng riêng cho Dao Ánh.
Đọc Thư tình gửi một người, độc giả sẽ càng hiểu thêm tâm tình của người nghệ sĩ, đặc biệt là tình yêu thiết tha của người nhạc sĩ tài hoa. Bên cạnh đó, người đọc còn tìm thấy áng văn chương đầy xúc động, lý giải cho lời ca tuyệt đẹp mà Trịnh Công Sơn đã viết lên.
Cách kể chuyện, lối dùng từ... đều toát ra sự thân mật, gần gũi và chứa chan cảm xúc. Có thể nói Thư tình gửi một người là "văn mẫu" cho những người đang yêu muốn thổ lộ tâm tình với người thương.
Thư gửi bố - Franz Kafka
Những tác phẩm của Franz Kafka không đẹp như mơ mà xinh như ác mộng, nói về sự ghẻ lành, sự tàn bạo về thể xác và tinh thần, những cuộc truy tìm đáng sợ... Trong đó, mâu thuẫn cha con là một trong những chủ để ám ảnh Franz Kafka.
Kafka viết Thư gửi bố khi cha ông không đồng ý để ông kết hôn với Julie Wohryzek. Nhưng thay vì đi vào phần ngọn của vấn đề, ông lại lần về quá khứ để tâm tình, biện giải về mối quan hệ với người cha của mình.
Thư gửi bố dài 103 trang viết tay (nguyên tác) đầy nỗi đau với những vết thương tâm lý trong quá trình lớn lên của Franz Kafka. Trưởng thành trong gia đình và người bố độc hại, Kafka vừa kính trọng, yêu thương lại vừa căm ghét, sợ hãi.
Franz Kafka chưa từng gửi bức thư này tới bố mình, ông Hermann Kafka. Tuy nhiên, độc giả có cơ hội đọc Thư gửi bố sẽ hiểu thêm về cuộc đời của Kafka, vừa xúc động với áng văn chương hết sức độc đáo.
Bên cạnh Thư gửi bố, những tác phẩm nổi tiếng khác của Franz Kafka như Hóa Thân, Vụ Án, Lâu Đài vẫn khiến khán giả ngày nay say mê.
Thư chết - Linda Lê
Rời Việt Nam năm 14 tuổi, hành trang Linda Lê mang theo khi đến Pháp là hình ảnh về nỗi cô đơn của bố mình. Để rồi sau đó, hình ảnh người cha nơi quê nhà cứ trở đi trở lại, ám ảnh trong những trang viết của bà.
Thư chết là tác phẩm khắc sâu nỗi nhớ cha của Linda Lê. Ngay từ đầu tác phẩm, bà đã thông báo về cái chết của cha mình. Nỗi nhớ sống dậy, người chết cũng vì thế mà đội mồ sống lại đầy ám ảnh, buồn thương, day dứt. Bà gọi đó là nhục hình Mézence, “Tức là bị buộc vào một người chết, tay áp tay, miệng kề miệng, trong một nụ hôn buồn."
Dọc hành trình của cuốn sách, cũng là của lá thư tay gửi đến người đã khuất, Linda Lê lần tìm lại ký ức tuổi thơ vui tươi đối lập với hiện thực đầy u ám. Những hình ảnh Việt Nam thân thuộc cùng dần hiện ra, rất nhiều tươi đẹp mà buồn đau cũng không ít.
Nhà phê bình Norbert Czarny từng nhận định: “Người đọc sẽ nhầm nếu chỉ nhận ra trong Thư chết câu chuyện bệnh hoạn hay u tối. Cuốn sách tang tóc này còn là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất, một thiên đường không bao giờ tình tứ, vốn được dệt nên bởi tình yêu giữa đứa trẻ và cha của nó.”
Thư chết rất mỏng, một bán tự truyện được viết dưới hình thư hư cấu với những dòng độc thoại nội tâm ám ảnh. Ngoài Thư chết, hình ảnh người cha còn được Linda Lê tái hiện nhiều lần trong các tiểu thuyết Vu khống, và đặc biệt là Tiếng nói.
Thư gửi Mina - Thuận
Thư gửi Mina là một tác phẩm mang đầy tính cá nhân của Thuận. Dù cho những tác phẩm của bà đều cá nhân một cách không ngờ, nhưng Thư gửi Mina vừa bạo dạn, riêng tư, vừa mạnh mẽ nhất.
Thuận có thể khiến người ta mủi lòng trong chuyện "bá đạo" nhưng cũng khiến họ ngặt nghẽo trong từng cảnh đời côi cút nhất. Đó là cái hay, cái lạ trong ngòi bút của bà. Ngoài giọng văn đáo để, một điểm khác cũng đặc trưng của Thuận là nhạc tính.
Tính nhạc trong Thư gửi Mina được Thuận thể hiện qua những chi tiết hay câu từ lặp đi lặp lại. Nữ nhà văn nhắc lại nhiều lần về nhà thơ gốc Nam Định, vở kịch hai hồi với nhân vật Vĩnh, cuộc gặp với mụ Jenny. Trên tất cả đó, Thuận luôn nhấn mạnh về bản chất của sự sáng tạo.
Viết như thực hành một trò chơi ngôn ngữ, chính là điều mà Thuận đã làm rất tốt trong Thư gửi Mina. Nhưng ở bên dưới và ở bên trong ngôn ngữ ấy lại không hề là một tâm thế chơi để cho vui.
Thuận đã lách vào được một số khía cạnh sâu thẳm nhất của đất nước mình, cộng đồng mình và thời đại bà đang sống.