Nước Nhật thay đổi thế nào sau vụ ám sát Abe Shinzo?
Khi cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo rời nơi ở vào sáng ngày 08/07, có lẽ ông đã trông đợi một ngày bình thường: gặp mặt cử tri, vận động tranh cử - những công việc ông đã làm trong 20 năm qua. Không ai nghĩ rằng ngày làm việc của ông sẽ kết thúc với máu và nước mắt.
Trong quá khứ, nhân loại từng chứng kiến một số vụ ám sát các nguyên thủ quốc gia. Các vụ việc dù không giống nhau nhưng đều để lại vô số hệ quả ảnh hưởng tới cách tư duy và hành động của không chỉ một vài người, mà cả một thế hệ.
Với người Nhật, cái chết của một nhân vật tầm cỡ như ông Abe Shinzo ắt sẽ trở thành một cột mốc lịch sử. Câu hỏi đặt ra là, nước Nhật sẽ thay đổi và phản ứng thế nào trước một sự kiện nghiêm trọng và giật gân có một không hai trong lịch sử quốc gia này thời hiện đại?
Và quan trọng hơn, chúng ta nên nghĩ thế nào về Abe Shinzo cùng di sản mà ông để lại cho người Nhật và thế giới?
Nước Nhật chọn đoàn kết
Thông thường, việc một nguyên thủ bị ám sát có thể đẩy một đất nước, thậm chí một khu vực vào khủng hoảng. Vụ ám sát Kennedy khiến xã hội Mỹ hỗn loạn và đẩy sự chia rẽ đảng phái tại nước này lên cao. Xa hơn nữa, vụ ám sát Thái tử Áo-Hung vào năm 1914 đẩy thế giới vào Thế chiến I.
Trong khi đó, cái chết của Abe Shinzo có hiệu ứng ngược lại. Sự việc trở thành chất keo gắn kết nước Nhật trong một giai đoạn khó khăn.
Vụ việc diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử Thượng viện tại Nhật Bản, gây ra nhiều xáo trộn trong các hoạt động tranh cử. Thế nhưng cuộc bầu cử ngày 10/07 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch như để tuyên bố rằng: nền chính trị Nhật sẽ không chùn bước, người dân Nhật sẽ đoàn kết qua từng lá phiếu.
Dù cái chết của ông không ảnh hưởng nhiều tới kết quả bầu cử, nó khiến mọi hoạt động bầu cử cũng như tưởng niệm trở thành biểu tượng về sự đoàn kết. Người Nhật đi bỏ phiếu không chỉ để “chọn mặt gửi vàng,” mà còn để củng cố và tiếp nối hướng phát triển mà ông Abe đã hoạch định.
Sự đoàn kết cũng thể hiện qua cách người Nhật tri ân ông Abe bất kể lập trường chính trị hay quan điểm về vị lãnh đạo quá cố. Mọi người gạt bỏ bất đồng để cùng tri ân người đã khuất và lên án hành động man rợ của hung thủ.
Nước Nhật: thay đổi, và không thay đổi
Để Nhật Bản không biến thành Hoa Kỳ
Lịch sử nước Nhật đã ghi nhận nhiều vụ ám sát quan chức hoặc chính trị gia. Điều khiến cho cái chết của ông Abe khác biệt nằm ở phương thức gây án: một khẩu súng tự chế.
Nhật Bản là một trong những quốc gia kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới. Nước này không cấm sở hữu súng nhưng tạo ra nhiều vòng huấn luyện và đánh giá trước khi trao quyền sở hữu vũ khí cho công dân.
Vì vậy, tất cả chúng ta đều ngạc nhiên khi một vụ ám sát “kiểu Mỹ” lại xảy ra trên đất Nhật. Một điều trớ trêu là chính người Mỹ đã đặt nền tảng cho chính sách kiểm soát vũ khí ngặt nghèo ở Nhật sau Thế chiến II.
Các quy định nghiêm ngặt đã không thể ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí tự chế. Đó là chưa kể tới việc cảnh sát tìm thấy nhiều vũ khí tự chế và chất nổ tại nhà hung thủ - kẻ đã thừa nhận rằng kế hoạch ban đầu của y là đánh bom.
Thế giới bàng hoàng không chỉ trước bản thân sự việc, mà còn bởi nỗi lo về an ninh công cộng: chế một khẩu súng đơn giản tới vậy sao? Và nếu một sự việc như vậy có thể xảy ra ở một nơi đề cao an ninh công cộng như Nhật Bản, thì ai mà biết vụ ám sát tiếp theo bằng súng tự chế sẽ diễn ra ở đâu?
Vụ việc cho giới chức Nhật thấy rằng vẫn có những lỗ hổng an ninh đằng sau tầng tầng lớp lớp các quy định kiểm soát. Do đó, chắc chắn chính phủ Nhật sẽ đánh giá lại toàn bộ chính sách về vũ khí và an ninh công cộng của mình để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra.
Đi tiếp con đường mà Abe Shinzo đã chọn
Nhiều người tưởng rằng sự ra đi của ông Abe sẽ kết thúc một kỷ nguyên các chính sách, các thiên hướng chính trị, ngoại giao gắn với ông. Thế nhưng điều này không những không xảy ra, mà có vẻ như người dân và giới chức Nhật lại càng thêm tin tưởng vào di sản của Abe Shinzo.
Thủ tướng Nhật Kishida Fumio bày tỏ sự kiên định trong việc tiếp tục các chính sách kinh tế, tiền tệ, và xã hội mà ông Abe từng đề xuất và triển khai. Một trong những điểm nổi bật của kế hoạch kế thừa là đẩy mạnh việc sửa đổi Hiến pháp Nhật và khôi phục quân đội chính quy của nước này.
Đây từng là một kế hoạch không tưởng không chỉ bởi tính phức tạp của vấn đề, mà vì đây là sự thay đổi lớn có liên quan tới nhiều bên, kể cả những thế lực ngoài nước Nhật.
Nhưng hiệu ứng tâm lý từ vụ ám sát không chỉ làm nổi bật quan điểm của ông Abe, mà còn tạo cảm giác rằng việc thực hiện quan điểm ấy nhiều khi trở thành “nghĩa vụ” của ông Kishida với người đã khuất.
Bên cạnh đó, cung cách ngoại giao của ông Abe là một điểm cộng lớn trên chính trường quốc tế. Các nguyên thủ thường tiếp xúc với một Abe Shinzo thân thiện, kiên nhẫn, và nhã nhặn ngay cả khi có bất đồng lợi ích.
Chính phong cách này đã biến ông Abe thành hiện thân của những đức tính Nhật và sẽ được duy trì bởi những người sau ông.
Tiếc thương nhưng không thần thánh hóa
Trước cái chết của một nhà lãnh đạo, sự tưởng niệm dễ biến thành sự tô hồng, dẫn tới việc “phong thánh” cho người đã khuất. Đây là việc mà người Nhật và cộng đồng quốc tế nên tránh, vừa để đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong kỷ nguyên hậu-Abe, vừa để đánh giá chính xác di sản và tầm vóc của vị cố Thủ tướng.
Chúng ta đã nói rất nhiều về những thành tựu mà ông Abe đạt được. Trong nước, ông vực dậy nền kinh tế, định hình bản sắc Nhật Bản thời hiện đại. Ngoài nước, ông là hiện thân của đức tính và quyền lợi của người Nhật, và là một nhân vật quan trọng trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sự nghiệp của ông Abe chỉ toàn sự thành công.
Trước hết, các chính sách kinh tế của ông tiềm ẩn một số nguy cơ dẫn tới suy thoái lâu dài. Tình trạng lạm phát hiện nay tại Nhật vừa là tình trạng chung của nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có thể truy về những sự điều chỉnh tiền tệ và ngân hàng mà ông Abe từng thực hiện.
Phản ứng chậm chạp của ông Abe và nội các trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 đã dẫn tới những làn sóng lây nhiễm tại Nhật Bản. Ông cũng bị chỉ trích bởi hướng đi sai trong việc xét nghiệm, cách ly, và tiêm vaccine.
Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng tới Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, làm tăng chi phí tổ chức lên nhiều lần và giảm ý nghĩa của sự kiện nói chung.
Vị cố Thủ tướng cũng có phần trách nhiệm trong tình hình ngoại giao căng thẳng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, Trung Quốc, và Đài Loan. Ông có nhiều hành động bị phía Trung Quốc coi là khiêu khích, và đã nhiều lần yêu cầu Mỹ can thiệp vào tình hình Đài Loan.
Như mọi nhà lãnh đạo khác, Abe Shinzo cũng chỉ là một con người, và cũng có những sai lầm của riêng mình. Việc liệt kê các điểm trừ trong di sản của ông không nhằm mục đích “vạch lá tìm sâu,” mà để có một cái nhìn đa chiều và đúng đắn về một nhân vật lịch sử quan trọng.
Đó là cách tích cực nhất và ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể làm để tưởng nhớ người đã khuất.