Nước mía có công dụng giải khát vào mùa hè, nhưng những ai không nên uống? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Nước mía có công dụng giải khát vào mùa hè, nhưng những ai không nên uống?

Đây có lẽ là bài viết mà người làm nghệ thuật hay tổ chức sự kiện không dám đọc...
Nước mía có công dụng giải khát vào mùa hè, nhưng những ai không nên uống?

Nguồn: Unsplash

1. Ý nghĩa khác của nước mía là gì?

Nước mía từ lâu đã trở thành món nước giải khát quốc dân, đặc biệt là vào mùa hè oi ả. Trong nước mía có một lượng lớn chất dinh dưỡng như canxi, vitamin A, B1, B2, C... giúp giảm mệt mỏi và phục hồi năng lượng, phù hợp cho những ai thường bị hạ đường huyết, nóng trong người.

Tuy vậy, thức uống này không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang làm trong… lĩnh vực nghệ thuật hay ngành tổ chức sự kiện.

Từ lâu, việc kiêng uống nước mía trước sự kiện là luật bất thành văn của người trong nghề, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam. Mọi người truyền tai nhau rằng nếu lỡ uống món nước này trước giờ G thì sự kiện sẽ gặp sự cố, trục trặc nào đó, mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào lượng nước mía mà ban tổ chức đã uống.

alt
Đoạn phim mà anh chị em làm sự kiện không dám xem | Nguồn: Insight mất lòng

2. Tại sao làm sự kiện thì không được uống nước mía?

Có rất nhiều truyền thuyết, lời đồn đại về quy tắc này và vẫn chưa được xác thực, chỉ biết việc kiêng khem này đã xuất hiện từ các thế hệ nghệ sĩ thời trước, nếu không tuân theo thì sẽ không được tổ đãi.

Một trong những sự tích được truyền tai nhau nhiều nhất là giai thoại về tổ nghề sân khấu. Tương truyền rằng tổ nghề là hai vị hoàng tử trẻ rất mê xem ca hát, đến nỗi quên ăn quên ngủ, kiệt sức và ôm nhau chết. Cả hai đều thích ăn mía và đồ ngọt, nên mỗi khi thấy ai uống nước mía, họ sẽ bị mùi mía làm xao nhãng nên không thể phù hộ cho sự kiện.

alt
Nguồn: Sài Gòn Nghenn

Một câu chuyện khác thì lại nói cây mía là cây gậy của tổ nghề, vậy nên khi ăn mía hay uống nước mía chính là lấy đi cây gậy của ông tổ. Ngoài kiêng nước mía, ngành sân khấu hay sự kiện còn kiêng khem không cho tiền người ăn xin, không cúng tổ quả thị, ăn đồ ngọt…

Điều đáng nói là điều kiêng kị này phần lớn chỉ được áp dụng trong khu vực miền Nam Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, mảnh đất vàng cho các sự kiện âm nhạc. Vẫn chưa rõ tại sao có sự đặc thù này, nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân cũng đã từng chia sẻ trong chương trình Ký ức vui vẻ, chỉ có những nghệ sĩ miền Nam biết và truyền tai nhau về luật nước mía.

Nước mía từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu tại đây, nơi mọi người uống nước mía quanh năm vì khí hậu nắng nóng, hay mía được trồng nhiều nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (Tây Nam Bộ). Phải chăng vì sự gắn bó mật thiết này mà các truyền thuyết về luật nước mía được đồn đại, bàn tán và được áp dụng nhiều hơn?

3. Tại sao luật ngầm mà ai ai cũng biết?

“Tam tai” nước mía trở nên phổ biến sau sự kiện show ca nhạc Những thành phố mơ màng liên tục gặp phải những sự cố về khách mời, thậm chí phải huỷ show bất khả kháng do thời tiết xấu.

alt
Điều này khiến khán giả bình luận vui rằng có ai đó đã đổ… nước mía vào bình nước của ban tổ chức chương trình. | Nguồn: Threads

Trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Threads, người trong nghề nô nức làm meme, chia sẻ những bài học đau thương do trót lỡ giải khát bằng ly nước mía trước khi làm việc.

alt
Những bài học “xương máu” rút ra từ việc lỡ uống nước mía | Nguồn: Cuộc sống Agency

4. Cách dùng “luật” nước mía

Ban tổ chức: Show diễn của chúng tôi tại TP.HCM sẽ tạm ngưng vì lí do thời tiết bất khả kháng. Do thời gian gấp rút, Ban tổ chức cần thời gian để xử lí và sẽ đưa ra phương án giải quyết sớm nhất có thể. Xin gửi lời xin lỗi sâu sắc đến những khán giả đã có mặt hôm nay và mong mọi người có thể thông cảm cho chương trình!

Cộng đồng mạng: Là ai? Là ai đã đổ nước mía vào bình nước của ban tổ chức?