Ở nhà quá lâu, cẩn thận mụn cơ thể!
Mụn cơ thể là gì?
Mụn cơ thể là hệ quả của việc nang lông sản xuất quá nhiều dầu nhờn, khiến lỗ chân lông bị tắc và viêm nhiễm, từ đó làm mụn xuất hiện. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mụn cơ thể còn đến từ một số yếu tố nguy cơ khác như: di truyền, rối loạn nội tiết tố hoặc căng thẳng, áp lực.
Mụn cơ thể sẽ xuất hiện ở những vùng da tiết nhiều dầu như giữa ngực hay vùng lưng trên. Mông cũng là vùng cơ thể thường bị kích ứng bởi sự ma sát từ những chiếc quần bó và tuyến mồ hôi bị bí tắc.
Đặc biệt, Claire Chang, một bác sĩ da liễu tại New York cho biết cô đã tiếp nhận số ca mắc mụn cơ thể nhiều hơn bao giờ hết sau thời kỳ đại dịch.
Nguyên nhân khiến mụn cơ thể xuất hiện nhiều trong thời kỳ giãn cách
Cảm xúc bất ổn, lối sống tù túng trong đại dịch cũng đang góp phần làm gia tăng sự xuất hiện của mụn cơ thể. Trong đó, lưng và mông là hai vị trí thường xuyên gặp phải tình trạng viêm da nhất.
Nguyên nhân gây mụn mông
Mona Gohara, Phó Giáo sư lâm sàng về Da liễu tại Trường Y Yale cho rằng việc ngồi nhiều khi WFH sẽ gia tăng mức độ ma sát trên mông, khiến vùng này bị nổi mụn nhiều hơn. Cho dù bạn có ngồi trên một cái ghế làm việc đúng chuẩn hay sofa trong thời gian dài đều có thể dẫn đến kích ứng da và nổi mụn.
Không những thế, thói quen tập thể dục tại nhà cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mụn mông. Ở nhà, trong tình trạng thoải mái và không có người lạ, ta thường “lười” hơn, mặc nguyên bộ đồ ướt đẫm mồ hôi một thời gian dài trước khi tắm rửa, thay đồ.
Điều này sẽ khiến mồ hôi gây tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn đến sản sinh mụn mông nhanh chóng.
Jamie MacKelfresh, Phó Giáo sư Da liễu tại Trường Y ở Atlanta cho biết có 4 tình trạng mụn mông mà chúng ta thường gặp phải:
-
Viêm nang lông: Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm men hoặc nấm gây kích ứng nang lông hoặc tắc nghẽn nang lông. Nguyên nhân phổ biến là do mồ hôi bị tắc nghẽn và quần áo ma sát mạnh với da.
-
Bệnh hậu bối, mụn nhọt: Tình trạng một nhóm nhọt đỏ, sưng được gắn kết với nhau dưới da và và gây đau nhức. Vi khuẩn tụ cầu là thủ phạm phổ biến nhất gây ra mụn nhọt ở mông.
-
Dày sừng Pilaris: Những nốt sần nhỏ, màu đỏ, nâu hoặc màu da và không gây đau nhức. Tình trạng dày sừng trên mông này thường lành tính và không gây nhiều nguy hại.
-
Viêm da tiếp xúc: Tình trạng viêm da cấp tính do các chất gây kích ứng (chất bảo quản, hóa chất mỹ phẩm) hoặc dị ứng với khăn lau, quần áo.
Nguyên nhân gây mụn lưng
Sau vùng mặt, lưng là vị trí dễ phát sinh mụn trên cơ thể. Thực tế, mụn lưng là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng hệ tiêu hóa hoặc hệ nội tiết của bạn đang gặp vấn đề.
Bên cạnh đó, giãn cách trong thời gian dài khiến chúng ta đang dần kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Từ đó, việc chăm sóc cơ thể không còn được chú ý nhiều như trước.
Ngày trước, ta có thể đến spa để tẩy tế bào chết toàn thân hằng tuần. Lưng còn được chăm sóc kỹ hơn đối với những cô gái thích diện những trang phục hở lưng. Còn bây giờ, chiếc lưng lại bị chúng ta bỏ bê trong suốt thời gian WFH.
Những tình trạng mụn lưng thường gặp là:
-
Mụn đầu trắng, đầu đen.
-
Mụn mủ, nhọt.
-
Nốt sần.
-
U nang.
-
U lành tính.
Những nguyên nhân khác
Chế độ ăn uống cũng góp phần khiến cơ thể nổi mụn nhiều hơn. Không chỉ riêng đồ ăn cay nóng, chúng ta đều biết đại dịch khiến thói quen ăn uống thay đổi không ít.
Chẳng hạn như: giờ ăn không ổn định, thường xuyên ăn đồ ngọt, không chăm chút vào chất lượng các bữa ăn,... Những yếu tố này đều có thể gây mụn trên cơ thể.
Cuối cùng, những tổn thất về cảm xúc trong thời kỳ giãn cách cũng được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến mụn cơ thể bùng phát. Bởi khi cơ thể căng thẳng, trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận sẽ hoạt động nhiều hơn, sản sinh lượng cortisol ở mức cao và gây mụn.
Cách khắc phục mụn cơ thể
Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng mụn trên lưng, mông hay những vùng khác chính là nhẹ nhàng và chăm sóc cơ thể thật kỹ. Chúng ta chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, từng chút một và bạn sẽ trải nghiệm được sự khác biệt rõ rệt.
Vận động cơ thể để giảm căng thẳng
Bước đầu tiên là tìm cách giảm bớt căng thẳng bằng các bài tập Yoga, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày. Nhưng đừng quên thay quần áo sau mỗi lần tập. Đồng thời, việc cân bằng dinh dưỡng và bổ sung nhiều nước, trái cây, rau củ cũng cần được quan tâm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo những cách khác để "giải stress" cho làn da trong những ngày giãn cách.
Thay đổi thói quen WFH
Đối với tình trạng mụn mông do ma sát, hoặc ngồi nhiều, bạn có thể điều chỉnh bằng cách lót đệm trên ghế và mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt khi WFH.
Bạn nên hạn chế mặc chất liệu như len, nylon hay sợ nhân tạo spandex bởi chúng có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng. Thay vào đó, hãy lựa chọn quần áo từ cotton thoáng mát.
Sử dụng sản phẩm chăm sóc da mụn
Chăm sóc vùng da dễ nổi mụn, thường xuyên dùng tẩy tế bào chết có chứa axit salicylic, axit glycolic, hay axit lactic để làm sạch sâu da và ngăn ngừa lỗ chân lông tắc nghẽn. Tuy nhiên, đừng tẩy da chết vật lý bằng việc kỳ cọ quá kỹ hoặc dùng xơ mướp để tránh làm tổn thương vùng da mụn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm có chứa Benzoyl Peroxide. Đây là thành phần có tác dụng tốt nhất đối với các vết sưng tấy như viêm nang lông, mụn trứng cá.
Những thành phần tự nhiên có tính kháng khuẩn cao như trà xanh cũng là sự lựa chọn không tồi dành cho những làn da hay nổi mụn.