10 Thg 11, 2021ĂnOpinion

Omsom: Nỗ lực gỡ nhãn “ethnic” khỏi ẩm thực châu Á

Dù sinh ra và lớn lên tại Mỹ, những quầy thực phẩm “ethnic" - nhãn mác thực phẩm của người nước ngoài - khiến chúng tôi thấy mình luôn bị phân biệt.

Kim Pham
Chúng tôi đã thành lập Omsom với sứ mệnh: Khẳng định và tôn vinh sự đa màu trong hương vị và câu chuyện của người Mỹ gốc Á. | Nguồn: Mischelle Moy

Chúng tôi đã thành lập Omsom với sứ mệnh: Khẳng định và tôn vinh sự đa màu trong hương vị và câu chuyện của người Mỹ gốc Á. | Nguồn: Mischelle Moy

Là người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên và sinh ra trong gia đình mà bố mẹ là những người tị nạn, tôi lớn lên với nỗi xấu hổ âm thầm về các món ăn của dân tộc mình.

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã biết rằng những món ăn hằng ngày của gia đình mình hoàn toàn khác biệt với bạn bè đồng trang lứa. Khi đi học, có ai đó thấy món chà bông trong hộp cơm của tôi và thét lên giữa căng tin: “Trời ơi, lông mèo kìa!” Những lời trêu chọc không ngừng khiến tôi càng xấu hổ với ẩm thực quê nhà. 

Sự tủi hổ này còn dần ngấm vào thói quen mua sắm của chúng tôi. Để tìm được các sản phẩm hoặc thực phẩm quê hương, chúng tôi phải đến mua tại các siêu thị châu Á, hoặc chỉ có thể tìm trong quầy hàng “ethnic” - quầy “dành cho người nước ngoài” ở các siêu thị lớn. Một đứa trẻ như tôi không hiểu sao luôn thấy buồn tủi khi đứng trước một gian kệ nhỏ và ít đồ, nằm lọt thỏm giữa siêu thị rộng lớn.

Một khu vực riêng biệt bày bán nguyên liệu ẩm thực ngoại quốc

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu về lịch sử của quầy hàng “ethnic” (được hiểu là các quầy thực phẩm được phân loại dựa theo dân tộc hoặc nền văn hoá) này. Các siêu thị mà chúng ta biết hiện nay bắt đầu xuất hiện từ những năm 1930s, thay cho những hộ kinh doanh độc lập hoặc thuộc sở hữu gia đình.

Vào giữa thế kỷ 20, khi những người lính tham chiến trong Thế chiến II ở nước ngoài trở về, họ mang theo nguyên liệu và khẩu vị từ những vùng đất xa lạ. Sự thích thú khám phá những nguyên liệu ngoại quốc dần lan rộng, thúc đẩy sự ra đời của quầy “ethnic” để đáp ứng nhu cầu đang lên này. Từ đó, các quầy hàng hóa “ethnic” chủ yếu để phục vụ người da trắng ở vùng ngoại ô.

Nhưng “ethnic” ở đây nghĩa là gì? Theo giáo sư Krishnendu Ray của Trường đại học New York, tác giả của cuốn sách The Ethnic Restaurateur, “ethnic” đã trở thành một thuật ngữ chỉ chung các loại thực phẩm không phải của người da trắng hoặc da đen. Quầy “ethnic” là một biểu hiện của sự phân biệt các nền văn hoá khác, của sự tách biệt và “bất thường” — một cách hành xử rất “Mỹ.” 

Tuy nhiên, Ray cũng lưu ý rằng, “Khi chúng ta phân loại thực phẩm theo dân tộc (ethnic), chúng ta không chỉ thể hiện sự phân biệt, mà còn đang hạ thấp giá trị của dân tộc đó”. Sự tồn tại của quầy hàng này còn mang lại hàm ý rằng thực phẩm ngoại quốc thường rẻ hơn và ít giá trị hơn.

Định kiến này còn lan rộng đến các nhà hàng, khiến họ luôn phải đối mặt với một mức giá trần mà người ngoài gán vào để đánh giá chất lượng nấu nướng của nhà hàng đó. Ví dụ như chỉ có những nhà hàng châu Á giá rẻ mới bán đồ ăn ngon và chuẩn vị.

Đáng chú ý nhất, là toàn bộ cuộc nói chuyện này hoàn toàn xoay quanh quan điểm của người da trắng, và một món ăn hay nguyên liệu được xem là “ethnic” hay không là phụ thuộc vào họ.

Ví dụ như ẩm thực của vài cộng đồng người châu Âu như Ý và Hy Lạp thì không hề bị gắn mác “ethnic”.  Lý do là vì những cộng đồng người này đã nhập cư vào Mỹ từ rất sớm, cuối những năm 1880, nên nền văn hoá và ẩm thực của họ đã trở nên quá quen thuộc với người da trắng tới mức không cần phân biệt “dân tộc". 

Dù có đến 1/3 dân số Hoa Kỳ là người nhập cư và con cái của họ, nhưng các quầy hàng “ethnic” tại các siêu thị lớn cũng xuất hiện ở nhiều cộng đồng da màu khác. Tuy nhiên, yếu tố con người tại đất nước này cũng đang thay đổi. Theo Trung tâm Tăng trưởng Kinh tế Selig (Selig Center for Economic Growth), vào năm 2018, sức mua của cộng đồng thiểu số đạt 16 nghìn tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng lên 19 nghìn tỷ vào năm 2023. Đặc biệt, sức mua của người Mỹ gốc Á đang có dấu hiệu tăng nhanh, dự kiến sẽ tăng 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2023 (theo Nielsen).

Sự phát triển kinh tế và bùng nổ trong cộng hưởng văn hóa là một tín hiệu đáng mừng. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã thành lập Omsom với sứ mệnh: Khẳng định và tôn vinh sự đa màu trong hương vị và câu chuyện của người Mỹ gốc Á, những điều vốn bị lu mờ bởi những xu hướng phổ biến khác tại nước Mỹ.

Chúng tôi ưu tiên triệt để tính toàn vẹn văn hóa, và lấy người Mỹ gốc Á làm trọng tâm cho hoạt động kinh doanh của mình. Khi tạo ra các loại nước sốt cho thực phẩm châu Á, chúng tôi sẽ hợp tác với một đầu bếp nổi tiếng của nền ẩm thực đó. Người đầu bếp này sẽ tham gia trong mọi khâu sản xuất, từ đồng sáng tạo công thức đến trực tiếp tìm kiếm các nguyên liệu đặc sản của châu Á.

Không như các doanh nghiệp CPG (Consumer Package Goods: Hàng tiêu dùng đóng gói) thường chỉ trả phí tham gia một lần duy nhất, Omsom sẽ trả cho các Tastemakers (những người hay sản phẩm định vị xu hướng văn hóa) một khoản phí bản quyền, dựa trên tổng doanh thu của các sản phẩm mà chúng tôi đồng chế tạo.

Chúng tôi tin rằng, khi mọi người được tưởng thưởng xứng đáng với công sức của họ thì sẽ tạo ra bàn đạp nâng tầm lợi ích chung lên cao. 

Hiện nay, khi rất nhiều chủ nhà hàng và doanh nhân thuộc các thế hệ đầu tiên của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đạt được những thành tựu nổi bật ở xứ cờ hoa, chúng tôi tự tin khẳng định rằng: Đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của các quầy hàng “ethnic”.

Theo David Chang, đây không còn là vấn đề về sự “chấp nhận” nữa, mà các quầy hàng này là minh chứng cho những quan điểm và phong tục ăn uống cổ hủ ở nước Mỹ.

Sự tồn tại của các quầy hàng “ethnic” cho thấy cách cộng đồng chúng ta đánh giá giá trị và vị trí của các nền ẩm thực này trên bàn ăn của người Mỹ. Dù các thương hiệu thực phẩm không-phải-của-người-da-trắng vẫn luôn bùng nổ và phát triển, nhưng thật không công bằng khi chính cộng đồng chúng tôi phải “đòi hỏi công bằng” cho các món ăn của dân tộc mình.

Chúng tôi không yêu cầu một cuộc cải cách, mà chỉ cần một sự thay đổi nhỏ để bình thường hóa ẩm thực quê nhà nơi đất khách, chẳng hạn như bày bán các loại gia vị châu Á chung với quầy bán tương cà và mù tạt.

Tương lai của đa dạng khẩu vị tại Mỹ

Chúng tôi hy vọng, trong tương lai, các quầy hàng sẽ không còn được phân biệt theo dân tộc hay văn hoá, mà cần theo chức năng. Chẳng hạn, gochujang (tương ớt Hàn Quốc) thuộc về quầy đồ sốt như mayonnaise và achaar; còn bánh phở sẽ được đặt cạnh mì ống và miến khoai lang.

Việc tái định hình không gian của các siêu thị để bình đẳng ẩm thực hơn sẽ tạo cơ hội khám phá và thử nghiệm nhiều hương vị mới mẻ — cho cả người tiêu dùng từ mọi nơi trên thế giới, cũng như các nhà sản xuất và nghệ nhân không phải người da trắng.

Chuyển ngữ bởi Thảo Vân và Bích Trâm


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục