Mua sắm thông minh bằng cách hiểu thấu 5 app sau
Shopee dành cho dân shopping “lão làng” hoặc muốn trở nên “lão làng”. Còn Lazada và Tiki là dành cho những người chuộng lối “sống chậm, sống chắc”.
Giữa một ‘rừng’ các ứng dụng e-commerce đều tranh nhau đáp ứng xu hướng mua sắm chung là “cái gì cũng có” và “cái gì cũng rẻ”, vậy người dùng cần biết gì thêm để lựa chọn?
Shopee
Từ 2015 đến nay Shopee đã từng bước leo lên đỉnh chỉ với slogan "Ở đâu rẻ hơn Shopee hoàn tiền" đã đánh đúng vào tâm lý của đa số người tiêu dùng.
Nếu người dùng chứng minh được sản phẩm ở nơi khác rẻ hơn trên ứng dụng, Shopee sẽ hoàn tiền chênh lệch bằng Voucher khuyến mãi.
Điều này chứng tỏ rõ một điều: Shopee luôn đảm bảo cho khách hàng mức giá ‘hời’ nhất.
Giao diện của Shopee tràn ngập các chương trình khuyến mãi gồm khung giờ săn sale, deal chỉ từ 1K, freeship,... đặt từ banner trượt phía trên, banner ở giữa và các mục dọc theo quá trình lượt.
Tuy nhằm mục đích hấp dẫn người dùng bằng việc luôn có ưu đãi, đôi khi giao diện này vẫn bị đánh giá là khá rối và ngợp.
Điểm mạnh
Shopee có chức năng Shopee Live để tối ưu hoá quá trình buôn bán và mua sắm của người dùng.
Ban đầu hoạt động theo mô hình C2C (người dùng với người dùng), nên Shopee dồn hết sự đầu tư vào tính năng chat trực tiếp với người bán. Nhờ đó, đến nay, Shopee nổi tiếng với tính tương tác giữa người bán và người mua cao.
Có lượng người tiêu dùng lớn nhất, nên các nhà bán hàng luôn ưu tiên chọn mở ‘shop’ trên Shopee. Vì vậy, cùng một mặt hàng bạn có thể tìm được nhiều cửa hàng với mức giá cạnh tranh.
Thanh toán linh hoạt: hiện nay Shopee hỗ trợ hầu như toàn bộ hình thức thanh toán. Đặc biệt, với những người dùng AirPay, họ còn nhận được nhiều voucher hàng tháng.
Mở rộng mô hình B2B (Doanh nghiệp với người tiêu dùng): Shopee Mall được ra mắt và cho phép đổi trả lên đến 7 ngày (thay vì 24h như hình thức C2C).
Điểm trừ
Người bán đăng sản phẩm khá tự do. Khách mua thường đắn đo rất lâu để quyết định mua một hàng.
Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người mua cần thận trọng tham khảo, tỉnh táo so sánh các cửa hàng. Chờ đợi để nhận hàng tận tay cũng là một quá trình thấp thỏm không kém.
Lazada
Lazada là một trong 3 ông lớn ngành e-commerce tại Việt Nam đã góp phần thay đổi được thói quen mua hàng của người Việt Nam. Ngoài việc hiển thị chương trình ưu đãi ít và gọn gàng hơn, giao diện của Lazada không có nhiều sự khác biệt.
Nhìn chung, các tính năng bên trong ứng dụng ưu tiên nhiều hơn về B2B ví dụ như LazMall, Siêu thị Lazada, LazQuốcTế
Điểm mạnh
Khâu kiểm duyệt khi đăng ký bán hàng trên Lazada khá gắt gao. Nên chất lượng sản phẩm đầu ra tốt hơn. Khách hàng cũng vì thế mà cảm thấy an tâm hơn.
Lazada luôn đứng trung gian giữa người bán và khách hàng. Nếu phát hiện sản phẩm kém chất lượng hoặc không chính hãng, khách hàng hoàn toàn có thể đổi trả. Ngoài ra, cách xử lý khiếu nại của Lazada được nhận xét chung là khá tốt và thoả đáng.
Điểm trừ
Về phía bán hàng, vì thuộc quản lý bởi công ty nước ngoài nên quy trình đăng ký gian hàng của người dùng khá phức tạp, thủ tục khắt khe và thời gian chờ lâu.
Về phía người mua hàng, giá cả của sản phẩm trên Lazada thường ‘nhỉnh’ hơn cao, dẫn đến việc giá sản phẩm cũng cao hơn. Vì vậy Lazada thường chạy các event giảm giá để cân bằng lại giá so với thị trường
Tiki
Khởi điểm ban đầu là bán sách trực tuyến, Tiki thành công trong việc giúp người Việt làm quen với một hình thức mua sắm mới một cách bài bản.
Nhận diện thương hiệu của Tiki cao. Khi cần mua sách, mọi người thường nhớ ngay đến Tiki. Sau đó nhận được khoản đầu tư lớn từ VNG và tập đoàn công nghệ JD.com, Tiki chính thức bước chân vào sàn thương mại điện tử.
Điểm mạnh
Giao diện của Tiki tinh giản và thân thiện hơn hẳn Shopee và Lazada. Họ không ôm đồm quảng cáo, mà chỉ cho hiển thị phần giá sốc hôm nay ở giữa trang.
Thời gian giao hàng rất nhanh và thậm chí thường nhanh hơn hẳn dự kiến, dao động từ 1 đến 2 ngày.
Tiki tận dụng nguồn vốn của mình để đầu tư vào TikiNow tạo ưu thế hơn các đối thủ trên thị trường. Dành cho những ai không mua gói hội viên, bạn vẫn hưởng được lợi ích giao nhanh 2 trong giờ nếu sản phẩm của bạn tìm có áp dụng.
Khi mua gói hội viên với chi phí 339.000/năm, người dùng được giao hàng miễn phí, giao nhanh, giảm giá thêm 15% và thậm chí là ưu đãi mua bảo hiểm FWD.
Điểm trừ
Cũng như Lazada, thủ tục để kinh doanh khá rườm rà, yêu cầu người bán là doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh.
Vì vậy, so với Shopee, mặt hàng trên Tiki còn ít, chưa đủ đa dạng. Phí bán hàng cũng khá cao nên giá cả của các sản phẩm cũng 'nhỉnh' hơn.
Sendo
Là dự án của tập đoàn FPT được thành lập từ 2012, hiện nay Sendo đang nằm trong top 4 những app mua sắm có lượt tải về cao nhất ở Việt Nam.
Giao diện của Sendo hiển thị nhiều nội dung, thoả mãn nhu cầu ‘săn deal’, nhưng đôi khi gây rối mắt cho người dùng. Để hưởng ưu đãi tối đa, mọi người có thể tranh thủ liên kết với ví SenPay.
Điểm mạnh
Mặt hàng nổi trội của Sendo là thời trang. Lượng sản phẩm nhiều và chất lượng. Nghĩ đến mua sắm quần áo, mọi người có sự tin tưởng với Sendo hơn các ứng dụng khác.
Ứng dụng luôn liên tục cải thiện trải nghiệm từ tinh giản hoá quy trình bán hàng, mua hàng cho đến việc hỗ trợ người dùng ở hai phía.
Điểm trừ
Hệ thống hay lỗi vào các dịp sự kiện lớn. Các chương trình vận chuyển chưa đa dạng. Và đơn ảo còn nhiều do hệ thống chưa tối ưu.
Chợ Tốt
Được hình thành là mô hình C2C, nên hình thức chủ yếu trên Cho Tot là "rao vặt". Người dùng tự đăng thông tin và kiểm duyệt đơn giản.
Chủ yếu mặt hàng chính của chợ tốt là: Đồ điện tử, Xe máy, Bất động sản ngoài còn có thông tin việc làm, cho thuê phòng trọ v.v....
Điểm mạnh
Ứng dụng vô cùng dễ sử dụng. Muốn mua hàng, bạn chỉ cần tra theo từng hạng mục đã được phân chia rõ ràng. Muốn bán hàng, bạn chỉ cần click vào ‘Tôi Bán’ và đăng tải mặt hàng cần bán.
Tập trung khai thác các mặt hàng đặc trưng này, Chợ Tốt dường như là nơi đầu tiên mọi người nghĩ đến khi cần mua-bán xe, nhà và hàng secondhand.
Ứng dụng luôn cập nhật thêm nhiều tính năng mới, giúp người dùng có thể so sánh được giá sản phẩm so với thị trường đồ đã qua sử dụng .
Nguồn: Chợ Tốt.
Điểm trừ
Độ ổn của app chưa cao, thường bị sự cố và yêu cầu người dùng phải cập nhật thường xuyên.
Vì tính chất của hình thức rao vặt và các mặt hàng giá trị cao. Người bán và người mua tự thỏa thuận với nhau, sau đó kết thúc bằng hình thức giao dịch trực tuyến. Nên nhìn chung quá trình mua bán khá dài dòng và bất tiện.
Chất lượng sản phẩm cũng không có kiểm định trước, nên sẽ mất công khi bạn phải tự kiểm hàng trước khi giao tiền. Bạn cũng phải chuẩn bị cả tinh thần để chấp nhận rủi ro nếu sản phẩm không như ý.
Kết
Mô hình thương mại điện tử hiện nay gồm C2C (người dùng với người dùng), B2B (doanh nghiệp với người dùng).
Shopee đang đứng đầu do đầu tư và thành công nhờ vào C2C. Lượng người dùng cao giúp danh sách mặt hàng và mức giá đa dạng hơn hẳn.
Còn những app áp dụng mô hình B2B, họ có hệ thống quản lý gắt gao hơn. Các sản phẩm thường bảo đảm về mặt chất lượng, nhưng lại có giá cao hơn.
Nói vui, Shopee dành cho dân shopping “lão làng” hoặc muốn trở nên “lão làng”. Còn Lazada và Tiki là dành cho những người chuộng lối “sống chậm, sống chắc”.