Ông Biden tới Việt Nam và 4 thuật ngữ về các chuyến thăm của nguyên thủ
Khi bắt đầu nhậm chức Tổng thống Mỹ, chắc hẳn ông Joe Biden mong muốn làm nhiều điều. Tới cuối nhiệm kỳ của mình, ông Biden đã có thể gạch đi một dòng trong to-do-list của các thế hệ nguyên thủ Mỹ gần đây: tới thăm Việt Nam, khiến người Việt xôn xao, và gây ra một đợt kẹt xe “nho nhỏ” tại Hà Nội.
Tất cả các Tổng thống Mỹ từ năm 2000 cho tới nay đều đã công du tại Việt Nam ít nhất một lần. Kể từ người khởi đầu là ông Bill Clinton, thì ông Biden là Tổng thống thứ 5 tới nước ta. Đó có thể là một chuyến viếng thăm theo lời mời từ phía ta như ông Obama và ông Biden, hoặc là tham gia sự kiện quốc tế và “tiện đường công tác” như ông Trump hay ông Bush.
Cộng đồng mạng đang nóng lòng đoán xem ông Biden sẽ làm gì trong ngày cuối ở Việt Nam. Có người nói, không biết ông sẽ ăn bún hay ăn phở, ăn xôi Hàng Mã hay bánh cuốn dốc Hòe Nhai. Người khác thì bảo rằng chẳng biết ông có định… lẩy Kiều hay không. Trong lúc chờ đợi những động thái tiếp theo, cùng nhìn qua bốn thuật ngữ sau đây để hiểu về những chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia tới đất nước khác nhé.
1. State visit - Nước này vi vu nước khác
State visit có nghĩa là chuyến thăm cấp nhà nước - thuật ngữ mô tả hình thức thăm viếng ngoại giao cấp cao nhất. Một chuyến thăm cấp nhà nước sẽ có sự góp mặt của nguyên thủ quốc gia, điều này giúp phân biệt với những chuyến đi ngoại giao ở cấp thấp hơn do những cá nhân ở các cấp độ thấp hơn đại diện, ví dụ như Phó Thủ tướng, Đại sứ, hoặc Bộ trưởng.
Bởi tính chất cao cấp của nó và long trọng của nó nên một chuyến thăm cấp nhà nước sẽ có những chương trình tiếp đón phiên bản “premium.” Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có những nghi lễ nghiêm trang nhất, nguyên thủ sẽ được tiếp đón ở những địa điểm có tính biểu tượng lớn nhất.
2. Comprehensive Strategic Partnership - Mặn nồng tình cảm xóm giềng
Comprehensive Strategic Partnership - tức đối tác chiến lược toàn diện, là một trong nhiều thuật ngữ mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia. So với “đối tác chiến lược” và “đối tác toàn diện,” thì “đối tác chiến lược toàn diện” là quan hệ ngoại giao song phương ở cấp độ cao nhất.
Việc bước vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng đồng nghĩa rằng hai quốc gia sẽ phối hợp và song hành với nhau ở nhiều khía cạnh, từ chính trị tới văn hóa, từ kinh tế tới giáo dục, v.v. Nó khác mối quan hệ đối tác chiến lược ở chỗ loại quan hệ này hẹp hơn rất nhiều và được thiết lập trên nền tảng hai nước có chung một mục tiêu về một hay một số vấn đề, và chỉ hợp tác chuyên sâu ở những khía cạnh đó.
Bản chất của đối tác chiến lược cũng khác với đối tác toàn diện, vốn ám chỉ sự kết hợp diện rộng, nhưng không mang tính chiến lược và chuyên sâu như hai loại quan hệ ngoại giao kia. Do đó, ta có thể hiểu đối tác chiến lược toàn diện là “lưỡng long hợp thể” của đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.
Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã xác lập đối tác chiến lược vào năm 2013. Ông Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất nâng tầm mối quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện - một thành tựu ngoại giao của cả hai nước.
Trước Mỹ, có bốn quốc gia khác là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), và Hàn Quốc (2022).
3. Culinary diplomacy - Tình đoàn kết của những chiếc bụng
Dạ dày là con đường ngắn nhất để tiến tới tình yêu! Culinary diplomacy, tức ngoại giao ẩm thực, là một phương thức ngoại giao mà trong đó các món ăn được đưa ra để làm cầu nối cho sự thấu hiểu về văn hóa và tập quán của nước bạn.
Đây là lí do khiến nhiều nguyên thủ dù bận tới đâu cũng phải tranh thủ “oánh chén” một món địa phương nào đó khi tới thăm nước bạn. Việc trực tiếp dùng bữa tại một quán ăn bình dân vừa giúp họ hiểu về nhịp sống địa phương, vừa tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo dân dã và thân thiện. Và lại còn được ăn ngon nữa chứ, làm được thì tội gì không làm!
4. Joint statement - Ta nói gì khi nói về nhau
Joint statement, tức tuyên bố chung, là văn bản thông báo những điều mà hai hay nhiều đoàn đại biểu đã nhất trí sau một hay một chuỗi các cuộc gặp mặt. Ta có thể coi tuyên bố chung là bản tóm tắt các cuộc họp của các bên, thể hiện sự thống nhất quan điểm giữa các quốc gia về các chủ đề đã bàn luận.
Trong những cuộc thảo luận song phương như cuộc gặp của ông Biden với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì các tuyên bố chung đưa ra khá dễ dàng, bởi các vấn đề đã được hai bên đề ra từ trước với mức độ đồng tình nhất định. Tuy nhiên, ở những hội nghị quốc tế có nhiều quốc gia tham dự với những mục tiêu riêng, thì việc đưa ra tuyên bố chung cần phải thông qua rất nhiều bước.
Trong một số trường hợp, một quốc gia hoàn toàn có thể ngăn chặn việc đưa ra tuyên bố bằng cách không phê duyệt, nếu như đại diện nước đó cảm thấy văn bản có thể bất lợi cho nước mình, hoặc không thể hiện những tiêu chí mà các bên đã thỏa thuận. Ví dụ, đại diện của Nga tại hội nghị G20 năm nay đã đe dọa sẽ ngăn cản tuyên bố chung nếu trong đó không thể hiện lập trường về vấn đề Ukraine.