Singapore: Công nghệ cùng sát cánh chống dịch Covid-19
Công nghệ và trí thông minh nhân tạo giúp chính phủ Singapore quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn, mà vẫn giảm thiểu tiếp xúc vật lý.
Singapore biến những điểm tiếp xúc phi vật lý thành lợi thế
Tại sự kiện TravelRevive, bộ trưởng bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore - Chan Chun Sing đã khẳng định phương thức ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của Singapore là “quản lý rủi ro” (risk management) thay vì “loại bỏ rủi ro” (risk elimination). Theo ông, không một quốc gia nào có thể tự tin vào khả năng loại bỏ hoàn toàn rủi ro về dịch bệnh.
Cách tiếp cận của chính phủ Singapore là hạn chế sự tiếp xúc vật lý giữa người và người trong khi duy trì tính chính xác và nhạy bén trong công tác quản lý. Để làm được điều này, chính phủ Singapore đã chuyển đổi vai trò của công nghệ hiện đại và trí thông minh nhân tạo từ công cụ hỗ trợ cho con người sang thành nguồn lực chính cho việc triển khai cách tiếp cận này.
Vì thế, từ vị trí là công cụ hỗ trợ cho con người, công nghệ và trí thông minh nhân tạo trở thành nguồn lực chính để thực thi những chính sách. Với những kết quả đạt được trong công cuộc ứng phó dịch Covid-19 thông qua công cụ và nền tảng công nghệ, Singapore đã vươn lên vị trí đầu bảng xếp hạng Smart City Index năm 2020.
Phát huy toàn bộ tiềm lực công nghệ của mình, Singapore nhanh chóng thiết lập lại trật tự an sinh toàn quốc để tiến vào giai đoạn 3 của kế hoạch mở cửa trở lại. Hãy cùng điểm qua những thành tựu công nghệ của đảo quốc này trong cả năm chống dịch vừa qua.
Cảm nhiệt bằng điện thoại và ứng dụng công nghệ 3D vào y khoa
Bước tiến đầu tiên trong việc đưa công nghệ vào công cuộc ứng phó và phòng chống dịch Covid-19 là sản xuất số lượng lớn những thiết bị xét nghiệm. Quy trình sản xuất những thiết bị này vốn yêu cầu nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên, khi công nghệ in 3D được áp dụng vào quy trình, sự tiếp xúc giữa con người được giảm thiểu nhưng năng suất lại tăng đáng kể.
Công ty Seige Advance Manufacturing - dẫn đầu dịch vụ in 3D tại Singapore, đã cho ra mắt các sản phẩm như tăm bông, khẩu trang và cả những dây thun chống-đau-tai được in 3D. Bên cạnh đó, trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cũng tiến hành in 3D các tăm bông xét nghiệm, đặt tên là Python. Quy trình tự động hóa với tốc độ sản xuất nhanh đã giúp Singapore tránh được khủng hoảng về thiếu hụt thiết bị xét nghiệm y tế.
Trước đó, chưa ai nghĩ đến chuyện đưa công nghệ quét vết thương vào việc kiểm tra nhiệt độ. Chỉ trong 2 tuần, KroniKare đã tạo nên sự đột phá khi cho ra mắt ứng dụng iThermo cho điện thoại thông minh để đo nhiệt độ từ xa. Trí tuệ nhân tạo sẽ xử lý hình ảnh lấy từ camera điện thoại (ghi lại đặc điểm khuôn mặt), camera cảm nhiệt và 3D laser (để đo khoảng cách). Giải pháp này không chỉ giúp việc đo nhiệt độ được tiến hành nhanh chóng và an toàn, mà còn giúp cập nhật báo cáo về số người nghi nhiễm ngay lập tức. Nhờ đó, tốc độ kiểm tra nhiệt độ tăng lên gấp 5 lần chỉ với kinh phí 1.000 đô la Mỹ mỗi tháng. Công nghệ này đã được phân phối đến nhiều cửa hàng bán lẻ, cũng như những nơi có tần suất người ra vào thường xuyên như ngân hàng và siêu thị.
Tuy nhiên, việc kiểm tra nhiệt độ chỉ giúp quản lý khả năng lây nhiễm ở phạm vi một cơ sở kinh doanh. Đối với quy mô toàn quốc, chính phủ cũng đã phát triển những nền tảng công nghệ phù hợp.
SafeEntry - “Nhân viên lễ tân” bận rộn nhất mùa Covid
SafeEntry là một hệ thống kỹ thuật số dùng để check-in và lưu trữ lại thông tin về sự hiện diện của một cá nhân khi đến địa điểm bất kỳ. Nền tảng này giúp giảm tải về mặt nhân sự trong công tác quản lý con người.
Quy trình check-in được tối giản chỉ còn 1 việc duy nhất: Quét thẻ cư trú hoặc mã QR trên SafeEntry hoặc các ứng dụng liên quan (TraceTogether và SingPass Mobile). Thay vì một quy trình check-in thủ công và nhiều công đoạn, các doanh nghiệp nay có thể sử dụng một hệ thống tích hợp cho cả check-in và lưu trữ. Chính phủ Singapore, nhờ thế mà dễ dàng quản lý một lượng thông tin khổng lồ gửi về từ khắp đảo quốc.
Bằng việc lưu trữ những điểm đến của người sử dụng, Bộ Y tế sẽ xác định những người có khả năng cao tiếp xúc với những ca dương tính.
Từ tháng 4/2020, chính phủ bắt đầu sử dụng SafeEntry ở những điểm nóng, cơ quan dịch vụ quan trọng và một số nơi công cộng chọn lọc. Đến ngày 5/1/2021, chính phủ Singapore yêu cầu tất cả người dân, doanh nghiệp, trường học và cả nơi cầu nguyện phải cài đặt ứng dụng SafeEntry.
TraceTogether - Cùng truy vết, cùng chống dịch
Nếu SafeEntry là “đầu vào” dữ liệu về lịch trình đi lại của người dân, thì TraceTogether, tương tự với BlueZone ở Việt Nam, chính là ứng dụng giúp Bộ Y tế xác định những người tiếp xúc gần với những ca nhiễm.
TraceTogether bao gồm một ứng dụng di động và một thiết bị đeo (token). Thiết bị đeo này là giải pháp truy vết dịch hiệu quả cho người già và trẻ em chưa thể sử dụng điện thoại thông minh.
Dù là ứng dụng theo dõi lịch trình, vấn đề về bảo mật thông tin vẫn được cam kết thông qua ba tính năng:
- Sử dụng tín hiệu Bluetooth để “bắt sóng” những thiết bị có cài đặt TraceTogether mà không cần thu thập dữ liệu về địa lý, thay vì thu thập qua GPS (hệ thống định vị toàn cầu).
- Các thông tin sẽ được mã hóa, ẩn danh và sẽ tự động xóa sau 25 ngày.
- Thông tin sẽ chỉ được Bộ Y tế sử dụng để tìm kiếm những người tiếp xúc gần với trường hợp dương tính được xác nhận.
Vào 10/2020, hai nền tảng SafeEntry và TraceTogether đã được tích hợp. Từ đó, quy trình check-in cho SafeEntry bằng ứng dụng TraceTogther, được gọi là “TraceTogether-only SafeEntry" (TT-only SE), được các doanh nghiệp tiến hành theo sự chỉ đạo từ các cơ quan chức năng.
Đạt được mục tiêu 70% dân số sử dụng TraceTogether, cùng với kỷ luật trong phòng chống dịch và công nghệ tiên tiến trong việc xét nghiệm, Singapore đã thận trọng bước vào giai đoạn 3 của quá trình mở cửa trở lại một cách an toàn.
Changi - Sân bay quốc tế tự-phục-vụ
Sự thận trọng và an toàn được thể hiện rõ qua những thay đổi tại sân bay Changi. Là nơi trung chuyển hành khách toàn châu Á ra thế giới (65.5 triệu lượt khách mỗi năm trước dịch Covid-19), sân bay Changi đã nhanh chóng áp dụng những biện pháp thay thế nhân lực bằng công nghệ để phòng dịch:
- Lắp đặt những cảm biến tiệm cận để hạn chế sự tiếp xúc vật lý
- Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và mống mắt vào kiểm tra sinh trắc.
- Phủ một lớp chống khuẩn lên các vật dụng tại sân bay.
- “Tuyển” robot vệ sinh để dọn dẹp sàn nhà và thảm hằng ngày.
- Thường xuyên khử khuẩn những bề mặt được tiếp xúc nhiều.
- Dung dịch rửa tay sát khuẩn luôn được chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên và hành khách.
- Quầy tự check-in FAST với màn hình cảm ứng từ xa- không cần chạm để chọn cho phép hành khách chủ động check-in mà không phải tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào.
Gần như toàn bộ quy trình lên máy bay, từ bước gửi hành lý đến các thủ tục check-in và qua cửa hải quan đều đã được tự động hóa. Những nỗ lực trên của CAG đã cho hành khách một sự kì vọng mới về một trải nghiệm suôn sẻ, thoải mái và không tiếp xúc vật lý.
Lời hứa từ công nghệ cho ngành du lịch
Tất cả những sáng kiến công nghệ là một trong những nỗ lực để phục hồi du lịch quốc tế, trong đó ưu tiên hình thức du lịch BTMICE. Sự kiện Singapore đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chính là minh chứng cho việc ứng dụng hiệu quả công nghệ vào ngành du lịch. WEF trước đây được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ.
Diễn đàn kinh tế thế giới tại Singapore sẽ là sự kiện lãnh đạo toàn cầu đầu tiên đề cập vấn đề phục hồi sau đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Theo lời Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Alvin Tan, tất cả những người tham dự sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về sức khỏe cộng đồng và các biện pháp quản lý an toàn.
Để tìm hiểu về những kế hoạch mở cửa trở lại, một cách cẩn trọng và an toàn, các khu vui chơi và sự kiện của Singapore để đón khách du lịch nước ngoài, hãy đón đọc trong bài viết tiếp theo.
Only in Singapore: là series nơi chúng tôi nhìn vào cuộc sống “bình thường mới” tại Singapore - một trong những quốc gia đứng đầu Bảng xếp hạng khả năng chống dịch Covid của Bloomberg, và cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.