Phá thai, cấm hay không?

Chuyện phá thai, ai mới là người được quyết định? Phụ nữ, gia đình, hay xã hội, quốc gia?
Bích Hồ
Chống phá thai hay cho phép phá thai? | Nguồn: Unsplash & Flickr

Chống phá thai hay cho phép phá thai? | Nguồn: Unsplash & Flickr

Trong tuần qua đài NHK của Nhật Bản đưa tin hai nữ thực tập sinh Việt Nam vứt bỏ trẻ sơ sinh, con của chính mình, đã bị bắt giữ và khởi tố.

Bỏ đi quốc tịch, câu chuyện đau lòng này có thể xảy ra tương tự ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, sự việc dấy lên tranh cãi ở chỗ: Hành động của các cô gái này được cho là bắt nguồn từ nỗi sợ mất việc làm, nếu bị chủ lao động phát hiện mang thai/sinh con.

Trước đó, cũng không ít các trường hợp đã lên tiếng, rằng họ bị chủ lao động ép phá thai nếu muốn tiếp tục ở lại Nhật làm việc.

Sự kiện châm ngòi cho một cuộc tranh luận căng thẳng giữa dư luận quốc tế, nơi những bất đồng về việc phá thai suốt nhiều thế kỷ qua vẫn luôn âm ỉ và thậm chí đã bùng nổ ở nhiều quốc gia.

Phá thai! - Hai cực chống đối: Pro-life và Pro-choice

Nhiều người chỉ trích các phụ nữ trẻ thiếu hiểu biết, “chối bỏ quyền sống của thai nhi” trong khi họ vẫn được luật pháp Nhật Bản bảo vệ để sinh con và nuôi con bình thường. Việc các em bé sơ sinh tử vong ngay sau khi ra đời không làm tội của họ giảm bớt. Nhóm người này đại diện cho cực “pro-life” - chống phá thai, hay bất kỳ hành động nào khác tước đi cơ hội sống vốn có.

Nhiều người khác thì bày tỏ đồng cảm với các thực tập sinh nơi đất khách, phải sống trong cảnh bị phân biệt đối xử bởi những người bản xứ “thượng đẳng”, kìm kẹp bởi áp lực tiền bạc, gia đình.

Họ cho rằng phụ nữ được chọn không giữ đứa bé nếu hoàn cảnh không cho phép, và đây cũng là quyền con người. Nhóm người này đại diện cho cực “pro-choice” - bảo vệ quyền được làm chủ cơ thể. Họ thường bị phe “pro-life” tấn công là lợi dụng luật cho phép phá thai để “dung túng cho hành động ích kỷ”.

Phá thai là vô nhân đạo?

Ẩn dưới “pro-life” và “pro-choice” là bộ rễ phức tạp của các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng.

Tại Malta, Vatican, cái nôi của Công giáo, phá thai tuyệt nhiên là một tội ác, và bị cấm hoàn toàn. Không có trường hợp ngoại lệ như “cưỡng hiếp, loạn luân, nguy hiểm đến sức khỏe phụ nữ”. Lời giải thích dựa trên đoạn tam luận:

  • Giết người vô tội là vô nhân đạo.
  • Bào thai vô tội.
  • Do đó, giết bào thai là vô nhân đạo.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc: Khi nào thì một “sự sống” (life) bắt đầu? Hợp tử khi mới hình thành đã có “quyền sống”?

Theo quan điểm của Công giáo, tính “người” có sẵn trong một hợp tử hay một phôi thai. Hay nói cách khác, một linh hồn được tạo ra vào lúc tinh trùng gặp trứng và thụ thai.

Trong giáo lý đạo Phật, Hindu giáo, sự hình thành của phôi thai là một cột mốc thiêng liêng, đánh dấu sự đầu thai của một “người” trong kiếp luân hồi. Cắt mối kết nối giữa 2 cõi âm - dương vì vậy là một hành động tạo nghiệp.

Khoa học không chứng minh được sự tồn tại của thế giới tâm linh, nhưng cũng không có bằng chứng rằng thế giới này không tồn tại.

Tất cả nằm ở việc một người có tin rằng sống-chết là kế hoạch của Đấng toàn năng, còn con người “tham lam” thì không được can thiệp. Và giả như không có Bề trên, những giả định sống-chết đó có là suy tưởng của những người đứng đầu Hội thánh “không lập gia đình, không thể hoàn toàn thấu hiểu cảm giác của phụ nữ”?

“Pro-life” không nhất thiết là chống phá thai

Khi vấn đề tôn giáo là điều tối kỵ khi đem ra bàn luận, mâu thuẫn trong đạo đức, luân lý khiến cuộc tranh cãi vẫn nảy lửa. Các pro-life cực đoan bị chỉ trích khi dựa vào một kết quả nghiên cứu khoa học rằng bào thai cũng biết đau, trước khi thành hình trong tử cung.

Các thai phụ cũng đau đớn về mặt tinh thần, thậm chí đồng ý đánh đổi tính mạng khi đi đến quyết định. “Quyền của họ liệu không quan trọng bằng quyền của một “người” chưa ra đời?”.

“Pro-choice” không phản đối rằng “mạng sống là quý giá”, nhưng không muốn rằng tự do ý chí bị pháp luật kìm kẹp.

Hơn nữa, có một thực tế rằng, luật pháp không thể cản được suy nghĩ muốn phá thai của phụ nữ. Và không phải tỷ lệ nạo phá thai tại một quốc gia sẽ luôn tỉ lệ thuận với mức độ siết chặt của luật pháp ở nước đó.

Theo nghiên cứu của Viện GuttMacher, tỷ lệ này có xu hướng cao ở những nước đề ra luật nghiêm ngặt. Không thể phá “đường hoàng”, nhiều người vẫn tìm cách phá “chui” hoặc tìm đến dịch vụ hợp pháp ở quốc gia khác.

Lỗ hổng trong lập luận này khiến nhiều “pro-life” và “pro-choice” tìm được sự thỏa thuận nhất định với nhau. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc năm 2017, 98% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cho phép phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Tuy nhiên trong đó chỉ mới có khoảng 34% các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế - xã hội hoặc theo yêu cầu.

Cuộc chiến buộc phải có kẻ thắng, người thua

Kết quả của “cuộc chiến” giữa hai phe pro-life và pro-choice (tương ứng với quan điểm của đảng cầm quyền: Tự do và Bảo thủ) quyết định đạo luật chống phá thai/cho phép phá thai ở nhiều quốc gia.

Tại Ba Lan, việc không thể tìm được tiếng nói chung đã khiến hàng ngàn phụ nữ đổ xuống đường phản đối đạo luật mới của Tòa Bảo Hiến vào năm 2020, bất chấp cơn nóng của đại dịch COVID.

Khác với Nhật Bản (được phép phá thai, có quy định tuần tuổi thai nhi), phụ nữ Ba Lan gần như bị cấm hoàn toàn quyền tự nguyện phá thai, ngay cả khi thai nhi bị dị tật nghiêm trọng.

Chỉ có những trường hợp do bị hãm hiếp, loạn luân (phải được công tố viên xác nhận), hay trường hợp nguy hiểm cho sức khỏe người phụ nữ, mới được phép thực hiện trong nước. “Lỡ có thai” sẽ không là nguyên nhân được chấp nhận.

Ở một diễn biến khác, tháng 12 năm ngoái, Hạ viện Argentina đã chính thức hợp pháp hóa việc phá bỏ bào thai dưới 14 tuần tuổi.

Các cơ sở y tế tư nhân không cung cấp dịch vụ phá thai phải giới thiệu thai phụ có nhu cầu tới các cơ sở y tế khác cung cấp dịch vụ này. Bất kỳ quan chức chính phủ hoặc cơ quan y tế nào trì hoãn việc phá thai vô cớ sẽ bị phạt tù từ ba tháng tới một năm.

Trước đó, phụ nữ tại quốc gia này cũng chỉ được phép phá thai do bị xâm hại tình dục, hoặc có nguy cơ đối với sức khỏe. Chiến thắng này được cho là nhờ sự phát triển của phong trào nữ quyền trong vài năm gần đây.

Nạo phá thai và luật tại Việt Nam

Phá thai được pháp luật Việt Nam đồng ý theo nguyện vọng của phụ nữ, nhưng nghiêm cấm phá vì giới tính của thai nhi, hoặc bào thai đã lớn trên 22 tuần tuổi.

Chiến dịch “Mẹ ơi, đừng giết con” tại Việt Nam vào năm 2018 từng đưa ra lập luận rằng: Sự “thoải mái” có chừng mực này đã làm mất nhân tính con người, “đưa” Việt Nam lọt top thế giới về tỷ lệ nạo phá thai.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của việc này là do thiếu kiến thức về biện pháp tránh thai và ngại nói về “sex”, phản ánh phần nào qua tỷ lệ phá thai ở mức “báo động” của lứa tuổi vị thành niên: 250.000 - 300.000 ca/năm.

Bà Phan Hương Giang, Quản lý Hợp tác, Chính sách và Tác động của tổ chức phi chính phủ Marie Stopes Việt Nam cho biết, điều này chịu ảnh hưởng từ một quan niệm đã lỗi thời nhưng vẫn còn rất phổ biến tại Việt Nam: Quan hệ tình dục trước hôn nhân là cấm kỵ. Đặc biệt, với tâm lý muốn có con trai ở khá nhiều người Việt, thì việc phá thai khi biết thai nhi là con gái vẫn rất phổ biến.

Để không phải rơi vào cảnh “khốn cùng”

Suy cho cùng, “phá thai, cấm hay không” không chỉ là vấn đề luật pháp. Cái xấu vẫn không biến mất chỉ vì sự có mặt của luật pháp.

Thay vào đó, giải pháp có thể là: gia đình, nhà trường thôi ngại nhắc đến giáo dục giới tính, siết chặt luật đối với các cơ sở phá thai không an toàn, và cùng với đó là nâng cao nhận thức về quyền thai nhi trong tương quan với quyền sinh sản của phụ nữ.

Những biện pháp tránh thai phổ biến, ít gây tác dụng phụ nhất hiện nay:

  • Khi quan hệ tình dục, nếu được sử dụng đúng cách, bao cao su nữ sẽ có hiệu quả 95%, bao cao su nam là 98%.
  • Một số biện pháp khác có hiệu quả hơn 99% nếu thực hiện đúng quy trình, chỉ dẫn của bác sĩ: đặt vòng tránh thai, que cấy tránh thai, dụng cụ tử cung có chứa nội tiết.

Tìm hiểu thêm tại trang web của Tổ chức Y tế Thế giới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục