Phoebe Trần: Kỷ luật là bí quyết của niềm vui

Kỷ luật - một từ nghe có vẻ chẳng vui chút nào - lại là bí quyết giúp host của IELTS Face-Off Phoebe Trần luôn xuất hiện với vẻ rạng rỡ dù sau bao vấp ngã.
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Phoebe Trần

Nguồn: Phoebe Trần

Phoebe Trần (Trần Mai Phương) hẳn là hình mẫu phụ nữ độc lập và thành đạt lý tưởng. Chị là host của IELTS Face-Off, là cố vấn chiến lược cho tổ chức giáo dục Crimson Education, biết bốn ngôn ngữ (Anh, Việt, Nhật, Trung). Thêm vào đó, vây quanh Phoebe luôn là sự tích cực, trong cách nói, trong cách dẫn dắt và trong những bức hình với nụ cười tươi trên môi.

Một người luôn hạnh phúc thì có lúc nào buồn không? Chúng tôi gặp Phoebe Trần để hiểu rằng người luôn cười thì cũng là người bình thường: có vấp ngã, có buồn bã. Nhưng bí quyết để vượt qua nỗi sầu và đi đến thành công trong mọi chuyện, với Phoebe, chỉ có một - đó là tính kỷ luật.

Một Phoebe nói tiếng Anh thì không có gì lạ, nhưng một Phoebe nói tiếng Việt thì có. Đã bao giờ Phoebe gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Việt chưa?

Mình từng học tiếng Việt từ nhỏ, nhưng lại qua Canada khá sớm. Có lẽ vì vậy nên mình rất sợ tiếng Việt của bản thân, bởi nó giống hệt một đứa trẻ 10 tuổi đang nói chuyện trong nhà.

Chẳng hạn có đôi khi mình dùng ‘cái mồm’ thay ‘cái miệng’, hay dùng chữ ‘ấy’.

Là người làm ngành giáo dục mà tiếng Việt không trôi chảy cũng mang lại nhiều nỗi đau lắm. Mình đã từng gặp những ca tư vấn cho phụ huynh mà họ chủ động kết thúc cuộc trò chuyện chỉ vì mình nói không tốt.

Mình nghĩ đây là khó khăn chung của những bạn mới học tiếng nước ngoài. Tốc độ nói không theo kịp tốc độ nghĩ, và lại khó khăn trong cả việc tìm từ nữa. Cách giải quyết chỉ có tập luyện thôi. Mình đã đặt mục tiêu để việc nói tiếng Việt không còn là nỗi đau, và tập rất chăm.

Thành tích về ngôn ngữ của Phoebe là vô cùng đáng nể, có câu chuyện gì đằng sau nó không?

Ngày xưa mình có thời gian ở Singapore và quen một anh người yêu mà tiếng Hoa không giỏi. Thời ấy cứ yêu là muốn… hơn người ta, thế là lao đầu vào học tiếng Hoa.

Thời Đại học, việc phải học môn ngôn ngữ khác là tín chỉ mình cần hoàn thành. Mình đã dự định sẽ học tiếng Pháp, nhưng ngó nghiêng khắp nơi thì lớp tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha đều đã đủ người rồi. Thế là mình bén duyên với tiếng Nhật.

Người ta bảo có 8 loại trí thông minh. Hẳn Phoebe thuộc loại thông minh ngôn ngữ?

Phoebe nghĩ là đúng. Mình đã từng gặp vô số người đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc cho việc học ngôn ngữ nhưng vẫn rất khó khăn. Còn bản thân mình lại thấy chuyện này khá dễ dàng.

Có thể nhiều người thấy học ngôn ngữ mệt không phải vì ngôn ngữ đấy chán, mà vì họ không tìm thấy mục đích sử dụng, hoặc không thấy sự thành công trong việc luyện tập. Về mặt gen, chúng ta đều có thể học được ngôn ngữ mới.

Nhưng việc học ngôn ngữ cũng giống chuyện học bất kỳ thứ gì khác trong đời thôi. Tất cả nằm ở tính kỷ luật.

Ngày xưa, lúc học tiếng Nhật, một ngày mình ‘cày’ phim Nhật đến mười mấy tiếng đồng hồ. Thời tiểu học mình cũng sợ tiếng Anh, nhưng qua Canada một thời gian, vì phải liên tục nói tiếng Anh với mọi người nên mình chẳng còn sợ hãi gì nữa.

Việc học ngôn ngữ thật ra chỉ cần ba yếu tố: tập nói, tập đọc, tập viết. Tìm đối tượng khác để luyện cùng là một điều rất quan trọng, nhưng giờ đã có khá nhiều công cụ để thực hiện điều ấy trên Internet.

Phoebe từng chia sẻ rằng bạn không thích quan niệm “good enough” (tốt vừa đủ) mà nên đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân. Quan điểm này đến giờ vẫn còn đúng chứ?

Đến giờ mình vẫn nghĩ thế, tuy vẫn nhận về một số phản đối. Có người bảo tôi là một người phụ nữ chỉ mong muốn làm một người mẹ tốt, việc gì tôi phải làm thêm những việc khác để “be the best” (thành phiên bản tuyệt nhất của mình). Nhưng đã có rất nhiều phụ nữ vừa là mẹ, nhưng cũng làm được nhiều thứ khác trong xã hội đấy thôi.

Chúng ta sinh ra trên đời để làm xã hội này đẹp đẽ hơn, làm sao có thể làm được điều đó khi ta vẫn chưa cố gắng để trở thành phiên bản tốt hơn của mình.

Vậy Phoebe sẽ làm gì khi không đạt được mục tiêu “tốt hơn nữa” mà bản thân đề ra?

Nhắc đến vấn đề này mình lại nhớ đến câu chuyện của Adolf Merckle - một tỉ phú người Đức quyết định tự vẫn khi thua lỗ trong cuộc suy thoái kinh tế ở năm 2009. Nhìn một cách khách quan, ông ấy vẫn còn hàng triệu đô sau khi thua lỗ. Nhưng ông không thể chịu nổi cú sốc và chọn cách ra đi.

Bài học ở đây là chắc chắn chúng ta sẽ trải qua vấp ngã. Nhưng có hai yếu tố khi đối mặt với hố đen cuộc đời: vấn đề mà chúng ta gặp phải và khả năng chịu đựng khổ đau của chúng ta.

Vậy nên mục tiêu là tập cách để đi qua vấp ngã mà không thấy đau khổ.

Đâu là cách bạn nhận diện ‘vấn đề’ và ‘mình đang tự làm khổ mình’?

Mình luôn có một bộ gồm hai câu hỏi khi gặp một chuyện gì đó. Một là “Mình có đang tốt không?”, hai là “Mình có bí bức, không lối thoát không?”.

Hỏi xong hai câu ấy, mình sẽ bắt đầu truy ra những vấn đề bản thân đang mắc phải.

Mình từng kinh doanh, và cũng từng vấp ngã. Sau khi biết rằng vẫn có thể đủ ăn đủ mặc dù đang rắc rối trong kinh doanh, mình bắt đầu truy ra từng vấn đề bản thân đang mắc phải. Không đủ tài chính, mô hình kinh doanh không phát triển dù đã thử rất nhiều cách, hoặc chỉ đơn giản là bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp cho nó. Đó là lý do mình quyết định ngừng lại.

Những suy nghĩ như “Ôi không có công việc này thì tôi sẽ bị nhìn nhận thế này, thế kia” đều chỉ là vấn đề về cảm xúc. Mình không thể để cảm xúc chi phối những quyết định quan trọng với bản thân được.

Phoebe có vẻ là một người rất tích cực, làm cách nào để bạn luôn vui vẻ trong mọi chuyện?

Thật ra để vui cũng cần… kỷ luật đấy.

Mình khởi đầu với việc tập nhìn nhận những năng lượng tiêu cực trước, có thế mới hiểu năng lượng tích cực là gì.

Mỗi lần mình đi chơi với mẹ, mẹ mình sẽ hay than thở. Ban đầu mình cũng bực chứ. Nhưng khi mình nhận diện được đó là năng lượng tiêu cực, mình tập chuyển hóa chúng. Mình thử thêm chữ “ism” vào câu than thở của mẹ. Thế là mỗi lần mẹ tính than, mình sẽ hỏi “Hôm nay mẹ lại định úi-giời-ism à?”. Và hai mẹ con phá lên cười.

Phoebe nghĩ mỗi vấn đề tiêu cực thực ra đều là những câu chuyện hay để kể lại. Mình có thể chọn cho câu chuyện đó một nhân dạng mới, để nó vui vẻ hơn. Như câu chuyện kinh doanh thất bại của mình, thật ra nó cũng là vấn đề của việc trẻ tuổi và… tự tin thái quá ấy mà. Nhưng khi còn trẻ, thỉnh thoảng thái quá, ngu ngốc một chút cũng hay chứ sao!

Phoebe giữ sự vui vẻ bởi mình biết nó giúp mình khỏe mạnh hơn. Chẳng hạn mùa dịch này, thật sự mình vẫn có một đời sống khá ổn và ý nghĩa.

IELTS Face-Off đã trải qua rất nhiều mùa, và càng có nhiều host trẻ tuổi hơn xuất hiện. Phoebe có bao giờ nhìn bản thân với lớp trẻ và nhận ra mình không đuổi kịp đương thời không?

Mình luôn nghĩ bản thân đương thời. Millennials vẫn có nhiều cơ hội để chi tiêu và biết mình thịnh hành mà (cười).

Mình từng gặp Jim Tanenbaum, một sound producer từng làm cho phim Avatar, đã tám mươi mấy tuổi. Ở tuổi ấy, ông vẫn dạy học ở Đại học. Mình từng hỏi rằng dạy cho lớp trẻ có chán không. Ông bảo có những người khiến mình thấy chán, nhưng cũng có những người rất giỏi. Nhiều người trong số họ đã trở thành đồng nghiệp của ông.

Jim bảo, làm việc với những người như thế mang cho ông cảm giác mình luôn có thể làm tốt hơn.

Học hỏi không ngừng và nhìn về cuộc cạnh tranh giữa những thế hệ như một cơ hội để bản thân tốt hơn nữa, đó là bài học mình luôn nhớ về.

Cambly là nền tảng học tiếng Anh trực tuyến duy nhất kết nối 1-1 học viên và gia sư bản xứ. Tuỳ theo mục đích học của từng cá nhân, bạn có thể chọn thời gian học trong ngày, bao nhiêu ngày trong tuần và thời gian cho toàn khoá. Học viên cũng hoàn toàn có thể yêu cầu/chọn lựa cho từng lớp học với các tiêu chí Gia sư bạn muốn học cùng, ngữ điệu của gia sư, nội dung buổi học hay thời gian học cụ thể.

Nhập mã Haveasip50 để nhận ngay ưu đãi giảm 50% khoá học 12 tháng trên Cambly.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục