Podcast là gì? Xu hướng nghe podcast đã tiến hoá như thế nào?

Nghe podcast mỗi ngày, nhưng liệu bạn đã thực sự biết xuất thân của nó?
Bích Quân
Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera - CastCamp 2021

Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera - CastCamp 2021

Theo Statista, đến hết năm 2022, ước tính số lượng người nghe podcast sẽ chiếm hơn 20% tổng lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới (khoảng 424 triệu người). Dường như chúng ta đang sống trong thời đại của podcast, khi mỗi ngày đều có một kênh mới, hay một tập podcast mới mà mọi người bảo ta cần phải nghe.

Vậy, podcast là gì? Podcast thực sự xuất phát từ đâu? Vì sao đã có radio và YouTube mà chúng ta vẫn thích nghe podcast đến thế?

Podcast là gì?

Podcast được định nghĩa là một tệp âm thanh kĩ thuật số bao gồm lời nói, âm nhạc... được tải lên mạng để người nghe có thể tự do truy cập.

Khác với radio, nơi các chương trình được phát sóng theo lịch trình có sẵn và biến mất ngay sau khi phát sóng, podcast là một hình thức nội dung theo nhu cầu (on-demand). Người nghe có thể tự do lựa chọn nghe podcast bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, và có thể tua đi tua lại tuỳ thích.

| Nghe Podcast Vietcetera

Lịch sử ra đời của podcast

Có phải podcast đã xuất hiện từ lâu?

Tiền thân gần nhất của podcast là radio và blog.

Radio là phương tiện truyền thông đại chúng không dựa vào in ấn đầu tiên trên thế giới. Nó là phương tiện đầu tiên cho phép ta lan toả thông tin ở khoảng cách xa đến nhiều người cùng lúc thông qua giọng nói. Còn blog bùng nổ vào đầu-giữa thập niên 2000s với sự ra đời của hàng loạt diễn đàn huyền thoại, là tuổi thơ của bao nhiêu người như Yahoo 360, WordPress, TypePad...

Nếu podcast thừa hưởng từ radio đặc tính truyền tải thông tin qua đường âm thanh thì với blog, podcast tương tự ở tính chất cá nhân và nghiệp dư.

Radio, với bề dày lịch sử hơn 1 thế kỷ, cộng hưởng với sự ra đời của Internet ở thế kỷ 21, là tiền đề cho sự ra đời của podcast sau này. Sự phổ biến của blog là minh chứng cho nhu cầu và tiềm năng để thế giới cho ra đời một phương tiện truyền thông mới - podcast.

Nhưng podcast ra đời không đồng nghĩa với việc radio hay blog thoái trào. Chúng cùng tồn tại, là những phương tiện truyền thông với bối cảnh và đối tượng khán giả khác nhau.

Khởi đầu của podcast

Sự phát triển của podcast gắn liền với sự phát triển của các thể loại máy nghe nhạc, đặc biệt là Ipod.

Năm 2004, cựu VJ Adam Curry và kĩ sư lập trình phần mềm Dave Winer thực hiện một dự án mang tên Ipodder - phần mềm giúp người dùng tải về Ipod các chương trình radio mình thích. Nhờ đó, các chương trình radio có thể trở thành chương trình theo nhu cầu (on-demand). Adam Curry và Dave Winer được xem là cha đẻ của công nghệ podcast.

Vào tháng 2/2004, cây bút Ben Hammersley đăng tải bài báo gợi ý về sự ra đời của một thể loại truyền thông mới, được gọi là "radio của dân không chuyên". Từ đó, ý tưởng về các chương trình podcast dần được hình thành. Một số chương trình podcast đầu tiên trên thế giới có thể kể tên như Patriots Unfiltered bởi New England Patriots (2003), IT Conversations bởi Doug Kaye (2003), Daily Source Code bởi Adam Curry (2004),...

Từ podcast là sự kết hợp giữa Ipod và broadcast. Ban đầu được dùng bởi người dùng Apple để chỉ các chương trình phát sóng có trên nền tảng Itunes của Apple.

Vào năm 2005, "podcast" chính thức từ điển Oxford công nhận là từ khóa của năm.

Tại sao podcast lại hot đến thế?

Về phía podcaster

Về mặt kĩ thuật, để làm ra 1 podcast dễ dàng hơn những hình thức truyền thông khác như video. Một smartphone, một tai nghe, một phần mềm chỉnh sửa âm thanh là bạn đã có thể sản xuất ra một tập podcast chất lượng. Podcast không đòi hỏi bạn phải đầu tư quá nhiều tiền bạc hay kĩ năng chỉnh sửa, sản xuất nội dung.

Có rất nhiều đầu ra cho một chương trình podcast như Itunes, Spotify, Apple podcast, Soundcloud... Điều này giúp các podcaster tiếp cận được với nhiều khán giả nhất có thể.

Không cần phải chia sẻ những đề tài cá nhân, bạn có thể làm những dạng podcast đặc thù như đọc truyện, chia sẻ kiến thức, talkshow...

Về phía người nghe

Podcast cho phép người nghe multi-task. Vì được xem là phương tiện truyền thông ít gây phân tâm hơn so với TV hay video, podcast có thể được bật như âm thanh làm nền cho khi bạn làm công việc nhà, lái xe, hay thậm chí là học bài, làm việc.

Nghe podcast không phải là một hành động thụ động. Khi ta nghe podcast, không chỉ có phần não phụ trách ngôn ngữ và thính giác hoạt động, mà những phần khác nhau của não, tuỳ vào nội dung đang nghe, cũng được kích hoạt.

Ví dụ như khi bạn đang nghe câu chuyện về một chú chó, phần não phụ trách mặt hình ảnh sẽ được gọi lên để giúp bạn hình dung hình dáng của chú chó. Khi nghe đến phần miêu tả về lông của chú chó thì phần não về xúc giác của bạn sẽ hoạt động. Cứ như thế những phần khác nhau của não sẽ hoạt động và kết nối, giúp bạn xử lý thông tin. Điều này giúp não bạn luyện được sự linh hoạt.

Về mặt sinh học, tuỳ theo nội dung của podcast bạn nghe, não sẽ tiết ra chất hoá học tương ứng. Như khi bạn nghe podcast thiền định, não bạn sẽ tiết ra oxytocin, hay còn gọi là hormone tình yêu, giúp cơ thể giảm stress. Hay khi bạn nghe podcast trinh thám, não sẽ sản xuất nhiều hơn andrenaline và dopamine khiến bạn cảm thấy phấn khích, hoặc thậm chí là endorphines - một loại hormone có tính gây nghiện.

Podcast là gì trong tương lai của truyền thông

Theo thống kê, tính đến năm 2022, đa số người Mỹ đều đã từng 1 lần nghe podcast. Thống kê cuối năm của Spotify cũng cho biết có hơn 1 triệu 2 podcast được đăng tải trên nền tảng chỉ trong vòng 1 năm 2021, với 80% là những nhà sáng tạo độc lập.

Thị trường podcast ở Việt Nam cũng rất sôi động, đặc biệt là sau năm 2020 với khoảng 50 kênh podcast Việt được phát hành mỗi tháng. Con số này tăng gấp 5 lần trong năm 2021 với 100-250 kênh podcast được mở mới trong một tháng.

Trên Vietcetera có gần 20 series podcast từ năm 2020 tính đến nay, với đa dạng chủ đề, từ podcast phỏng vấn, đối thoại tin tức, đến về podcsat về tài chính như Have A Sip, Bít Tất, Gen Z Truyền, Tóm Lại Là hay The Money Date.

Với sự phát triển thần tốc của podcast, có thể nói, trong tương lai, đây sẽ là một trong các nền tảng chủ chốt của truyền thông số.

Vậy, bạn đã chuẩn bị gì để trở thành một phần của kỷ nguyên podcast?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục