Qua Killers of the Flower Moon, đi tìm cái 'đúng' trong việc chuyển thể
Có lẽ tràng pháo tay dài 9 phút của Killers of the Flower Moon tại Cannes 2023 không chỉ/ phải là “thành quả" của nhà làm phim kì cựu Martin Scorsese ở tuổi 80. Bộ phim này cũng vừa ra rạp tại Việt Nam với tựa , thách thức khán giả với độ dài không tưởng (206 phút) nhưng lại là trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời và khác biệt.
Ngôn ngữ điện ảnh, những yếu tố nhân văn được chuyển tải lên từng khung hình nhưng vẫn giữ nguyên cảm giác lôi cuốn của một bộ phim theo lỗi “true crime" (tội phạm có thật.) Bên cạnh đó còn là những góc quay đẹp từ Rodrigo Prieto cùng diễn xuất tuyệt vời của bộ ba Leonardo DiCaprio, Robert De Niro và Lily Gladstone.
Đóng góp cho điện ảnh của Killers of the Flower Moon cũng ở cách làm. Tuy là phiên bản điện ảnh của tiểu thuyết của David Grann, nhưng phim của ông Scorsese đã vượt qua được sự “dính dớp" của dòng phim chuyển thể. Nó có sự lôi cuốn của nghệ thuật hư cấu và điện ảnh, đồng thời cũng mang đến những góc nhìn chân thật và nhân văn về tính tộc người; những câu chuyện lịch sử đã được “viết sai” về người Mỹ bản địa, cụ thể là người Osage.
Nhưng thế nào mới là “thật”, là “chuẩn” trong việc chuyển thể — cho trường hợp này là Killers of the Flower Moon ? Cho công cuộc kể câu chuyện về cộng đồng người Mỹ bản địa Osage bị người Mỹ gốc Âu sát hại vào những năm 1920 chỉ vì dầu thô, vì lòng tham? Có cách nào để sắc màu điện ảnh và sự thật khó phai có mặt trong cùng thước phim?
Vietcetera tìm đến hai chuyên gia người Mỹ bản địa để trả lời những câu hỏi này, như cô Shea Vassar, một nhà báo, bình luận phim và sản xuất gốc Cherokee. Cô từng đoạt giải Người Mỹ bản địa tiêu biểu dưới 40 tuổi vào năm 2022 và có các bài viết trên các trang điện ảnh như Slate, RogerEbert và Film School Rejects. Bên cạnh đó là ông Jim Gray, cố vấn chính sách về người Mỹ bản địa gốc Osage. Ông cố của ông Jim là Henry Roan, một trong những nạn nhân của “Triều Đại Kinh Hoàng” (trong phim diễn viên William Belleau thủ vai).
Vietcetera cũng có thu thập những chia sẻ từ chính đạo diễn Martin Scorsese và cố vấn ngôn ngữ Osage Christopher Cote để mở rộng hơn nữa góc nhìn về việc đi tìm cái “đúng" khi chuyển thể tác phẩm.
Vì sao người Mỹ bản địa nên “có tiếng nói” trong quá trình sản xuất phim?
Jim Gray: Tôi từng là nhà xuất bản của tờ Native American Times khoảng 25 năm về trước. Trong nhiều năm tờ báo viết bình luận về phim, tôi nhận thấy cách thể hiện người Mỹ bản địa trên phim cần vô vàn cải thiện.
Riêng cho Vầng Trăng Máu, bạn cần biết trước nhất là câu chuyện này không xa lạ gì với người Osage. Trước lúc nguyên tác ra mắt vào năm 2017 thì công chúng gần như không biết về chương sử này. Họ tìm đến chúng tôi, không phải ngược lại.
Chúng tôi gọi Martin Scorsese ngay khi biết ông sắp làm phim để góp ý, đặc biệt khi nguyên tác chỉ tập trung vào hồ sơ điều tra của FBI. Nhờ chúng tôi thì văn hoá, lối sống, ngôn ngữ, trang phục và cơ ngơi người Osage mới được lồng vào phim. Chính tôi và ông Scorsese có nói chuyện riêng với những hậu duệ của sự kiện và từ đó thay đổi kịch bản.
Shea Vassar: Lúc tôi đang học trường điện ảnh ở New York thì tôi thấy được những thiếu sót trong cách thể hiện người Mỹ bản địa trên phim. Qua góc nhìn là một nhà phê bình phim, tôi thấy đây là do chiếm phần đông trong lĩnh vực sản xuất và phê bình phim là nam giới và da trắng. Lấy trường hợp của Wind River ra mắt cùng lúc với #MeToo đi — tôi cũng phải mất vài năm trước khi chịu ngồi xuống xem phim do khâu quảng bá chỉ tập trung vào hai diễn viên chính da trắng.
Sau khi xem xong tôi thấy vấn đề này không chỉ trong khâu quảng bá. Dù phim là về một người phụ nữ Mỹ bản địa bị hành hung và sát hại, cốt truyện chỉ tập trung vào hai diễn viên chính đó mà thôi.
Martin Scorsese: Trong lúc viết kịch bản với Eric Roth, tôi luôn muốn lồng chi tiết người Osage vào để tạo cân bằng. Thế là câu chuyện ngày càng rộng ra và loãng ra. Cuối cùng thì chúng tôi nhận được hỗ trợ từ người Osage đang sống ở Oklahoma. Những người đầu tiên tôi gặp là Tù trưởng Standing Bear và nhóm của ông: Julie và Addie Roanhorse & Chad Renfro. Kết quả hoàn toàn ngoài mong đợi của tôi.
Ban đầu, và hợp lý thôi, là họ rất dè chừng. Tôi phải giải thích với họ theo một cách trung thực và chân thành nhất. Chính chúng tôi nhất quyết không sập bẫy thể hiện người Mỹ bản địa chỉ là nạn nhân, là “da đỏ say xỉn”, đại loại thế. Chúng tôi chỉ muốn kể câu chuyện này một cách thẳng thắn nhất có thể.
Nhờ những cuộc trò chuyện đầu tiên thì tôi mới biết là sự kiện này vẫn còn đang tiếp diễn ở vùng Oklahoma … Những nhân vật liên quan đều còn sống — những gia đình, các hậu duệ vẫn còn đó.
Như thế nào thì được xem là cân bằng tự do sáng tạo và theo sát văn hoá lịch sử?
Jim Gray: Vầng Trăng Máu không phải là phim tài liệu, nó là phim dựa trên sự kiện có thật. Do đó ai cũng phải làm tư tưởng và suy nghĩ của mình thực tế hơn. Nhưng hầu hết thì các cố vấn đã rất xuất sắc trong việc đưa cốt lõi của văn hoá Osage vào phim, giúp cho bối cảnh người Osage những năm 1920 thêm phần thực tế.
Shea Vassar: Tôi tin là hai yếu tố này có thể cùng tồn tại trong cùng một thước phim … nhưng tôi nghĩ cái thật sự tạo nên khác biệt là ý niệm của đạo diễn và phía sản xuất. Họ chỉ muốn tập trung vào những chi tiết “nóng sốt” của câu chuyện để theo phong trào “true crime”? Hay là họ có muốn nhân tính hoá những nạn nhân của sự kiện có thật này? Tôi thấy cũng khó để trả lời rõ ràng do lời kêu gọi thể hiện người Mỹ bản địa tốt hơn vẫn còn quá mới, còn đang được triển khai.
Nhưng cuối cùng thì tôi thấy phiên bản hay nhất của câu chuyện sẽ đến từ cộng đồng Osage. Tuy nhiên, bất kỳ ai trong lĩnh vực nghệ thuật cũng hiểu là chỉ có vài người mới được tiếp cận một dự án với tầm cỡ và kinh phí như Vầng Trăng Máu.
Tôi mừng là đạo diễn sẵn lòng lắng nghe và bàn luận với các cố vấn … nhưng điều này không nên là một “hiện tượng lạ” — đặc biệt là khi chủ đề phim dựa trên sự kiện có thật, nỗi đau có thật và vẫn còn những nhân vật hậu duệ liên quan.
Martin Scorsese: Có nhiều trường hợp tôi có “khoảng tuỳ chọn” do là hai thế hệ người Osage vừa qua đã quên hoặc đã trở nên Âu hoá. Ý tôi là họ phải theo đạo Công giáo, Cơ đốc, v.v. và rồi họ đã quên hết. Nhưng qua bộ phim này họ tìm ra cơ hội để gắn kết lại văn hoá gốc rễ của mình…
Ê-kíp chúng tôi cũng đi cùng hành trình này với họ. Sẽ có người đắp chăn kiểu này hay đặt tên em bé thế này, và khi tham chiếu thì có người nói, “Chắc là đúng”. Có người sẽ nói, “Chắc là không”. Cũng có người cho hay, “Ông có một ‘khoảng’ này để tuỳ chọn”. Điều này diễn ra xuyên suốt quá trình làm phim.
Thay đổi góc nhìn của câu chuyện từ đặc vụ BOI sang nhà Burkhart — có “phá nguyên tác” hay không?
Shea Vassar: Tôi nghĩ có nhiều lý do để xem ông Scorsese là một “thầy” của làng phim. Ông nổi tiếng phơi bày mặt xấu của lòng tham và tính nam. Tôi thấy cũng hợp lý thôi là một người nghệ sĩ chuyên giải mã những khái niệm này sẽ khám phá một góc nhìn khác với nguyên tác của David Grann.
Cuốn tiểu thuyết tuy có đào sâu vào những gì đã diễn ra vẫn thiên vị tuyến truyện là qua những vụ giết người vùng đất Osage dẫn đến việc tăng cường tuần tra khắp nơi. Nhưng từ góc nhìn của cộng đồng người Mỹ bản địa, chúng tôi thấy sự hình thành của FBI vẫn không loại trừ được yếu tố kỳ thị chủng tộc ở trong tâm của âm mưu sát hại rất bài bản này.
Tôi thấy lựa chọn của ông Scorsese là đúng, nhưng tôi cũng tin là điều này chỉ xảy ra khi người Osage lên tiếng và chắc chắn là họ sẽ có tiếng nói trong câu chuyện được kể.
Jim Gray: Nếu ông Scorsese vẫn theo gót của điều tra viên như nguyên tác thì người Osage đã trở thành nhân vật phụ trong chính câu chuyện của họ. Thay đổi của ông cho phép Mollie nổi bật hơn, do cô rất gần gũi, ở trung tâm của âm mưu giết người vì của âm thầm này.
Tôi rất ấn tượng việc ông Scorsese sẵn lòng lồng vào góc nhìn của người Osage cho dự án kinh phí $200 triệu này … Tôi nghĩ những thay đổi của ông đã giúp bộ phim này chất lượng hơn.
Christopher Cote: Tôi thấy là khán giả của phim không phải là người Osage… Ý tôi là làm cho đại chúng, không chỉ là Osage.
Những ai bị mất quyền lợi hẳn sẽ liên kết với phim. Còn cho những ai sinh sống trong các quốc gia có lịch sử đàn áp, tôi thấy bộ phim là cơ hội để họ tự hỏi về đạo đức nhân phẩm của mình. Đó là cảm nghĩ của tôi về bộ phim.
Martin Scorsese: … Cậu Roth và tôi bắt đầu viết lại kịch bản, và câu chuyện trở nên gan góc hơn. Thay vì nó đi “từ ngoài vào trong” và truy tìm hung thủ, nó kể về những ai không phải là hung thủ. Đây là một câu chuyện về sự bao che. Về việc phạm tội do giữ im lặng. Góc nhìn này cho phép chúng tôi mở rộng khung hình và kể “từ trong ra ngoài”.
… Điều tôi muốn nắm bắt được trong phim nhất là cái cốt của con virus, của thứ ung thư làm nguồn cho cuộc diệt chủng dễ dàng này. Khi đi theo Mollie và Ernest chúng ta mới thấy được điều này vì họ có tình yêu. Tình yêu là nền của niềm tin, cho nên khi niềm tin thế này bị phản bội chúng ta mới biết mưu đồ thâm độc đến nhường nào.
Cách “hay nhất” để tương tác những nhầm lẫn văn hoá–lịch sử?
Jim Gray: Tôi rất muốn người Mỹ bản địa nắm nhiều quyền hơn trong một dự án bất kỳ. Trong trường hợp khác thì họ phải tích cực tham gia xuyên suốt quá trình sản xuất, ở nhiều vị trí trước và sau máy quay.
Không phải dự án nào về người Mỹ bản địa cũng sẽ được đạo diễn bởi một cái tên như Martin Scorsese, nhưng các nhà làm phim nên lấy quá trình hợp tác trong Vầng Trăng Máu làm mẫu … Họ cần tạo niềm tin với cộng đồng bạn sắp đưa lên phim, đồng thời giao cho họ vị trí trong khâu sản xuất. Câu chuyện có thể từ đây trở nên khác với bản gốc, nhưng nó có thể cho ra một thành phẩm hay hơn do thể hiện được góc nhìn và tiếng nói của nền văn hoá ở trọng tâm.
Shea Vassar: Tôi thấy cách hay nhất là cho tiếng nói và góc nhìn của cộng đồng nào sắp lên phim làm trọng tâm của dự án. Từ lúc Vầng Trăng Máu ra mắt đến nay, tôi đã thích thú đọc nhiều ý kiến của nhiều người Osage trên mạng xã hội hay trên báo. Tất nhiên bộ phim sẽ đón nhận luôn ý kiến từ những cộng đồng khác, nhưng họ cần hiểu là góc nhìn của người Osage hay người Mỹ bản địa nên được đề cao hơn hết … Nhiều người khác cũng nhắc nhở tôi điều này. Chính tôi cũng phải làm thế với bản thân. Cộng đồng người Mỹ bản địa ở khắp vùng Bắc Mỹ rất là đa dạng.
Những ai mong muốn bàn luận về một bộ phim như Vầng Trăng Máu nên sẵn lòng tiếp nhận ý kiến từ nhiều nguồn và góc độ khác nhau. Tôi thấy điều này nên là chuẩn cho bất kỳ ai phê bình về nghệ thuật hay văn hoá.
Christopher Cote: Do tôi cũng là người Osage, tôi ước gì câu chuyện được kể qua góc nhìn của Molly và gia đình của cô. Nhưng tôi nghĩ là chỉ có một người làm phim Osage mới có thể làm được điều này.
Tuy ông Scorsese không phải là người Osage, tôi thấy ông đã thể hiện cộng đồng chúng tôi quá là tuyệt vời. Thế nhưng câu chuyện trong phim gần như được kể qua Ernest Burkhart. Họ cũng có làm nhân vật có lương tâm, có biết yêu. Nhưng khi một ai đó toan tính là sẽ mưu hại hết gia đình mình, tôi thấy đó không phải tình yêu. Đó không phải là yêu. Đó còn hơn cả bạo hành.