Sau Itaewon, tôi nhận ra mình là người may mắn

Sau vụ việc Itaewon, tôi nhận ra rằng thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tự trang bị kiến thức để cứu bản thân và giúp đỡ những người khác.
Sơn Hoàng
Nguồn: Monsoon Music Festival

Nguồn: Monsoon Music Festival

Trưa chủ nhật ngày 30/10, cả gia đình tôi điếng người buông bát đũa giữa bữa cơm sau khi thời sự đưa tin về vụ giẫm đạp tại khu Itaewon ở Seoul. Nhìn hàng dài những túi xác màu xanh xếp bên cạnh những người còn đang hô hấp nhân tạo cho người bất tỉnh, mẹ tôi nhăn mặt quay đi, không thể xem nốt bản tin.

Bà nội tôi cũng chia sẻ nỗi sợ hãi với mẹ, nhưng bà nhanh chóng đưa ra giải pháp: muốn không chết vì giẫm đạp, thì đừng đi tới chỗ lắm người qua kẻ lại. Bà quay sang tôi nói chậm rãi với ý định khuyên nhủ: “Con đừng đi nơi đông người nhé! Nguy hiểm lắm.”

Bố tôi nghe vậy liền có ý phản bác ngay: “Chả nhẽ cả đời cứ ở trong nhà suốt? Hay là cả đời chẳng đi chùa Hương bao giờ, đi đón năm mới hay đi xem lễ, xem hội bao giờ? Vấn đề là phải có kỹ năng để biết trong tình huống đó thì làm gì để toàn thây mà quay về.”

Tôi thích cách tiếp cận không lảng tránh của bố - chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách né tránh nó. Một người trẻ như tôi cũng không thích thú gì với việc phải ở im ỉm trong nhà chỉ vì nỗi sợ bị giẫm chết và bóp ngạt khi ra ngoài đường. Đúng như bố nói, thứ cần nhất là kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân mình.

Tôi rùng mình vì sự tương đồng giữa hình ảnh đám đông kín đặc người nhốn nháo la hét tại Itaewon, với những lần tôi đứng trong những đám người đông không kém tại các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao, hay các lễ hội. Nhớ lại những lần đi countdown tại bờ Hồ hay đi bão ăn mừng đội tuyển Việt Nam, tôi nhận ra rằng mình đã từng ở trong những tình huống tương tự.

Nếu trong những lần đón năm mới xưa kia mà có xảy ra chuyện chen lấn, giẫm đạp, tôi không thể tự tin mà nói rằng mình sẽ sống sót trở ra. Khi ấy, tôi hoàn toàn không có kỹ năng thoát hiểm, thậm chí còn không biết về sự tồn tại của những thảm họa giẫm đạp như vậy.

Tôi tin rằng không mấy bậc phụ huynh chủ động nói chuyện và hướng dẫn con về những tình huống như vậy, phần vì họ không nghĩ ra, phần khác bởi chính họ cũng không biết phải làm gì. Cũng không có nhiều khóa học, lớp đào tạo kỹ năng thoát hiểm trong những tình huống đó.

Người Việt Nam, nhất là thế hệ ông bà tôi, có một thói quen rất kỳ lạ: tránh nói những chuyện “gở.” Không được nói về những chuyện như cháy nhà, như chết đuối, như cướp giật, bởi nói vậy là “gở” và là điềm xấu. Phải chăng chính tư duy né tránh này đã tiếp tay cho sự thiếu hiểu biết, dẫn tới nhiều thế hệ ngơ ngác không biết phản ứng ra sao trong những tình huống như vậy?

Còn nhớ vào năm 2019, tôi cùng một vài người bạn làm tình nguyện viên cho Lễ hội Âm nhạc Gió mùa - Monsoon Music Festival. Một trong những thứ đầu tiên mà chúng tôi được huấn luyện cho các đêm sự kiện là khả năng đánh giá rủi ro và khả năng xử lý khi có sự cố hay rủi ro phát sinh.

Chúng tôi học cách quan sát và đánh giá đám đông, ghi nhớ những lối thoát hiểm hay những lối lên khu vực cao hơn, và được hướng dẫn một quy trình hành động trong các trường hợp như cháy nổ hay hỗn loạn.

Thật mừng khi tôi và các bạn không cần phải sử dụng những điều đó trong Lễ hội năm ấy. Tôi cũng mong rằng bản thân sẽ không bao giờ phải viện tới những kỹ năng đó trong suốt quãng đời của mình. Nhưng bên cạnh đó, sau khi đã được huấn luyện, tôi vừa thấy may mắn, vừa thấy lo sợ.

May mắn vì mình đã được giới thiệu cho những kiến thức để sống sót trong đám đông hỗn loạn. Lo sợ vì, chả nhẽ giới trẻ chúng tôi chỉ có thể tìm thấy những kiến thức ấy trong những buổi tình nguyện cho những sự kiện hòa nhạc? Tới khi nào mới có những sự chỉ dẫn có hệ thống và có ý đồ để mọi người có thể tự bảo vệ bản thân?

Tôi không biết tới khi nào điều đó mới thành hiện thực. Nhưng sau Itaewon, tôi nhận ra rằng thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tự giúp đỡ và tự dạy chính bản thân mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục