Selfie museum - Khi tác phẩm nghệ thuật trở thành phông nền

Thay vì tập trung hoàn toàn vào chất lượng sản phẩm nghệ thuật, các bảo tàng này lại mang tính “ăn ảnh" và phù hợp với mạng xã hội.
Minh Anh
Triễn lãm của Yayoi Kusama | Nguồn: Unsplash

Triễn lãm của Yayoi Kusama | Nguồn: Unsplash

1. Selfie museum là gì?

Selfie museum hay còn mang cái tên khác là Instagram Museum hay Made-for-Instagram Museum. Đây là một xu hướng mới đề cập tới sự ra đời của các phòng trưng bày/bảo tàng với thiết kế đẹp mắt và ăn ảnh, phù hợp cho việc chụp và đăng lên mạng xã hội.

Chữ “museum" trong selfie museum cũng đã khác xa so với định nghĩa bảo tàng nguyên bản. Theo Hội đồng bảo tàng Quốc tế, “bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, mở cửa cho công chúng để tiếp thu, bảo tồn, nghiên cứu và trưng bày”. Các dịch vụ kiểu này đa phần đều tính phí và không phục vụ nhiều cho mục đích học tập hay bảo tồn.

Bản thân hình thức này là một loại experiential retail - thương mại trải nghiệm. Thay vì trả tiền để mua sản phẩm, chúng ta mua về trải nghiệm.

2. Nguồn gốc của selfie museum?

Khái niệm Selfie museum hay Instagram museum bắt đầu được sử dụng từ năm 2015. Lúc này, kênh truyền thông Refinery29 đã mở cửa một buổi triễn lãm với các tác phẩm sắp đặt trong vòng 3 ngày tại New York mang tên 29Rooms. Sự kiện này nhanh chóng trở thành hiện tượng trên khắp mạng xã hội và phổ biến hình thức này tới cộng đồng. Vài năm sau đó, hàng loạt các “bảo tàng selfie" liên tục ra đời, nổi bật trong số đó có Museum of Ice Cream (2016).

Một số người cho rằng, tiền thân của xu hướng này tới từ nghệ thuật đương đại, với các tác phẩm sắp đặt được công chúng yêu mến, nổi bật có Infinity Mirrored Room của Yayoi Kusama vào năm 1965, hay Urban Light của Chris Burden năm 2008.

Đây đều là những tác phẩm không được tạo ra cho mạng xã hội nhưng đã sớm dự báo về tiềm năng của thị trường này khi tạo ra nhiều sự chú ý cho cộng đồng.

3. Tại sao selfie museum phổ biến?

Thói quen và hành vi của chúng ta dần thay đổi theo sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội. Chúng ta chuyển từ văn hóa thực sang văn hóa “ảo” (virtual culture). Tương tự, cách chúng ta tận hưởng nghệ thuật tại bảo tàng cũng thay đổi. Thói quen chụp ảnh và selfie khiến người đi triển lãm thường xuyên đăng các tấm hình của bản thân với tác phẩm nghệ thuật lên mạng xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật sinh ra để được ngắm nhìn, biến thành phông nền cho các bài đăng.

Xu hướng này đã tạo ra hình thức bảo tàng selfie, gia tăng dần trong những năm gần đây. Thay vì tập trung hoàn toàn vào chất lượng sản phẩm nghệ thuật, các bảo tàng này lại mang tính “ăn ảnh" và phù hợp với mạng xã hội. Một triển lãm cá nhân gần đây của Quang Đại cũng gây ra những tranh cãi tương tự trong cộng đồng giới trẻ. Mặc cho những tấm hình check-in lung linh tại địa điểm tràn ngập Instagram, nhiều câu hỏi chuyên môn về tác phẩm tại triển lãm cũng được đặt ra.

Nhà xã hội học người Đức Gerhard Schulze đã từng nhắc tới khái niệm Xã hội Trải nghiệm - “The Experience Society" nhằm nói về việc xã hội đang ám ảnh với việc phải có nhiều trải nghiệm nhất càng tốt. Bảo tàng selfie chính là một phần của hiện tượng này. Trải nghiệm này xảy ra khi bạn tượng tác và chụp hình với các tác phẩm và kết thúc khi tấm hình được đăng trên mạng xã hội. Không chỉ còn là thăm thú một tác phẩm trưng bày, người tham quan bảo tàng có thêm nhu cầu “biểu diễn” trên mạng xã hội bằng cách cho mọi người thấy rằng mình đã ở đó.

“Experience retail" cũng là một trong những xu hướng marketing phổ biến trong thời gian gần đây. Các nhãn hàng bán trải nghiệm thay vì sản phẩm, biến người tiêu dùng thành những người sáng tạo. Tương tự, các bảo tàng selfie đưa ra công cụ để người tham quan có thể tạo ra sản phẩm cho riêng mình bằng cách chụp ảnh. Chúng ta thấy hiện tượng tương tự ở các nhãn hàng thực phẩm khuyến khích khách hàng sáng tạo ra công thức mới hay các cuộc thi chụp ảnh của các hãng điện thoại.

Bản thân hành động tự mình chụp ảnh cũng riêng tư hơn bao giờ hết khi tạo ra cảm giác làm chủ một khoảnh khắc, một sự vật. Khi ta chụp ảnh bản thân với một tác phẩm, nó trở thành một sản phẩm khác cá nhân hơn, lưu giữ lại trải nghiệm đã trôi qua.

Sự thay đổi trong thói quen đi bảo tàng này tạo ra thách thức cũng như cơ hội cho các bảo tàng truyền thống phải thay đổi cách thức giao tiếp của mình với cộng đồng. Thay vì giữ cho mình hình tượng “hàn lâm" và khó gần, nhiều bảo tàng nghệ thuật cũng đã xây dựng cho mình trang truyền thông như Instagram hay Twitter.

Điều này giúp họ tiếp cận được nhiều khán giả hơn. Một số bảo tàng cũng khuyến khích người dùng chụp ảnh và đăng lên để tạo ra những kết nối giữa bảo tàng và công chúng, người thưởng thức và tác phẩm. Suy cho cùng thì nghệ thuật gắn liền với đời sống, xu thế chụp ảnh selfie ở bảo tàng hay selfie museum cũng chỉ là một phần trong sự chuyển dịch của văn hóa.

4. Cách sử dụng selfie museum

Tiếng Anh

A: Have you ever visited a selfie museum?

B: I'm planning to visit one when I come to the US.

Tiếng Việt

A: Ủa bạn đi bảo tàng selfie bao giờ chưa?

B: Mình đang tính đi trong đợt đi Mỹ tới nè.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục