Sử dụng “lý thuyết cú hích” để quản lý tài chính như thế nào?

Chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm tiền mà không phải cấm đoán bản thân điều gì.
Hiền Lê
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Việc có một khoản tiền tiết kiệm sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt cho cuộc sống khi về già, hoặc cho những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh hay suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên việc tiết kiệm vốn không hề dễ. Với khả năng tự kỷ luật có hạn, chúng ta sẽ dễ dàng chịu thua hormone của chính mình, đặc biệt khi tâm trạng tồi tệ. Bên cạnh đó, không phải cứ lương cao lên là ta tiết kiệm được nhiều hơn, bởi điều này sẽ kéo theo lạm phát lối sống.

Một trong các biện pháp giải quyết vấn đề này chính là chế độ lương hưu. Theo đó, công ty phải trích một khoản trong tiền lương hàng tháng để đóng bảo hiểm xã hội cho bạn. Nói cách khác, ngay từ đầu bạn đã không “đụng” được vào số tiền để dành này. Nó giúp bạn tránh các cám dỗ chi tiêu mà không phải đấu tranh tư tưởng để tiết kiệm.

Đây chính là ví dụ điển hình của lý thuyết cú hích (nudge theory). Việc áp dụng các “cú hích” trong quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn chi tiêu và tiết kiệm một cách hiệu quả hơn.

Lý thuyết cú hích là gì?

Theo nhà kinh tế học Richard Thaler và giáo sư luật Cass Sunstein, cú hích là những nhân tố làm thay đổi hành vi của con người mà không cấm đoán hay thay đổi động cơ kinh tế của họ. Để tạo ra cú hích, các nhà chính sách áp dụng kiến trúc lựa chọn (choice architecture).

Hiểu một cách đơn giản, cú hích được hình thành nhờ sắp xếp các yếu tố trong môi trường mà bạn thường xuyên tiếp xúc. Sự thay đổi về môi trường này khiến bạn chủ động muốn điều chỉnh hành vi của chính mình.

Chẳng hạn bạn đặt mục tiêu giảm cân, nhưng lại không mấy vui vẻ khi huấn luyện viên bảo bạn phải giảm hoặc bỏ hẳn ăn vặt. Điều này xảy ra vì yêu cầu của huấn luyện viên đã tước đi của bạn quyền được ăn vặt.

Thay vào đó, bạn có thể mua hoa quả để trong bếp hoặc tủ lạnh. Vì hoa quả nhanh hỏng, bạn cần tiêu thụ chúng nhanh chóng. Và cách nhanh nhất để “xử lý” là đưa chúng vào bữa ăn vặt. Dần dần, bạn sẽ hình thành thói quen ăn vặt lành mạnh và tiến tới cân nặng lý tưởng. Như vậy, bạn đã đạt được mục tiêu mà không phải cấm đoán bản thân điều gì.

Cú hích có tác dụng gì?

Cú hích tập trung vào 3 nguyên tắc là tính tự nguyện, tập trung vào con người và không khuyến khích yếu tố kinh tế. Điều này có nghĩa chúng không mang tính ép buộc hay cấm đoán các lựa chọn của chúng ta, từ đó giúp phòng ngừa tâm lý phản kháng.

Đây chính là đặc điểm khiến cú hích có những lợi thế nhất định so với giáo dục hay luật lệ. Bởi các hình thức kỷ luật này tập trung vào “thiết quân luật” cho ý chí bằng việc hạn chế các lựa chọn. Trong khi đó, cú hích mang lại thêm nhiều lựa chọn khác để bạn chủ động cân nhắc. Việc này giúp bạn vượt qua cảm giác tội lỗi khi trót quyết định sai.

Chẳng hạn khi nhận lương, bạn quyết định tiết kiệm 2 triệu và tự nhủ sẽ không tiêu nó. Nhưng bạn gặp phải chuyện không như ý, hoặc nhìn thấy bộ đồ đẹp và “lên cơn” mua sắm. Vậy là bạn vẫn tiêu số tiền đó và rồi thấy hối hận.

Để giải quyết, bạn có thể lập 1 tài khoản tiết kiệm riêng, Ngay khi vừa nhận lương, bạn chuyển ngay 2 triệu đó vào tài khoản này. Tương tự tiền bảo hiểm, “cú hích” này sẽ đưa khoản tiền tiết kiệm ra khỏi tầm mắt bạn ngay từ đầu.

Đến cuối tháng, bạn vẫn có lựa chọn chuyển 2 triệu này ngược về tài khoản tiêu xài nếu cần. Nhưng một khi đã nhìn thấy nó yên vị trong tài khoản tiết kiệm với tiềm năng sinh lời, bạn sẽ không muốn làm nữa.

Ứng dụng cú hích trong quản lý tài chính cá nhân

Tự nhắc nhở mục tiêu tiết kiệm của bản thân

Thời còn đi học, chúng ta hay trang trí góc học tập bằng những khẩu hiệu cổ vũ tinh thần. Đó có thể là tên trường đại học bạn muốn đỗ vào, điểm IELTS bạn đang hướng tới hay đất nước bạn muốn du học. Giờ đây bạn có thể áp dụng mẹo tương tự với app ngân hàng trên điện thoại.

Thay vì dùng nhận diện khuôn mặt (Face ID), bạn thử đặt mật khẩu là mục tiêu tiết kiệm trong 1 hoặc 2 năm tới. Chẳng hạn nếu đang để dành cho chuyến đi Hàn Quốc sang năm, hãy đặt mật khẩu là "Korea2023!". Như vậy mỗi lần vào app, bạn sẽ tự nhắc nhở mình về mục tiêu đang để dành, từ đó giảm khả năng chi tiêu mất kiểm soát.

Đặt lịch thông báo cho các dịp đặc biệt

Mùa cưới là thời điểm không ít người “cháy túi” vì số tiền mừng cưới vượt quá ngân sách ban đầu. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra nếu trong tháng có sinh nhật của người thân, bạn bè mà bạn chưa để dành tiền mua quà trước đó.

Bạn hoàn toàn có thể tránh cú sốc này bằng công cụ đơn giản là tờ lịch. Dù bạn dùng lịch giấy hay máy tính, hãy đánh dấu những ngày đặc biệt trong tháng tiếp theo. Như vậy bạn sẽ ghi nhớ thời điểm phải tiêu tiền, và có thêm thời gian suy nghĩ để chọn quà với ngân sách hợp lý.

Nếu có thể, bạn nên lập một vài tài khoản phụ cho các khoản chi này: tiền mừng cưới, tiền mua quà sinh nhật, tiền sắm lễ tết/mừng tuổi. Khi hoàn thành bước đánh dấu lịch và tính ra số tiền cần tiêu, bạn hãy chuyển chúng vào tài khoản tương ứng. Một khi tiền đã nằm gọn ở đó, bạn sẽ không thể “vung tay quá trán” số tiền còn lại, hoặc quên sót những khoản cần chi khác.

Áp dụng luật 80/20

Định luật Pareto (hay nguyên lý 80/20) vốn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Bạn có thể chia nhỏ nó thành quy tắc 50-30-20 để quản lý thu nhập của mình như sau:

  • 50%: Các nhu cầu thiết yếu (tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại…).
  • 30%: Các mong muốn, nhu cầu cá nhân (du lịch, mua sắm, giải trí…).
  • 20%: Tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và đầu tư.

Như vậy, bạn chỉ nên tiêu 80% số tiền trong thu nhập của mình, và để dành 20% còn lại cho mục đích tiết kiệm hay đầu tư. Nhớ lập một tài khoản tiết kiệm riêng cho 20% này, để chắc chắn bạn không đụng vào nó.

Nếu 80% còn lại không đủ chi cho các nhu cầu của bạn, nên áp dụng thêm cú hích khác để thay đổi một vài hạng mục trong số này. Chẳng hạn thay vì đi ăn ngoài, bạn có thể mua nguyên liệu nấu nướng về để sẵn trong tủ lạnh ở nhà. Việc nhìn thấy chúng sẽ khiến bạn có động lực tự nấu, từ đó tiết kiệm một khoản tiền lớn so với đi ăn ngoài.

Tận dụng tính năng trả hóa đơn tự động

Hiện nay hầu hết app ngân hàng và ví điện tử đều có tính năng thanh toán hóa đơn tự động (autopay). Khi sử dụng chức năng này, tiền điện, nước hay internet sẽ được tự động khấu trừ từ tài khoản của bạn mỗi tháng. “Cú hích” này giúp bạn vừa trả hóa đơn đúng hạn, vừa không chi quá tay số tiền mình có.

Tuy nhiên autopay có thể khiến bạn mất thói quen theo dõi các hóa đơn. Hệ quả là công ty có thể tăng giá điện/nước mà bạn không để ý. Vì vậy nếu dùng chế độ này, bạn vẫn nên kiểm tra hóa đơn hàng tháng để phát hiện tăng giá và thay đổi nhà cung cấp nếu cần.

Ngoài ra nếu trong tháng bạn có khoản chi tiêu khẩn cấp, autopay có thể khiến bạn không còn đủ số dư cho việc này. Để giải quyết, bạn có thể để ngày thanh toán vào giữa tháng (khoảng từ ngày 10-15) thay vì đầu tháng. Như vậy trong trường hợp khẩn cấp, bạn vẫn có đủ thời gian tính toán và tạm tắt autopay nếu cần.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục