Sự tiếp nối của thầy Thích Nhất Hạnh

Thầy Thích Nhất Hạnh đã dành cả đời để nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: sống trong hiện tại.
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Làng Mai

Nguồn: Làng Mai

Những bài viết về thực hành chánh niệm, về thiền tại Vietcetera đều có rất nhiều lượt chia sẻ. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu được lý thuyết của việc bình tĩnh, hít thở để tập trung vào việc mình đang làm. Nhưng giữa một thế giới luôn nhắc nhở ta phải không ngừng chuyển động, thực hành được nó là một điều quá khó khăn.

Thầy Thích Nhất Hạnh đã chia sẻ muôn vàn chân lý sống, nhưng có lẽ điều mà thầy dành cả đời để nhắc nhở và thực hành cùng chúng ta chỉ đơn giản là “an trú trong hiện tại”.

Thích Nhất Hạnh là một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất không chỉ tại Việt Nam mà còn khắp thế giới. Thầy áp dụng cả kiến thức về Phật giáo Thượng tọa bộ và Đại thừa ở nước nhà cùng những nghiên cứu về tâm lý học đương đại Phương Tây để mang lại một cái nhìn hiện đại về thiền, về chánh niệm.

Và những kiến thức ấy được truyền tải rất dễ hiểu, không giáo điều qua hơn 100 cuốn sách của thầy.

Tập trung vào hiện tại giúp ta thêm yêu đời sống

Chánh niệm không nhất thiết phải là lúc ta tĩnh tại ngồi xếp bằng và thiền ở một chỗ hoàn toàn im lặng. Chánh niệm có trong mọi việc chúng ta làm.

Trong quyển sách “Phép lạ của sự tỉnh thức”, thầy Thích Nhất Hạnh có kể về kỷ niệm rửa bát. Có những mùa an cư tại chùa Từ Hiếu, chỉ hai người nhưng phải rửa bát cho 100 người. Sự khó chịu hay mệt mỏi là tất yếu. Nhưng khoảng thời gian ấy cũng là lúc thầy nhận thức được một điều quan trọng: sự kiện rửa bát là một điều màu nhiệm.

“Tôi hoàn toàn là tôi, làm chủ được hơi thở tôi, ý thức được sự có mặt, ý thức tâm, ý thức ý và hành động của tôi. Nếu trong lúc rửa bát mà ta chỉ nghĩ tới tách trà, nghĩ tới sự nghỉ ngơi hay bất cứ một công chuyện nào trong tương lai, và chỉ muốn cho việc rửa bát qua mau, xem việc rửa bát như một cực hình thì ta không "rửa bát để mà rửa bát", ta không sống trong thời gian rửa bát, ta không chứng thật được phép lạ của sự sống trong thời gian rửa bát.”

Con người bị xoay vần bởi gần 80,000 suy nghĩ mỗi ngày. Việc suy nghĩ nhiều đến những thứ đang không tồn tại ngay tại thời điểm ấy dễ dẫn đến những hành động như binge, stress eating

Đến lúc này, chân lý giản đơn của việc rửa bát sẽ được áp dụng. Chúng ta tập sống trong lúc rửa bát để từ đó tập sống trong những khoảnh khắc khác: nhận biết mình đang ăn ngon, nhận biết mình đang viết vì điều gì, nhận biết mình đang buồn hay vui.

Việc liên tục suy nghĩ dễ khiến ta nhận thấy mình có ít thì giờ (và đây cũng là một kiểu đau khổ). Cách để luyện tập cho mình có vô khối thì giờ để từ đó tìm được niềm vui sống đôi khi lại đơn giản, nếu bạn không thích rửa bát - tập cách đi.

“Tôi ưa đi bộ một mình trên những con đường quê, hai bên có những bông lúa hay cỏ dại và đặt từng bước chân ý thức trên đất, biết mình trong hiện tại đang đi trên hành tinh màu xanh kỳ diệu. Những lúc như thế tôi thấy hiện hữu mầu nhiệm một cách lạ kỳ... Tôi nghĩ phép lạ không phải là đi trên mặt nước hay đi trên than hồng mà là đi trên mặt đất. Hàng ngày ta thực hiện phép lạ mà ta thường không hay biết. ”

Thầy cũng là một trong những người truyền cảm hứng trong thực hành nhiều loại thiền khác nhau. Ở Làng Mai, ngoài cách thiền truyền thống là ngồi yên và hít thở còn có thiền hành, thiền trà…

Thiền không phải là để tìm cách thoát ly khỏi thực tại. Thiền là tĩnh tại để nhận biết về khoảng trời rộng lớn trong chính chúng ta, từ đó nhận biết rõ hơn về thế giới ngoài kia.

Bởi chỉ khi thực sự hiểu về thứ gì đó, chúng ta mới biết cách yêu nó.

An trú trong hiện tại giúp ta biết yêu-đúng-cách

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhận định rằng món quà lớn nhất ta có thể trao cho người mình thương là sự hiện diện của chính mình.

Đôi khi chúng ta không thể yêu thương một cách toàn vẹn và để cơn giận lấn át bản thân. Lúc đó, mọi điều ta nói và làm đều bị cái tôi nuốt chửng.

"Trong Đạo Bụt có danh từ namarupa. Namarupa tương đương với danh từ psycho-soma của khoa học Tây phương. Danh từ Namarupa hay psycho-soma có thể dịch là tâm-sinh-lý, là thân và tâm như một hợp thể." Tâm nghĩ gì, thân cũng sẽ thể hiện như vậy. Nên một trong những cách thầy hướng dẫn để giúp ta kiểm soát cơn giận là ngắm nhìn gương mặt của mình lúc đang tức tối.

Khi thấy gương mặt ấy, đột nhiên chúng ta sẽ mong nó an ổn hơn. Lúc ấy, việc cần làm là lại quay về với hơi thở chánh niệm. Hít vào và biết mình hít vào, thở ra và hiểu rằng mình đang thở ra. Đó là lúc ta nhìn sâu vào vấn đề, chứ không chỉ tìm cách làm người khác đau khổ nữa.

Trong quyển sách “How To Love”, thầy Thích Nhất Hạnh có nói rằng “thấu hiểu” là bản chất của tình yêu. Nếu chúng ta không tìm được cách để thấu hiểu, thì bạn sẽ chẳng thể yêu thương.

Chỉ khi ta tập cách có mặt ở đây, tại lúc này, ta mới yêu một cách toàn vẹn, mới có cơ hội thấu hiểu người ấy và chính ta. Bởi "nếu không có khả năng trở về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây thì không thể nào nhận diện được chính mình, nhận diện được hạnh phúc cũng như khổ đau của mình."

Những năm 1960, thầy Thích Nhất Hạnh phải sống đời lưu vong. Suốt 40 năm sau đó, dù không được ở quê hương, thầy vẫn gieo hạt mầm yêu thương khắp nơi. Cho đến lúc được trở về, thậm chí khi xảy ra những việc không mong muốn như vụ mâu thuẫn ở tu viện Bát Nhã, vẫn không hề có lời giận hờn nào được thốt ra.

Chỉ có một tình yêu vô vàn.

"Không có gì chết, không có gì mất đi"

Thầy Thích Nhất Hạnh đã nói, không có sự sống và sự chết trong thế giới này. Tất cả đều là sự tiếp nối.

"Khi một hạt bắp nảy mầm thành cây bắp, cây bắp ấy sẽ sinh ra trái bắp mang những hạt bắp mới. Ông cũng giống như hạt bắp đầu tiên, còn con chính là một hạt bắp mới. Và như thế, con chính là sự tiếp nối của ông. Ông vẫn sống nơi từng thế bào trong thân thể của con."

Suốt nhiều năm qua thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gieo hạt mầm chánh niệm vào mỗi chúng ta. Để chúng ta biết rằng hạnh phúc có trong chính hơi thở và bước đi của mỗi người.

“Ngày hôm qua đã thành lịch sử, ngày mai thì là một bí ẩn. Chỉ có hôm nay mới là điều quý giá. Đó là lý do chúng ta gọi nó là món quà (the present)” (sư phụ Ooway - Kungfu Panda). Bằng một cách nào đó, tôi nhìn sự ra đi của thầy Thích Nhất Hạnh như phân cảnh ra đi của sư phụ Ooway - thầy hóa thành hàng vạn cánh hoa và bay lên trời.

Và mỗi chúng ta là một cánh hoa tiếp nối của sự tỉnh thức, của an trú trong hiện tại.

Khuya ngày 22/01/2022, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại chùa Từ Hiếu, Huế. Năm 2014, thầy bị xuất huyết não dẫn tới việc không nói được. Nhưng điều đó vẫn không ngăn thầy giao tiếp và truyền cảm hứng cho chúng ta.

Tang lễ của thầy sẽ được tổ chức 7 ngày và được ghi hình trực tiếp tại trang của Làng Mai.

Cảm ơn thầy đã đến với cuộc đời này. Mong thầy an nghỉ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục