Sự trở lại của những tên tuổi lớn & những màn trình diễn mê hoặc nhất
Có nhiều lý do để tin rằng 2023 có thể là một năm thăng hoa của điện ảnh sau vài năm chìm trong suy thoái vì đại dịch, hậu đại dịch và sự cạnh tranh của các dịch vụ trực tuyến.
Đây cũng là năm có những thay đổi lớn. Dòng phim siêu anh hùng và phim thương hiệu đang dần mất đi sức hấp dẫn của chúng tại phòng vé, nhường chỗ cho cho những bộ phim nguyên bản, hoặc nắm bắt trend, dẫn dắt xu hướng của giới trẻ (Barbie của nữ đạo diễn Greta Gerwig) hoặc đề cập đến những chủ đề “lớn” và thể hiện rõ tham vọng của đạo diễn (Oppenheimer của Christopher Nolan).
Rất có thể, mùa phim cuối năm cũng đi theo xu hướng này. Và cũng là cơ hội để khán giả được thưởng thức những tác phẩm xứng đáng nhất.
Những bộ phim tham vọng nhất của các tên tuổi lớn
“Bộ phim sáng tạo nhất của nhiều thập kỷ”, “Kiệt tác”, “Vai diễn xuất sắc nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Leonardo DiCaprio”… là những dòng tít của những tờ báo lớn chuyên về điện ảnh ca ngợi thiên sử thi viễn Tây về lòng tham và tội ác Killers of the Flower Moon của đạo diễn Martin Scorsese.
Dựa trên một câu chuyện có thật và được chuyển thể từ cuốn sách xuất sắc cùng tên của nhà văn David Grann, bộ phim tốn hơn 200 triệu USD kinh phí sản xuất, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu và có độ dài tới 206 phút từng gây tiếng vang khi ra mắt tại LHP Cannes hồi tháng 5 với 9 phút vỗ tay khi kết thúc. Và khi tác phẩm của bộ ba Martin Scorsese, Leonardo DiCaprio và Robert DeNiro chuẩn bị ra rạp vào tháng 10 tới, trailer cuối cùng được tung ra như một lời khẳng định rằng, đây là một trong vài bộ phim lớn nhất, giàu tham vọng nhất của điện ảnh Mỹ trong năm nay.
Câu chuyện về lòng tham và tội ác liên quan đến dầu mỏ từng được Paul Thomas Anderson thể hiện xuất sắc trong There Will Be Blood; nhưng huyền thoại Martin Scorsese vẫn biến chủ đề này trở thành một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo qua ngôn ngữ điện ảnh đầy quyến rũ của ông.
Không chỉ tái hiện lại câu chuyện về những vụ giết người Mỹ bản địa ở Osage Nation hồi đầu những năm 1920 khi người da đỏ phát hiện ra dầu mỏ trên vùng đất của họ, bộ phim này còn gây ấn tượng mạnh mẽ với câu chuyện tình lãng mạn giữa Ernest Burkhart (Leonardo DiCaprio) và Mollie Kyle (Lily Gladstone), nơi tình yêu của họ phải đi qua những bội phản và tội ác khó lường.
Cùng với Oppenheimer, Killers of the Flower Moon cũng được đánh giá là một trong vài bộ phim lọt sâu vào mùa giải Oscar sắp tới với những hạng mục quan trọng nhất. Martin Scorsese, Leonardo DiCaprio, Robert DeNiro và Lily Gladstone đều được “chốt” với những đề cử hạng mục cá nhân như Đạo diễn và nam/nữ diễn viên chính/phụ xuất sắc nhất.
Một đạo diễn lớn cùng thế hệ với Martin Scorsese là Ridley Scott cũng chuẩn bị tung ra bộ phim sử thi Napoleon với diễn xuất chính của Joaquin Phoenix và Vanessa Kirby. Là đạo diễn kỳ cựu đứng sau những bộ phim chất lượng cao như Blade Runner, Thelma & Louise, Gladiator (thắng giải Oscar cho phim hay nhất năm 2001, The Martian…), ở tuổi 85, Ridley Scott vẫn thực hiện những bộ phim sử thi đầy tham vọng, mà Napoleon (ra mắt tháng 11 năm nay) và Gladiator 2 (tháng 11 năm sau) là hai bộ phim đồ sộ nhất của ông.
Tờ Empire cho biết ban đầu Napoleon có độ dài 4h30 phút (270 phút) nhưng do áp lực của bản chiếu rạp nên cuối cùng cắt xuống còn 158 phút, nhưng đó vẫn là một bộ phim đáng kinh ngạc, theo nhận định của “dân trong nghề”. Phần bị cắt được cho là “kể nhiều hơn về cuộc đời của nữ hoàng Josephine trước khi bà gặp Napoleon” qua màn trình diễn xuất sắc của Vannessa Kirby. Ridley Scott hi vọng rằng sau khi chiếu rạp, bản hoàn chỉnh của bộ phim sẽ được đơn vị sản xuất AppleTV+ phát trên nền tảng này.
Trở lại với một vai diễn lớn sau khi thắng giải Oscar với Joker, Joaquin Phoenix chia sẽ rằng sự tái hợp với đạo diễn Ridley Scott là mơ ước của anh, vì Joaquin từng làm việc với ông trong bộ phim Gladiator hơn 20 năm trước. “Hồi đó tôi còn rất trẻ và đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Gladiator là tác phẩm lớn đầu tiên của tôi . Và tôi thực sự khao khát được trải nghiệm điều đó một lần nữa” – anh nói.
Joaquin cũng mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu tâm lý nhân vật, vì bộ phim mới nhất của Ridley Scott tham vọng dựng nên một bức chân dung đầy phức tạp về vị hoàng đế của nước Pháp. Ông ta là một kẻ độc tài, một tội phạm chiến tranh vì giết hàng trăm ngàn người trên các chặng đường chinh phạt để dựng nên một đế chế. Nhưng cuối cùng đế chế đó tan rã dưới chân ông ta. Napoleon của Ridley Scott sẽ là bức chân dung của vị hoàng đế trong giai đoạn tan rã đó.
Khác với những tác phẩm lớn của các tên tuổi khác, Napoleon không tham dự bất kỳ một LHP nào cuối năm trước khi tung ra trình chiếu khiến mọi đồn đoán về chất lượng bộ phim hay triển vọng của nó tại giải Oscar đều chưa có cơ sở. Tuy nhiên, những cái tên như Ridley Scott, Joaquin Phoenix và Vanessa Kirby là những bảo chứng “uy tín” nhất cho bộ phim, tính đến thời điểm hiện tại.
Sự trở lại của các tên tuổi lớn trong mùa phim cuối năm còn phải kể đến phim tiểu sử Ferrari của đạo diễn Michael Mann; phim hình sự giật gân The Killer của David Fincher và phim hài hành động Hit Man của Richard Linklater.
Cả ba tác phẩm mới của ba đạo diễn tên tuổi này đều nhận được những đánh giá tích cực khi tham dự LHP Venice hồi cuối tháng 8. Nếu bạn là fan của những bộ phim đậm đặc nồng độ “nam tính”, cả ba bộ phim này đều xứng đáng cho vào “list” phim phải xem cuối năm nay.
Nổi bật nhất trong ba bộ phim này có lẽ là The Killer. Bộ phim hình sự kể về một tên sát thủ theo đuổi chủ nghĩa khổ hạnh, thích yoga và… triết học này là một tác phẩm đầy tâm huyết của David Fincher, tên tuổi đứng sau những bộ phim “chất” như Se7en, Fight Club, Social Network hay Gone Girl.
The Killer qua màn trình diễn của Michael Fassbender vai một tên sát thủ không tên và Tilda Swinton rất có thể sẽ lọt vào top những bộ phim yêu thích nhất của David Fincher vì phong cách kể chuyện rất “ngầu” của ông. Đây là tác phẩm mà David mất tới 15 năm để thực hiện qua nhiều lần bị đổ bể và là màn tái hợp của ông với biên kịch Andrew Kevin Walker sau bộ phim hình sự đưa tên tuổi Brad Pitt lên sao hạng A gần 30 năm về trước: Se7en.
Vẫn chưa hết. Hai bậc thầy của điện ảnh khác là Hayao Miyazaki và Woody Allen cũng tung ra bộ phim được tuyên bố là “cuối cùng” trong sự nghiệp điện ảnh đồ sộ kéo dài hơn 5 thập niên của họ.
The Boy and the Heron, bộ phim mất hơn 10 năm mới hoàn thành của Miyazaki đã trình chiếu tại Nhật Bản từ tháng 5 với một chiến dịch “không” truyền thông bất cứ thứ gì liên quan đến bộ phim, ngoại trừ nó là bộ phim của Hayao Miyazaki. Màn thử nghiệm truyền thông có một không ai này nhận được phản hồi rất tích cực từ giới phê bình lẫn khán giả.
Sau khi thành công tại quê nhà, tuần vừa qua, bộ phim đã có màn trình chiếu “world premiere” tại LHP Toronto và đứng thứ 3 tại giải thưởng “Khán giả bình chọn” tại LHP quốc tế lớn nhất ở Bắc Mỹ này. Hầu hết các nhận định đều cho rằng đây là một trong những bộ phim hoạt hình xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Hayao Miyazaki.
Còn với Woody Allen, bộ phim tâm lý lãng mạn Coup de Chance khi được chọn trình chiếu (không dự thi) tại LHP Venice cũng được giới phê bình nhận định là bộ phim tốt nhất của ông, kể từ Match Point hoặc Blue Jasmine.
Vị đạo diễn huyền thoại 88 tuổi này mang đến cho khán giả một câu chuyện đương đại về sự lãng mạn, niềm đam mê và tội ác diễn ra ở thành phố Paris thời hiện tại, để rồi từ đó đưa ra những góc nhìn ý nhị về đạo đức trong thế giới của những người thuộc giới trung lưu, thượng lưu của nước Pháp.
Những màn trình diễn xuất sắc
Ngoài sự trở lại của những tên tuổi bậc thầy với các bộ phim được đánh giá cao của họ, các đạo diễn đang ở “phong độ” tốt nhất của họ cũng mang đến cho mùa phim cuối năm những tác phẩm chất lượng.
Nữ đạo diễn Sofia Coppola tái xuất với bộ phim tiểu sử Priscilla kể về cuộc tình giữa Priscilla với huyền thoại Elvis Presley, nhưng được nhìn từ góc nhìn của Priscilla thời trẻ. Chất nữ tính mềm mại nhưng đầy đương đại của Sofia Coppola tái hiện chân dung của Priscilla như cách cô từng tái hiện nữ hoàng Marie Antoinette trong bộ phim tiểu sử cùng tên: đều là câu chuyện về một cô gái trẻ ngây thơ trong thế giới của những gã đàn ông quyền lực, danh tiếng và… toan tính.
Đây là một trong những bộ phim được yêu thích nhất tại LHP Venice năm nay và ra về với giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Cailee Spaeny.
Dù ra về tay trắng tại LHP Venice, nhưng phim tiểu sử âm nhạc Maestro của Bradley Cooper vẫn là một trong những ứng cử viên lớn của mùa giải Oscar. Sau thành công của A Star is Born, Bradley Cooper tiếp tục đạo diễn và đóng vai chính trong một bộ phim lãng mạn của những người nghệ sĩ mà ở đó, tình yêu của họ bị thử thách trước cám dỗ của danh tiếng và đam mê. Màn trình diễn của Bradley Cooper (vai nhà soạn nhạc Leonard Bernstein) và Carey Mulligan (vai người vợ lâu năm Felicia Montealegre) được đánh giá là “có phản ứng hóa học” tuyệt đẹp và hứa hẹn mang đến đề cử Oscar nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Các LHP quan trọng cuối năm như Venice, Telluride, Toronto và New York đã “sàng lọc” những ứng cử viên tiềm năng nhất cho mùa giải cuối năm, mà quan trọng nhất là Oscar.
Một trong vài bộ phim được đánh giá cao nhất ở LHP Telluride là All of Us Strangers, tác phẩm về đề tài đồng tính của đạo diễn Andrew Haigh gây xúc động mạnh mẽ cho khán giả. Bộ phim tinh tế và đầy cảm xúc này kể về câu chuyện tình giữa một nhà biên kịch Adam (Andrew Scott) và anh chàng hàng xóm Harry (Paul Mescal) khi họ gặp nhau trong căn hộ của Harry. Và cũng ở đây, anh tình cờ phát hiện ra một bí ẩn về bố mẹ đã mất của mình.
Một câu chuyện tình nảy nở được lồng trong một câu chuyện về chấn thương gia đình từ quá khứ, tính hiện thực và siêu nhiên cùng đan xen, sự đau lòng và hy vọng cùng song hành… làm nên một bộ phim xúc động ngọt ngào và đồng thời cũng mang đến những màn trình diễn xuất sắc. Cả bốn diễn viên trẻ tham gia bộ phim này là Andrew Scott, Paul Mescal, Jamie Bell và Claire Foy đều được đánh giá cao và là những ứng cử viên cho các hạng mục diễn xuất.
Hai nữ diễn viên kỳ cựu Annette Bening và Jodie Foster trong bộ phim tiểu sử Nyad; Paul Giamatti trong bộ phim hài The Holdovers (về nhì tại giải Khán giả bình chọn tại LHP Toronto) cũng đều được ca ngợi trong màn tái xuất của họ.
Nhưng có lẽ màn trình diễn gây choáng ngợp nhất, cảm xúc nhất trong mùa phim cuối năm thuộc về Emma Stone trong bộ phim Poor Things của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos. Bộ phim thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice còn vai diễn của Emma Stone thậm chí còn được dự đoán mang về giải thưởng Oscar lần thứ 2 cho cô, sau La La Land của 7 năm trước.
Tác phẩm mới nhất của đạo diễn chuyên trị những phim dị thường và theo đuổi chủ nghĩa phi lý biến câu chuyện mang hơi hướng Frankenstein trở thành một tác phẩm ngụ ngôn về sự giải phóng. Một cô gái trẻ ở nước Anh thời Victoria tự vẫn sau khi bị người tình bạo hành và phản bội. Cô được một nhà khoa học thiên tài (Willem Dafoe) hồi sinh bằng chính bộ não của đứa con chưa lọt lòng và nuôi nấng cô như một sinh vật thí nghiệm. Nhưng khi những ham muốn tình dục của cô gái trẻ bộc phát, sự tò mò lôi kéo cô bước vào một cuộc phiêu lưu đầy hoang dã trước khi nhận ra sức mạnh nội tại của bản thân để giải phóng nó một lần nữa…
Tác phẩm đầy khiêu khích với những màn tình dục táo bạo, sự dấn thân và hóa thân trong trình diễn của Emma Stone gây phấn khích cho khán giả với những tràng pháo tay vang dội.
Với tác phẩm này, cả Yorgos Lanthimos và Emma Stone đang ở đỉnh cao sự nghiệp của mình.