Survivor’s guilt: Khi sống sót trở thành một hình phạt
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới. Trong số những người khỏi bệnh, không ít người cảm thấy dằn vặt vì tin rằng mình đã truyền virus khiến người thân qua đời.
Họ hối hận vì đã di chuyển đến địa điểm phơi nhiễm, hoặc vì một hành động vô tình khiến virus lây lan như ôm người thân. Đây chính là biểu hiện của survivor’s guilt (tạm dịch: Nỗi hối hận sống sót).
Survivor’s guilt là gì?
Đây là cảm giác tội lỗi xuất hiện ở người sống sót sau một sự kiện thảm khốc, trong khi những người khác thiệt mạng. Họ cho rằng việc mình sống sót là sai trái và không công bằng với người đã mất. Họ cảm thấy có trách nhiệm với những người ra đi, dù chính họ cũng là nạn nhân. Theo Medical News, đây là một triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Họ thường trải qua cảm giác bất lực, ám ảnh, tâm trạng thất thường, thiếu động lực, thậm chí có ý muốn tự tử. Một số triệu chứng vật lý gồm kén ăn, mất ngủ, tim đập nhanh và nhức đầu.
Nguồn gốc của survivor’s guilt?
Cụm từ được phát minh lần đầu vào thập niên 60, khi các chuyên viên trị liệu tư vấn cho những người Do Thái sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust. Họ trải qua cảm giác tội lỗi và hối hận cùng cực, đặc biệt những người có con bị giết hại cho rằng mình đã không bảo vệ được con.
Những biểu hiện này về sau được ghi nhận ở nhiều đối tượng khác: Người sống sót sau thảm họa hay tai nạn, cựu chiến binh, lính cứu hỏa, người khỏi bệnh ung thư, thân nhân của người tự tử, người từng nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến survivor’s guilt?
Không phải ai sống sót qua thảm kịch đều gặp phải survivor’s guilt. Các chuyên gia tin rằng hiện tượng này có thể bị tác động bởi các yếu tố sau:
Điểm kiểm soát tâm lý nội tại
Điểm kiểm soát tâm lý (locus of control) là mức độ tự quyết mà ta cảm thấy mình có được trong cuộc sống. Người có điểm kiểm soát ngoại tại cho rằng những yếu tố hoàn cảnh như cơ may, môi trường hay hành động của người khác ảnh hưởng lớn đến những sự kiện trong đời. Trong khi đó, người có điểm kiểm soát nội tại tin rằng họ có thể khống chế những gì xảy ra với mình qua khả năng, suy nghĩ và hành động.
Khi người có điểm kiểm soát nội tại gặp một thảm họa, khả năng họ mắc phải survivor’s guilt là rất cao. Dù đa số những sự cố này nằm ngoài khả năng kiểm soát, họ vẫn tìm mọi lý do để tự trách bản thân.
Cảm giác xấu hổ
Trong một số hoàn cảnh, người sống sót có thể cảm thấy hổ thẹn vì hành động của bản thân. Họ cảm thấy mình không xứng đáng sống tiếp và không nên tận hưởng niềm vui nào, bởi như vậy là thiếu tôn trọng người đã mất.
Một ví dụ điển hình là thảm họa chìm phà Sewol năm 2014. Trước khi phà lật, thuyền trưởng ra lệnh cho hành khách ngồi yên trong khoang. Một số học sinh không nghe theo, tìm mọi cách thoát ra ngoài và nhờ vậy mà sống sót. Điều này khiến cảm giác xấu hổ của họ thêm trầm trọng, nhất là khi 304 người bạn của họ đã phải trả giá cho sự ngoan ngoãn nghe lời bằng chính mạng sống của mình (reuters.com).
Từng trải qua chấn thương và bất ổn tinh thần
Theo Good Therapy, người từng trải qua những chấn thương tâm lý (bị bạo hành, bỏ rơi) hoặc có các vấn đề sức khỏe tinh thần có nguy cơ cao gặp phải survivor’s guilt. Điều này phổ biến hơn ở trẻ vị thành niên, do các em chưa hoàn thiện nhân sinh quan và kỹ năng đối phó với biến cố.
Thiếu hệ thống hỗ trợ
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), hệ thống hỗ trợ đóng vai trò quan trọng giúp ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đó có thể là gia đình, bạn bè, câu lạc bộ hoặc hội nhóm tôn giáo - bất cứ cộng đồng nào cho bạn cảm giác gắn bó và thuộc về.
Nếu thiếu đi yếu tố này, người sống sót dễ chìm sâu trong cảm giác tội lỗi. Khi không tìm thấy sự hỗ trợ và cách đối phó thích hợp, họ dễ tìm đến chất kích thích để xoa dịu tinh thần. Trầm trọng hơn, họ có thể có những hành vi cực đoan như ngược đãi bản thân hoặc tìm cách tự tử.
Cách vượt qua survivor’s guilt
Theo nghiên cứu của Naomi Breslau & Robert Kessler, nhiều người mắc survivor’s guilt có thể tự phục hồi trong vòng 1 năm kể từ sự cố. Tuy nhiên, ít nhất ⅓ số nạn nhân tiếp tục sống cùng cảm giác tội lỗi này đến 3 năm hoặc lâu hơn.
Tính đến nay đã có hơn 26.000 người tử vong do COVID-19 tại Việt Nam. Nếu có người thân là một trong số họ, và bản thân đang trải qua survivor’s guilt, bạn có thể tham khảo các cách sau để đẩy nhanh quá trình tự phục hồi:
- Chấp nhận cảm xúc của mình: Những cảm xúc bạn đang trải qua là hoàn toàn hợp lý, bởi chúng là một phần tự nhiên của quá trình chữa lành. Do đó, bạn không cần phải sợ hãi hay chối bỏ chúng.
- Thực hành chánh niệm để lấy lại sự bình tĩnh và từng bước giải phóng những cảm xúc buồn phiền. Các bài tập chánh niệm phổ biến bao gồm thiền, đi dạo và vẽ tranh.
- Làm những việc tích cực: Việc giúp đỡ người khác có thể giúp bạn sớm vượt qua cảm giác tội lỗi. Trong hoàn cảnh đại dịch, bạn có thể gia nhập lực lượng tuyến đầu hoặc tình nguyện hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng.
- Tích cực chia sẻ, trò chuyện với người thân, bạn bè và xây dựng cho mình một hệ thống hỗ trợ về tinh thần.
- Đi tư vấn tâm lý nếu đã thử các biện pháp trên và đều không hiệu quả, hoặc nếu bạn có tiền sử các bệnh lý tâm thần. Trong trường hợp này, các chuyên gia trị liệu sẽ dựa vào tình huống của bạn để đưa ra phác đồ thích hợp nhất.
Kết
Thảm họa, dịch bệnh hay tai nạn là điều không ai mong muốn xảy ra. Nếu không may mất người thân hoặc bạn bè trong những sự cố trên, việc bạn trải qua cảm giác tội lỗi là hoàn toàn bình thường.
Do đó, chấp nhận cảm xúc là bước quan trọng đầu tiên để bạn vượt qua survivor’s guilt. Bạn có thể từng bước thực hành chánh niệm, làm việc tích cực và xây dựng hệ thống hỗ trợ cho chính mình. Nếu cảm giác tội lỗi vẫn kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, bạn nên nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.