Dịch chuyển điểm kiểm soát tâm lý của bạn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Dịch chuyển điểm kiểm soát tâm lý của bạn

Khi đối mặt với thử thách, bạn có tin rằng mình sẽ kiểm soát được kết quả? Hay bạn nghĩ rằng mọi thứ ngoài tầm với? Làm sao để điều chỉnh cách nghĩ này?

Dịch chuyển điểm kiểm soát tâm lý của bạn

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Khi đối mặt với thử thách, bạn có tin rằng mình sẽ kiểm soát được kết quả? Hay bạn nghĩ rằng mọi thứ ngoài tầm với?

Niềm tin khác nhau sẽ ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với các sự kiện trong cuộc sống lẫn động lực của bạn. Làm thế nào để nhận biết niềm tin của mình đang đi theo hướng nào và điều chỉnh lại nó để có lợi nhất cho mình?

Điểm kiểm soát tâm lý là gì?

Điểm kiểm soaacutet tacircm lyacute 1
Điểm kiểm soát tâm lý (locus of control) là mức độ tự quyết mà một cá nhân cảm thấy mình có được trong cuộc sống.

Điểm kiểm soát tâm lý (locus of control) dùng để chỉ mức độ tự quyết mà một cá nhân cảm thấy mình có được trong cuộc sống. Nó phần nào nói lên tính cách, phương pháp học tập, cách một người đối diện với khó khăn, hoặc khả năng thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống,...

Bạn có điểm kiểm soát tâm lý ngoại tại hay nội tại?

Thử đọc qua 2 nhóm quan điểm dưới đây và xem bạn đồng ý với nhóm nào hơn:

Điểm kiểm soaacutet tacircm lyacute 2
Xác định điểm kiểm soát tâm lý | Nguồn: Verywell Mind
  • Những người có điểm kiểm soát nội tại (internal locus of control) tin rằng những gì xảy đến với họ đều đến từ những yếu tố tự quyết như khả năng, hành động, lỗi lầm,...
  • Những người có điểm kiểm soát ngoại tại (external locus of control) lại cảm thấy những yếu tố hoàn cảnh như cơ may, môi trường, hành động của người khác mới có nhiều ảnh hưởng nhất đến những sự kiện, dù tốt hay xấu, trong đời họ.

Cần lưu ý rằng không có ai có điểm kiểm soát tâm lý 100% ngoại tại hay nội tại, mà mỗi người sẽ rơi vào một điểm nào đó nằm giữa hai đầu cực.

Trong cuốn "Choice or Chance: Understanding your locus of control and why it matters", nhà nghiên cứu người Mỹ Stephen Nowicki đã đề xuất 4 phương pháp giúp chúng ta tự điều chỉnh điểm kiểm soát tâm lý, đó là:

Bước 1: Tự tạo lựa chọn cho chính mình

iểm kiểm soaacutet tacircm lyacute 3
Tự tạo ra lựa chọn cho mình.

Hãy nghĩ về một sự kiện khiến bạn căng thẳng gần đây và lên danh sách những lựa chọn hay hành động mà bạn đã có thể thực hiện vào lúc đó. Đừng nghĩ quá nhiều về tính khả thi của chúng. Cứ thả lỏng tâm trí và liệt kê nhiều nhất có thể.

Nếu không thể nghĩ ra quá nhiều lựa chọn, hãy tham khảo ý kiến bạn bè, người thân. Một góc nhìn mới có thể sẽ chính là thứ bạn cần để tìm ra giải pháp tối ưu trong tương lai.

Bước 2: Đặt những mục tiêu hợp lý

iểm kiểm soaacutet tacircm lyacute 4
Đặt mục tiêu hợp lý để nhìn rõ kết quả tích cực.

Những mục tiêu nhỏ, thực tế, phù hợp với sức của bản thân sẽ làm tăng thêm khả năng thành công khi thực hiện. Từ đó bạn sẽ thấy được mối liên kết giữa những nỗ lực bản thân bỏ ra và các kết quả tích cực chúng mang lại.

Bạn có thể tìm hiểu phương pháp S.M.A.R.T cho các mục tiêu lâu dài, hoặc phương pháp 1-3-5 để tập trung vào một số mục tiêu quan trọng mỗi ngày.

Cuối ngày, hãy dành ra 5 phút để trả lời câu hỏi "Hôm nay, mình đã làm hết sức chưa?". Nếu câu trả lời là chưa, xác định những lý do hay vật cản đã "chắn đường" bạn và tìm ra cách loại bỏ chúng vào hôm sau.

Bước 3: Điều chỉnh cách nói chuyện với bản thân

Điểm kiểm soaacutet tacircm lyacute 5
Điều chỉnh cách nói chuyện để tránh đổ lỗ cho ngoại cảnh.

Khi vấp phải thất bại trong cuộc sống, những người có điểm kiểm soát tâm lý ngoại tại sẽ tìm đủ lý do khách quan để "ngụy biện". Việc đổ lỗi này không chỉ bắt nguồn từ việc muốn xóa đi hình ảnh xấu trong mắt người khác, mà hơn cả là vì chính người đó không muốn chấp nhận mình đã phạm sai lầm.

Thử ghi âm lại cách bản thân giải thích về một vấn đề mà bạn đang gặp phải. Sau đó, đếm xem có bao nhiêu câu bạn dùng là khẳng định, phủ định, hay diễn giải ngụy biện, rồi tìm cách thay thế những câu đó thành một phiên bản mang tính xây dựng, đem lại lợi ích hơn cho bản thân.

Bước 4: Giữ một cuốn nhật ký

Điểm kiểm soaacutet tacircm lyacute 6
Trải vấn đề ra giấy đã được chứng minh là mang lại hiệu quả trong việc tự nhận thức.

Nghiên cứu của giáo sư James Pennebaker từ Đại học Texas (Mỹ) đã chỉ ra rằng, hành động viết vào nhật ký những vấn đề của bản thân tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại có thể dẫn đến những thay đổi tích cực vô cùng to lớn, nếu được tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài.

Bạn có thể bắt đầu khai tử nỗi buồn bằng con chữ qua các câu hỏi ngắn bắt đầu bằng WH trong tiếng Anh:

  • What – Điều bạn đang cảm nhận là gì?
  • Who – Ai mang đến cảm xúc tiêu cực này trong bạn?
  • When – Điều đó xảy ra khi nào? Bạn đã chịu đựng nó trong bao lâu?
  • How – Bạn cảm thấy thế nào?
  • Why – Vì sao bạn lại thấy như thế?

Việc viết ra có tác dụng đến vậy là vì nó giúp làm chậm mạch suy nghĩ và khiến con người ta phải thực sự suy ngẫm vấn đề đang được diễn giải, đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu và đánh giá liệu đó có phải là phản ứng hợp lý không, từ đó điều chỉnh hành vi và suy nghĩ cho tương lai.