SWOT - Bí kíp để hết nghèo vào cuối tháng
Thường xuyên túng thiếu hay phải hủy bỏ nhiều dự định vì tài chính eo hẹp? Áp dụng SWOT ngay để không còn các chi tiêu ngẫu hứng và đầu tư thiếu hiệu quả!
1 năm sau khi đi làm mình dọn ra ở riêng và 1 năm nữa thì có đủ chi phí cho chuyến du lịch ở Orlando cùng em gái. Cuộc sống của mình sẽ không đạt được những mục tiêu đó nếu không kỉ luật tuân thủ SWOT.
SWOT là một bảng phân tích Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (nguy cơ) để làm cơ sở dẫn đến bất kì quyết định nào của chúng ta. SWOT thường chỉ được dạy trong các lĩnh vực kinh doanh hoặc các ngành học liên quan đến kinh tế. Nhưng thực tế, nó có thể được áp dụng ở bất kì mặt nào trong cuộc sống, thậm chí cho cả việc hẹn hò trên Tinder!
Hiện tại mình đang sống ở Canada và làm việc trong một văn phòng kế toán. Nhờ kiến thức chuyên ngành và trải nghiệm tự lập ở một đất nước xa lạ, mình đã học được cách ứng dụng SWOT vào quyết định chi tiêu hằng ngày và gặt hái rất nhiều mục tiêu lớn nhỏ.
Nếu bạn đang đắn đo trước bất kì quyết định đầu tư hay chi tiêu nào ngay lúc này, hãy cùng mình phân tích SWOT để xác lập phương pháp sáng suốt và hiệu quả nhất.
SWOT trong chi tiêu cá nhân
SWOT xét đến 4 yếu tố chính:
- Strengths – Các nhân tố nội tại giúp bạn thành công (năng lực, kiến thức, quan hệ…).
- Weaknesses – Các nhân tố nội tại cản trở bạn (thiếu nguồn lực, kiến thức…).
- Opportunities – Các tác nhân bên ngoài bạn có thể tận dụng để thành công.
- Threats – Các tác nhân bên ngoài gây trở ngại cho mục tiêu bạn đề ra.
Strengths và Weaknesses là những yếu tố nội tại, bạn có khả năng tác động đến chúng. Nhưng Opportunities và Threats thì khác, đó là những yếu tố bên ngoài, đồng nghĩa bạn không thể thay đổi chúng. Hiểu rõ 4 yếu tố này, bạn sẽ tự chủ hơn trong các quyết định tài chính và dĩ nhiên, giảm thiểu đáng kể các chi tiêu và đầu tư ngẫu hứng.
Điểm mạnh và điểm yếu
Đầu tiên, để xét về điểm mạnh yếu của tài chính cá nhân, bạn cần chú trọng 4 yếu tố:
- Sự ổn định của tiền lương
- Tiền phòng thân cho trường hợp khẩn cấp
- Nguồn đầu tư sinh lời đều đặn
- Các khoản nợ
Dĩ nhiên, 3 yếu tố đầu đều có, ổn định và cao hơn càng nhiều so với các khoản nợ thì tài chính của bạn càng mạnh. Ngược lại thì càng yếu.
Để xác định 4 yếu tố trên, bạn có thể đặt ra các câu hỏi:
- Tiền lương từng kì của bạn là bao nhiêu? Có ổn định không? Nếu không thì do yếu tố nào?
- Bạn có đang đầu tư vào lĩnh vực nào không? Nó có đem lại lợi nhuận ổn định? Lợi nhuận bao nhiêu?
- Bạn đang có khoản nợ nào không? Là nợ dài hạn hay ngắn hạn? Bạn có đủ khả năng trả nợ không?
- Mức sống của bạn có phù hợp với số tiền kiếm ra hàng tháng không? Nguồn thu nhập hiện tại đã đáp ứng đủ các nhu cầu của bạn chưa?
- Sau khi trừ các khoản nợ và chi tiêu, bạn có khoản tiết kiệm nào để phòng thân không?
Từ việc phân tích các yếu tố trên, bạn đã có thể sơ lược biết mình cần cải thiện mặt nào trong nguồn tài chính cá nhân. Chẳng hạn nếu như thu nhập mỗi tháng là 15 triệu và không đủ đáp ứng việc chi tiêu, bạn có thể cân nhắc vài giải pháp để giảm bớt áp lực tiền bạc, chẳng hạn: tìm việc làm thêm, mua sắm những thương hiệu chất lượng nhưng giá rẻ hơn hay đang trong đợt khuyến mãi, sử dụng các sản phẩm bền hơn để giảm thiểu chi phí sửa chữa và thay thế, lọc bớt những chi tiêu không cần thiết như mỗi ngày làm một ly trà sữa hay ăn vặt vào buổi chiều…
Thậm chí, bạn có thể nghĩ đến việc trau dồi kiến thức để tìm công việc có mức lương cao hơn, đầu tư vào chứng khoán, nhà đất, bitcoin…, không thì ít nhất cũng là gửi tiết kiệm để thu nhập của bạn vẫn sinh lời.
Cơ hội và nguy cơ
Khi đã biết tình trạng nguồn tiền của mình, giờ là lúc xét đến những cơ hội và nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính của bạn.
Những cơ hội trong tài chính hoặc sẽ đến bất ngờ, hoặc bạn phải tự chủ động tìm hay tạo ra. Các cơ hội này không bao gồm các yếu tố may mắn mà là những tình huống bạn có thể tận dụng khi đã có sự chuẩn bị chín muồi. Nếu biết nắm bắt cơ hội, nguồn tiền của bạn sẽ lập tức được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên song song với cơ hội, chúng ta có Threats – những nguy cơ ngoài tầm kiểm soát có thể làm sụt nguồn tài chính của bạn. Chúng có thể là chi phí sinh hoạt tăng đột biến, lĩnh vực bạn đang đầu tư có sự biến động lớn về thị trường, bạn sắp sinh em bé hay công ty cơ cấu lại và bạn mất việc…
Dù có thể ập tới bất ngờ và khó mà dự đoán nhưng không đồng nghĩa bạn không kịp trở tay nếu gặp chúng. Để có được sự chuẩn bị trước, hãy tự đặt câu hỏi xem mình sẽ làm gì khi gặp hoặc tốt hơn là ngăn những nguy cơ dưới đây:
- Những khoản nợ lớn với mức lãi suất cao
- Dòng tiền âm
- Không có khả năng làm việc
Để giảm thiểu những thiệt hại gây ra từ việc thiếu hụt nguồn tiền bất ngờ, bạn có thể xem xét điều chỉnh lại lối sống và tăng thêm các khoản tiết kiệm. Đồng thời có thể suy nghĩ đến việc đầu tư cho bảo hiểm hay các mối quan hệ với ngân hàng. Những đầu tư này sẽ vô cùng xứng đáng trong trường hợp bạn gặp tai nạn bất ngờ, mất khả năng làm việc hay cần vay một khoản tiền lớn.
Để các bạn dễ hình dung, mình sẽ đưa ra một ví dụ về lần gần đây nhất mình áp dụng SWOT vào phân tích tài chính cá nhân trước khi quyết định mua vớ mang mùa đông:
Sau khi phân tích SWOT và tự đặt cho bản thân một giới hạn chi tiêu, mình nhận thấy vẫn có thể trích tiền lương để mua vớ mà vẫn dư tiền tiết kiệm. Bên cạnh đó, nhờ vào khuyến mãi cùng mua đồ chất lượng nên mình có thể giảm thiểu chi tiêu cho năm nay và cả năm sau vì đỡ tốn khoản mua mới.
Kết
Nếu nhìn nhận kĩ thì mỗi quyết định trong đời bạn đều có đủ bốn yếu tố của SWOT: từ việc chọn bạn, chọn người yêu, chọn công việc, hay chỉ đơn giản như mua một cái áo. Thế thì thay vì đưa ra một quyết định theo bản năng, tại sao lại không thử nghĩ một cách chiến lược hơn về các điểm ưu, điểm khuyết, cơ hội và mối nguy? Hãy tập đặt ra những câu hỏi suy luận và có thể bạn sẽ ngạc nhiên về cách mà SWOT giúp bạn chi tiêu thông minh, sống tốt và hiệu quả hơn.
Bài viết được thực hiện bởi Rosie Hồng Ân.
Xem thêm:
[Bài viết] Money blueprint tác động đến cách bạn tiêu tiền như thế nào?
[Bài viết] Có người mẹ làm ngân hàng đã dạy tôi điều gì về tiết kiệm?