“Tháng ăn chơi” tới, đo nồng độ cồn kiểu mới
1. “Tháng ăn chơi” tới, đo nồng độ cồn kiểu mới
Đo nồng độ cồn kiểu mới đã không còn là câu chuyện thí điểm. Đồng loạt các lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh trong vài ngày qua đã tổ chức kiểm tra nồng độ cồn các xe ôtô.
Lái xe cho phương tiện vào làn kiểm tra, không cần xuống xe như trước đây. Chỉ cần nhìn cảnh sát, hướng hơi thở vào một máy đo dạng phễu, và trả lời một số câu hỏi nhẹ nhàng: Anh tên gì? Quê anh ở đâu? Thi thoảng là “Hôm nay anh uống mấy chai rồi?”.
Nếu máy nhảy số, báo có cồn, cảnh sát sẽ dùng máy đo chuyên dụng hơn để định lượng, xác định mức độ vi phạm. Trong vòng 30 phút, lực lượng đã có thể kiểm tra được 40 phương tiện, tăng 4-5 lần so với trước đây.
Tháng “ăn chơi” đã tới, để không phải giật mình thon thót khi đang bon bon trên đường, thì dù đi xe máy hay xe hơi, cũng cần “Nghĩ về em, anh vững vàng tay lái/ Nghĩ về mẹ, anh nhè nhẹ chân ga”.
2. Quý Báu và quý báu
Quý Báu, không phải tính từ, cũng chẳng phải tên của một địa danh hay tên người Việt… Đây là tên một chú voọc đen má trắng vừa chào đời tại Mỹ vào tháng 12/2020! Vườn thú Philadelphia đã thông báo chào mừng thành viên mới vào ngày 16/01, còn kèm hướng dẫn phát âm Qwee-bow cho các du khách.
Đây là lần đầu tiên giống voọc đen má trắng sinh sản tại vườn thú nổi tiếng này. Tính “quý báu” của sự kiện còn nằm ở chỗ: voọc đen má trắng nằm trong danh sách động vật nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Với nguồn gốc từ miền Bắc của Việt Nam và Trung Quốc, chú voọc Quý Báu hẳn sẽ hạnh phúc vì sự tinh tế và tình cảm thể hiện qua cách đặt tên của đội ngũ nhân viên. Còn cộng đồng người Việt lại có cơ hội tự hào sao tiếng nước mình giàu đẹp thế!
3. Gặt hy vọng cho mùa “cô-vy”
Để chuyến du lịch 5 châu năm 2021 thêm “vui”, cô-vy đã đẻ thêm hơn 1500 biến thể trên khoảng 20 quốc gia, thách thức các Bộ Y tế… Chỉ trừ Israel. Quốc gia này đã cấp tốc khởi nghiệp vaccine.
Mỗi ngày, Israel đều duy trì số lượng 150.000 người đến các trung tâm tiêm chủng. Đến nay hơn 10% dân số đã được tiêm vaccine. Nếu mọi chuyện thuận lợi, họ sẽ trở thành dân tộc đầu tiên nói lời vĩnh biệt với COVID!
Trong một diễn biến khác, “cô-vy” phải giảm tốc khi sang đến Việt Nam. Sáng ngày 20/01, Học viện Quân y đã tiếp tục tiêm mũi thứ 2 vaccine Nanocovax liều 25mg cho 17 tình nguyện viên, hoàn tất hơn nửa chặng đường thử nghiệm vaccine. Mục tiêu miễn dịch COVID lại được tiếp thêm hy vọng.
4. Lồng tiếng - Nghiệp diễn hay nghiệp chướng?
Vừa cập bến phòng vé Đan Mạch, bom tấn Soul (Cuộc Sống Nhiệm Màu) rơi ngay vào nguy cơ trở thành bom xịt. Nguyên nhân cho điều không tưởng này xuất phát từ việc diễn viên lồng tiếng cho nhân vật chính trong phim, thầy giáo piano Joe Gardner, là diễn viên da trắng Nikolaj Lie Kaas. Trong khi ở phiên bản gốc, Joe Gardner vẫn do tài tử da đen Jamie Foxx lồng tiếng.
Thông tin ngay lập tức tạo ra làn sóng tranh cãi tại: liệu hãng phim có đang phân biệt trình độ chuyên môn theo màu da khi tới Đan Mạch?
Diễn viên Ivo Chundro cho biết các đạo diễn trước nay thường chỉ chọn diễn viên lồng tiếng da trắng cho vai da trắng. Gần đây, do ảnh hưởng của phong trào Black Lives Matter, các diễn viên lồng tiếng da đen đã được chào đón cho vai diễn da trắng. Nhưng chiều ngược lại thì bị phản đối gay gắt.
Đáp trả dư luận, diễn viên Lie Kaas chia sẻ trên trang cá nhân: “Suy nghĩ của tôi rất đơn giản. Hãy giao cho người nào làm công việc này tốt nhất”.
Nhìn lại rạp chiếu tại Việt Nam, chúng ta may mắn không có sự phân biệt màu da, nhưng lại có sự phân biệt giữa… phim phụ đề và phim lồng tiếng. Hiện nay cứ 10 suất chiếu thì hết 8 suất phụ đề, chỉ có 2 suất lồng tiếng.
Sự chênh lệch về chất giọng và văn hoá ngôn ngữ sẽ không thể xóa bỏ hoàn toàn khi lồng tiếng cho phim ngoại. Vậy có chăng nghề lồng tiếng tại Việt Nam chỉ phát triển được nhờ động lực từ các phim hoạt hình chiếu rạp “nhà trồng”? (Hãng hoạt hình Việt Nam đã có kế hoạch sản xuất ngay trong năm nay!).
5. Prada - “Hãng thời trang gặp hạn của năm”
Prada, niềm tự hào của Ý, vừa chính thức được công chúng trao cho danh hiệu “Hãng thời trang gặp hạn của năm”. Trong chưa đầy 3 tháng, 3 hợp đồng đại sứ thương hiệu của hãng đã phải huỷ bỏ, vì các đại sứ đều gặp phốt để đời. Danh tiếng thương hiệu bị ảnh hưởng mạnh. Cổ phiếu thì lao dốc không cần báo trước.
Tháng 10 năm ngoái, Prada mời tượng đài nhan sắc Irene (Red Velvet) thì cô bị tố có tính cách ngôi sao, lăng mạ stylist. Hợp tác với Chanyeol (EXO) thì anh bị bạn gái tố lăng nhăng. Sang Trung Quốc đổi vận, thì Trịnh Sảng vấp phải loạt phốt từ bỏ con đến tính cách “trà xanh”.
Theo bà Michael Burke, nhà điều hành Louis Vuitton, thời trang thế giới năm 2020 nói chung đã lao đao đến mức gần ‘bại liệt’. Thời trang nếu muốn bền vững, ngoài xu hướng xanh, còn phải biết chọn mặt gửi vàng. Đó là những người mẫu, KOLs có lối sống bền vững, chứ không chỉ các sao tốt nghiệp từ các lớp học “sống ảo”.