Thế hệ trẻ có đang đánh mất đức tính cao quý của người Việt?
Không phải một nhận xét vô căn cứ, càng không phải một kết luận quy chụp khi chỉ lướt qua vài dòng tiêu cực trên báo chí, bên dưới là những điều đang hiện hữu, những sức ảnh hưởng không thể phủ nhận mà thế hệ trẻ đã và đang tạo ra cho diện mạo mới của đất nước Việt Nam.
Liệu những đánh giá rằng người Việt trẻ có xu hướng sính ngoại, vô trách nhiệm, vô ơn trước quá khứ hay thờ ơ với gia đình có chính xác? Liệu bất chấp những biểu hiện tích cực vẫn tồn tại khắp nơi trong đời sống, bạn vẫn nghĩ người trẻ đang đánh mất những bản sắc tốt đẹp của dân tộc?
Nếu thế thì hãy chuẩn bị đi, vì bạn sẽ được chứng minh điều ngược lại.
Thổi bùng tinh thần dân tộc
Tuy cách thể hiện khác nhau, nhưng qua những phản ứng với các sự kiện đang diễn ra, có thể thấy rất rõ người trẻ bây giờ cũng yêu nước chẳng kém ông cha một thời. Lòng yêu nước thể hiện mồn một trong từng cái hò reo tưng bừng khi đội tuyển quốc gia ghi bàn vào lưới; trong những trận “bão” ăn mừng có vẻ nhốn nháo, ồn ã; trong hàng trăm ngàn dòng trạng thái hân hoan tự hào khi đại diện nước mình lần đầu vinh dự lọt top 5 cuộc thi sắc đẹp thế giới. Và trong triệu triệu đoạn chia sẻ phủ kín Facebook đó, luôn luôn nổi bật dòng chữ “Việt Nam vô địch!” hay “Tự hào quá Việt Nam ơi!”.
Không chỉ thể hiện với thế giới, trước những vấn đề trong nước, họ cũng tích cực tham gia và đang tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ theo cách riêng của mình. Những dự án nhân đạo, những bất công tồn tại trong xã hội đều được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Không chỉ có tiếng vang mà tiếng nói đồng thanh của cả cộng đồng trẻ đã thực sự đem đến kết quả tích cực. Họ không cầm súng, cầm gương để bảo vệ, che chở cho dân tộc mình mà dùng sức mạnh của truyền thông xã hội, sức mạnh công nghệ của thời đại để tạo nên những điều lớn lao.
Sự ủng hộ vượt mong đợi của người trẻ đối với Chiến dịch Hoa Hướng Dương (2018) để quyên góp cho trẻ em ung thư là minh chứng rõ rệt. Theo ghi nhận, có hơn 300,000 bông hoa hướng dương được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, nơi 81% là người trẻ từ 18 – 34 tuổi. Các bệnh nhi ung thư đã được nhận hỗ trợ 5 tỷ đồng nhờ những nghĩa cử cao đẹp này. Không yêu nước, không thương đồng bào mình, sao có thể có những hành động như vậy?
Tôn vinh chất liệu Việt
Nhiều người nhận xét thế hệ trẻ hoàn toàn “mù tịt” về lịch sử cũng như những bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng những dự án lịch sử quy mô được cả nước biết đến và truyền thông chú ý đưa tin liên tục như Việt Sử Kiêu Hùng hay Phượng Khấu lại được dẫn dắt bởi những nhóm bạn trẻ 9x, thậm chí là 9x đời cuối.
“Đối với mình, lịch sử là phải sống, phải hiện hữu. Lịch sử nên được tôn trọng, chứ không nên bị thần thánh hóa, trở thành một thứ mà không ai có thể với tới được. Vì vậy mà dù không hoàn hảo, mình vẫn hy vọng đem lịch sử đến gần hơn với người trẻ” – theo lời Tôn Thất Minh Khôi, cố vấn dự án phim cung đấu lịch sử đầu tiên của Việt Nam Phượng Khấu, đồng sáng lập chuyên trang Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi.
Ngô Hồng Quang, ban nhạc Hạc San hay Guitarist Dzung Pham cũng là những nghệ sĩ tích cực đưa chất liệu truyền thống vào các tác phẩm âm nhạc của mình. Chương trình “Ký ức vui vẻ” gợi nhắc về những con người, sự kiện nổi bật trong đời sống người Việt trước đây gần như trở thành một “cơn sốt” với mỗi tập đăng tải trên Youtube luôn đạt vài triệu lượt view.
Thậm chí, bộ phim hoạt hình Con Rồng Cháu Tiên (2017) do một studio trẻ toàn 9x Việt sản xuất đã vượt mặt tất cả các phim hoạt hình nước ngoài và trở thành hiện tượng trên mạng xã hội chỉ sau vài ngày lên sóng. Với con số hơn 30 triệu lượt view (tính tổng các kênh phát sóng trên Youtube) và vô số lần được trình chiếu trên các đài lớn nhỏ, Con Rồng Cháu Tiên là minh chứng rõ rệt nhất cho việc: chất liệu Việt khi được khai thác và thể hiện đúng cách sẽ chắc chắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ thế hệ trẻ.
Uyển chuyển và dễ thích nghi
Có lẽ chỉ người Việt trẻ mới bước vào nhà hàng sang trọng gặp gỡ đối tác nước ngoài vào buổi trưa, ngồi trà đá vỉa hè với bạn bè vào buổi tối hay hòa vào những vũ điệu la tinh cuồng nhiệt đêm cuối tuần. Giờ đây, chẳng có gì lạ khi nhìn thấy các nhân viên văn phòng áo quần là lượt ngồi xả hơi bên ly cà phê hay tuốt ốc bên các quán vỉa hè. Y nguyên trên người áo vest, giày tây, tay xách máy tính nhưng trông họ chẳng có gì tách biệt với khung cảnh bình dân, nhộn nhịp bên ly trà đá của những quán xá truyền thống.
Uyển chuyển như chính con người, ẩm thực Việt không có bất kì giới hạn nào, không phân biệt cao cấp hay bình dân. Trong khu ẩm thực của các trung tâm thương mại lớn như Takashimaya hay Vincom, các cửa hàng món Việt, món Nhật, món Hàn, món Thái, món Tây được xếp đặt san sát tạo nên khung cảnh ẩm thực đầy sắc màu. Nhưng không dừng ở đó, ngay trong bản thân các món ăn đã có sự phối trộn, bổ sung để làm giàu thêm khẩu vị ẩm thực đa dạng của người Việt trẻ. Bánh mì bò nướng bơ Campuchia, hàu sữa nướng cút phô mai, nghêu hấp Thái,… là những thực đơn quen thuộc được ưa chuộng nhờ sự hòa lẫn vừa lạ vừa quen giữa văn hóa Việt Nam và nước ngoài.
Sự linh hoạt và cởi mở với các nguồn du nhập không chỉ dừng lại ở ẩm thực mà ảnh hưởng mạnh mẽ đến bộ mặt kinh tế và du lịch Việt Nam những năm gần đây. Việt Nam hiện đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư ở Đông Nam Á với hơn 18,4 tỉ USD vốn FDI chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019. Mức tăng trưởng dương của các dự án đầu tư nước ngoài qua từng năm cũng đồng thời chứng tỏ tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam.
Bên mảng du lịch, trong tháng 11/2019 Việt Nam vừa đạt được kỉ lục mới với trên 1,8 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với tháng trước và cao nhất từ trước đến nay. Lượng khách du lịch đến từ các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… đều tăng so với cùng kì năm ngoái.
Chăm chỉ vượt khó
“Ở nhà, ông bà, bố mẹ luôn cho là mình lười. Lý do hầu như xuất phát từ việc mình không biết phụ gia đình làm những việc như nấu cơm, lau nhà, rửa bát,… mà suốt ngày chăm chăm vào máy tính. Thực tế, lúc đó mình đang làm việc thật, nhưng người lớn cứ nghĩ phải động tay động chân mới là làm việc” – Thiên An, 25 tuổi.
Đương nhiên, để chu toàn cuộc sống, ai cũng cần có trách nhiệm với những vấn đề cơ bản nhất xung quanh mình. Nhưng những dấu hiệu trên không đủ chứng minh rằng người trẻ lười biếng. Họ có thể không làm việc nhà chăm chỉ, nhưng lại sẵn sàng đến văn phòng làm việc miệt mài đến tận khuya hay không ngừng lao động cho các mục tiêu xã hội mình tin tưởng.
Số liệu khảo sát của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, Việt Nam đang thuộc nhóm nước có thời gian làm việc thực tế cao nhất trên thế giới. Hơn nữa, với những áp lực vô hình đến từ các gương thành công trên thế giới, sự cạnh tranh về công việc từ các nguồn lao động nước ngoài nhập cư, các yêu cầu ngày càng tăng từ sự mọc lên của vô số tập đoàn đa quốc gia… càng khiến cho người trẻ Việt không còn cách nào khác ngoài chạy đua để vươn lên.
Thậm chí, thế hệ trẻ Việt ở các đô thị lớn đang đối mặt với trầm cảm và hiện tượng burnout khi làm việc quá sức. Nhiều hậu quả lớn hơn từ việc này cũng đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi khiến không ít người phải giật mình nhìn lại bản thân. Vì thế, không chỉ là vấn đề cơm áo gạo tiền như các thế hệ trước, thế hệ trẻ còn đối diện với cả những áp lực đến từ kỳ vọng của bản thân cùng định nghĩa thành công của xã hội hiện đại.
Kết
Vô hình trung, chúng ta thường có cái nhìn tiêu cực về cả một tập thể chỉ dựa vào vài hiện tượng bề mặt. Người trẻ có thể không thể hiện những đức tính và nét đẹp truyền thống của người Việt Nam như cái cách mà ông cha họ đã làm, nhưng nó vẫn luôn tồn tại, hòa quyện vào đời sống nhộn nhịp nhiều sắc màu của họ.
Tuy cách suy nghĩ và thể hiện khác nhau, nhưng người trẻ Việt cũng đang nỗ lực hết mình vì một tương lai tươi sáng, không chỉ cho bản thân mà cho cả đất nước. Việc mở lòng đón nhận những phẩm chất Việt thời đại mới không chỉ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn mà cũng tạo cơ hội cho những nét đẹp Việt vươn cao và vươn xa. Suy cho cùng, nguồn động lực và cảm hứng lớn nhất của thế hệ trẻ nếu không xuất phát từ những cống hiến cùng tinh thần yêu thương, đùm bọc của các thế hệ cha chú đi trước thì còn có thể đến từ đâu khác?
Bài viết được thực hiện bởi Thu Uyên.
Xem thêm:
[Bài viết] 2 Thập kỷ cãi nhau với bố dạy tôi điều gì?
[Bài viết] Dấu hiệu của hội chứng “cháy sạch” và cách đối phó