Thương hiệu ẩm thực quốc gia là một kiểu ngoại giao văn hóa

Đây là nhận định của lãnh đạo Masan trong kế hoạch nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Hao Tran
Nguồn: Masan

Nguồn: Masan

Trong Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn, hai nhà lãnh đạo từ tập đoàn Masan và Vingroup đã trình bày kế hoạch nhằm thúc đẩy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoại giao văn hóa bằng ẩm thực Việt Nam

Masan, một trong những tập đoàn tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, đã đề xuất chiến lược quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Masan, kiến nghị Chính Phủ xem xét và ban hành lộ trình đưa ẩm thực Việt trở thành thương hiệu quốc gia.

Theo ông Nam, xây dựng thương hiệu ẩm thực quốc gia không chỉ nhằm mục tiêu thương mại, mà còn là “một hình thức ngoại giao văn hóa, lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt lên bản đồ ẩm thực thế giới”. Masan cam kết sẽ đồng hành cùng Chính Phủ thực hiện chiến lược này.

Đối với Masan, ẩm thực không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là nhân tố giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu và khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Masan đã và đang phát triển nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng như Kokomi, Omachi, Chin-Su, Nam Ngư và Wakeup-247.

Các thương hiệu này mang lại nguồn thu hàng năm từ 150 - 250 triệu USD, cho thấy sản phẩm của Masan không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.

Hành trình “Go Global” của Masan cũng gặt hái nhiều thành công. Đầu năm nay, tương ớt Chin-Su của Masan đã đứng đầu danh sách sản phẩm bán chạy nhất trên Coupang, sàn thương mại điện tử lớn tại Hàn Quốc. Trước đó, thương hiệu này từng lọt vào Top 8 tương ớt bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Tham vọng của Masan không dừng lại ở nước chấm. Tháng 7 vừa qua, Masan đã xuất khẩu container rau diếp thủy canh thứ 12 sang Hàn Quốc. Sự kiện khẳng định vị thế của Masan trong xuất khẩu rau củ sạch chất lượng cao, đồng thời cho thấy khả năng quảng bá nông sản Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Masan cho biết để đưa thực phẩm Việt ra toàn cầu cần nỗ lực nhiều hơn ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm. Tập đoàn kiến nghị Chính phủ ban hành thêm khung pháp lý trong xuất khẩu thực phẩm, đưa ra các tài liệu về tiêu chuẩn kỹ thuật và xúc tiến Thương mại tại các nước trên thế giới.

Động thái này sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) dễ dàng tiếp cận và tra cứu thông tin để mở rộng thị trường sang nước ngoài.

Tiếng Anh toàn dân và phát triển nguồn lực công nghệ cao

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, đề xuất Chính phủ tăng cường đào tạo và phổ cập tiếng Anh. “Việc này không chỉ triển khai trong các trường công lập mà còn hướng tới đào tạo toàn dân, nhằm xây dựng một xã hội có khả năng hội nhập toàn cầu.”

Đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh ở cả thành thị và vùng sâu, vùng xa sẽ mang lại cơ hội việc làm tốt hơn cho trẻ, đồng thời góp phần phát triển khu vực còn khó khăn trong tương lai. Vingroup cùng các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên đến các vùng nông thôn, nơi còn gặp hạn chế về tiếp cận giáo dục.

Các chương trình cải thiện kỹ năng tiếng Anh sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh quá trình hội nhập toàn cầu, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm trong các ngành yêu cầu giao tiếp quốc tế như du lịch, công nghệ thông tin (IT), hay các dịch vụ thuê ngoài (BPO).

Ông Vượng nhấn mạnh rằng nâng cao năng lực tiếng Anh sẽ giúp người dân cải thiện thu nhập, đồng thời đóng góp vào quá trình phát triển đất nước.

Ngoài ra, ông Vượng còn kêu gọi Chính phủ tăng cường đào tạo sinh viên trong các ngành công nghệ, như công nghệ thông tin (IT) và dữ liệu lớn. Đề xuất này nhằm gia tăng lực lượng lao động công nghệ cao, giảm lệ thuộc vào các ngành truyền thống như nông nghiệp và sản xuất.

Tầm nhìn chung về tương lai Việt Nam

Mặc dù Masan và Vingroup đưa ra giải pháp ở các lĩnh vực khác nhau, cả hai tập đoàn đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong khi Masan chú trọng phát triển xuất khẩu và gia tăng giá trị thực phẩm Việt Nam thì Vingroup đặt mục tiêu trang bị cho người dân kỹ năng tiếng Anh và phát triển nhân lực công nghệ để vươn lên trong thời đại toàn cầu hóa.

Đề xuất của các lãnh đạo đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đối mặt với những trở ngại về gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Những chiến lược của Masan và Vingroup hứa hẹn sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường nội địa.

Chuyển ngữ bởi Thúy An


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục