Thương mại điện tử Việt Nam: Những chuyển biến nửa đầu 2019
Trong quý I và II năm 2019, bên cạnh sự rút lui của Robins, thị trường thương mại điện tử Việt Nam xuất hiện thêm thương hiệu Leflair đầy tiềm năng trong lĩnh vực thời trang, và sự tham gia của “ông lớn” Amazon.
Original reporting by Yen Hai Nguyen, of .
Năm 2018 được xem là năm của thương mại điện tử tại Đông Nam Á, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kể từ khi Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành thương mại điện tử cũng dần chứng kiến những tín hiệu lạc quan.
Cuối năm 2018, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt có bước tăng trưởng vượt bậc. Theo đó, Tiki, Thế Giới Di Động và Sen Đỏ vươn lên top 10 trang thương mại điện tử có lượt truy cập cao nhất tại Đông Nam Á. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đa quốc gia như Shopee và Lazada cũng lần lượt chễm chệ tại vị trí thứ 1 và thứ 3 trong top.
Theo Google và Temasek, Việt Nam hiện đang là thị trường thương mại điện tử có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng bình quân 43% mỗi năm. Đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ lớn thứ nhì trong khu vực, với quy mô lên đến 15 tỉ USD.
Tuy tương lai hứa hẹn là vậy, sang nửa đầu 2019, cục diện thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn không ngừng biến chuyển. Dưới đây là một vài tin tức tổng hợp về những biến động của các doanh nghiệp thương mại điện tử tại thị trường trong nước.
Bộ Công Thương hợp tác với Amazon nhằm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước
Trong tháng 1, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã công bố thoả thuận hợp tác với Amazon nhằm tạo cơ hội cho các thương nhân Việt Nam tham gia mạng lưới bán hàng toàn cầu này.
Điều này giúp các doanh nghiệp Việt có khả năng tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng của Amazon. Không chỉ vậy, việc ký kết này còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thương nhân ở khắp Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu. Đây cũng chính là hoạt động thương mại điện tử đầu tiên của Amazon trên lãnh thổ Việt Nam.
“Việt Nam có hơn 700.000 doanh nghiệp, 98% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, ngoài các sáng kiến về xúc tiến thương mại truyền thống, việc phát triển thương mại điện tử cũng cần được chú trọng”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại của Bộ cho biết.
Bernard Tay, Giám đốc Amazon khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam có ưu thế về nguồn sản xuất hàng hóa khổng lồ và hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta có thể trông chờ vào khả năng hiện thực hoá đề xuất xây dựng nhà kho của Amazon tại Việt Nam trong tương lai.
Bằng những bước tiến đầu vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Amazon đã cho thấy được tầm vóc của một ông lớn về công nghệ.
Leflair kêu gọi thành công 7 triệu USD trong vòng gọi vốn series B
Tháng 1 vừa qua, công ty thương mại điện tử Việt Nam Leflair đã huy động được 7 triệu USD từ GS Shop (Hàn Quốc) và quỹ đầu tư tư nhân Belt Road Capital Management.
Đây là lần đầu tiên công ty GS Shop (trực thuộc hệ thống bán lẻ trực tuyến GS Group) đầu tư vào một startup Việt Nam. Điều này hứa hẹn trong tương lai, kho hàng của Leflair sẽ có nhiều sản phẩm thời trang của Hàn Quốc hơn nữa.
“Chúng tôi sẽ sử dụng số vốn này để tận dụng tối đa khả năng hợp tác chiến lược với GS. Chúng tôi sẽ chú trọng hơn vào nhân lực, và triển khai nguồn lực về phân phối sản phẩm, vận chuyển và công nghệ, để thúc đẩy việc hợp tác thành công,” Loic Gautier, CEO kiêm nhà đồng sáng lập Leflair chia sẻ.
“Trong năm 2019 này chúng tôi sẽ mở rộng khu vực của mình hơn nữa, nhằm hướng đến mục tiêu đưa những thương hiệu tốt nhất thế giới tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á hơn,” Gautier bổ sung.
Được thành lập vào năm 2015, Leflair chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thời trang cao cấp dành cho phụ nữ, nam giới, trẻ em và gia đình. Kể từ khi ra mắt, Leflair đã huy động được 11,8 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn và các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ, Pháp, Ý, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Campuchia.
Central Group chính thức đóng cửa hàng trực tuyến Robins Vietnam
Kể từ ngày 26/3/2019, Central Group chính thức ngừng vận hành và cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến trên hệ thống Robins Vietnam nhằm tập trung vào các cửa hàng ngoại tuyến. Trên website chính thức, Robins khuyến khích khách hàng đến tham quan, mua sắm tại hai cửa hàng của mình tại trung tâm thương mại Vincom Royal City (Hà Nội) và Crescent Mall (Quận 7, Hồ Chí Minh).
Là ông lớn ngành bán lẻ Thái Lan, Central Group chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2011, mua lại Zalora vào năm 2016 và sáp nhập vào thương hiệu Robins vào tháng 5/2017. Hiện nay, Central Group đang sở hữu một số doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm siêu thị Big C, chuỗi điện tử Nguyễn Kim, Lan Chi Mart, Cửa hàng bách hóa Robins và chuỗi văn phòng phẩm LookKool.
Theo đại diện của Central Group, đây là quyết định nhằm tái cấu trúc các doanh nghiệp của họ tại Việt Nam, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh thời trang.
Kết
Có thể thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ tiếp nhiên liệu cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng thực trạng là một phần không nhỏ trong số vốn khổng lồ đó được dành để chạy các chương trình khuyến mãi dài hơi với mong mỏi chiếm lấy thị phần thương mại điện tử, hiện chỉ chiếm vỏn vẹn 3% tổng thị trường bán lẻ đạt 130 tỉ USD của Việt Nam. Đây rõ ràng không phải là một hướng đi bền vững cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Và liệu rằng sau một thời gian dài cắn răng chịu lỗ, các doanh nghiệp thương mại điện tử có đủ sức để thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam?
Bài viết được lược dịch bởi Lan Phạm.
Xem thêm:
[Bài viết] 8 Xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý tại Đông Nam Á – Phần 1
[Bài viết] 8 Xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý tại Đông Nam Á – Phần 2