Thương tổn tinh thần của đứa trẻ mang danh “cừu đen”
Đã bao giờ bạn nhận ra mình quá khác biệt so với những người còn lại trong gia đình hay chưa?
Tôi quen một người chị làm họa sĩ thiết kế. Nhìn sự phóng khoáng của chị, ai cũng nghĩ chị đến từ gia đình có máu nghệ thuật. Nhưng hóa ra chị xuất thân từ một gia đình thuần công chức và cực kỳ coi trọng giá trị truyền thống.
Năm 2014, chị bỏ qua lời can ngăn của hàng xóm, họ hàng để thi vào một chuyên ngành mà họ vẫn coi là thiếu ổn định. Bây giờ, nhìn chị hạnh phúc với lựa chọn, họ đã không còn những cái cớ để lời ra tiếng vào thường xuyên, dù thi thoảng vẫn ngầm đánh giá vẻ ngoài nổi loạn của chị.
Trong tiếng Anh có cụm từ “the black sheep of the family“ để chỉ cá nhân quá khác biệt so với các thành viên trong gia đình. Và có vẻ như chị đúng là điển hình của một chú cừu đen. Vậy trở thành cừu đen có thực sự xấu như những người gắn mác vẫn nhìn nhận?
1. Nguồn gốc thuật ngữ cừu đen?
Cừu đen (black sheep) chỉ những cá nhân bị cho là bất tuân và dị biệt với số đông. Từ điển thành ngữ di sản Hoa Kỳ giải thích, lông cừu đen (biến thể đột biến của cừu trắng) bị xem rẻ về giá trị kinh tế do không thể nhuộm màu, vì vậy người bị gắn mác cừu đen cũng thường được xem là không có ích cho gia đình và xã hội.
Vào thế kỷ 16 cừu đen còn bị cho là dấu hiệu của ác quỷ. Chỉ từ thế kỷ 18 trở đi, cụm từ này mới được dùng để chỉ những người khác biệt. Khía cạnh khác biệt được thể hiện ở nhiều mặt: nghề nghiệp, giới tính, quan điểm chính trị, phong cách cá nhân, mạng lưới mối quan hệ (như kết hôn với người không “môn đăng hộ đối”).
2. Điều gì hình thành nên một cừu đen?
Cừu đen cũng là tên của một hiệu ứng tâm lý. Hiệu ứng này cho rằng cá nhân trong nhóm có xu hướng khắt khe với nhau hơn với cá nhân thuộc nhóm khác. Ví dụ, nếu em họ bạn xỏ khuyên mũi, bố mẹ bạn chỉ đánh giá một chút rồi thôi, còn nếu như người đi xỏ khuyên là bạn, thì họ sẽ kịch liệt phản đối và muốn bạn tháo ra ngay lập tức.
Hiệu ứng cừu đen dựa trên thuyết nhận diện xã hội: con người có xu hướng gắn hình ảnh bản thân với nhóm xã hội mà mình thuộc về, nên khi trong nhóm xuất hiện những cá nhân có biểu hiện quá khác lạ, tập thể sẽ phản ứng tiêu cực hơn với họ.
Hãy hình dung thế này, trong một gia đình có mẹ là giáo viên, bố làm cảnh sát, người con trai cả làm bác sĩ, nếu đứa con út chọn một con đường hoàn toàn khác, như làm thợ xăm, các thành viên trong gia đình sẽ không khỏi cảm thấy bất ngờ, thậm chí ngăn cản, quát mắng.
Cừu đen thường bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường nuôi dưỡng, nhất là gia đình. Đứa trẻ cừu đen thường xuất hiện trong những kiểu gia đình sau:
- Gia đình khắt khe (unaccepting family): Gia đình này từ chối những thành viên không đáp ứng kỳ vọng và mong muốn của số đông. Họ sợ phải trải qua quá trình bất hòa nhận thức - nỗi bất an khi đặt mình vào những góc nhìn mâu thuẫn với quan niệm sẵn có. Cô lập hoặc bắt nạt thành viên khác biệt giúp họ cảm thấy an tâm hơn.
- Gia đình cứng nhắc (inflexible family): Gia đình cứng nhắc sẽ thoáng hơn một chút. Ngoài mặt, họ cố gắng cởi mở hơn với thành cừu đen. Bên trong, họ vẫn gặp khó khăn để chấp nhận tư tưởng mới. Điểm tốt là họ không bỏ rơi những thành viên khác biệt, nhưng không may là cả hai bên đều chưa thực sự hiểu nhau. Vì vậy quá trình thấu hiểu cần thêm nhiều thời gian.
- Gia đình bất hòa (dysfunctional family): Gia đình kiểu này vốn đã tồn đọng nhiều vấn đề. Nếu xuất hiện một đứa trẻ cừu đen, sự khác biệt vốn có của chúng có thể trở thành tâm điểm trút giận của những thành viên khác.
Một số người thường định nghĩa cừu đen là những đứa trẻ nổi loạn, chuyên gây rắc rối cho gia đình và khiến những thành viên khác phiền lòng. Nếu xét theo định nghĩa này, cừu đen đối lập với hình tượng “con nhà người ta“ hay “đứa trẻ kiểu mẫu“ (the golden child hoặc the hero). Đây là đứa trẻ thường được yêu mến vì ngoan ngoãn, giỏi giang và quan tâm đến việc vun vén hạnh phúc gia đình.
Trong bối cảnh gia đình bất hòa, đứa trẻ kiểu mẫu có thể tạo nên xích mích, xung đột với thành viên cừu đen vì cho rằng chúng kém cỏi, hay gây chuyện và luôn để cha mẹ lo lắng.
3. Những tổn thương tinh thần của một cừu đen
Theo tiến sĩ Elizabeth Dorrance Hall của đại học bang Utah, khi thiên tính xã hội của con người (khả năng kết nối, gắn bó) không được đáp ứng, tổn thương tinh thần sẽ xuất hiện.
Gia đình vốn được cho là cái nôi nuôi dưỡng sự gắn bó. Việc bị đối xử bất công hay bị cô lập trong gia đình là nguyên nhân gây nên bản tính hung hăng, sự né tránh và tê liệt cảm xúc ở trẻ.
Để tìm ra cách giải quyết, tiến sĩ Elizabeth đã tiến hành nghiên cứu trên 30 người ở độ tuổi từ 25 - 35 bị gắn mác cừu đen trong gia đình. Câu trả lời được tổng hợp thành một số phương án dưới đây:
1. Tìm kiếm sự ủng hộ từ người mình tin tưởng
Những cừu đen thường kết nối và tìm kiếm sự đồng cảm từ thành viên hiểu mình nhất trong gia đình. Ngoài ra, họ cũng chủ động xây dựng mối quan hệ với những người tin tưởng và ủng hộ mình ngoài xã hội như bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp…
2. Giữ khoảng cách lành mạnh
Một “chiến thuật” phổ biến mà các cừu đen hay sử dụng là “xa mặt cách lòng”. Khoảng cách vật lý tạo điều kiện để họ phát triển bản thân, đồng thời giảm thiểu những tình huống va chạm hằng ngày với người nhà. Họ cũng hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân để không phải đón nhận đánh giá tiêu cực từ gia đình.
3. Hiểu được cảm xúc trong lòng
Khi biết cách gọi tên những cảm xúc ngổn ngang trong lòng, cừu đen sẽ tăng khả năng hồi phục về thể chất và tinh thần. Đó là lý do vì sao nhiều hướng chọn hướng đến giáo dục bậc cao, rèn luyện ý chí tự lập hoặc học cách cân bằng cảm xúc thông qua các khóa học về thiền.
4. Cái kết tươi sáng của cừu đen
Trong phim Bố Già - cú hit phóng vé hồi đầu năm nay, cừu đen được thể hiện khá rõ qua nhân vật Quắn. Anh là cá nhân có tư tưởng khác biệt so với những người họ hàng xung quanh. Vì quá khó dung hòa và tìm kiếm tiếng nói chung, Quắn luôn mong một ngày có thể thoát khỏi họ.
Nếu từng xem A Sun (Dương Quang Phổ Chiếu) - tác phẩm điện ảnh xuất sắc của Đài Loan năm 2019, hẳn bạn sẽ nhận ra nhân vật A Hòa cũng là một chú cừu đen. Sau khi vào trại giáo dưỡng vì tội hành hung, anh bị bố từ mặt. Đến khi người anh trai hoàn hảo tự sát, A Hòa mới tỉnh ngộ, từng bước thay đổi và nỗ lực để làm người có ích cho xã hội.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Cả tiến sĩ Elizabeth và cộng sự Kristina Scharp đều đồng tình rằng sự căng thẳng mà những cừu đen phải đối mặt đã rèn luyện cho họ sức bền và khả năng hồi phục hơn người.
Cừu đen có thể là một đứa trẻ thiếu may mắn vì không được gia đình hậu thuẫn, nhưng việc không được công nhận cũng là động lực để họ cố gắng gấp 10, 20 lần người khác. Khi trưởng thành, chúng là những cá nhân có khả năng lắng nghe và thấu cảm đặc biệt. Nếu gia đình bạn có một cá nhân khác biệt, hãy bao dung và tử tế với họ.