Làm thế nào để cải thiện kiểu gắn bó của mình? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 05, 2021
Cuộc SốngThương

Làm thế nào để cải thiện kiểu gắn bó của mình?

Kiểu gắn bó (attachment style) có thể cản trở mối quan hệ trong đời bạn, tin vui là bạn có thể cải thiện nó để xây dựng các mối quan hệ ổn định hơn.

Làm thế nào để cải thiện kiểu gắn bó của mình?

Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera.

Kiểu gắn bó của mỗi người được hình thành trong giai đoạn đầu của thuở ấu thơ. Vì thế mà xuyên suốt quá trình lớn lên, dù trải nghiệm và mở mang hơn mỗi ngày nhưng kiểu gắn bó vẫn có thể cản trở mối quan hệ tình cảm của bạn, đặc biệt với những người có kiểu gắn bó lo âu và/hoặc né tránh.

Vì vậy, bài viết này sẽ là một nguồn tham khảo để hỗ trợ bạn hiểu hơn và chủ động thay đổi kiểu gắn bó để ổn định các mối quan hệ của mình.

Có các kiểu gắn bó nào?

Thuyết gắn bó là một thuyết tâm lý học được khởi xướng bởi nhà tâm lý học người Anh John Bowlby vào năm 1958. Thuyết này cho rằng sự gắn bó là “bản tính gắn kết tâm lý lâu dài của loài người”. Có 4 kiểu gắn bó là:

  1. Gắn bó an toàn
  2. Gắn bó lo âu
  3. Gắn bó né tránh
  4. Gắn bó lo âu – né tránh (sự kết hợp của 2 kiểu gắn bó lo âu và né tránh)

Làm thế nào để thay đổi kiểu gắn bó?

Việc điều chỉnh kiểu gắn bó thực chất là những hành động nhỏ mỗi ngày để xây dựng thói quen qua thời gian. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm và nỗ lực có chủ đích. Nếu bạn không biết nên làm thế nào, hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia.

Theo tiến sĩ, nhà trị liệu hôn nhân Darlene Lancer, việc kết nối với những người có kiểu gắn bó an toàn là một cách hiệu quả để bạn cải thiện kiểu gắn bó của mình. Ngoài ra, bạn có thể cải thiện chất lượng gắn bó qua một số gợi ý sau:

1. Gắn bó an toàn

Kiểu gắn bó an toàn
Người thuộc kiểu gắn bó an toàn thoải mái với sự thân mật và dễ dàng thể hiện tình cảm của mình.

Đây là kiểu gắn bó lý tưởng, bởi người thuộc kiểu gắn bó này thể hiện tình cảm và sự thân mật một cách tự nhiên. Họ có lòng tự tôn và tự tin cao, vì thế sẵn sàng đón nhận mọi đóng góp về mình và dễ chấp nhận hơn khi biến cố xảy ra. 

Khi xảy ra vấn đề, họ chịu khó lắng nghe, trao đổi về cảm xúc, ý kiến, nhu cầu của mình và suy nghĩ, cảm thông cho bên còn lại. Họ không thao túng hay tự vệ, trái lại hướng đến việc giải quyết vấn đề, xin lỗi và tha thứ.

Đây cũng chính là mục tiêu để các kiểu gắn bó còn lại thay đổi và hướng đến trong tương lai.

2. Gắn bó lo âu

Kiểu gắn bó lo âu
Người gắn bó lo âu khao khát sự thân mật và sợ bị bỏ rơi.

Người gắn bó lo âu luôn mong muốn được lấp đầy thiếu hụt tâm lý từ thời thơ ấu. Vì thế họ đòi hỏi nhiều sự đảm bảo về tình cảm dành cho mình. 

Họ luôn quan tâm đến mối quan hệ và hoà hợp với người còn lại, nhưng là vì sợ người đó sẽ rời bỏ mình. Để duy trì mối quan hệ, họ từ bỏ nhu cầu của mình để làm hài lòng người còn lại trước. Nhưng cũng bởi vì thế mà họ khó cảm thấy hạnh phúc.

Tư duy trong tình cảm của họ mang tính ép buộc nhiều hơn là tự nguyện. Điều này dẫn đến những suy đoán tiêu cực, phản ứng thái quá với chính họ và nửa kia, ví dụ như đăng rất nhiều ảnh tình cảm trên mạng xã hội, ghen tuông vô cớ, thường xuyên kiểm soát qua gọi điện và nhắn tin, đe doạ bỏ đi,...

Cải thiện bằng cách:

  • Chậm lại để cân nhắc thật kỹ khi ở trong bất cứ mối quan hệ nào.
  • Chữa lành lo âu và nâng cao lòng tự trắc ẩn của bạn. Điều này giúp bạn chấp nhận cảm xúc vốn có và có động lực để độc lập trong tình cảm hơn.
  • Hình thành thái độ lạc quan đối với chính mình và tránh suy đoán không cần thiết với những điều mình chưa biết rõ. Đây có thể là một thách thức vì hệ thần kinh vốn có xu hướng lo âu và cũng đã quen với việc phản ứng tự động. Mỗi khi ý thức được vấn đề này, hãy hít thở sâu và bình tĩnh xác định các tác nhân tiêu cực để loại bỏ chúng.

3. Gắn bó tránh né

Kiểu gắn bó né tránh
Người gắn bó né tránh sợ sự thân mật và sự ràng buộc.

Ngược lại với gắn bó lo âu luôn mong cầu tình cảm hiện diện 24/7, người có kiểu gắn bó tránh né lại thu mình trước những cơ hội xây dựng tình cảm. Vì từ nhỏ họ đã trải qua sự lạnh nhạt hoặc thiếu vắng của người nuôi dưỡng, bản thân họ sẽ ít có nhu cầu chủ động gắn bó với bất kỳ ai.

Tác hại của gắn bó tránh né là khó xây dựng được mối quan hệ bền vững vì nó hình thành nên nỗi sợ cam kết. Ngoài ra, kiểu gắn bó tránh né còn có những hậu quả nghiêm trọng như khó xây dựng được lòng thấu cảm và tạo ra xu hướng cô lập bản thân.

Cải thiện bằng cách:

  • Mở lòng để kết nối với người khác tích cực hơn.
  • Thực hành chấp nhận bản thânxây dựng lòng vị tha với người khác.
  • Rèn luyện khả năng thấu cảm qua việc cải thiện kỹ năng lắng nghe, chủ động giao tiếp và hành động để hàn gắn. 

Kiểu gắn bó lo âu và gắn bó né tránh thường hấp dẫn nhau

Cả hai kiểu người lo âu và né tránh thường không tự nhận thức được nhu cầu của mình, nhưng lại nhận thấy chúng từ phía đối phương.

Với người thuộc kiểu gắn bó lo âu, sự né tránh trở thành lời khẳng định cho tất cả viễn cảnh bất an và niềm tin của họ về tình yêu. Điều này thôi thúc họ dùng mọi cách, thậm chí “chiêu trò" để giành lại sự chú ý về mình. 

Còn với những người né tránh, sự theo đuổi của người gắn bó lo âu là một sự đảm bảo cho họ. Nó giúp họ cảm thấy yên tâm rằng mình sẽ không bị tổn thương. Đó là lý do hai kiểu gắn bó này thường thu hút lẫn nhau và tạo thành mối quan hệ đồng phụ thuộc. 

Cũng vì thế, bất đồng và tổn thương sẽ xảy ra thường xuyên nhưng nó lại kích thích não sản sinh ra dopamine và adrenaline gây nghiện. Vòng lặp mối quan hệ độc hại từ đó được hình thành. Mỗi bên đều sẽ cảm thấy trống vắng khi thiếu những tác nhân kích thích ấy, nên họ thường nhanh chóng tìm kiếm những mối quan hệ "sớm nở chóng tàn" để lấp đầy sự thiếu hụt bên trong.

Cải thiện bằng cách:

  • Cả hai cần học cách thiết lập và chấp nhận giới hạn cho mình. 
  • Những người lo âu (thường cũng là người theo đuổi) cần học cách chậm lại khi hẹn hò và có trách nhiệm hơn với mình lẫn với người còn lại.
  • Những người né tránh cần nhìn nhận những nỗi sợ tổn thương và tôn trọng nhu cầu được yêu của mình.