Tick, Tick... Boom! - Lá thư tình gửi những "con thiêu thân"
Vừa ra mắt Netflix chiều 19/11, Tik Tik... Boom! ngoài Andrew Garfield thì có gì đặc biệt mà bạn cần-phải-xem?
Nếu La La Land giảm hết yếu tố tình cảm để tập trung vào khủng hoảng của Mia hay Sebastian trong việc theo đuổi con đường nghệ thuật, chúng ta sẽ có Tick, Tick… Boom!
Trong La La Land, hình ảnh người nghệ sĩ đâm đầu vào lý tưởng nghệ thuật được ví là những kẻ khờ mộng mơ. Còn trong Tick, Tick… Boom!, họ như những con thiêu thân. Bởi trong bài hát cuối cùng của phim, “Louder Than Words”, tác giả đã viết:
Why do we play with fire? (Sao ta lại đùa với lửa)
Why do we run our finger through the flame? (Sao ta lại đưa những ngón tay mình vào đó?)
Why do we leave our hand on the stove (Sao ta cứ để bàn tay trên bếp lò)
Although we know, we're in for some pain? (Dẫu ta biết rằng ta đang chịu nhiều đớn đau?)
Thiêu thân là một sinh vật kỳ lạ. Chúng sống một vòng đời ngắn ngủi chỉ để bay vào trong những nguồn sáng và chết. Jonathan Larson, tác giả của câu hát trên, cũng là một người như thế.
Tick, Tick… Boom! là bộ phim về Jonathan Larson. Ông là cái tên quan trọng, đã góp phần định nghĩa lại về nhạc kịch Broadway những năm 1995 với tác phẩm Rent.
Tuy nhiên, trước khi cả thế giới biết đến Rent, họ không biết được những thăng trầm mà Larson đã trải qua trong cuộc đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhưng ngắn ngủi. Larson qua đời năm 1996 do tắc thành động mạch chủ, ngay ngày chiếu thử Rent cho công chúng.
Ngày nay, nhắc đến Jonathan Larson là nhắc đến Rent, nhắc đến 3 giải Tony và 1 giải Pulitzer được trao cho ông sau khi qua đời. Ít ai nhắc đến việc Larson đã sống những ngày tháng chật vật với cái nghèo ở New York, chịu áp lực đồng trang lứa (peer-pressure), đối diện với khủng hoảng một phần tư cuộc đời (quarter-life crisis) ở tuổi 30.
Và cũng ít biết rằng trước Rent, Larson đã có những tác phẩm không được đón nhận đến khi ông qua đời. Tick, Tick… Boom! là một trong số đó.
Bằng cái nhìn đầy trân trọng và yêu thương, Lin-Manuel Miranda - một “thiên tài Broadway” ngày nay - đã ra mắt bộ phim đầu tay (công chiếu trên Netflix Việt Nam vào ngày 19/11) để kể về “thiên tài Broadway” ngày ấy.
Bộ phim nhạc kịch chuyển thể từ vở nhạc kịch nói về... quá trình làm một vở nhạc kịch
Tick, Tick… Boom! không phải một vở “nhạc kịch” lộng lẫy, hoành tráng trên sân khấu lớn. Nó là một tác phẩm tự sự về khủng hoảng tuổi 30 của chính Jonathan Larson, lấy bản thân mình làm nhân vật chính.
Năm 1991, Jonathan Larson mang Tick, Tick… Boom! đến công chúng dưới hình thức “độc diễn rock” (rock monologue), một dạng thức mới mẻ lúc bấy giờ. Với tên ban đầu là 30/90 (30 tuổi vào năm 1990), Larson ngồi cùng cây đàn piano và hát về những khủng hoảng của mình - nhân vật chính.
Vì lẽ đó, khi chuyển thể thành phim, Tick, Tick… Boom! của Lin-Manuel Miranda nghiễm nhiên vừa là một phim chuyển thể, vừa là một phim tiểu sử (biopic).
Một yếu tố rất “meta” nữa cần được làm rõ trong Tick, Tick… Boom! là phim cho khán giả thấy con đường hình thành một tác phẩm nhạc kịch trước khi nó chạm được đến sân khấu Broadway.
Khái niệm “workshop” - “buổi giới thiệu vở diễn” là một khái niệm xa lạ với khán giả Việt Nam nhưng được lặp lặp lại rất nhiều. Về cơ bản, trước khi nghĩ đến một bản dựng hoàn hảo và được khán giả đổ xô mua vé, mọi vở diễn Broadway đều bắt đầu từ những buổi workshop. Các bài hát được trình diễn. Các diễn viên chỉ cần đứng hát. Một người dẫn truyện sẽ làm nhiệm vụ kết nối các bạn hát.
Nếu workshop thành công, tác giả sẽ nhận được cuộc gọi từ các đối tác tiềm năng để bàn chuyện nâng cấp tác phẩm đó thành Off-Broadway (sân khấu quy mô vừa) hoặc Broadway (sân khấu quy mô lớn).
Trong thế giới của khung hình, Andrew Garfield thủ vai Jonathan Larson. Anh bước ra sân khấu và bắt đầu trình diễn ca khúc 30/90, dẫn lối khán giả trở về những ngày cận kề tuổi 30 của mình. Anh kể về áp lực “cơm áo gạo tiền” thường thấy của nghệ sĩ cùng một buổi workshop sắp diễn ra, sự kiện mà anh hy vọng sẽ đưa anh gần hơn đến giấc mơ Broadway.
Bộ phim được kể ở 2 mốc thời gian khác nhau: năm 1990 khi Larson đối mặt với khủng hoảng và năm 1991, khi Larson đang ở trên sân khấu để kể lại những sự kiện đó với tác phẩm Tick, Tick… Boom! Các bài hát trở thành mối dây liên kết chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại, vừa là một phần trình diễn trên sân khấu năm 1991, vừa thể hiện những cảm xúc không thể nói thành lời xuyên suốt khủng hoảng năm 1990.
Bi hài kịch của sự dấn thân
Nếu các bộ phim về “vĩ nhân” khác thường xoay quanh việc họ làm nên những thành tựu để đời, thì Tick, Tick… Boom! lại không nói về quá trình làm nên Rent, vở diễn “huyền thoại” của Larson. Tác phẩm nói về việc các nghệ sĩ đã chạm đến mục tiêu mang tính “khởi điểm” như thế nào. Workshop mà Larson cố gắng hoàn thành trong giai đoạn khủng hoảng không phải là một đích đến lớn lao. Đó chỉ là điểm khởi đầu. Nhưng nhờ vậy, người xem mới thấm và thấu hết nỗi đau mà người nghệ sĩ phải chịu, chỉ để một bước gần hơn với ước mơ.
Hóa thân thành Jonathan Larson một cách thuyết phục, Andrew Garfield có sự lém lỉnh, tràn năng lượng nhưng cũng đầy vụn vỡ giữa những lựa chọn trong cuộc đời mình.
Khủng hoảng tuổi 30 của Larson đến từ một loạt sự kiện: vở nhạc kịch anh bỏ ra 8 năm trời để hoàn thiện, khó khăn tài chính với cuộc sống đắt đỏ ở New York, áp lực đồng trang lứa khi người bạn thân Michael đã ổn định với công việc quảng cáo, tình cảm với bạn gái lung lay khi cô muốn chuyển đến nơi khác và đại dịch AIDS đang có thể lấy đi những người thân quanh anh.
Nhân vật Larson đã liên tục tự so sánh mình với thần tượng Stephen Sonheim: "Ông ta có vở diễn Broadway đầu tiên năm 27 tuổi, còn tôi có gì?”. Những khủng hoảng này dần dà trở thành ám ảnh xuyên suốt, được ẩn dụ bằng tiếng “tick tick”, như thể nhắc nhở rằng thời gian của Larson sắp hết. Khi phải chạy đua với thời gian, những tình huống bi hài kịch của sự dấn thân được lột tả tinh tế và khiến “dân sáng tạo” không ít lần nhìn thấy mình trong đó.
Cá nhân tôi đặc biệt tâm đắc với tình huống Larson tham gia một khảo sát nhóm tập trung (focus group) cho công ty quảng cáo của Michael. Với khả năng sáng tạo được mài dũa hơn 8 năm của mình, Larson nổi bật trong buổi khảo sát. Anh thu hút sự khen ngợi nhờ vào những “insight” xuất sắc, ý tưởng thú vị hay câu “punchline” đi vào lòng người. Trong giây phút đó, một ý tưởng lóe lên trong đầu Larson: “I can get used to this! Maybe I can get paid for my creativity” (Có thể mình sẽ quen dần với việc này đó! Mình có thể được trả tiền nhờ sự sáng tạo của mình).
Tôi đã quen quá nhiều những người bạn có xuất thân nghệ thuật hay đam mê âm nhạc đi theo con đường làm agency quảng cáo, bao gồm bản thân tôi, để thấm thía chi tiết này. Cám dỗ về một cuộc sống ổn định về tài chính, sự nghiệp và vẫn được sáng tạo thật sự rất lớn và dễ dàng đánh gục sự dấn thân lâu dài, thiếu ổn định cùng một đích đến không quá rõ ràng.
Tôi còn đặc biệt rung cảm khi Larson bị bạn gái Susan trách móc về việc cố gắng biến những khoảnh khắc riêng tư của cả hai thành một bài hát. Đây là “bệnh” của dân làm sáng tạo khi đang gặp phải trạng thái ám ảnh với công việc.
Họ dễ dàng liên hệ mọi khoảnh khắc trong cuộc sống với công việc, nhập nhằng ranh giới giữa cuộc đời cá nhân và sự nghiệp tương lai. Từ đó, họ dễ dàng khiến những người xung quanh họ tổn thương vì đầu óc luôn “sống trên mây” của mình và không trân trọng những phút giây của hiện tại.
Chính những tình huống rất tinh tế này đã tạo nên tính bi hài kịch trong sự dấn thân của Larson với những bài hát không quá bi lụy mà đầy tính giễu cợt, như thể Larson tự mỉa mai bản thân mình.
Lin-Manuel Miranda: không có gì là không làm được
Được biết đến như người tạo nên những hiện tượng, thiên tài của Broadway trong hơn 1 thập kỷ qua, Lin-Manuel Miranda đã mang đến cho nước Mỹ những vở diễn xuất sắc như In The Heights và Hamilton. Bên cạnh đó, Miranda còn sáng tác không ít ca khúc cho các bộ phim lớn của Disney. Giờ, chính thức dấn thân vào con đường đạo diễn với bộ phim đầu tay này, Miranda tiếp tục khẳng định năng lực sáng tạo vô hạn của mình.
Nếu theo dõi các tác phẩm của Miranda, người xem có thể thấy một trong các đề tài mà chính anh ám ảnh là “di sản cho hậu thế” (legacy).
Trong Hamilton, nhân vật cùng tên, một trong những người cha lập quốc của Mỹ do chính anh thủ vai là một “kẻ sống vội”. Bị ám ảnh bởi cái chết và sự cống hiến, Alexander Hamilton luôn sống như một con thiêu thân "I’m not throwing away my shot” (tôi sẽ không ném cơ hội của mình đi). Với Miranda, việc sống và cống hiến mỗi ngày, “viết như ngày mai không đến” (write like tomorrow won’t arrive) là một cách để in dấu của bản thân vào lịch sử.
Làm một bộ phim về Jonathan Larson, Miranda không những tiếp tục đào sâu triết lý sống này của mình mà còn được dịp để tôn vinh thần tượng, người chính Miranda cho rằng đã cho anh rất nhiều cảm hứng để theo đuổi Broadway từ những năm 18 tuổi.
Dân Broadway khi xem tác phẩm chuyển thể này Miranda vừa xúc động bởi câu chuyện chân thật, vừa đong đầy lòng kính trọng và yêu thương với một huyền thoại, vừa được thăng hoa cảm xúc với những bài hát tuy cũ nhưng vẫn mang hơi thở đương đại. Một “bonus” nữa, là phần cameo đỉnh cao của một dàn những khuôn mặt quen thuộc được credit “Những huyền thoại Broadway” trong bài hát “Sunday” chắc chắn sẽ khiến các “con dân nhạc kịch” thích thú.
Tick, Tick… Boom! vừa là một lá thư tình cho những con người dấn thân vì nghệ thuật, vừa là một bữa tiệc diễn xuất tròn trịa của các diễn viên cũng vừa đậm màu “feel-good” với những sáng tác của chính Jonathan Larson. Đây có lẽ là một trong những ứng viên đáng cân nhắc cho mùa Oscar năm sau ở một vài hạng mục nhất định.