La La Land và những phím nhạc ngọt đắng của tình yêu | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 08, 2021
Điện ẢnhDVD

La La Land và những phím nhạc ngọt đắng của tình yêu

Khi cảm xúc không thể nói thành lời, nhân vật sẽ vỡ oà trong những lời ca. Nhưng giai điệu dù ngọt ngào đến đâu, ta chọn gì khi đứng giữa sự nghiệp và tình yêu?
La La Land và những phím nhạc ngọt đắng của tình yêu

Nguồn: Lionsgate

Tôi nhớ những ngày La La Land công chiếu tại Việt Nam, khán giả đã bày tỏ nhiều cảm xúc xoay quanh bộ phim, tạo nên một làn sóng khen-chê dữ dội.

Những bộ phim tình cảm không phải lúc nào cũng in dấu sâu đậm trong tôi. Nhưng La La Land (2016) của Damien Chazelle không đơn giản là một bộ phim tình cảm với những motif cũ và dễ đoán. Tác phẩm của Damien Chazelle chạm đến những ai có cái nhìn thực tế hơn về mối quan hệ giữa sự nghiệp và tình yêu. Những ai đang bị kẹt giữa khát khao của mình và suy ngẫm về việc yên bề gia thất sẽ thấm hơn những gì Damien Chazelle muốn gửi gắm.

Nhưng với tựa phim là La La Land, ta không thể không tự hỏi: xứ La La là xứ nào?

lala7
Nguồn: Lionsgate

Cá nhân tôi nghĩ không cái tên nào truyền tải đầy đủ “cái thần” của toàn bộ tác phẩm như cái tên La La Land. Bản chất cái tên đã thể hiện được địa điểm của câu chuyện, bối cảnh diễn ra và tính nhạc kịch của phim.

“La” có thể được hiểu là tên viết tắt của Los Angeles — kinh đô của những giấc mơ đổi đời, nơi có nền công nghiệp giải trí lớn nhất nước Mỹ với ngọn đồi Hollywood long lanh. Trong tiếng Anh, la-la-land là một thành ngữ ám chỉ trạng thái mộng mị, thoát ly khỏi thực tại của một người. Trong âm nhạc, “la la” lại là cặp từ tượng thanh thường thấy, ám chỉ cách hát ngân nga những giai điệu quen thuộc.

Vậy, nếu dịch thoáng “la la land” là “xứ sở âm nhạc” thì cũng không sai. Âm nhạc là một trong hai tâm điểm được bàn luận nhiều nhất về phim, song song với cái kết ám ảnh của phim.

Mối quan hệ giữa âm nhạc và điện ảnh

Để hiểu về âm nhạc trong La La Land, cần hiểu về cách âm nhạc hay âm thanh được sử dụng trong điện ảnh. Chúng ta có ba hình thức chính.

Hình thức đầu tiên được gọi là non-diegetic music: âm nhạc không thuộc thế giới của phim. Đây là một thuật ngữ chuyên ngành đi ra từ danh từ “diegesis”, nghĩa là “thế giới của tác phẩm.” Nói một cách đơn giản, non-diegetic còn được gọi là “nhạc nền”, hay underscore. Chỉ có khán giả mới nghe được những giai điệu này, còn nhân vật thì không.

Tôi lấy ví dụ những cảnh rượt đuổi trong phim hành động. Nhạc nền là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp khán giả cảm nhận adrenaline đang trào dâng trong cơ thể qua từng pha hành động. Tuy nhiên, ở góc độ logic, những giai điệu mạnh mẽ ấy không có nguồn phát, và nhân vật trong tình huống đó sẽ không thể nghe được bản nhạc đang phát.

Bởi nếu họ nghe được, ta sẽ kết luận rằng đâu đó trong lúc họ đang rượt đuổi nhau, có một dàn nhạc đang góp phần giúp phim thêm kịch tính. Đây chính là non-diegetic music, và cũng là hình thức âm nhạc phổ biến nhất trong phim ảnh.

Hình thức thứ hai, ngược lại với non-diegetic, là diegetic music: âm nhạc thuộc thế giới của phim. Hình thức này còn được gọi là source music, tức “âm nhạc có nguồn.” Cả khán giả và nhân vật đều nghe được giai điệu và xác định được nguồn phát.

Diegetic music còn bị lệ thuộc vào những quy tắc vật lý logic. Những tác động từ nhân vật hay bối cảnh đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng âm thanh.

Có thể lấy ví dụ tiêu biểu từ phim Baby Driver (Edgar Wright, 2017). Xuyên suốt phim, nhân vật Baby dùng âm nhạc trong lúc thực hiện những màn đua xe của mình. Cậu tuỳ ý chỉnh âm lượng, thay đổi bài hát và khán giả cũng chịu tác động mỗi khi cậu làm điều đó. Trong một cảnh phim khác, khi Baby tháo một bên tai nghe, âm nhạc của phim lập tức được đẩy sang bên tai nghe còn lại. Kỹ thuật âm thanh này gọi là pan.

La La Land sử dụng hình thức thứ ba, giao thoa giữa hai hình thức đầu tiên, mang tên source scoring.

Trong quá trình nhận thức sự tồn tại của âm nhạc trong phim, chúng ta đôi lúc sẽ vấp phải những giai điệu khá nhập nhằng. Ở một cảnh phim, âm nhạc đó chỉ là nhạc nền, không có nguồn. Nhưng qua cảnh phim sau, ta lại thấy rất rõ nguồn phát của nó, hiện hữu ngay trong không gian của nhân vật.

Với những ai đã từng xem Birdman (Alejandro Gonzalez Inarritu, 2014), bạn có nhớ tiếng trống nền luôn dõi theo từng bước chân của nhân vật Thomson?

Tiếng trống nền ấy được nhào nặn liên tục theo sự di chuyển của Thomson. Trong một cảnh phim, ông bước ra khỏi nhà hát và dạo ngang một tay trống đang ngồi trên vỉa hè. Cảnh khác, ông lao ra quảng trường Thời Đại và lướt ngang một đoàn trống giữa đám đông. Tiếng trống nền vẫn văng vẳng xuyên suốt phim, trước và sau khi Thomson tiếp xúc với nguồn phát.

Source scoring là một cách chơi đùa với âm thanh của các nhà làm phim. Âm thanh và âm nhạc là ngôn ngữ phản ánh bối cảnh và sự biến chuyển cảm xúc phức tạp của nhân vật, xoá nhoà lằn ranh giữa hai thế giới điện ảnh và thế giới bên ngoài.

Với La La Land, Damien Chazelle và Justin Hurwitz đã sử dụng source scoring và tạo nên hiệu quả một cách bất ngờ. Bởi với Mia và Sebastian, âm nhạc là sợi dây kết nối cảm xúc, đưa họ đi qua từng thăng trầm của tình yêu cho đến những phút phim cuối cùng.

La La Land: Khi tình yêu để âm nhạc dẫn lối

Vào một đêm sau bữa tiệc ồn ào, Mia (Emma Stone) rảo bước trên hè phố Los Angeles. Những góc quay và nhạc nền của phim khắc họa tâm trạng cô đơn cùng vóc dáng lững thững của cô. Tiếng dương cầm vang lên ngọt ngào, hợp vô cùng với màu phim, không gian phim và tâm lý Mia lúc đó.

Bỗng nhiên, cô đứng chững lại. Điều gì đã làm Mia sững lại? Cô đang nghĩ gì? Mia ghé mắt vào tấm cửa sổ ven đường, nhìn vào không gian bên trong một nhà hàng. Vì sao nơi này lại làm cô sững sờ đến vậy?

Sự thật được hé lộ khi Mia đưa tay mở cửa. Tiếng dương cầm lúc này bỗng lớn hơn. Và khi Mia đã bước vào trong, tiếng dương cầm đó trong trẻo, sống động và hoà vào tiếng trò chuyện của những người khách. Chúng ta ngỡ ngàng nhận ra: tiếng đàn đó nào có phải nhạc nền! Đó chính là nguyên nhân khiến Mia dừng bước.

lala1
Việc đi tìm nguồn phát ra tiếng dương cầm cũng đã dẫn lối cô đến với thế giới của Seb, chàng nhạc công đang chơi đàn trong nhà hàng đó. | Nguồn: Lionsgate

Bằng một cách tinh tế và thông minh, Mia và cả khán giả được dẫn dắt bằng tiếng dương cầm của Sebastian “Seb” Wilder (Ryan Gosling). Giai điệu đẹp đến ám ảnh cứ ngỡ không tồn tại trong thế giới của phim hoá ra lại là điểm khởi nguồn của tất cả. Đoạn dương cầm chưa đầy 2 phút này mang một cái tên hết sức giản đơn: Mia & Sebastian’s Theme — giai điệu chủ đề của hai nhân vật chính.

Xuyên suốt cả bộ phim, giai điệu này vang lên rất nhiều lần, như một chứng nhân của tình yêu mà Mia và Seb dành cho nhau. Giai điệu cũng biến hoá khôn lường: lúc thì làm nhạc nền, lúc lại len vào trong thế giới phim, và có cả những lúc kết hợp tài tình để tạo ra một thế giới mộng mị của những trái tim đang yêu.

Giai điệu này cũng được ẩn dụ hoá trong một phân cảnh vô cùng đáng nhớ, khi Mia nghe theo tiếng gọi của trái tim, tháo chạy khỏi bữa ăn tối cùng bạn trai hiện tại để đến với Seb.

Giữa bàn tiệc, Mia bỗng nghe tiếng dương cầm quen thuộc cất lên. Qua cách kể chuyện của khung hình cũng như biểu cảm khuôn mặt, có thể thấy rõ Mia là người duy nhất nghe được những âm thanh đó. Dẫu đạo diễn đã chèn thêm phân cảnh thể hiện góc nhìn của Mia hướng về phía loa nhà hàng, ta vẫn chắc chắn rằng giai điệu đó không thể nào phát ra từ chiếc loa. Đó là giai điệu mà Sebastian sáng tác ngẫu hứng và chỉ có Mia mới bị ám ảnh bởi nó mà thôi.

Trong giây phút đó, Mia đã cáo từ bàn tiệc. Cô rời đi với một nụ cười mãn nguyện trên môi, mở tung cánh cửa, và chạy một cách vui sướng giữa đường đêm. Lúc này, tiếng dương cầm trở thành một bản phối dày hơn với cả một dàn giao hưởng.

lala2
Giai điệu dương cầm ấy cũng chính là tiếng gọi của trái tim Mia. | Nguồn: Lionsgate

Sự thay đổi về không gian và giai điệu như mở ra một cảm xúc mới và một khởi đầu mới cho nhân vật. Bản nhạc vì thế cũng biến chuyển mượt mà từ một âm thanh mà nhân vật có thể nghe thấy thành bản giao hưởng chỉ có khán giả nghe thấy.

Trong thuật ngữ nhạc phim, cách phối khí giai điệu này được gọi là một leitmotif: khúc nhạc motif gắn liền với một tình huống, một (hoặc nhiều) nhân vật. Leitmotif vang lên nhiều lần như một sự gợi nhắc và được phối khí đa dạng để thay đổi sắc thái tuỳ theo từng phân cảnh khác nhau.

Giai điệu tình yêu của Mia và Sebastian được khéo léo lồng ghép vào các bản nhạc của La La Land. Cảnh trong nhà hàng phía trên có tên là Late for the date (Trễ hẹn). Trong bản nhạc Planetarium (Cung thiên văn), giai điệu này xuất hiện với một cách đặt để nhịp khác, sử dụng một vài nhạc cụ khác.

Nhưng quan trọng nhất, chính giai điệu này cũng đặt dấu chấm hết cho bộ phim. Ở phần Epilogue (Vĩ thanh), khi Mia đã trở thành một ngôi sao, cô và chồng đã vô tình bước vào quán jazz của Seb. Mơ ước của cả hai đã thành hiện thực. Mia không nói nên lời, và khi Seb nhìn thấy Mia, anh cũng chỉ giao tiếp với cô qua âm nhạc.

lala3
Giai điệu của Mia và Sebastian nhiều lần vang lên dưới nhiều hình thái khác nhau, như một sự gợi nhắc về tình yêu của hai trái tim đầy mơ mộng. | Nguồn: Lionsgate

Khi mới bắt đầu hẹn hò, Seb đã kể với Mia rằng nhạc jazz bắt nguồn trong một không gian nhỏ, khi mọi người dùng âm nhạc thay vì ngôn ngữ để giao tiếp. Câu chuyện này của Seb đã thành sự thật khi anh gặp lại Mia.

Chỉ với một giai điệu dương cầm quen thuộc, Seb gợi về cho Mia cả một vùng ký ức. Vùng ký ức đó không đơn giản là flashback (hồi tưởng), mà là một mộng tưởng đầy tiếc nuối, đau đáu câu hỏi “nếu lựa chọn khác đi, liệu ta có còn bên nhau?”

Khi bộ phim kết thúc, cả hai trao nhau một nụ cười cuối cùng, như thầm cảm ơn những gì đã từng có cùng nhau. Khán giả lần cuối được nghe giai điệu ám ảnh của Mia & Sebastian.

Đó là giai điệu của hai trái tim mơ mộng dại khờ. Họ mơ về khi tương lai khi còn trẻ, để rồi khi đã có tất cả, họ lại mơ về quá khứ, về những gì đã có thể xảy ra.

Bài hát mở đầu và điềm báo kết thúc

La La Land mở đầu bằng một ngày nóng bức. Nắng chói chang và kẹt xe trên cao tốc Los Angeles bỗng chốc hoá khúc hoan ca của những người đang “mắc kẹt.” Họ bước ra khỏi xe, nhảy múa và cất lên lời hát về giấc mơ của mình. Tất cả được thể hiện qua trường đoạn one-shot với bài hát Another Day of Sun (nhạc kịch gọi đây là opening number).

Nếu chỉ xem phim một lần, tôi khá chắc bạn sẽ bỏ lỡ thủ pháp kể chuyện tinh tế của bài hát: tính foreshadowing, hay còn gọi là “điềm báo.” Trong phim ảnh, foreshadowing là một cách để gợi ý về kết thúc phim hoặc kết cục của nhân vật, sử dụng các tình tiết kín đáo, các câu thoại tưởng như vu vơ hoặc các tình huống tự nhiên nhất.

Ta có thể chia cấu trúc của Another Day of Sun thành lời 1, lời 2 và điệp khúc. Lời 1 là phần của nữ, lời 2 là phần của nam và điệp khúc là tốp ca cùng nhau cất giọng (ensemble).

Tôi xin phép tạm dịch lời bài hát như sau:

lala4
Nguồn: Lionstage, lời bài hát được tạm dịch bởi Lucas Luân Nguyễn.

Ở lời 1, Another Day of Sun viết về một cô gái có một cuộc tình đẹp năm 17 tuổi, với những đêm hẹn hò nơi rạp chiếu bóng. Nhưng với cô, thôi thúc được sống trong những khung hình đó còn hấp dẫn hơn cả tình yêu. Với hai bàn tay trắng, cô từ bỏ tình yêu, lao theo giấc mơ và hi vọng rằng một ngày kia, anh ấy sẽ thấy cô trong những thước phim, và nghĩ về mối tình ngày xưa.

Câu chuyện này mang nhiều nét tương đồng với câu chuyện của Mia: đều có ước mơ làm diễn viên, gặp được tình yêu của đời mình nhưng lại phải chia xa để theo đuổi sự nghiệp. Trong phim, Mia cũng liên tục gặp phải những khó khăn về tài chính, cũng lao vào nghệ thuật với trăn trở: liệu đây là sự dũng cảm hay sự liều lĩnh ngu ngốc?

Song song với ước mơ của Mia là câu chuyện của Sebastian, một nghệ sĩ dương cầm với ước mơ trở thành nhạc công jazz trong một thế giới mà jazz bị xem là “lỗi thời.”

lala5
Nguồn: Lionstage, lời bài hát được tạm dịch bởi Lucas Luân Nguyễn.

Xuyên suốt La La Land, đam mê của Seb trỗi dậy mãnh liệt qua cách anh kể về jazz, cãi lời người thuê mình để chơi jazz, và hoài bão mở một câu lạc bộ jazz để tôn vinh dòng nhạc này. Câu chuyện của Seb một lần nữa ứng với lời 2 của Another Day of Sun.

Như để khẳng định lần nữa khao khát của Mia và Seb, điệp khúc của bài hát vang lên kèm thông điệp mang tính phổ quát cao: câu chuyện điển hình về những con người khao khát đổi đời với đam mê nghệ thuật của mình ở Los Angeles. Phim không bắt đầu ngay lập tức với hai nhân vật chính. Họ chỉ là hai cá thể trong dòng người đang kẹt giữa đường cao tốc ấy.

lala6
Nguồn: Lionstage, lời bài hát được tạm dịch bởi Lucas Luân Nguyễn.

Phân tích trên đủ để ta kết luận rằng trong La La Land, bài hát mở màn không những thể hiện được đúng cái hồn và bản chất của tên phim, mà còn thiết lập sự khởi đầu cho một câu chuyện về tình yêu và sự nghiệp điển hình, nơi mọi ước mơ đều đang mắc kẹt nhưng vẫn toát lên tinh thần lạc quan đến huy hoàng. Trên hết, đó chính là điềm báo cho kết thúc của câu chuyện này: cuối cùng thì tình yêu đã phải nhường bước cho sự nghiệp.

La La Land là một thước phim mà tôi có thể xem lại nhiều lần và vẫn có những cung bậc cảm xúc mới. Bởi không chỉ có phần hình ảnh, quay phim xuất sắc, diễn xuất đầy thuyết phục của diễn viên, mà âm nhạc trong tác phẩm này còn có ngôn ngữ của riêng nó, được vang lên ngọt ngào qua từng giai điệu, từng nhạc cụ, từng cách chúng được sử dụng, biến tấu và lặp lại.