Chinh phục giới phê bình lẫn khán giả với số điểm cao ngất trên các trang đánh giá phim như Rotten Tomatoes và Metacritic, In The Heights của đạo diễn Jon M. Chu đang tạo nên một cơn sốt tại nước Mỹ. Từ ngôi sao Hollywood nổi tiếng như Dwayne “The Rock” Johnson hay Hugh Jackman, đến những nghệ sĩ tên tuổi như Ariana Grande và Oprah Winfrey đều dành lời khen cho bộ phim này.
Có lẽ rất lâu rồi, không có một bộ phim điện ảnh nào nằm ngoài thể loại siêu anh hùng, hành động hay các thương hiệu lớn của các hãng phim tạo được hiệu ứng này.
In The Heights dự kiến công chiếu với tựa Việt “Giấc mơ New York”. Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức nền để người xem hiểu thêm về In The Heights trước khi ra rạp để trải nghiệm tác phẩm này.
Tác phẩm chuyển thể từ một vở nhạc kịch Broadway thành công
In The Heights được chuyển thể từ vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên ra mắt tại Broadway vào năm 2008. Kịch bản của vở kịch được Quiara Alegria Hudes, nữ biên kịch từng đạt giải Pulitzer, chắp bút. Phần âm nhạc được Lin-Manuel Miranda, người đồng sáng tác các ca khúc trong phim Moana, thực hiện.
Vừa ra mắt, In The Heights đã được đề cử 13 giải Tony và thắng 4 giải, trong đó có Nhạc kịch xuất sắc và Âm nhạc xuất sắc.
Câu chuyện của In The Heights xoay quanh một cộng đồng người Mỹ Latin và ba ngày nắng nóng đỉnh điểm ở khu phố Washington Heights, New York. Tại đây, bức tranh về văn hoá của cộng đồng Latino đến từ Puerto Rico, Cộng hòa Dominica, Cuba, Mexico… được vẽ nên một cách sống động.
Ai cũng có những ước mơ, những hoài bão giữa thành phố đắt đỏ nhất thế giới, đồng thời giằng co mỗi ngày để giữ lại văn hóa cộng đồng và loay hoay với câu hỏi: “Nhà là gì?".
Sắc tộc và văn hoá của người Mỹ Latin là một yếu tố quan trọng của tác phẩm này. Người Mỹ Latin vốn là một trong những nhóm thiểu số thiếu tính đại diện (representation) và ít cơ hội trên truyền thông. In The Heights đã mở ra một cánh cửa để đưa họ đến với Broadway.
Lần đầu tiên khán giả Mỹ hiểu hơn về văn hoá của cộng đồng này, và cũng là lần đầu họ nhìn thấy một tác phẩm dành riêng cho mình với sự hân hoan rõ rệt như vậy. In The Heights lúc bấy giờ trở thành một hiện tượng của Broadway, lưu diễn ở toàn nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Đến năm 2020, nhiều nhà hát vẫn diễn lại vở này.
Trải qua hơn 1 thập kỷ với nhiều thương vụ lẫn biến cố khác nhau, phiên bản điện ảnh của In The Heights của đạo diễn Jon M. Chu do hãng Warner Bros. sản xuất và phát hành đã đến với khán giả yêu điện ảnh nói chung và gắn bó với vở nhạc kịch này nói riêng.
Điều đặc biệt nhất là dù chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, phim vẫn được chính “cha đẻ” Lin-Manuel Miranda đứng ở vị trí sản xuất, giữ vững tinh thần gốc và đưa vào đó một hơi thở mới.
Thương hiệu Lin-Manuel Miranda
Miranda là người đã “cách mạng hóa” nhạc kịch Broadway với vở nhạc kịch Hamilton. Kể câu chuyện lịch sử Mỹ bằng chất liệu nhạc hiện đại với tư duy phá cách, Hamilton đã trở thành hiện tượng văn hoá, cháy vé nhiều năm liền.
Không chỉ thế, vở nhạc kịch đương đại này còn chứng minh nhạc kịch Broadway không chỉ có những cách thể hiện truyền thống, cũ kỹ, mà là một môn nghệ thuật thiên biến vạn hoá, thích nghi với thời đại và có nhiều hướng để nghệ sĩ tự do sáng tạo. Lin-Manuel Miranda là người tiên phong trong việc đó.
Hamilton nắm trong tay 16 đề cử và 11 giải. Tác phẩm này còn được hơn 40 giải thưởng danh giá khác bao gồm cả Grammy và Pulitzer.
Miranda đa tài và có phong cách riêng biệt. In The Heights và Hamilton của anh đều là những tác phẩm để lại nhiều dấu ấn trên nền văn hoá đại chúng của Mỹ. Trong cả hai tác phẩm, anh là người đã nghĩ ra concept, tham gia viết kịch bản, sáng tác tất cả các ca khúc và thủ vai chính để kể câu chuyện của mình.
Miranda luôn mang câu chuyện cá nhân cùng những đề tài ám ảnh anh vào từng tác phẩm. Những vấn đề anh đặt ra cũng là những điều nhức nhối của xã hội Mỹ. Nhờ đó, tác phẩm của anh đã tìm được sự đồng điệu với khán giả. Mọi người xem Lin-Manuel Miranda không chỉ là một “hitmaker” (người tạo hit) mà còn là một “phenomenon maker” (người tạo nên hiện tượng), và tin tưởng tưởng rằng âm nhạc cùng tư duy của anh sẽ không bao giờ làm họ thất vọng.
In The Heights có chất liệu âm nhạc thời thượng
Trong In The Heights, câu chuyện về văn hoá của những người nhập cư không những được khắc hoạ từ sự chật vật mỗi ngày để kiếm sống và thắp lửa cho cộng đồng mình, mà còn được thể hiện sắc nét bởi âm nhạc.
Âm nhạc đậm chất Latin với những làn điệu như salsa, samba, flamenco, merengue đã được sử dụng để diễn tả nếp sinh hoạt mỗi ngày của những người dân khu Washington Heights, đồng thời tạo nên mối liên kết của họ với quê hương mình. Chất liệu Latin này đã được giao thoa một cách tài tình với những chất liệu khác đậm chất Mỹ: hiphop, dance và rap.
Xuyên suốt tác phẩm, các nhân vật dùng rap để kể chuyện một cách trôi chảy, đầy năng lượng và toát lên khí chất của những con người rất “chất chơi” của New York.
Dù tất cả các ca khúc được sáng tác từ năm 2005, sự giao thoa giữa Latin và hiphop/ rap này vẫn rất hợp thời. Cách hát, cách gieo vần và những làn điệu trong In The Heights bật nên cảm giác sảng khoái, hân hoan của mùa hè. Âm nhạc và lời ca được sử dụng để đẩy cốt truyện về phía trước chứ không đơn thuần là những ca khúc thể hiện nội tâm nhân vật, thoát ly khỏi thực tại tạm thời.
Cách sử dụng âm nhạc này cũng được Lin-Manuel Miranda sử dụng lại trong Hamilton. Anh kể câu chuyện lịch sử về Alexander Hamilton, một trong những người cha lập quốc của nước Mỹ bằng nhạc rap, với dàn cast đa văn hoá, đa sắc tộc để đưa ra thông điệp chắc nịch về người nhập cư, về nước Mỹ và sự đa dạng văn hoá của nó một cách thuyết phục và tràn đầy năng lượng sáng tạo.
Đạo diễn Jon M. Chu là người đã làm nên Crazy Rich Asians
Khi Miranda gặp Jon M. Chu, chúng ta có thể ví như hai kẻ tạo nên những hiện tượng gặp nhau.
Jon M. Chu không những là người đã làm nên thành công của Crazy Rich Asians - một trong những phim rom-com có doanh thu cao nhất mọi thời đại, niềm tự hào của người châu Á và người Mỹ gốc Á ở điện ảnh Hollywood - mà còn là một đạo diễn với tầm nhìn lớn.
Câu chuyện của Lin-Manuel Miranda, một người nhập cư, về con phố Washington Heights là một mảnh ghép rất nhỏ của cuộc sống mỗi ngày ở New York xa hoa. Nhưng khí chất của Miranda và tinh thần văn hoá của câu chuyện đã chạm đến được Chu, một người nhập cư khác.
Chu không những muốn In The Heights phải là một tác phẩm điện ảnh lớn, mà còn muốn cho từng sáng tác của Miranda một sự chuyển thể xứng tầm khi đưa lên màn ảnh với những phân cảnh kì công và ảo diệu nhất có thể.
Vốn rất thích phong cách làm phim cường điệu hóa trong từng khung hình, Jon M. Chu là một người đàn ông bị ám ảnh bởi sự mãn nhãn và sự sắp đặt mang tính choáng ngợp. Với kinh nghiệm làm những phần phim Step Up và phim âm nhạc của Justin Bieber, Jon M. Chu đưa vào In The Heights cách hiểu của anh về âm nhạc và mối quan hệ giữa tiết tấu và nhịp phim, nhịp dựng.
Nếu khán giả đã bị “choáng” bởi những bữa tiệc xa hoa trong Crazy Rich Asians, họ sẽ tiếp tục há hốc mồm vì cách Chu xử lý những cảnh phim với hơn 100 vũ công cùng hòa giọng vào các ca khúc để làm nên những phân cảnh mướt mắt.
Có thể nói Chu chính là người hiểu Miranda và tác phẩm gốc nhất, một bàn tay không thể nào phù hợp hơn để đưa In The Heights lên màn ảnh rộng.
In The Heights hiện đã công chiếu trên toàn nước Mỹ. Nhận xét từ khán giả sau khi trở về từ rạp chiếu cũng vô cùng tích cực: họ đã cười, đã nhún nhẩy, đã hú hét và đã khóc trong rạp phim.
Bộ phim dự tính sẽ công chiếu ở Việt Nam vào tháng 7 sắp tới. Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để cười, nhún nhảy, hú hét và khóc cùng hiện tượng điện ảnh này, bạn nhé!