Tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam: Những thực trạng và biện pháp khắc phục

Mức độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam tăng hơn 40% so với 2010 và cao thứ nhì tại châu Á, chỉ xếp sau Hàn Quốc. Jio Health đã chỉ ra một số thực trạng đáng lưu ý về việc mức độ tiêu thụ chất có cồn của người Việt đang ngày một tăng nhanh.

Vietcetera
Tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam: Những thực trạng và biện pháp khắc phục


Mặc dù có nhiều quan điểm cho rằng một ly rượu vang mỗi ngày sẽ có tác dụng tốt cho hệ tim mạch. Tuy nhiên, thật sự là có rất ít dẫn chứng khoa học cho quan điểm này. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, kể cả khi bạn uống chừng mực, chất có cồn vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Nhìn chung, việc tiêu thụ rượu bia cũng như các loại chất kích thích khác đều gây hại cho sức khoẻ của chúng ta.

Trên thế giới, kinh doanh rượu là một ngành công nghiệp trị giá 1,000 tỷ Đô la Mỹ. Cũng giống như ngành công nghiệp thuốc lá, kinh doanh rượu cũng là “nơi mà việc quảng bá và khuyến mại chất độc hại được thực hiện một cách sốt sắng và bằng những mánh khoé siêu tinh vi” – thậm chí, một số trò bịp còn được hậu thuẫn bằng những nghiên cứu chuyên sâu trong ngành. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, vẫn có rất nhiều chuyên gia đồng ý rằng “Jio Health cho rằng, đã đến lúc rung hồi chuông báo động cho tình trạng lạm dụng thức uống có cồn đang gia tăng đột biến tại Việt Nam. Bởi theo thống kê, một người Việt tiêu thụ bình quân 42 lít bia mỗi năm – một con số con vô địch tại khu vực Đông Nam Á và xếp thứ nhì toàn châu Á, chỉ sau Hàn Quốc.

Trước tình hình mức độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang tiến rất gần giai đoạn báo động đỏ, chúng ta cần tìm hiểu xem tác hại của việc lạm dụng chất có cồn cũng như mức độ rộng rãi của việc tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam. Qua đó, rút ra được kết luận về tác động của rượu bia đến cả quốc giả và nêu lên những giải pháp nhằm quản lý tình trạng này một cách tốt hơn. Cuối cùng, Vietcetera và Jio Health sẽ chia sẻ một số giải pháp để từ bỏ thói quen độc hại này.

Sự thật về rượu bia và cơ thể của bạn

Là một trong những đồ uống tiêu khiển lâu đời nhất thế giới, tuy nhiên, rượu bia lại khá độc hại. Cụ thể là, cồn trong rượu bia còn được dùng để sản xuất dung môi trong chất khử mùi và tẩy uế… nhằm tiêu diệt vi sinh vật và các loại nấm. Ở liều lượng cao, cồn còn tác động đến hệ thần kinh trung ương và hệ hô hấp, có thể dẫn đến tình trạng hôn mê hoặc tử vong—tại Mỹ, có hơn 2,200 ca tử vong liên quan trực tiếp đến rượu bia mỗi năm. Đó là chưa kể đến hơn 30,000 ca tử vong có liên quan gián tiếp. Trên thực tế, “bất kỳ sự tiếp xúc với rượu bia nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ gây nghiện cho người sử dụng”. Tuy không gây nghiện một cách lập tức, nhưng sau một thời gian dài sử dụng một cách vô ý thức, người uống vẫn có thể bị nghiện.

Rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến cả não, tim, gan và tuỵ. Nghiêm trọng hơn, rượu bia là nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư. “Các thông tin tích cực về việc tiêu thụ rượu bia thường là được cường điệu hoá hoặc đưa ra dẫn chứng sai lệch.” Ví dụ như câu chuyện xung quanh ly rượu vang – bắt nguồn từ một “nghịch lý Pháp” – đó là tại sao chế độ ăn của người Pháp chứa đầy chất béo bão hoà nhưng tỉ lệ mắc các bệnh tim mạch lại thấp nhất thế giới? Và người ta giải thích rằng đó là do người Pháp thường uống rượu vang. Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra rằng, người Pháp, cũng như người dân vùng Địa Trung Hải nói chung, thực hiện một chế độ ăn bao gồm rất nhiều trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc nguyên hạt cũng như các loại dầu ô liu – những loại thực phẩm có lợi cho hệ tim mạch.

Tình trạng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tốc độ phát triển của nền kinh tế và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh tỉ lệ thuận với sự leo thang của mức độ tiêu thụ chất có cồn, đặc biệt là bia. Nhưng mà sự ưu ái mà người Việt dành cho bia thì không phải là một điều xa lạ bởi nhà máy bia Hommel – tiền thân của Bia Hà Nội ngày nay đã ra đời từ năm 1890. Hơn một thế kỷ sau, năm 1993, nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng gia tăng, công ty đã tăng sản lượng bia lên đến 50 triệu lít mỗi năm. Đến năm 2010, con số này là 400 triệu lít.

Hiện nay, cùng với Hàn Quốc vàThái Lan, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia hàng đầu châu Á. Mỗi quốc gia này trong top 3 này đều có mức độ tiêu thụ rượu bia cao gấp ba lần các nước láng giềng ở cuối danh sách. Riêng ở Việt Nam, năm 2016, mức độ tiêu thụ là 340 triệu lít rượu và 3,92 tỷ lít bia, tăng 40% so với năm 2010 – con số này chưa bao gồm những thống kê liên quan đến lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh rượu bia.

Trong khi đó, ở các quốc gia khác của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, và Myanmar, mỗi công dân từ 15 tuổi trở lên đều chỉ tiêu thụ khoảng 3 lít/người mỗi năm. Nguyên nhân chính là do quy định của chính quyền, thuế cũng như sức ép từ xã hội.

Những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của việc tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam

Trên thế giới, điều khiển giao thông trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá mức quy định được pháp luật kiểm soát rất chặt chẽ. Tại Việt Nam, theo quy định, người dân được phép điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nếu nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Và đối với ô tô, người lái tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu. Năm 2016, quy định này được thắt chặt hơn, “người không chấp hành các quy định trên hoặc không tuân theo yêu cầu xuất trình giấy tờ và đo nồng độ cồn của cảnh sát có thể bị xử phạt đến 18 triệu đồng.” Tuy nhiên, con số tử vong do lái xe trong lúc say tại Việt Nam vẫn ở mức 4,000 trường hợp mỗi năm. Theo thống kê, có khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quá đến việc sử dụng rượu bia.

Tình trạng gia tăng đột biến của mức độ tiêu thụ rượu bia cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của bệnh ung thư gan tại Việt Nam trong những năm gần đây. Thống kê cho thấy tỉ lệ này cao gấp ba lần so với tỉ lệ bình quân trên thế giới, chủ yếu thường gặp ở nam giới. Trong một cuộc khảo sát mà Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2015, có đến 77% nam giới được hỏi thừa nhận rằng họ lái xe trong lúc say xỉn ít nhất 6 lần trong vòng 30 ngày. Và chỉ có 11% nữ giới được hỏi trả lời tương tự. Năm 2016, gần 10% nam giới người Việt trong độ tuổi từ 50 tới 69 chết do ung thư gan liên quan đến rượu.

Một vấn đề đáng lưu tâm khác là độ tuổi và ý thức sử dụng rượu bia. Giới trẻ Việt Nam cho biết, “uống rượu bia là một thú vui khó bỏ trong cuộc sống của họ, một cách giết thời gian hoặc xua tan sự chán nản.” Một số khác lại cho rằng không biết uống rượu bia sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng các mối quan hệ. Trên thực tế, văn hoá “nhậu” vốn dĩ đã được xem là một hủ tục hết sức đặc trưng của người Việt, thu hút không ít sự chú ý từ truyền thông quốc tế.

Những cách thiết thực để quản lý lượng rượu bia nạp vào cơ thể

Rõ ràng cách tốt nhất vẫn là nói không với rượu bia. Tuy nhiên, nếu cảm thấy quá khó, chúng ta có thể bắt đầu cắt giảm từ từ. Các bạn có thể tham gia vào những buổi tiệc hoặc sự kiện không phục vụ đồ uống có cồn. Nếu phải tham dự những buổi tiệc có phục vụ sản phẩm chứa cồn, hãy sử dụng đồ uống có ít cồn, hoặc tốt hơn là dùng mocktail (thức uống từ nước trái cây) – loại đồ uống này hiện rất phổ biến tại các quầy bar trong nước. Ngoài ra, bạn có thể chọn những loại thức uống quen thuộc như nước dừa, sinh tố, hoặc nước mía.

Sau khi cắt giảm thành công lượng cồn tiêu thụ mỗi ngày rồi, tiếp theo hãy xem xét đến việc cắt bỏ hoàn toàn. Các chuyên gia khuyên rằng đừng nên quan niệm chuyện “mỗi ngày uống một ít rồi từ từ cũng nghiện nặng” là chuyện hiển nhiên. Và đã lỡ nghiện rồi thì không có cách nào mà bỏ được. Thay vào đó, hãy uống một cách có ý thức và biết điểm dừng trước khi phải đối mặt với những vấn đề khó khăn hơn.

Một khi đã quyết định bỏ hẳn, hãy thông báo với những người xung quanh để nhận được sự hỗ trợ từ họ. Việc thông báo trước cho bạn bè và đồng nghiệp sẽ dễ dàng hơn là khước từ họ khi đã ngồi vào bàn tiệc. Thêm vào đó, tránh tham gia các sự kiện có phục vụ chất có cồn hoặc kết thân với những người có thói quen uống nhiều và thường xuyên khuyến khích bạn cùng tham gia. Các chuyên gia khẳng định rằng 72 tiếng đồng hồ đầu tiên trong quá trình bỏ rượu bia là khó nhất. Và quá trình giải độc cơ thể thường mất khoảng hai tuần trở lên.

Những biện pháp để cai nghiện rượu bia tại Việt Nam

Nếu so sánh với nước láng giềng Thái Lan, nơi nổi tiếng với những trại cai nghiện xa xỉ như Cabin Chiang Mai, DARA ThaiLand, và Hope Rehab – với những hình thức cai nghiện tạo cảm giác như đi nghỉ dưỡng, việc tìm kiếm các phương pháp cai nghiện rượu bia chuyên nghiệp ở Việt Nam khó hơn rất nhiều. Cách đơn giản nhất là liên hệ với hội Alcoholics Anonymous Việt Nam để biết thêm thông tin về liệu trình 12 bước.

Các khoá học thường được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, và Nha Trang. Thêm vào đó là các buổi hội thảo tại Đà Lạt và Hải Phòng. Tuy nhiên, các khoá học và hội thảo đều sử dụng tiếng Anh và các bài giảng chỉ được dịch sang tiếng Việt theo yêu cầu.

Jio Health khuyên những người quan tâm nên thường xuyên cập nhật lịch trình của chương trình tại địa phương mà họ sinh sống và trao đổi với người đại diện để xác nhận ngày, giờ và địa điểm tổ chức. Lưu ý rằng tất cả các buổi hội thảo của Alcoholic Anonymous đều là miễn phí và các thông tin liên lạc có thể tìm thấy tại website aavietnam.org.

Xem thêm:

[Bài viết] Lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam & Cách phòng tránh từ Jio Health

[Bài viết] Nghe Wowbox Salad bàn về thói quen ăn uống lành mạnh


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục