Tìm thấy vi nhựa trong phổi người: Có quá muộn để quan tâm tới môi trường? 

Chúng ta đang tiến lên “thời kỳ đồ nhựa”. Bản thân cơ thể chúng ta cũng đang bị xâm chiếm bởi nhựa.
Minh Anh
Nguồn: Getty Images

Nguồn: Getty Images

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vừa qua, các nhà khoa học của Anh đã tìm thấy dấu vết của vi nhựa nằm sau trong phổi của người.

Nghiên cứu chi tiết đã được đăng trên tờ Science of the Total Environment. Bà Laura Sadofsky, tác giả nghiên cứu chia sẻ rằng, phát hiện này sẽ được sử dụng cho các nghiên cứu về ô nhiễm không khí cũng như tác động của vi nhựa lên sức khỏe con người.

2. Vi nhựa từ đâu tới?

Vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ bị phân rã từ những miếng nhựa lớn hơn khi chúng bị phơi dưới ánh nắng. Bên cạnh đó còn có hạt vi nhựa (microbead) là các hạt nhựa nhân tạo, thường xuất hiện trong mỹ phẩm hay kem đánh răng.

Các nhà nghiên cứu thường mô tả vi nhựa là bất kỳ các loại nhựa nào mà có kích thước nhỏ hơn 5mm nhưng lớn hơn 1 micromet. Kích thước siêu nhỏ của loại nhựa này khiến nó trở nên nguy hiểm khi dễ dàng “lọt” lưới lọc và thoát ra biển hay xâm nhập vào cơ thể người.

Tuy nhiên không chỉ nhựa mới là thứ duy nhất gây nguy hiểm. Đa phần các sản phẩm này đều được xử lý với hóa chất. Ví dụ như chai nhựa thường được phun 1 lớp BPA giúp chúng trở nên trong suốt hay DEHP giúp nhựa trở nên dẻo dai. Đây đều là các chất hóa học có tác động trực tiếp tới sức khỏe của con người.

Bản thân vi nhựa tồn tại trong đại dương cũng đã là một vấn đề nhức nhối khi khiến con người gián tiếp hấp thụ nhựa thông qua việc ăn cá. Hay nguồn nước bị ô nhiễm sau đó được sử dụng trong các sản phẩm chúng ta tiêu thụ hằng ngày. Tuy nhiên, cho tới hiện tại vẫn chưa có nhiều bằng chứng về tác động trực tiếp của vi nhựa lên sức khỏe con người.

3. Vi nhựa còn được phát hiện ở đâu?

Chúng ta nhận thức được rằng thế giới đang phải đối mặt với ô nhiễm trắng, gây ra bởi túi nilon và rác thải nhựa. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết của số đông về vấn đề này vẫn chưa cao khi chỉ dừng lại ở mức trung bình.

Không chỉ xâm chiếm môi trường xung quanh, nhựa tấn công vào các loài động vật và dần len lỏi vào bên trong cơ thể của con người. Một cách vô thức, chúng ta ăn, uống và hít thở vi nhựa.

Năm 2020, vi nhựa được phát hiện trong nhau thai. Nhiều trẻ sơ sinh và người lớn tại Mỹ cũng phải tiếp xúc tới 74.000 đến 211.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Đây cũng là khoảng thời gian mà các nhà khoa học tìm ra vi nhựa ở trong phổi, gan và lá lách của con người.

Tới tháng 03/2021, vi nhựa tiếp tục “lây lan". Lần đầu tiên, chúng ta tìm thấy chúng ở trong máu người và bây giờ là tận sâu trong phổi. Sống chung với sự tiện lợi từ sản phẩm nhựa chúng ta quên mất rằng “đại dịch thầm lặng" này vẫn đang âm ỉ từng ngày.

4. Ngoài vi nhựa còn có gì đáng lo hơn?

Không dừng lại ở vi nhựa, các mảnh nhựa này còn có thể phân rã ra nhỏ hơn dưới 1 micromet. Các nhà khoa học gọi đây là nanoplastics.

Theo như Scientific American, các nhà khoa học đã chứng minh được sự tồn tại của các mảnh nhựa siêu nhỏ này trong môi trường phòng thí nghiệm và họ tin rằng khả năng cao chúng có tồn tại ngoài môi trường. Nhóm nghiên cứu về chủ đề này tại Viện Nghiên cứu Biển và Địa cực Alfred Wegener nói rằng, khả năng cao đại dương ô nhiễm hơn nhiều so với những gì chúng ta “thấy được".

Tới đầu năm 2022, người ta đã tìm thấy dấu vết của nanoplastics tại 2 cực của Trái Đất. Các nhà khoa học đã tìm được chúng ở sâu trong lõi băng tại Greenland. Các lớp tuyết dày này đã được hình thành từ những năm 1965, điều này đồng nghĩa với việc các mảnh nhựa siêu nhỏ không phải phát hiện mới mà đã tồn tại từ lâu.

Các nhà khoa học lo ngại các mảnh nhựa này nếu chẳng may bị con người ăn phải sẽ dễ dàng xâm nhập vào niêm mạc ruột và đi vào máu. Hoặc nếu hít phải, chúng sẽ nằm sâu trong phổi. Và cho tới hiện tại, chúng ta đã tìm được dấu vết của microplastics, những mảnh nhựa lớn hơn nanoplastics trong máu và phổi.

5. Giải pháp của chúng ta liệu có đang biến thành vấn đề?

Vấn đề liên quan tới rác thải nhựa phức tạp và khó giải quyết. Trong những năm vừa qua, xu hướng sống xanh với các sản phẩm thân thiện với môi trường đã tạo ra thêm vấn đề. Các sản phẩm xanh này tốn nhiều năng lượng và chi phí để sản xuất, đồng thời cũng thải ra nhiều carbon hơn. Sự dư thừa túi vải là một ví dụ tiêu biểu cho phong trào sống xanh. Đôi khi giải pháp chính là vấn đề.

Cho tới hiện tại, giải pháp được cho là hợp lý nhất để giải quyết vấn nạn vi nhựa chính là cấm nhựa sử dụng một lần. Dấu vết của nanoplastics tìm được tại Greenland đa phần là nhựa PE và PET, thường xuất hiện trong túi nilon hay chai nước. Cấm nhựa một lần cũng là một vấn đề mà Việt Nam đang cân nhắc trong những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, một giải pháp khác cũng được cân nhắc là thay vì cấm nhựa, chúng ta tập trung thiết kế ra sản phẩm dễ tái chế hơn. Thực tế cho thấy không phải loại nhựa nào cũng có thể dễ dàng được tái chế. Bản thân ly giấy thứ tưởng là thân thiện với môi trường thật ra cũng được phủ một lớp màng nhựa khiến việc tái chế sản phẩm này khó khăn hơn.

Các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang cố gắng tìm ra nhiều cách hơn để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên đây là một vấn đề toàn cầu, cần sự góp sức và chung tay của cả thế giới chứ không thể dừng lại ở một cá nhân và tổ chức. Có thể nói đây là một cuộc chạy đua khi mà đại dịch “nhựa" vẫn đang lan rộng dần.

Vậy nên, chỉ nhận thức mà không có hành động dễ khiến chúng ta bị bỏ lại trong cuộc đua cứu lấy môi trường sống của chính mình, chứ chưa nhắc tới các cá thể khác, sống chật vật vì rác thải của con người.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục