Time famine – 'Nạn đói thời gian' trong xã hội bận rộn

Nếu từng ước có thêm 24 giờ, có thể bạn đang trong 'nạn đói thời gian' (time famine).
Dương Quỳnh Anh
Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

Đại học Cornell, Mỹ từng thực hiện một dự án mang tên The Legacy Project, tổng hợp những lời khuyên và bài học cuộc sống từ những người được cho là thông thái nhất – những người cao tuổi. Thật dễ hiểu khi chúng ta đi tìm lời khuyên từ những người đã trải qua 70, 80 năm cuộc đời. Nhưng cũng thật tréo ngoe khi con người cần nhiều thời gian đến vậy để học về một điều tưởng như đơn giản và cốt tủy nhất: thời gian.

Sự trù phú về vật chất, sự giải phóng về tinh thần, bằng một cách nào đó, lại gián tiếp dẫn chúng ta tới một "cơn đói" mới, đó là nạn đói thời gian (time famine). Nó đang xảy ra ngay lúc này, đặc biệt là tại những quốc gia và vùng đô thị phát triển. Mỗi sáng thức dậy, bạn có bao giờ tự nhủ: “Ước gì một ngày có nhiều hơn 24 giờ”? Nếu có, khả năng là bạn cũng đang bị "cơn đói" này hành hạ.

Tình trạng tham việc, nghèo thời gian

Theo nghiên cứu của Pew Research Center, những người giàu có về mặt vật chất (cash rich) thường có xu hướng thiếu thốn về mặt thời gian (time poor). Tuy nhiên, chỉ có sự sung túc về thời gian mới tỉ lệ thuận với sự hài lòng về tinh thần.

Theo tờ Forbes, tầng lớp trung lưu có xu hướng đề cao thời gian hơn cả việc: có con (62%), thành đạt (59%) và kết hôn (55%). Tuy thế, chỉ 12% người được hỏi đề cao thời gian hơn tiền bạc.

Những năm gần đây, từ khóa 'hiệu suất' (productivity) nhận được nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết. Làm sao để làm việc hiệu quả, làm sao để tối ưu hóa 24 giờ mỗi ngày? Chúng ta sợ rằng chỉ cần mình sống chậm lại một bước thì sẽ bị đám đông bỏ lại đằng sau. Nỗi sợ đó khiến chúng ta không thể ngừng ép mình bước vào cuộc đua tham công tiếc việc.

Giống như tiền bạc và sức khỏe, thời gian cũng là một loại tài sản. Khi nói đến thời gian, chúng ta có thể điểm tên ba kiểu “chi tiêu” khác nhau:

  • Nghèo thời gian (time poverty): Đánh đồng sự bận rộn với tính hiệu quả nên lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian.
  • Tham luyến thời gian (time gluttony): Thay vì cố gắng sử dụng thời gian một cách điều độ thì lại ước một ngày có nhiều hơn 24 giờ.
  • Sung túc thời gian (time affluence): Làm chủ thời gian thay vì để thời gian làm chủ mình.

Sự giàu có về mặt thời gian không chỉ nằm ở cách một người sắp xếp cuộc sống, mà còn ở việc chúng ta nhìn nhận cách thời gian trôi đi. Thời gian không chỉ là con số khô khan trên mặt đồng hồ, giá trị của thời gian phụ thuộc rất nhiều vào cảm thức của người sử dụng nó.

Ví dụ, thời gian dành để giúp đỡ và hỗ trợ người khác có thể mang lại ý nghĩa lâu dài, kèm theo đó là sự phấn chấn về mặt tinh thần. Trái lại, khi lúc nào cũng có áp lực phải tính toán, phân bổ thời gian thật chi li, chúng ta dễ cảm thấy như đang trong một cuộc đua nước rút – căng thẳng và bị động.

Làm sao để nhận biết bạn đang giàu hay nghèo thời gian?

Dưới đây là một bảng so sánh để kiểm tra nhanh số dư thời gian trong tài khoản của bạn. Hãy nhớ, ai cũng có 24 giờ mỗi ngày, sự bận rộn đơn thuần là một lựa chọn, hoặc một cách nhìn nhận về thời gian. Nói cách khác, việc điều chỉnh nó gần như luôn nằm trong tay của bạn.

Nghèo thời gian (Time-poor):

  • Thời gian là một điều phải vượt qua.
  • Cho rằng những điều cho ra kết quả nhanh chóng, dịch vụ nhanh (ví dụ như giao đồ ăn tận nơi) là hiển nhiên.
  • Thường vội vã.
  • Tìm thời gian (make time).

Giàu thời gian (Time-rich):

  • Thời gian là một điều để tận hưởng.
  • Không ngại chờ đợi, đề cao sự kiên nhẫn; tôn trọng chất hơn lượng.
  • Thường thong thả.
  • Dành thời gian (take time).

Nếu bạn cảm thấy mình có một cơn đói thời gian trường kỳ tức là bạn đang muốn làm quá nhiều điều, hoặc chưa biết cách nói “không" khi cần thiết.

Làm sao để làm giàu thời gian cho mình để sống hạnh phúc hơn?

Thời gian là điều chẳng ai đòi thêm được. Nếu một ngày có thể dài hơn 24 giờ, có lẽ nó sẽ giống như một chiếc thẻ tín dụng. Bạn sẽ không tiêu thời gian mình có, mà đang sống trên thời gian đi “vay" (borrowed time). Câu trả lời duy nhất chính là hãy học cách sử dụng thời gian hiệu quả và gạn lọc những 'khoản tiêu' ít cần thiết.

Khi bạn cảm thấy mình bị thời gian kiểm soát thay vì ngược lại, kiệt sức vì luôn luôn vội vã, hãy nhớ dừng lại một chút để thở. Bởi vội vã là biểu hiện của nỗi lo sợ, và dừng lại chính là một cách thiền chớp nhoáng.

Nó giúp bạn chấp nhận rằng đôi khi có những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát, và điều đó hoàn toàn ổn. Sự bình tĩnh sẽ giúp bạn nhìn nhận tình huống một cách khách quan và không gây áp lực quá lớn lên chính mình.

Cuối cùng, bởi thời gian là cảm thức, đôi khi bạn bận rộn là bởi vì bạn... nghĩ như vậy. Dù không có quá nhiều việc cần làm, dù thời gian thực tế vẫn đủ để hoàn thiện to-do-list, chúng ta có xu hướng tự khuếch đại sự bận rộn của mình và trở nên căng thẳng.

Bí quyết là hãy xây dựng thói quen viết ra những điều cần làm trong ngày vào mỗi buổi sáng, để bạn có một cái nhìn tổng quan và chính xác về quỹ thời gian của mình.

Kết

Hạnh phúc tỉ lệ thuận với sự sung túc thời gian, vậy nếu bạn quá bận rộn, hãy tự hỏi mình hai điều: bạn có đang hạnh phúc với sự bận rộn đó, và bạn có yêu từng-việc-một trong danh sách việc cần làm của chính mình?

Thời gian cũng giống như một món ăn ngon, nó xứng đáng để bạn thưởng thức một cách chậm rãi và từ tốn, thay vì ngấu nghiến cho xong để rồi vẫn thấy thèm thuồng và muốn thêm nữa.

Bí quyết cuối cùng để trở nên giàu có về thời gian là, thi thoảng, hãy cho phép mình không làm gì cả. Khám phá trọn vẹn niềm vui trong việc không có việc cần làm, nơi để đi và người cần gặp. Đó là cách bạn xây dựng một kho lưu trữ sự bình tĩnh. Để đến khi bạn thật sự cần bận rộn và hết mình, bạn sẽ làm điều đó một cách nhiệt thành và chủ động hơn bao giờ hết.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục