Tóm Lại Là: Liệu Olympics có lại bị hoãn?
1. Olympics 2020 khi nào tổ chức?
Trong lịch sử, Olympics đã có 4 lần bị hoãn và 2 trong số đó là tại Nhật Bản. Quá tam ba bận, Olympics mùa hè 2020 đã được dời sang năm nay và dự tính sẽ diễn ra từ ngày 24/07 - 08/08/2021.
Các sự kiện đều diễn ra ở khu vực Tokyo. Chỉ có một vài trận bóng đá và cuộc thi chạy diễn ra ở Sapporo và Hokkaido. Đây cũng là những khu vực đã từng được áp dụng tình trạng khẩn cấp và mới được gỡ bỏ gần đây.
2. Phản ứng của mọi người như thế nào?
Người dân Nhật Bản rõ ràng không vui vẻ gì với quyết định này. Trước đó không lâu, rất nhiều người dân Nhật và các tổ chức y tế nước này cũng đã bày tỏ sự bất bình phản đối Olympics. 40% trong số đó còn muốn hủy luôn sự kiện này.
Một phần của lý do này là do sự bất đồng tình trong chương trình tiêm chủng vaccine của ông Suga - Thủ tướng Nhật. Cho tới hiện tại mới chỉ có 4% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
3. Kế hoạch chuẩn bị là gì?
Đây là một Olympics kỳ lạ và chưa từng có tiền lệ. Chính phủ Nhật đã quyết định sẽ linh hoạt trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp, nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm mới.
Những vận động viên tham gia kỳ Olympics cũng được chào đón với cuốn Playbook (cẩm nang) dày 70 trang. Trong đó quy định về các quy tắc phòng dịch, quy trình cách ly và xét nghiệm mỗi ngày.
Việc vi phạm có thể khiến các vận động viên này bị tước quyền thi đấu.
Để đảm bảo cho quy trình phòng dịch, Hội đồng Olympics Thế giới (IOC) cũng đã hứa tiêm chủng cho từ 70-80% giới truyền thông. Hiện tại Nhật cũng đã nhập vaccine COVID-19 Pfizer từ Mỹ.
Ngoài ra, khán giả nước ngoài sẽ không được tham gia còn khán giả trong nước sẽ bị giới hạn xuống dưới 10.000 người.
Và điều đáng buồn nhất là sẽ không có bữa tiệc nào được tổ chức!
4. Tại sao không thể tiếp tục hoãn?
Nhật hiện tại đang phải đâm lao thì phải theo lao khi đã bỏ ra tới hơn 12.6 tỷ USD cho kỳ Đại hội này. Bản thân nước này cũng không có quyền đưa ra quyết định vì theo hợp đồng, chỉ có IOC mới có quyền hủy sự kiện.
Khoảng 70% tiền bản quyền phát sóng và 18% tài trợ thuộc về IOC. Nếu thế vận hội bị huỷ một lần nữa có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tương lai của những kỳ Olympics nói riêng và giới thể thao nói chung.
Về mặt chính trị, sự thành công của Olympic còn có khả năng tác động lên kế hoạch tái bầu cử của ông Suga. Ngoài ra, đây là dịp để Nhật khẳng định vị thế trong làng thể thao với Trung Quốc khi mà nước này sắp tới cũng có Thế vận hội mùa đông.
5. Viễn cảnh xấu nhất có thể là gì?
Nhật Bản đề nghị hủy Olympics
Nếu chuyện này xảy ra, khả năng cao Nhật phải đối mặt với một vụ kiện pháp lý lớn chưa từng có. Bên cạnh đó, số tiền đền bù bảo hiểm cho các nhà tài trợ, tổ chức, đơn vị tham gia cũng sẽ cao ngất ngưỡng.
Tuy nhiên, vụ kiện diễn ra dù hợp lý, nhưng không hợp tình nhất là khi cả thế giới đều đã chứng kiến Nhật Bản đã nỗ lực vùng vẫy giữa dịch. Nếu vụ kiện thực sự xảy ra thì người xấu mặt ở đây chính là IOC.
Sự bùng phát diện rộng
Nhiều chuyên gia lo ngại Olympics sẽ gây ra sự bùng phát dịch diện rộng tại Nhật Bản và toàn thế giới. Bên cạnh đó với khả năng đột biến của virus COVID-19 có khả năng sẽ tạo ra chủng mới mang tên Olympics.
Việc chính phủ Nhật vẫn tiến hành tổ chức Olympics được cho như một canh bạc lớn. Được ăn cả ngã về không.
6. Olympics hoãn liên quan gì tới phim Akira?
Trước thềm Olympics, đã có hàng loạt bài báo nói về việc bộ phim Akira (1988) đã dự đoán trước tương lai của Olympics.
Cụ thể hơn, một người dùng Twitter đã đăng lại cảnh mở đầu bộ phim có hình ảnh của sân vận động Tokyo còn 147 ngày nữa là tới Đại hội. Tuy nhiên, trên tấm bảng có dòng chữ graffiti “Just cancel it" (Hủy luôn đi). Khoảnh khắc nhanh chóng được lan truyền, nhất là khi con số 147 trùng khớp với số ngày đếm ngược tới Olympics.
Nhiều người bắt đầu tin vào những thuyết âm mưu dự đoán về đại dịch cũng như gia nhập làn sóng phản đối Olympics. Tuy nhiên, thuyết âm mưu này rồi cũng đã bị “debunk" (giải mã). Mặc dù bộ phim có phản ảnh nhiều những sự kiện xã hội xảy ra vào năm 2020, nhưng nó hoàn toàn không liên quan gì tới đại dịch.
7. Còn sự kiện thể thao nào có nguy cơ bị hoãn?
Cuối năm nay, Sea Games 31 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trước tình hình dịch phức tạp, Hà Nội đã đề xuất được hoãn tổ chức. Tuy nhiên lại có 8 nước không đồng tình. Việt Nam đang nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan để tìm giải pháp: hoãn hay hủy?
Cả thế giới hiện nay đang dần làm quen với đại dịch. Các sự kiện hybrid cũng đang được giới sự kiện ưa chuộng. Việc tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến (qua Internet) sẽ phần nào giúp sự kiện diễn ra an toàn.
Xu hướng này đã xuất hiện ở hội chợ bất động sản quốc tế nổi tiếng Mipim, hay các sự kiện ra mắt lớn của Apple, Google và Microsoft.