Trở về công ty cũ làm việc, bạn cần chú ý những gì?

Những nhân viên boomerang đã tạo nên một xu hướng tuyển dụng mới, dự kiến sẽ kéo dài trong thị trường lao động hậu đại dịch.
Eira
Nguồn: Kindel Media @ Pexels

Nguồn: Kindel Media @ Pexels

Millennial và gen Z là thế hệ đã định nghĩa lại sự cam kết trong công việc. Thay vì dành 20-30 năm cuộc đời gắn bó với một tổ chức, họ sẵn sàng nhảy việc sau 2-5 năm.

Trong quá trình này, không ít người đã lựa chọn trở về nơi họ làm việc trước kia. Điều này đã tạo ra boomerang employee - một xu hướng tuyển dụng trong tương lai.

Boomerang employee là gì?

Đây là từ chỉ những nhân viên cũ quay lại công ty sau một thời gian dài nghỉ việc. Cách gọi này xuất phát từ chiếc boomerang - một công cụ đi săn của thổ dân Úc, có đặc tính quay trở lại người ném sau khi được phóng đi.

Theo Wired, một nhân viên boomerang sẽ rời công ty trung bình từ 12 đến 18 tháng trước khi quay lại. Nguyên nhân là trong thời gian này, họ nhận ra công việc mới không hoàn hảo như họ nghĩ, và cảm thấy tiếc khi rời bỏ công ty cũ.

Nhân viên boomerang khác với nhân viên nghỉ thai sản, nghỉ ốm hoặc được đơn vị cử đi du học, tu nghiệp. Ở những trường hợp này, họ vẫn thuộc quyền quản lý của công ty trong thời gian vắng mặt.

Vì sao boomerang employee phổ biến?

Do ảnh hưởng của cuộc Đại từ chức (The Great Resignation), số nhân viên boomerang tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Họ đã thay đổi công việc quá nhanh và giờ đây hối hận về quyết định này.

Sự xáo trộn về môi trường làm việc do COVID-19 gây ra khiến nhiều người có cơ hội đánh giá lại công việc của mình. Họ không ngần ngại nghỉ việc vì bất đồng quan điểm, không đồng tình với điều kiện đi làm sau đại dịch hoặc muốn chuyển sang ngành nghề khác.

Nhưng khi kỳ vọng về công việc mới không được đáp ứng, quay về chốn cũ lại được xem là lựa chọn an toàn nhất. Tổng giám đốc chuỗi khách sạn JW Marriott Phil Ray chia sẻ, ông chứng kiến ​​nhiều nhân viên quay lại công việc cũ khi nhận ra những điều mới mẻ họ theo đuổi không hoàn toàn phù hợp với mình.

Nhiều người khác bị mất việc và cắt giảm giờ làm, nhưng đã tìm thấy cơ hội mới ở nơi làm việc cũ. Với tình trạng thiếu hụt nhân viên sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chào đón nhân viên cũ trở lại. Theo một khảo sát của Business Wire, 76% số nhân viên HR được phỏng vấn có tư tưởng cởi mở với việc tái tuyển dụng nhân viên boomerang.

Nhân viên boomerang có thể trở thành xu hướng tuyển dụng mới trong tương lai. Theo giáo sư Anthony Klotz của Đại học Texas A&M (Mỹ), làn sóng nhân viên boomerang sẽ kéo dài trong 5 năm tới (forbes.com).

Cần lưu ý những gì trước khi trở về chốn cũ?

Các nhân viên cũ có thế mạnh đáng kể khi quay lại công ty. Họ đã quen thuộc với công việc và văn hóa công ty, cũng như có sẵn mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và đối tác. Như vậy sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp.

Nhờ kinh nghiệm phong phú đã tích lũy ở môi trường bên ngoài, nhân viên boomerang cũng dễ dàng thương lượng mức lương, thậm chí thăng tiến nhanh hơn các đồng nghiệp khác (cnbc.com). Tuy nhiên nếu quyết định trở về chốn cũ, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quay lại

Công ty chắc chắn sẽ thay đổi ít nhiều trong thời gian bạn rời đi. Vì vậy, bạn nên dành thời gian nghiên cứu về những thay đổi này và xem xét tính phù hợp với bản thân.

Thay đổi thường thấy nhất là về văn hóa công ty. Nếu bạn quen làm việc với những sếp lớn tuổi, cần chú ý nếu ban lãnh đạo hiện tại trẻ tuổi hơn và có đường hướng phát triển khác biệt so với thời kỳ cũ.

Theo CNBC, nhiều nhân viên boomerang vẫn có thể tiếp tục nhảy việc. Do đó, bạn cần đảm bảo đây không phải quyết định bốc đồng. Đây phải là công việc bạn thực sự nhận thấy có tiềm năng phát triển và gắn bó lâu dài.

Chuẩn bị gì trước khi quay lại

Bạn cần chuẩn bị tinh thần cởi mở và sẵn sàng cho việc:

  • Thuyết phục công ty tuyển dụng lại bạn. Bạn có thể nói về những gì đã học được trong thời gian nghỉ việc, và cách bạn sẽ áp dụng chúng để đóng góp cho công ty.
  • Đón nhận sự thay đổi trong cách làm việc nhóm và xây dựng các mối quan hệ mới. Điều này đặc biệt quan trọng nếu các đồng nghiệp cũ của bạn cũng rời đi, hoặc bạn làm việc tại một phòng ban khác với trước kia.

Các vấn đề thường gặp khi quay lại

Nhiều nhân viên boomerang cho biết, những vấn đề khiến họ rời đi lúc đầu vẫn còn đó khi họ quay trở lại (wired.co.uk). Trên các diễn đàn việc làm, các nhân viên boomerang cũng thường xuyên phàn nàn về việc lãnh đạo không thể thực hiện những gì đã hứa để đưa họ trở lại.

Để hạn chế thất vọng, bạn có thể đề nghị một khoảng thời gian thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức. Nhiều công ty bỏ qua giai đoạn thử việc đối với nhân viên cũ, nhưng đây chính là khoảng thời gian bạn có thể quan sát tình hình và thực sự nhìn nhận lại vấn đề.

Kết

Sau một thời gian thay đổi công việc, nhiều người nhận ra nó không hợp với mình và muốn trở lại công ty cũ. Trên thực tế, những nhân viên boomerang mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp. Nếu biết tận dụng lợi thế, họ sẽ có những bước tiến lớn trong sự nghiệp ở chính công ty cũ của mình.

Tuy nhiên trước khi trở về, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng. Cần chắc chắn đây là bước đi phù hợp trong thời gian lâu dài, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả bạn và công ty.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục