Mio: Nền tảng điện tử hỗ trợ độc lập tài chính cho phụ nữ nông thôn tại Việt Nam
Một nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra rằng, số doanh nghiệp tại Việt Nam do phụ nữ làm chủ chiếm tới 27%. Tuy vậy, phụ nữ Việt vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do định kiến xã hội và khuôn mẫu giới.
Đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng vì thế mà có thể linh hoạt ứng biến và thay đổi mô hình kinh doanh, nhanh chóng nắm bắt sự chuyển biến trong hành vi người tiêu dùng để tiếp tục hoạt động.
Theo một nghiên cứu khác vào năm 2019 của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (S. Rajaratnam School of International Studies), chỉ riêng việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào nền kinh tế cũng sẽ góp phần giúp GDP hàng năm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, chính khát vọng làm chủ và kinh doanh của phụ nữ đang tiếp sức cho sự phát triển của ngành kinh tế tại nông thôn hiện nay.
Mặt khác, ngành thương mại điện tử vẫn thường bỏ qua vùng nông thôn bởi sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng vận chuyển, luôn cần chi phí cao để xử lý. Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng ở các khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân số và 60% tổng GDP tại Việt Nam, cho thấy đây là một thị trường tương đối lớn và có tiềm năng phát triển.
Vào tháng 6/2020, công ty khởi nghiệp thương mại xã hội (social commerce) Mio đã ra đời, với sứ mệnh khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn Việt Nam trở thành tiểu thương (micro-entrepreneur). Mio kết nối họ tham gia vào cộng đồng buôn bán, đồng thời hỗ trợ các khâu đào tạo, quản lý và xử lý đơn hàng, cùng nhiều công việc hậu cần khác.
Mio được thành lập bởi các nhà sáng lập dày dạn kinh nghiệm, bao gồm anh Huỳnh Hữu Trung, anh Phạm Hoàng An, anh Lê Anh Tú và anh Phạm Phi Long. Công ty chủ yếu tập trung vào chất lượng, giá cả, và cá nhân hoá sản phẩm nhằm giúp các reseller (nhà bán hàng thứ cấp) tăng doanh thu và nâng cao dịch vụ khách hàng.
Nhờ có sự hỗ trợ của Mio, thu nhập của nhiều tiểu thương đã tăng từ 2 đến 8 triệu đồng mỗi tháng, một mức tăng đáng kể đối với người có mức thu nhập hàng tháng thấp hơn 8 triệu đồng.
Hơn nữa, hàng trăm tiểu thương (phần lớn là phụ nữ trong độ tuổi từ 25-35) đã có khả năng tạo dựng bản sắc và phát triển doanh nghiệp, nâng cao thu nhập, và trở thành đại diện cho sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.
Được đánh giá là một trong những sàn thương mại điện tử hấp dẫn tại Việt Nam hiện nay, có thể thấy Mio đang dẫn đầu trong việc khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển nền kinh tế, đặc biệt tại nông thôn và thành phố nhỏ. Đây là một bước đi tương đối khác biệt, bởi thị trường này thường ít được các “ông lớn” trong ngành như Tiki hay Shopee lưu tâm tới.
Đồng hành cùng Mio là đồng hành cùng các nữ tiểu thương
Với sứ mệnh hỗ trợ phụ nữ tại các thành phố nhỏ và vùng nông thôn độc lập về kinh tế, Mio đã gây ấn tượng với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả kỳ lân mảng thương mại điện tử xã hội tại Ấn Độ.
Gần đây, Mio đã thành công huy động khoản vốn đầu tư hơn 1 triệu USD trong vòng hạt giống, được dẫn dắt bởi hai quỹ đầu tư tập trung vào doanh nghiệp Đông Nam Á là Venturra Discovery và Golden Gate Ventures.
Vòng gọi vốn còn có sự tham gia của các quỹ đầu tư iSeed SEA và Gokul Rajaram, cùng hai nhà sáng lập của kỳ lân thương mại xã hội Meesho tại Ấn Độ - Vidit Aatrey và Sanjee Barnwal - trên cương vị đồng cố vấn với Gokul Rajaram cho CEO Huỳnh Hữu Trung.
Với nguồn vốn được hỗ trợ, Mio dự định đầu tư vào các trung tâm phân phối sản phẩm, tuyển dụng nhân tài cho đội ngũ phát triển công nghệ và sản phẩm để xây dựng bộ công cụ bán hàng mới, cũng như thu hút thêm các khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, Mio cũng lên kế hoạch phát triển thêm tính năng cá nhân hoá cho các nhà bán lẻ và danh mục sản phẩm. Công ty bày tỏ hy vọng có thể kết nối với các đại lý tại nhiều tỉnh thành trong nước, để có thể thành công thực hiện sứ mệnh đã đề ra.
Trong tương lai, Mio đặt mục tiêu chinh phục thị trường thương mại điện tử bằng cách tạo ra kênh phân phối thông qua chính các đại lý, sử dụng một số nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, TikTok và Instagram nhằm dễ dàng tiếp cận tệp khách hàng thân cận hơn như bạn bè, người thân và hàng xóm.
Nguồn lực hỗ trợ vững chắc
Sau thành công từ vòng hạt giống, Mio hiện đã có trong tay nguồn lực hỗ trợ và cố vấn từ Meesho. Anh Vidit Aatrey, đồng sáng lập kiêm CEO của Meesho, chia sẻ: “Chúng tôi rất hào hứng khi được đồng hành cùng Mio trong hành trình hiện thực hóa sứ mệnh của họ. Thông qua mạng lưới kênh phân phối mới lạ, các nhà bán lẻ - đặc biệt là phụ nữ - sẽ có thể mang tới những sản phẩm giá cả phải chăng đến tay người tiêu dùng Việt Nam.”
“Đội ngũ quản lý của Mio thật sự đã để lại ấn tượng trong lòng chúng tôi, và tôi tin rằng CEO Huỳnh Hữu Trung cùng với các cộng sự có thể kiến tạo nên một doanh nghiệp gây tiếng vang lớn tại Việt Nam.”
Ngoài ra, anh Sanjeev Barnwal, đồng sáng lập kiêm CTO của Messho, cũng chia sẻ rằng họ vô cùng khâm phục khả năng xây dựng sản phẩm trong một khoảng thời gian ngắn của đội ngũ Mio. “Chúng tôi rất ấn tượng với phương pháp sử dụng công nghệ (tech-first approach) để giải quyết vấn đề và nâng tầm quy mô cho doanh nghiệp.”
Về Mio
Mio là một công ty khởi nghiệp thương mại xã hội dẫn đầu tại Việt Nam, được thành lập bởi các nhân tài dày dạn kinh nghiệm đến từ SCommerce và quỹ đầu tư IDG Việt Nam. Với sứ mệnh hỗ trợ phụ nữ ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn trong việc tự chủ tài chính, Mio đã và đang khuyến khích họ phát triển mô hình kinh doanh độc lập hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ thông qua hệ thống bán hàng cộng đồng. Hiện tại, Mio đang nhận được vốn đầu tư từ các quỹ Venturra Discovery, Golden Gate Ventures và các nhà sáng lập của kỳ lân thương mại xã hội Ấn Độ Meesho.
Bài viết được dịch bởi Linh Chi