Vầng trăng máu và sự kiêu hãnh của điện ảnh tinh tuý

Làm sao để trụ vững suốt 206 phút của bộ phim Vầng Trăng Máu khi nó thách thức sự xem của bạn? Tập trung và tập trung, bạn sẽ nhận được một thứ điện ảnh vàng ròng.
Lâm Lê
Nguồn: Killers of the Flower Moon

Nguồn: Killers of the Flower Moon

Kể từ khi bắt đầu mua bản quyền chuyển thể cuốn sách phi hư cấu Killers of the Flower Moon: The Osage Murders and the Birth of the FBI (Bản tiếng Việt: Vầng Trăng Máu – Cuộc thảm sát người Osage và sự ra đời của tổ chức FBI) của tác giả David Grann vào năm 2017, đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese đã mất tới 5 năm để sản xuất bộ phim sử thi về tội ác ở miền Tây nước Mỹ này.

Đây là một “bộ phim lớn” (big movie) với kinh phí vượt mức 200 triệu USD, quy tụ một ê kíp gồm nhiều tên tuổi kỳ cựu của điện ảnh Mỹ. Đồng thời, tác phẩm khai thác một chủ đề nhức nhối của nước Mỹ - đó chẳng phải là một thứ điện ảnh tinh túy để chúng ta thưởng ngoạn sao?

Vầng trăng máu là bộ phim thứ 26 trong sự nghiệp điện ảnh kéo dài hơn 5 thập niên của Martin Scorsese. Có một chút khác biệt ở bộ phim này là Scorsese đã chuyển đề tài tội phạm quen thuộc của ông ở thành phố New York (quê hương ông) sang một vùng đất miền viễn Tây xa xôi. Từ đó, mổ xẻ lòng tham và cái ác ấy dưới một góc nhìn mang tính lịch sử đau thương hơn của người thổ dân Osage.

Ông cũng đào sâu hơn các mối quan tâm của mình trong thế giới điện ảnh đã tạo dựng lên: những âm mưu thâm độc xuất phát từ lòng tham không đáy, bạo lực đẫm máu và căn nguyên của nó, bóng dáng của chủ nghĩa tư bản ở những lớp lang sâu và nhiều ẩn ý hơn. Cuối cùng là biệt tài của ông trong việc xây dựng tâm lý và tính cách nhân vật “người phàm” với cái nhìn đầy châm biếm.

Khúc hoan ca của… quỷ dữ

Bộ phim bắt đầu với một cảnh mang tính nghi lễ của người thổ dân Osage. Những người già của Osage đang cầu nguyện, họ có vẻ buồn bã trước sự háo hức của con cháu họ khi cưới những người da trắng và bỏ quên truyền thống.

Một vài người đàn ông thổ dân lang thang làm những công việc của họ trên vùng đất cằn cỗi thuộc khu bảo tồn Oklahoma, vùng đất mà họ được chính quyền “ban cho”. Trong khi đó, những vùng thảo nguyên rộng lớn của bộ tộc họ trong quá khứ, đã bị tịch thu hết.

Đạo diễn huyền thoại tiếp tục bằng một cảnh phim tuyệt hảo về ngôn ngữ điện ảnh cũng như không thể "Scorsese hơn": cú máy slow-motion diễn tả niềm vui sướng của những người thổ dân da đỏ phát hiện ra dầu mỏ trên mảnh đất của họ. Khúc hoan ca với tiếng trống dập dồn trong cơn mưa vàng đen phun lên từ lòng đất, nhuộm cơ thể họ trong thứ chất lỏng màu đen bết dính.

Họ nào có biết, đó cũng là cuộc triệu hồi ác quỷ từ địa ngục. Và rồi lần lượt, những thổ dân da đỏ giàu nhất thế giới (tính trên đầu người) bị tiêu diệt một cách tàn độc, bằng súng, bằng chất nổ, bằng thuốc độc... qua các âm mưu nham hiểm và táng tận lương tâm của những gã da trắng tham lam.

Câu "sấm truyền" của Martin Scorsese khi ông khen một bộ phim tuyệt tác nào đó: "This is cinema" (Đây mới là điện ảnh) đích thực được dành cho thiên sử thi về tội ác này.

Khuôn mặt của kẻ ác

Cách xử lý và tiếp cận của Martin Scorsese khi chuyển thể cuốn sách “non-fiction” (phi hư cấu) của David Grann cho thấy tầm nhìn của ông và đạt được hiệu quả điện ảnh cao hơn, dù vẫn tôn trọng tinh thần của tác phẩm gốc. Ông lược bỏ gần như hoàn toàn nguồn gốc xuất thân của gia đình Mollie trong quá khứ, phần nào đó cả lịch sử của thổ dân Osage.

Ông cũng không đề cập nhiều đến xuất thân của viên thám tử Tom White, hay lịch sử ra đời của Cục điều tra FBI ở phần sau cuốn sách, để tránh bị phân tán chủ đề. Ông chọn cách tiếp cận đậm chất điện ảnh hơn, tập trung vào câu chuyện về cuộc hôn nhân lãng mạn giữa Ernest (Leonardo DiCaprio) - người đàn ông da trắng và Mollie (Lily Gladsotone) - cô gái da đỏ giàu có.

Cuộc hôn nhân của cả hai diễn ra êm đẹp và hạnh phúc, cho đến khi cái chết của những người thổ dân Osage bắt đầu diễn ra liên tục mà không rõ nguyên do, ngay chính trong gia đình của Mollie. Chị gái đầu của cô chết vì bệnh suy kiệt - thứ bệnh không thể tìm ra “thuốc”, mẹ của cô cũng đang mắc căn bệnh tương tự. Bản thân cô cũng đang mắc bệnh tiểu đường. Rồi tiếp đến là cái chết của cô chị gái thứ hai Anna bằng một phát súng vào đầu và vứt xác xuống một nơi hoang vắng.

Nỗi đau dồn dập khiến Mollie gần như muốn gục xuống, với đôi mắt mở lớn đầy hoang mang như không hiểu điều gì đang xảy ra cho gia đình mình. Cô nào có thể hình dung nổi âm mưu quá đỗi hiểm ác của những kẻ mà cô tin tưởng. Cô làm sao có thể đề phòng gã đàn ông yêu thương cô mỗi ngày, cùng cô chăm sóc con cái. Cô làm sao có thể biết được âm mưu kinh hoàng của hai gã đàn ông da trắng muốn hãm hại cả gia đình. Thậm chí, họ muốn giết cả cô để rồi sau đó mặc nhiên được thừa hưởng những khoản thừa kế kếch xù.

Cách cấu trúc kịch bản và đạo diễn của Martin Scorsese biến nhân vật Ernest trở thành nhân vật chính, dù trong sách, anh ta khá mờ nhạt. Khi câu chuyện của tội ác này được nhìn từ một gã đàn ông tầm thường, thiển cận nhưng tham lam, cách lý giải về nguồn gốc tội ác của Scorsese thuyết phục hơn cả.

Thêm vào đó, ở tuổi 48 với tài năng chín muồi, Leo cống hiến một màn diễn xuất có thể nói tốt nhất nhì trong sự nghiệp của anh. Từ ngoại hình cho đến cách biểu đạt, tính cách, Leo biến thành một gã đàn ông ... không thể tầm thường và ngu dốt hơn. Ngôi sao này vốn thành danh trong các phim trước đây của Scorsese với những hình mẫu nhân vật dị thường hoặc quái nhân hoặc đa nhân cách hoặc tâm thần phân liệt. Nhưng riêng phim này, anh đóng vai một vai tầm thường nhưng lại rất đạt với nhân vật tha hóa đến tận cùng.

Rõ ràng, anh ta là một gã đàn ông không đến nỗi nào về xuất thân, cũng từng ra trận trở về, cũng có vài phẩm chất coi được, cũng biết yêu thương vợ con. Nhưng chỉ vì lòng tham, sự hèn kém, ngu dốt và bị thao túng, giật dây như con rối mà trở thành đồng phạm với cái ác giết chết bao mạng người.

May mà cuối cùng nhân vật của anh còn một chút lương tri. Trong một cảnh gần cuối phim, nhân vật của cụ DeNiro nói với nhân vật của anh Leo rằng: "Mày làm gì hãy nghĩ kỹ để sau này không phải ân hận". Và anh đáp lại: “Trong lòng cháu lúc này không còn gì ngoài sự hối hận." Nhưng hối hận cũng đã muộn rồi.

Màn “song kiếm hợp bích” giữa Leo và Robert DeNiro - “chàng thơ” thời đầu của Martin Scorsese có thể nói đã mang đến cho điện ảnh một sự kết hợp toàn bích về mặt diễn xuất.

Bên cạnh một gã cháu trai đần độn và dễ bị thao túng, ông cậu William Hale của DeNiro đích thực là một kẻ “Bề ngoài thơn thớt nói cười/Mà trong gian hiểm giết người không dao”, như hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Lão ta tự nhận mình là “The King” – Vua của những ngọn đồi Osage, luôn tỏ ra thân thiện và thậm chí là “ân nhân” của nhiều người Osage. Một mặt lão ta lên kế hoạch thủ tiêu họ như thủ tiêu những con vật, Mặt khác, lão lại bày tỏ sự “thấu cảm” với nỗi đau và thậm chí còn “tặng tiền” cho những ai tìm ra thủ phạm. Dưới tay lão không chỉ có thằng cháu Ernest khù khờ bị thao túng tuyệt đối mà còn rất nhiều gã đàn ông da trắng khác, từ bọn băng đảng đến đám bác sĩ pháp y, cảnh sát và cả tòa án… Tất cả đều bị thao túng, mua chuộc bằng vẻ “thơn thớt nói cười” của lão.

Ngay cả khi bị phanh phui, vạch trần với đầy đủ bằng chứng của viên thám tử Tom White (Jesse Plemons) trong phần cuối của bộ phim, lão ta vẫn dường như không hề lo sợ, hoặc ít nhất là không bao giờ thể hiện sự lo sợ ra mặt. Như thể lão vẫn nắm mọi thứ đằng chuôi và “trong vòng kiểm soát”, qua cách lão trấn an Ernest, thằng cháu ngu ngốc của mình.

Trong cuốn sách, tác giả David Grann đã dẫn lời vở kịch Julius Caesar của Shakespeare để nói về cái ác và sự hung hiểm của William Hale như sau:

“Người sẽ tìm đâu một hang động tối tăm

Để che giấu khuôn mặt quỷ dữ?

Chẳng tìm đâu xa, hỡi kẻ gian ác

Hãy giấu nó trong những nụ cười và sự ân cần.”

Tiếng máu khóc than từ trong lòng đất

Phong cách quen thuộc hay dấu ấn cá nhân của Martin Scorsese còn được thấy rõ ở bộ phim này qua cách ông để cho cái ác thắng thế trong phần lớn thời lượng của bộ phim. Ông chưa bao giờ ngần ngại mô tả những cảnh bạo lực ghê rợn, để giúp khán giả “nhận chân” cái ác ở góc độ tàn bạo nhất của nó.

Ở Vầng trăng máu, đối lập với những “con sói đồng cỏ” khát tiền, khát dầu và khát máu, là những người thổ dân Osage tội nghiệp bị biến thành “mồi săn”. Họ trở thành nạn nhân của những gã da trắng tham lam tàn độc, bị bọn chúng thủ tiêu bằng súng, bằng thuốc độc.

Người phụ nữ da đỏ chịu những thảm kịch không thể tưởng tượng được chính là Mollie. Cô lần lượt chứng kiến những cái chết xảy ra trong gia đình mình mà không thể biết được nguyên do. Có cái chết đầy mờ ám, như chứng bệnh suy kiệt của chị cả và mẹ; có cái chết đầy tàn khốc, như cái chết bị bắn vào đầu của chị gái Anna và cái chết bị cài thuốc súng dưới nhà của cô em gái út.

Sau một lần đau thương là một lần cô gượng dậy, cho đến khi cô gần như tuyệt vọng và sụp đổ hoàn toàn, với chứng bệnh tiểu đường ngày càng nặng nề. Dù cho cô được Hale và Ernest ra sức “chăm sóc” với thứ thuốc insulin mà bọn họ nhập về cùng sự ban ơn: "Trên thế giới chỉ có 5 người có thứ thuốc này!”

Thế nhưng, Mollie không phải là một người thua cuộc hoàn toàn. Trong nỗ lực gắng gượng hơi tàn cuối cùng, cô bắt tàu đến Washington DC mà không cho Ernest theo cùng, để cầu cứu chính quyền nước Mỹ.

Tiếng khóc than câm lặng của Mollie, qua màn diễn xuất của Lily Gladstone, nữ diễn viên người Mỹ bản địa chính là linh hồn của bộ phim này. Lối diễn xuất kiềm chế đầy tinh tế của cô được thể hiện qua sự im lặng tuyệt vọng và đôi mắt sâu thẳm như có máu bên trong.

Đó chính là tiếng máu khóc than từ trong lòng đất, cho những người thổ dân Osage đã ngã xuống, vì lòng tham của kẻ ác.

“Đây mới là điện ảnh” hay sự kiêu hãnh của điện ảnh tinh túy

Nếu cái ác thắng thế tuyệt đối trong hơn nửa đầu bộ phim, chúng lại bị trừng phạt ở trong phần cuối của thiên sử thi này. Thám tử Tom White từ DC đã được Cục điều tra liên bang cử xuống Osage, sau lời cầu cứu của Mollie, để điều tra tận gốc đường dây của tội ác.

Nếu nửa đầu bộ phim là câu chuyện của tội ác, phần kết của bộ phim là câu chuyện của công lý và sự cứu chuộc. Martin Scorsese đã làm nên thiên sử thi này ở tầm cao nhất của tài năng và trí tuệ của ông, với một bộ phim pha trộn hoàn hảo giữa nhiều thể loại, sự phối hợp ăn ý của nhiều thành phần sáng tạo và ê kíp làm nên bộ phim.

Vầng trăng máu, đích thực là một "kiệt tác” điện ảnh của năm nay, được cấu thành từ những nghệ sĩ xuất sắc hàng đầu.

Ở vai trò kịch bản, Scorsese đồng hành cùng với nhà biên kịch kỳ cựu Eric Roth, người đã 6 lần nhận đề cử Oscar và một lần thắng giải (Forrest Gump) để tái cấu trúc lại chất liệu của cuốn sách dưới một hình thức mới mẻ và sâu sắc hơn. Màn cộng tác của hai tên tuổi lớn của điện ảnh Mỹ đương đại đã chuyển thể một tác phẩm phi hư cấu thành một bộ phim điện ảnh cao vời vợi ở tất cả các tiêu chuẩn của nó.

Với vai trò đạo diễn, Scorsese chứng tỏ mình là một bậc thầy, “một đạo diễn vĩ đại nhất còn sống” như lời tôn vinh của F.F.Coppola (đạo diễn huyền thoại của Bố già) gần đây. Tài năng tầm cỡ của ông được minh chứng với một lối kể chuyện vừa đen tối vừa thấu suốt, vừa điềm tĩnh vừa phóng túng, vừa châm biếm sâu cay khi mô tả “sự tầm thường của cái ác”, nhưng lại vừa thấu cảm sâu sắc với nỗi đau của những nạn nhân người da đỏ. Kỹ thuật và phong cách làm phim của ông cũng đạt đến độ hoàn mĩ.

Và đóng góp cho sự thành công đó là tài dựng phim của Thelma Schoonmaker, một đồng nghiệp nữ dựng phim kỳ cựu năm nay đã 83 tuổi, cộng tác với Martin Scorsese suốt 5 thập kỷ qua 22 bộ phim và chiến thắng 3 giải Oscar giải Biên tập phim xuất sắc nhất. Tất cả đều nhờ các bộ phim của Scorsese. Kinh nghiệm cộng tác cùng tài năng bậc thầy của cả hai đã làm nên một bản dựng trầm tĩnh, sắc sảo và gần như không có một cảnh thừa, với độ dài lên tới 206 phút.

Phần âm nhạc của Robbie Robertson, cũng là một tên tuổi kỳ cựu (vừa qua đời vào tháng 9/2023) mang đến một đóng góp lớn khác. Robbie từng cộng tác làm nhạc nền cho 9 bộ phim của Scorsese, trong đó có Raging Bull (1980), The Wolf of Wall Street (2013) và Killers of the Flower Moon là bộ phim cuối cùng của ông. Tiếng trống dồn dập trong các cảnh nhảy múa, những âm thanh huyền bí của người da đỏ trong nghi lễ truyền thống và các hợp âm dữ dội lúc cao trào… đều cho thấy sự cống hiến của nhà soạn nhạc danh tiếng này.

Và tất nhiên, không thể không kể đến vai trò của nhà quay phim người Mexico Rodrigo Prieto, người từng ba lần được đề cử Oscar quay phim xuất sắc nhất với Brokeback Mountain (2005) của Lý An và Silence (2016), The Irishman (2019) của Martin Scorsese. Trong Vầng trăng máu, Prieto sử dụng nhiều cú máy độc đáo nhằm mô tả những cảnh hoành tráng, rộng lớn với ánh sáng rực rỡ của cảnh ngoại. Rồi sau đó, ông lại chuyển sang những cú máy có độ tương phản cao hơn, chú ý nhiều khoảng tối trong khung hình hơn, khi mô tả những cảnh nội của người da đỏ trong không gian nội thất của họ.

Sự cộng tác “ở tầm cao” của tất cả những tên tuổi lớn kể trên, với màn diễn xuất tỏa sáng của hai tên tuổi lớn Robert DeNiro, Leonardo DiCaprio cùng một phát hiện mới đáng tự hào Lily Gladstone đã làm nên một thứ điện ảnh tinh túy và đầy kiêu hãnh ngày càng hiếm trong thời đại điện ảnh “thương hiệu” và “siêu anh hùng” ngày nay.

Và tác phẩm này càng nhấn mạnh thêm quan điểm về nghệ thuật của ông, rằng điện ảnh với ông là một “art form” (một loại hình nghệ thuật) chứ không phải “content” (nội dung).

Phần kết, hay nói chính xác hơn là phần vĩ thanh của bộ phim cũng mang đến một sự sáng tạo vượt trội, khi chính Martin Scorsese xuất hiện trong một khung hình (với một vai cameo) như muốn nhấn mạnh vai trò của ông trong thiên sử thi này. Một mặt, ông muốn bày tỏ sự cảm thông và tri ân sâu sắc với thổ dân Osage, nhưng một mặt khác, ông cũng muốn thể hiện sự mỉa mai của mình trước nhiều tội ác trong lịch sử nước Mỹ bị chôn vùi và lãng quên.

Đó là một kiểu “vĩ thanh” chưa từng có trên màn ảnh, ít nhất là với trải nghiệm điện ảnh của tôi từ xưa đến nay.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục