14 Thg 05, 2019OnboardyThăng Tiến

Vì sao bạn nên đi làm từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học?

Sự thật là dù ở giai đoạn nào, sinh viên cũng có quyền làm chủ sự nghiệp của mình. Hãy để cho bản thân có cơ hội đi làm thêm để lĩnh hội những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Minh Ng
Vì sao bạn nên đi làm từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học?

Những ngày sắp tốt nghiệp đại học, tôi được tiến cử lên chức vụ Quản lý tại một công ty mà tôi đã gắn bó gần được một năm tại thời điểm đấy. Mọi người bảo tôi may mắn, chưa ra trường đã có công việc ổn định, không phải loay hoay kiếm việc, không phải đối diện với nỗi sợ cơm – áo – gạo – tiền.

Nhưng đối với tôi, đây không phải là may mắn, nó là thành quả của những ngày lao động nghiêm túc, và cống hiến nhiều hơn cấp trên trông đợi, từ khi chỉ mới là một thực tập sinh. Tôi đã đi lên từ con số 0 tròn trĩnh, và cũng đã trải qua những cay đắng mà bất kỳ ai ở giai đoạn đầu của sự nghiệp đều phải trải qua. Khác biệt là ở chỗ tôi làm điều đó sớm hơn người khác vài ba năm, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Hoàn toàn không có “shortcut” (tạm dịch: đốt cháy giai đoạn) nào ở đây cả.

Tôi không nhớ động lực nào đã khiến mình quyết định bắt đầu đi làm từ khi mới học hết năm nhất đại học. Nhưng nghĩ lại, đó là một quyết định không thể đúng đắn hơn. Sau đây là những lý do tôi đúc kết được từ trải nghiệm của mình.

1. Sinh viên Việt Nam sướng hơn sinh viên các nước tư bản nhiều

Có một sự thật là đại đa số sinh viên Việt Nam đều được phụ huynh chu cấp cho đến khi tốt nghiệp đại học. Hoặc chí ít, cũng không phải lo gánh nặng nợ đại học như sinh viên các nước tư bản.

Thời gian học đại học cũng khá thoải mái, đủ dư dả để bạn có thời gian làm thêm, hoặc thậm chí là làm một công việc toàn thời gian. Tôi tin rằng bạn hoàn toàn có quyền tự chủ về vấn đề thời gian: hoặc là học ít học phần lại, hoặc là chơi ít lại, để dành thời gian cho những trải nghiệm thực tế.

Tại một nước đang phát triển như Việt Nam, cơ hội việc làm là không thiếu. Ở bất cứ trình độ nào bạn cũng hoàn toàn có thể tìm được một công việc tương thích với khả năng của mình tại thời điểm đó. Bạn có thể bắt đầu ở những vị trí nhỏ, miễn sao là nó bổ trợ cho kiến thức bạn đang học ở trường, hoặc tích lũy kinh nghiệm cho một vị trí lớn hơn mà bạn muốn đạt được trong tương lai.

Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, hãy xác định với bản thân rằng đi làm là để lấy kinh nghiệm, để được cọ xát với thực tế, chứ không phải vì lương bổng là chính. Nếu gia đình bạn khá giả và bạn có điều kiện dư dả về mặt tài chính, bạn sẽ bớt đi một nỗi lo trong khi tìm kiếm công việc đầu tiên. Còn nếu gia đình không quá khá giả, thì tìm việc làm là một việc cần thiết để có thể tích luỹ và (một phần nào đó) độc lập về mặt tài chính.

2. Bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để tìm được một vị trí, công việc và môi trường mà mình yêu thích

Có rất ít người tìm được công việc yêu thích chỉ trong lần thử đầu tiên, hoặc có thể là chỉ mình tôi không may mắn như vậy. Qua những công việc đầu tiên mà tôi trải nghiệm, tôi khám phá ra rằng sẽ có (ít nhất) hai cú sốc mà bất cứ sinh viên nào cũng phải trải qua trong quá trình chuyển tiếp từ trường học ra trường đời.

Đầu tiên là tính chất công việc không phù hợp với sở thích, mong muốn của bản thân. Điều này là khó tránh khỏi vì khi thiếu kinh nghiệm, bạn sẽ không có quá nhiều sự lựa chọn. Hoặc nếu có, cũng chưa chắc là bạn đủ hiểu bản thân để có thể chọn cho đúng.

Trong những trường hợp như thế này, theo tôi, hãy ở lại đủ lâu để xác định là ấn tượng ban đầu của mình có đúng không, sau thời gian làm việc, mình có cảm thấy yêu thích công việc này hơn không? Có muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực này hay không? Và cũng phần nào để chắc rằng lý do bạn không thích nó là vì bạn cảm thấy mình không đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ngoài ra, hãy lưu ý là các nhà tuyển dụng cũng không có ấn tượng tốt với một ứng cử viên có tiền sử nhảy việc quá nhiều lần.

Cú sốc thứ hai mà bạn có thể gặp phải là sốc văn hoá công ty, và sốc với môi trường thực tế. Khác với môi trường đại học, nơi làm việc mang tính chất cạnh tranh, khắc nghiệt và có cường độ cao. Và không phải chốn công sở nào cũng văn minh, và đồng nghiệp không phải lúc nào cũng tốt bụng, sẵn sàng chỉ bảo cho người mới. Vì vậy, sẽ có rất nhiều lần bạn thấy mình rời bỏ công việc yêu thích, với lý do là môi trường làm việc và yếu tố con người.

Nói tóm lại, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để “thử”, và việc bắt đầu càng sớm tỉ lệ thuận với số thời gian mà bạn có cho quá trình thử nghiệm này. Như MC Thuỳ Minh đã nói, “hành trình một người đi làm hoàn toàn là hành trình của họ đi tìm bản thân mình.” Càng thử qua nhiều công việc và môi trường làm việc, bạn sẽ càng dễ dàng nhận ra mình muốn gì, khả năng của mình là gì, và mình phù hợp trong những môi trường như thế nào.

Và càng làm, thì khả năng chịu đựng, sức bền và tính nhẫn nại của bạn cũng sẽ tăng lên. Hãy chắc chắn là bạn không để tâm lý sợ sệt của mình đè nén quyết tâm trở nên tốt hơn của bản thân.

3. Trong mắt phần lớn các nhà tuyển dụng, kinh nghiệm quan trọng hơn bằng cấp

Đã qua rồi thời kỳ bạn cầm đơn đi xin việc, và nhà tuyển dụng nhìn vào điểm số của bạn để xác định rằng bạn có phù hợp với công việc đó hay không. Ở thời đại số và với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của Việt Nam, hơn bao giờ hết, ranh giới giữa các ngành nghề ngày càng trở nên mờ nhạt. Đừng hỏi tại sao một người làm quảng cáo phải có khả năng sử dụng ứng dụng đồ hoạ cơ bản? Hay một anh chàng học thiết kế sản phẩm phải biết tính toán giá cả, sử dụng excel.

Ngoài ra, sinh viên đang ngồi ghế nhà trường còn có một đặc quyền khác là được các nhà tuyển dụng “du di” nhiều hơn là các bạn đã tốt nghiệp. Khi còn là sinh viên, các nhà tuyển dụng sẽ ít cân đo đong đếm kinh nghiệm tích lũy của bạn hơn, thay vào đó, họ sẽ dựa trên khả năng học việc và thái độ của bạn trong quá trình làm việc. Chắc chắn là có không ít bạn sinh viên được giữ lại làm việc sau quá trình thực tập.

Kết

Sự thật là dù ở giai đoạn nào, người ta cũng có quyền làm chủ sự nghiệp của mình, kể cả lúc bạn cầm đơn đi tìm việc thì cũng chính bạn là người chọn tiếp cận nhà tuyển dụng nào trước. Vì vậy, hãy để cho bản thân có cơ hội để được tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Sự nghiệp là một chặng đường rất dài, và bạn nên bắt đầu những bước đi đầu tiên càng sớm càng tốt.

Xem thêm:
[Bài viết] Hoạch định ước mơ cùng quỹ học bổng VietSeeds
[Bài viết] Tại sao người Việt nên sống tối giản?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục