Vì sao các đại gia hàng hiệu lần lượt mở đường cho crypto?

Thử thách 6 ngày 6 đêm không tiền mặt, quẹt thẻ hay ký (tấm) séc mua hàng hiệu? Gét-gô, cứ để tiền điện tử lo.
Sovy Han
Nguồn: The Coin Republic

Nguồn: The Coin Republic

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Vừa qua, Gucci cho biết sẽ chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử (cryptocurrency) vào cuối tháng 05/2022. Kế hoạch sẽ được triển khai tại một số cửa hàng Gucci tại Mỹ.

Danh mục crypto được sử dụng được tiết lộ sẽ giới hạn trong hơn 10 cái tên phổ biến, bao gồm Bitcoin, Bitcoin Cash, Ethereum, Wrapped Bitcoin, Litecoin, Shiba Inu. Số còn lại là những stablecoin (tạm dịch: đồng tiền kỹ thuật số ổn định) lấy đồng đô-la Mỹ làm tiền pháp định đảm bảo.

2. Vì sao có sự thay đổi này?

Sự thay đổi giúp Gucci viết tiếp tham vọng tiên phong khai thác tiềm năng công nghệ mới, điển hình như metaverse. Điều này đã được CEO Marco Bizzarri xác nhận trong cuộc phỏng vấn tháng 03/2022 trên Vogue Business.

Gucci đã và đang tham gia tích cực vào thị trường tài sản ảo (qua game online Roblox) và NFT. Họ cũng là thương hiệu xa xỉ đầu tiên phát hành NFT dưới dạng phim nghệ thuật, được bán với giá 25 nghìn USD. Không chỉ thời trang, Gucci còn lấn sân sang bất động sản ảo khi mua bán, phát triển sản phẩm trên nền tảng blockchain The Sandbox.

Định hướng kể trên là tiền đề cho lý do thứ 2: Gucci muốn nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng về chuyển đổi tiền điện tử sang tiền pháp định. Cũng theo kịch bản đó, hãng sẽ sớm chấp nhận các quỹ fiat.

Việc thanh toán bằng crypto tại cửa hàng Gucci sẽ được thực hiện qua một liên kết được gửi đến email khách hàng. Nó chứa mã QR, cho phép người mua thực hiện thanh toán từ ví tiền điện tử của họ. Sau đó, các chuyên gia của Gucci sẽ tự chuyển đổi tài sản kỹ thuật số thành tiền tệ fiat.

Cuối cùng, động thái lần này là một mắt xích trong chiến lược giúp Gucci củng cố vị thế trong cuộc đua “lấy lòng” Gen Z. Đây là nhóm khách hàng có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường hàng hiệu hiện tại, và được kỳ vọng dẫn đầu về chi tiêu dành cho ngành hàng này vào năm 2030.

Gucci được cho là có lợi thế nhờ sớm tiệm cận các điểm chạm (insight) của gen Z. Đầu tiên, họ chuyển mình thành thương hiệu thời trang lớn đầu tiên cấm lông thú, để gợi mở khái niệm “sang trọng bền vững” (sustainable luxury). Tiếp đó, Gucci ra mắt dòng sản phẩm phi giới tính Gucci MX, cùng show diễn Gucci's Love Parade có bao gồm đồ chơi tình dục. Và tiền điện tử chính là át chủ bài mới nhất trong chiến dịch “chiều lòng” gen Z của Gucci.

Khách mời tham dự sự kiện Gucci's Love Parade | Nguồn: Instagram của Gucci

3. Điều này có ý nghĩa gì với ngành hàng xa xỉ?

Đây là lần đầu tiên tập đoàn Kering, chủ sở hữu Gucci và nhiều thương hiệu xa xỉ khác, mở đường cho thanh toán tiền điện tử.

Sự kiện này, cùng với việc LVMH có động thái tương tự với Off-White và Hublot trước đây, cho thấy ngành hàng xa xỉ đang chủ động thích ứng nhanh với các công nghệ mới như blockchain, web 3.0 và metaverse.

Theo báo cáo của Deloitte, tiền điện tử có thể cung cấp cho các công ty quyền truy cập vào các nhóm người dùng mới. Điều này giúp gia tăng nhận thức chung của các nhà mốt xa xỉ về tiền điện tử, đồng thời giúp chuẩn bị cho tương lai - nơi họ được trông đợi sẽ tích hợp thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số của các chính phủ.

4. Tiền điện tử hưởng lợi như thế nào?

Việc một nhãn hàng thời trang lớn như Gucci chấp nhận tiền điện tử giúp nâng cao vị thế của loại tiền tệ này, đẩy nhanh quá trình hợp thức hoá tiền điện tử vào đời sống tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng ảnh hưởng đến vốn hóa thị trường crypto, thậm chí “hồi sinh” các meme coin như ​​Dogecoin, Shiba Inu.

Sau khi tăng vọt vào năm 2021, đồng Shiba Inu (SHIB) đã giảm hơn 20% kể từ mức cao nhất mọi thời đại của nó, ngay cả sau thương vụ niêm yết lịch sử tại Robinhood. Tuy vậy, mọi thứ đang dần thay đổi tích cực sau khi Gucci thông báo rằng họ sẽ chấp nhận giao dịch bằng đồng crypto này.

5. Còn với người tiêu dùng thì sao?

Ngoài việc giúp đa dạng hóa hình thức thanh toán và thỏa mãn xu thế sở hữu tài sản số, việc các nhãn hàng xa xỉ chấp nhận thanh toán bằng crypto còn giúp “phá vỡ” các hàng rào mua sắm, tạo ra một không gian mua hàng tự do hơn.

Khi các biến động về kinh tế, chính trị ảnh hưởng đến các đồng tiền pháp định, tiền điện tử chính là giải pháp thay thế. Điều này có nghĩa rằng nếu bạn là người tiêu dùng đến từ một nước chịu các lệnh trừng phạt thương mại, bạn vẫn có thể mua sắm đồ xa xỉ tại các cửa hàng chấp nhận phương thức thanh toán này.

Việc các thương hiệu xa xỉ dần chấp nhận tiền điện tử như một xu thế phát triển tất yếu cho thấy đây không đơn thuần là lựa chọn vì “FOMO”. Tuy vẫn còn sớm để nói về một tương lai số hoàn thiện của hàng hiệu, sự kiện lần này cho thấy thị trường hàng xa xỉ đã sẵn sàng để “lấn” sâu hơn vào sân chơi kỹ thuật số.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục