Vì sao chúng ta không thể ngừng xem video nấu ăn?

Video nấu ăn gây nghiện vì những gì chúng thể hiện là hoạt động sinh tồn của con người: nấu nướng và ăn uống.

An Bảo
Vì sao chúng ta không thể ngừng xem video nấu ăn?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Từ xưa đến nay, con người đã luôn “ăn bằng mắt”. Thời La Mã cổ đại, Apicius, một trong những người sành ăn đầu tiên của nhân loại đã phát biểu: "Chúng ta luôn nếm bằng mắt trước tiên." (The first taste is always with the eyes.)

Hơn 2.000 năm sau, suy nghĩ ấy không những không lỗi thời mà còn giải thích phần nào lý do ai trong chúng ta cũng từng một lần dán mắt vào những video nấu ăn và thòm thèm trước chúng.

Từ series dài tập đến clip 30 giây, từ cảnh người nấu đến... mèo nấu, video nấu ăn đang là một hiện tượng nội dung toàn cầu. Mạng xã hội, phương tiện truyền thông chắc chắn là một tác nhân gây nên cơn sốt này. Nhưng bạn có thắc mắc, về mặt tâm lý, vì sao chúng ta mải mê cảnh nấu nướng trên màn hình?

Thích nhìn vào đồ ăn là một cơ chế sinh tồn của con người

Thật ra cách nói “ăn bằng mắt” cũng không hẳn là chơi chữ. Tìm kiếm thức ăn luôn là một chức năng tối quan trọng của bộ não, và chức năng này phụ thuộc chủ yếu vào thị giác.

Có nghiên cứu cho rằng khả năng nhận biết 3 màu cơ bản gồm đỏ - xanh lá - xanh dương (trichromatic colour vision) ở các loài linh trưởng rất có thể là một thích nghi trong quá trình kiếm ăn. Vì giữa rừng rậm, nếu phân biệt được sắc đỏ của quả chín giữa các tán lá cây, linh trưởng sẽ có thể dễ dàng tìm được nguồn thức ăn giàu năng lượng.

Bên cạnh đó, chúng ta luôn bị thu hút bởi hình ảnh của đồ ăn còn vì não luôn “đói”. Tuy chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng, não được xem là bộ phận “hao cơm” nhất của con người khi sử dụng đến 25% tổng năng lượng cơ thể. Do đó, như một cơ chế sinh tồn, não khiến chúng ta thích nhìn thấy đồ ăn để dẫn dụ việc nạp năng lượng cho cơ thể nói chung và não nói riêng.

Hay như nhà sinh vật học người Anh J. Z. Young nhận xét, ở hầu hết động vật, não và miệng luôn ở kề cận nhau và có mối liên hệ mật thiết với nhau. Rất có thể là một sự sắp xếp có chiến lược của tạo hóa.

Hình ảnh, âm thanh về đồ ăn có thể mang lại khoái cảm

Con người có khoái cảm tự nhiên với thức ăn vì đây là những điều thiết yếu với sự sống. Tất cả giác quan đều đóng góp vào quá trình tiêu thụ thức ăn, nên bất cứ thông tin nào mà chúng ta thấy, nghe, ngửi... về đồ ăn đều có thể tác động đến hệ thần kinh khoái cảm. Những thông tin này sẽ tạo nên mức độ khoái cảm khác nhau tùy vào ký ức, kỳ vọng và trạng thái của mỗi người.

Rachel Herz, tiến sĩ về thần kinh học tại Đại học Brown, tác giả cuốn ‘Why You Eat What You Eat’ cho biết, con người bị thu hút bởi đồ ăn ngoài đời thật lẫn trên màn ảnh một cách tự nhiên, vì chúng đều kích hoạt dopamine và nhiều chất dẫn truyền thần kinh giúp mang lại cảm giác sung sướng cho cơ thể.

Đó là chưa kể, đồ ăn luôn có khả năng khơi gợi ở mỗi người kỷ niệm về gia đình, người thân, bạn bè. Lúc này, trên cả khoái cảm, cảnh nấu nướng trên màn hình còn có thể khơi gợi sự xúc động và hoài niệm. Và vì vậy, có lẽ không ai sẽ nỡ lòng bỏ qua video về một món ăn an ủi tinh thần (hay còn gọi là comfort food).

Xem video nấu ăn là cách chúng ta “vào vai”

Đã bao giờ bạn cảm thấy thèm một món ăn, và sau khi xem một video mukbang có món ăn đó thì thấy đỡ thèm chưa?

Nếu có thì bạn đã trải qua một hiện tượng có tên là "sự thỏa mãn hưởng lây" (vicarious satiation). Qua một số thí nghiệm về cách video mukbang ảnh hưởng đến người xem, hai nhà khoa học Yanping Tu và Ayelet Fishbach đã chứng minh rằng có rất nhiều người xem bớt thèm một món ăn sau khi xem video có cảnh người khác ăn món đó.

Điều này khiến video nấu ăn trở thành một “món ăn tinh thần” theo nghĩa đen, giúp chúng ta “vào vai” người được thưởng thức một món ăn nào đó dù thực tế vẫn chưa có cơ hội.

Ngoài ra, video nấu ăn cũng cho phép ta “vào vai” người nấu nhờ vào tế bào thần kinh phản chiếu (mirror neurons). Đây là những tế bào thần kinh liên quan mật thiết đến sự đồng cảm, giúp ta cảm thấy như chính mình đang thực hiện một hành động khi nhìn người khác thực hiện hành động đó.

Do vậy, đôi khi tế bào thần kinh phản chiếu sẽ giúp ta thêm tự tin để “lăn vào bếp”, bởi việc chứng kiến người khác nấu nướng cũng giống như ta đã thực hành thành công nhiều lần.

Nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Vì đã có được cảm giác “tự tay nấu” qua video nấu ăn, một số người sẽ ỷ lại vào chúng và ít vào bếp hơn. Nghiên cứu ‘Eating with our eyes: From visual hunger to digital satiation’ phân tích rằng trường hợp này giống như một chiến lược đối phó (coping strategy) để bù lại sự thiếu hứng thú của nhiều người với việc nấu nướng.

Kết

Chúng ta rung động trước những nội dung về nấu ăn vì thức ăn là gốc rễ của sự sống. Chúng có thể vỗ về ta bởi khoái cảm, gián tiếp mang lại cảm giác được ăn uống và nấu nướng mà đôi khi ta chưa có cơ hội tự trải nghiệm trong thực tế. Kèm theo yếu tố kể chuyện và sự chỉn chu trong từng thước hình, video nấu ăn tạo được sự đồng điệu lớn và khiến nhiều người không thể rời mắt khỏi chúng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục