Vì sao tha thứ là chìa khoá để mở cánh cửa hạnh phúc và tự do?

Năm mới sắp đến, buông bỏ và tha thứ có lẽ là món quà ý nghĩa nhất dành cho chính bạn và những người xung quanh.
Dr. Edward Hoffman
Nguồn: iStock

Nguồn: iStock

Cuối năm là thời điểm thích hợp để mỗi người tự nhìn lại chính mình, và sự tha thứ có lẽ là một đề tài đáng để đào sâu vào. Bạn có phải là người dễ dàng tha thứ, hay bạn thấy việc bỏ qua lỗi lầm của người khác thật khó khăn? Bạn thường dành thời gian để biết ơn cuộc sống hiện tại, hay cứ mãi ám ảnh về những nỗi buồn, tổn thương trong quá khứ? Bạn có đủ bao dung để tha thứ cho bản thân vì những sai lầm đã qua?

Ngày nay, những câu hỏi trên là trọng tâm nghiên cứu của lĩnh vực Tâm lý học tích cực. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, sự tha thứ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con người.

Không phải ngẫu nhiên mà từ đời này qua đời khác, các bậc hiền triết vĩ đại của thế giới đều ca ngợi giá trị của sự tha thứ. Truyền thống phương Đông và phương Tây đều coi trọng khả năng buông bỏ những cảm xúc tức giận, tổn thương tâm lý muốn hay trả thù quá khứ. Những xã hội này đều coi trọng và đề cao những nhà hiền triết không vướng mắc vào các cảm xúc tiêu cực đó.

Dựa trên những giáo lý và nguyên tắc đạo đức suốt nhiều thiên niên kỷ, Nhà lãnh đạo nhân quyền nổi tiếng người Mỹ - Tiến sĩ Martin Luther King đã khẳng định: "Chúng ta cần duy trì và tăng cường khả năng tha thứ. Người không có khả năng tha thứ thì cũng thiếu đi khả năng yêu thương”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng phát biểu: "Buông bỏ mang lại cho chúng ta sự tự do, và tự do là điều kiện duy nhất để có được hạnh phúc. Nếu trong thâm tâm ta còn bám víu vào bất cứ cảm xúc tiêu cực nào, chẳng hạn sự tức giận, thì chúng ta không thể tự do".

Những danh ngôn trên thật truyền cảm hứng, nhưng học cách tha thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người bị mắc kẹt giữa ý định tốt đẹp và hành vi thực tế của chính họ.

Vì lý do này, chuyên gia tâm lý Robert Enright - một nhà nghiên cứu hàng đầu về sự phát triển đạo đức và lòng vị tha - đã đề xuất quá trình 4 bước giúp buông bỏ và tha thứ:

  • Nhận diện, khám phá những cảm xúc tức giận hoặc thù oán.
  • Ra quyết định tha thứ.
  • Nỗ lực nhìn nhận lại sự việc bằng sự thấu hiểu và đồng cảm.
  • Hiểu sâu hơn về ý nghĩa cuộc sống sau tổn thương.

Bằng cách làm theo 4 bước này, ta có thể dần gỡ bỏ những lo âu, phiền muộn để tìm thấy an yên và hạnh phúc trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng khoa học về lợi ích sức khỏe của sự tha thứ được công bố. Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng, những người chọn tha thứ cho người khác về một lỗi lầm lớn thường có huyết áp và nhịp tim thấp hơn so với những ai vẫn chưa thể buông bỏ.

Bác sĩ Kathleen Row đã nghiên cứu rộng rãi về tác động của cả sự thù oán và tha thứ lên cơ thể con người. Bà đã phát hiện ra mối liên hệ giữa giấc ngủ - yếu tố đóng vai trò quan trọng với sức khỏe con người - và suy nghĩ trả thù. Theo đó, chất lượng giấc ngủ chịu tác động đáng kể từ những suy nghĩ oán hận hay ý định trả thù. Không có gì ngạc nhiên khi người hay trằn trọc, thao thức và mộng mị thường mang nhiều suy nghĩ cay đắng hơn những ai có giấc ngủ an yên.

Nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy, nhờ khả năng đồng cảm sâu sắc, nữ giới thường dễ dàng tha thứ cho người khác hơn nam giới. Tuy nhiên họ lại khó lòng tha thứ cho chính mình.

Và bởi trải nghiệm sống tỉ lệ thuận với tuổi tác, nên càng lớn ta càng nhìn thấy bức tranh rộng hơn của cuộc đời, từ đó trở nên vị tha hơn. Về khía cạnh này, bao dung là sức mạnh chúng ta nên rèn luyện để mở ra những cánh cửa mới đón nhận những điều tốt đẹp hơn.

Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã nghiên cứu về tầm quan trọng của lòng bao dung với sức khỏe tinh thần. Một trong những người đi tiên phong là bác sĩ tâm thần Prakash Gangev tại Đại học Western Ontario (Canada).

Nhấn mạnh nền tảng “mọi tôn giáo ở Ấn Độ đều đề cao giá trị của sự tha thứ”, ông đã dẫn chứng những ví dụ từ sử thi Mahabharata của Ấn giáo, cũng như các bộ kinh mang ý nghĩa tương tự từ Phật giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Kỳ Na giáo. Từ đây tiến sĩ Gangev lập luận rằng, sự tha thứ giúp con người vượt qua tác động độc hại của oán hận và đau khổ.

Trong một nghiên cứu mới hơn của tiến sĩ Fen Gao và các cộng sự tại Đại học Yến Sơn (Trung Quốc), người trưởng thành có lòng vị tha thường có xu hướng hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hơn. Họ cũng ít chất chứa những cảm xúc tiêu cực, như tức giận hay buồn bã.

Bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới, từ tôn giáo đến khoa học, từ truyền thống đến hiện đại, đều khẳng định rõ ràng sức mạnh của sự tha thứ. Như nhà văn Mỹ Paul Boese từng phát biểu: "Sự tha thứ không thay đổi quá khứ, nhưng nó mở rộng tương lai”. Năm mới 2025 sắp gõ cửa, đây là vài câu hỏi giúp bạn tự suy ngẫm để tha thứ và quên đi:

  • Những hành động nào bạn thấy dễ tha thứ nhất ở bản thân và người khác?
  • Điều gì khiến bạn khó có thể tha thứ, và vì sao?
  • Từ góc độ cá nhân, điều gì khiến bạn thấy không thể tha thứ?
  • Cuối cùng, bạn có thể gọi tên một điều khiến bạn đang oán hận và học cách buông bỏ nó hay không?

Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục