Concert ảo sẽ “thế chỗ” trải nghiệm thật?
1. Có sự kiện gì cuối năm?
Tối mai, sự kiện chào đón năm mới “Virtual Countdown Lights 2021” sẽ được phát trực tiếp trên nhiều nền tảng số khác nhau. Chương trình tiếp nối thành công của lễ hội ánh sáng “Countdown Light” diễn ra trong suốt 3 năm qua tại thành phố Hồ Chí Minh.
Để đến với công chúng trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều lễ hội, sự kiện âm nhạc dần dịch chuyển sang hình thức phát sóng online. Và Countdown Lights không là ngoại lệ.
2. Vì sao sự kiện đáng để theo dõi?
Ngoài sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như Binz, Hoàng Thùy Linh, Min, Chillies; Countdown Lights khác biệt hơn mọi năm nhờ ứng dụng công nghệ thực tế ảo mở rộng (XR – Extended Reality). Sự đổi mới này hướng đến nâng cấp trải nghiệm của khán giả. Đây được coi là sự kiện ảo ứng dụng công nghệ XR đầu tiên tại Việt Nam.
3. Vậy XR - Extended Reality có gì hấp dẫn?
Extended Reality (thực tế ảo mở rộng) là thuật ngữ bao trùm tất cả công nghệ thực tế ảo: VR - Virtual Reality, AR - Augmented Reality và MR - Mixed Reality.
- Thực tế ảo VR cho phép người dùng đắm chìm vào không gian ảo. Đôi khi bạn được phép tương tác với các đồ vật trong thế giới này.
- Thực tế ảo tăng cường AR đưa hình ảnh đồ họa vào thế giới thực. Trò chơi Pokemon Go minh họa rõ nhất cho công nghệ VR.
- Thực tế ảo kết hợp MR là sự hòa trộn của AR và VR. Nếu như AR cho phép Pikachu trong Pokemon Go xuất hiện trên bãi cỏ, thì các vật cản như cái cây, chiếc xe sẽ che lấp Pikachu.
Hy vọng lễ hội ánh sáng sắp tới sẽ cho phép người dùng tự do khám phá không gian ảo của Virtual Countdown.
4. Concert thực tế ảo là xu hướng tương lai?
Các concert thực tế ảo thường bố trí camera 360 độ sát sân khấu, khán giả dễ dàng quan sát thần tượng và linh hoạt di chuyển góc quay. Đồng thời, các ngôi sao vẫn tương tác liên tục với người hâm mộ.
Để tăng trải nghiệm thị giác, không gian biểu diễn và động tác của nghệ sĩ có thể được dựng theo phong cách 3D hút mắt. Wave, một công ty công nghệ ở Mỹ đã tiên phong cho trào lưu này bằng cách sử dụng kỹ thuật motion-capture (theo dõi chuyển động).
Nhờ được đón nhận bởi hàng triệu người dùng, doanh thu của công nghệ thực tế ảo được tính toán sẽ chạm ngưỡng 692 tỉ đô trước năm 2025 (theo wired.com). Rất có thể, hình thức lưu diễn online sẽ là xu hướng mới trong tương lai.
5. Concert ảo sẽ “thế chỗ” trải nghiệm thật?
Dù được đón nhận, nhưng so với liveshow thực tế, concert ảo khó thỏa mãn những trải nghiệm và cảm xúc tương tự vì:
- Giới hạn tương tác giữa người với người. Do tập tính xã hội, con người cần trực tiếp tham gia các hoạt động tập thể để tìm kiếm sự kết nối. Hòa chung vào không khí sôi động của buổi diễn cũng tăng khả năng chữa lành của cơ thể.
- Trải nghiệm âm nhạc chưa trọn vẹn. Thông thường người dùng cần thiết bị hỗ trợ như kính thực tế ảo, tai nghe, điều khiển cầm tay để trải nghiệm môi trường giả lập. Đáng tiếc, không nhiều người Việt Nam sắm được đầy đủ “bộ dụng cụ” này.
- Khó theo dõi liền mạch. Trải nghiệm của bạn có thể bị gián đoạn vì các hoạt động bên ngoài xen vào.
6. Công nghệ XR được ứng dụng vào đâu nữa?
Thực tế ảo mở rộng có tiềm năng ứng dụng lớn trong mọi mặt cuộc sống. Tuy nhiên ngày nay chúng được khai thác chủ yếu trong lĩnh vực giải trí, video game (34%). Theo sau là y tế, kỹ thuật, bất động sản, giáo dục...
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, XR cho phép mô phỏng cơ thể người, bác sĩ có thể thí nghiệm trên các bộ phận giả lập trước khi thực hành trên cơ thể thật. Nhờ đó nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh.
7. Trải nghiệm sự kiện thực tế ảo ở đâu?
Bạn có thể theo dõi các hoạt động âm nhạc của Liên Minh Huyền Thoại - một thương hiệu rất chịu chi cho công nghệ AR. Trong giải vô địch thế giới lần thứ 7, một chú rồng đã mặc sức tung cánh khắp sân khấu. Năm 2018, nhà sản xuất tiếp tục đưa nhân vật game sải bước trên sàn catwalk.
Nếu muốn trải nghiệm sự kiện âm nhạc 360 độ (VR), hãy thử lựa chọn đại nhạc hội Tomorrow Land 2019, hoặc Concert With Halestorm.