Điều gì giúp bạn và người ấy gắn bó lâu dài? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 04, 2024
Thương

Điều gì giúp bạn và người ấy gắn bó lâu dài?

Để giữ lửa tình yêu, bạn cần học cách chia vui trước tin mừng của người ấy. Điều này nghe thì đơn giản, song nhiều người lại thấy nó vô cùng khó khăn.
Điều gì giúp bạn và người ấy gắn bó lâu dài?

Nguồn: Harli Marten @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Keep Romantic Love Alive” của Tiến sĩ Edward Hoffman (bài gốc được đăng tải trên chuyên trang Psychology Today).


Một mùa hè nữa đang đến gần, và nhiều người cũng đang lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ chất lượng bên nửa kia của mình. Đối với họ, đây là cơ hội để xích lại gần hơn, thắp thêm ngọn lửa đam mê giữa họ và người ấy. Vấn đề là… làm thế nào?

Hầu hết mọi người đều hiểu rằng, sự đồng cảm khi gặp chuyện không như ý là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ lãng mạn. Sau tất cả, khi bạn đau buồn hay lo lắng mà không được bạn đời hỗ trợ về mặt tinh thần, thì mối quan hệ này rốt cuộc còn ý nghĩa gì không? Ngọn lửa đam mê giữa hai người cũng sẽ tàn lụi dần sau một thời gian dài liên tục cãi cọ hay chỉ trích lẫn nhau, cũng như những xung đột không được giải quyết.

Tuy nhiên gần đây, các nhà tâm lý học đã phát hiện thêm một yếu tố quyết định sự lãng mạn lâu dài cho các mối quan hệ. Đó là cách bạn phản ứng với người ấy khi họ nhận tin vui (như được thăng chức, khen thưởng hay các thành tựu khác).

Trong tâm lý học, cơ chế này được gọi là vốn hóa tâm lý (capitalization), hay nói đơn giản là khả năng chia vui cùng người ấy. Lấy ví dụ “nửa kia” của bạn được thăng chức, các chuyên gia đã xác định 4 kiểu phản ứng của cơ chế này, từ tốt nhất đến tệ nhất:

  • Xây dựng chủ động (active-constructive): Thể hiện sự ủng hộ một cách nhiệt tình và tích cực (“Tuyệt vời! Tối nay bọn mình đi ăn mừng thôi!”).
  • Xây dựng thụ động (passive-constructive): Thể hiện sự ủng hộ nhưng với thái độ khá lãnh đạm (“Thế thì tốt. Nhưng mấy giờ thợ sẽ đến sửa điện anh nhỉ?”).
  • Phá hoại thụ động (passive-destructive): Thể hiện sự phớt lờ với tin mừng của đối phương (“Anh có nhớ mua xăng cho ô tô không đấy?”).
  • Phá hoại chủ động (active-destructive): Thể hiện thái độ thù địch, mỉa mai (“Tốt quá rồi. Giờ thì anh sẽ còn ít thời gian ở nhà hơn trước nữa”).

Tín hiệu phi ngôn ngữ (nonverbal cues)

Bên cạnh lời nói, các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt hay cử chỉ cũng đóng vai trò quan trọng. Điều này đã được nhắc đến trong một nghiên cứu mang tên Will You Be There For Me When Things Go Right? của Giáo sư Shelly Gable khi bà còn giảng dạy ở Đại học California, Los Angeles (UCLA).

Theo đó, ở các cặp đôi, khả năng chia vui trước tin mừng dự đoán mức độ hạnh phúc tốt hơn sự đồng cảm lẫn nhau khi gặp chuyện bất ổn. Mức độ hạnh phúc trong mối quan hệ của họ thể hiện ở sự tin tưởng lớn hơn, khả năng “have fun” nhiều hơn khi dành thời gian bên nhau.

Hai giám đốc John và Julie Gottman của Viện Gottman (một trung tâm nghiên cứu về hôn nhân và các mối quan hệ ở Seattle) cũng có chung nhận định. Theo họ, cách bạn bày tỏ sự ủng hộ chân thành trước tin vui của người ấy có liên quan mật thiết đến mức độ thỏa mãn trong hôn nhân của hai bạn.

23apr2024johnsonpraise26834607730672jpg
Khả năng chia vui cùng đối phương có liên quan mật thiết đến mức độ thỏa mãn trong tình yêu. | Nguồn: Pexels

Khả năng chia vui có quan trọng trong tình bạn?

Ngoài khía cạnh yêu đương, khả năng chia vui cũng giúp duy trì tình bạn. Theo một nghiên cứu của Meliksah Demir và các cộng sự từ Đại học Northern Arizona, người trẻ thấy gần gũi hơn với những người bạn phản ứng tích cực trước tin vui của họ.

Sự hỗ trợ tinh thần này cũng giúp giảm thiểu cảm giác cô đơn. Tổ nghiên cứu kết luận rằng, khả năng chia vui cùng đối phương sẽ có lợi cho cả bạn và người ấy. Điều này đúng trong cả tình bạn lẫn tình yêu.

Là người viết tiểu sử của Abraham Maslow, tôi đã không còn xa lạ trước cách ông thường xuyên dự đoán chính xác những khám phá về sự phát triển loài người. Cụ thể, trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualization) nằm ở tầng cao nhất. Và một đặc điểm thuộc tầng này đã được ông xác định là khả năng vui mừng trước sự thành công của người khác, thay vì ghen tị hay tức giận.

Vậy vì sao người ta gặp khó khăn trong việc chia vui cùng bạn đời?

Nếu việc chia vui quan trọng đến vậy, vì sao nhiều người vẫn không thể làm được, hoặc làm một cách rất miễn cưỡng? Có phải họ cố tình không làm vì cảm thấy tức giận hay tổn thương không? Chắc chắn là không. Nguyên nhân thực sự nằm ở kiểu gắn bó (attachment style) mà họ hình thành từ thuở ấu thơ.

Nhiều chuyên gia tâm lý tin rằng, những ai lớn lên với kiểu gắn bó an toàn, có mẹ ở bên trong quá trình trưởng thành thường quan tâm tới người khác tốt hơn. Họ tự tin khi đối diện với những trở ngại tình cảm thường thấy trong cả tình bạn lẫn tình yêu. Vì vậy, việc chân thành chia vui trước tin mừng của đối phương trở nên dễ dàng và tự nhiên với họ.

Ngược lại, những người bị cha mẹ/người chăm sóc bỏ mặc về cảm xúc khi còn nhỏ dễ hình thành kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh. Họ dễ lo lắng khi đối diện với tình cảm thân mật, vì vậy họ tự động “tắt nguồn” khi nghe tin mừng từ đối phương.

26nov2023pexelsnausicaapellei12125306jpg
Kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh dễ khiến bạn dè dặt trong việc chia vui cùng người ấy. | Nguồn: Pexels

Văn hóa cũng là một nguyên nhân

Nhiều nghiên cứu cho thấy người Á Đông thường dè dặt hơn trong việc chia sẻ tin vui cùng bạn bè hay người thân, bởi họ không muốn bị coi là đang khoe khoang. Nhưng kể cả với nhóm người này, khả năng chân thành chia vui cùng nhau vẫn liên quan mật thiết đến mức độ thỏa mãn trong tình yêu đôi lứa.

Vậy câu hỏi đặt ra là, những người “dè dặt” về cảm xúc có thể học thay đổi cách giao tiếp để thoải mái chia vui hơn là cứ giữ trong lòng hay không?

Theo một nghiên cứu do chuyên gia tâm lý Todd Kashdan đến từ Đại học George Mason thực hiện, chìa khóa để thực hiện việc này là giúp họ tự tin và thoải mái hơn trong các mối quan hệ xã hội trước. Dù vẫn còn rất ít thông tin về vấn đề này, tôi tin rằng cách tiếp cận hiệu quả nhất là cố vấn (coaching). Hình thức này sẽ kết hợp cả tập huấn và làm mẫu, thay vì chỉ tập trung vào trị liệu tâm lý truyền thống.

Bài tập thực hành cho bạn

Trong tuần tới, bạn nhớ chia vui ít nhất 2 lần mỗi ngày khi nghe tin vui từ người khác (nhớ là 2 lần không liên quan đến nhau). Bạn có thể chia vui với bất kỳ ai, từ gia đình, bạn bè, người thương, thậm chí cả thần tượng mà bạn chưa từng gặp bao giờ. Miễn là họ có tin vui, hãy chúc mừng một cách chân thành.

23apr2024hometownchachachascenetvnjpg
Để có được kỹ năng này, hãy bắt đầu học cách chia vui với mọi người xung quanh. | Nguồn: Phim Hometown Cha-Cha-Cha

Để chắc chắn bạn thực hiện đều đặn, hãy ghi vào nhật ký mỗi ngày. Ghi rõ tên người được bạn chúc mừng, tin vui của họ và nội dung lời chúc bạn dành cho họ.

Ví dụ, ngày thứ Hai bạn chúc mừng người yêu vì được sếp khen, và chúc mừng cô bạn thân mới giảm được 1kg. Ngày thứ Ba, bạn gửi lời chúc trên Instagram khi thần tượng thông báo sắp đóng phim mới, và chúc mừng mẹ đã đỡ đau chân hơn. Cứ như vậy, đến hết tuần bạn sẽ có 14 lời chúc - con số đáng nể giúp bạn rèn luyện một kỹ năng quan trọng giúp giữ lửa tình yêu.