Julia Đoàn: Đánh thức tinh thần khởi nghiệp
Mở đầu cho series lần này là Julia Đoàn, người sáng lập thương hiệu trang sức Floralpunk kiêm blogger thời trang và phong cách sống. Xuyên suốt series, Julia sẽ chia sẻ những điều mà cô đã học được trong quá trình phát triển Floralpunk, cách xây dựng hình ảnh cá nhân, và những quan điểm nuôi dạy con từ một bà mẹ hiện đại.
Chưa bao giờ xác định rõ ràng ‘Entrepreneurial Spirit’ (tinh thần khởi nghiệp) là gì nhưng nếu được hỏi, thì định nghĩa của riêng Julia sẽ là: “Bất cứ ai có đam mê khởi nghiệp và thực sự mong muốn mang lại giá trị cho khách hàng.”
Trong số đầu tiên, các bạn hãy cùng quay ngược về những ngày đầu tiên mà cô ấy về Việt Nam để hiểu thêm về chặng đường kinh doanh thời trang của Julia.
Hy vọng trong câu chuyện này, bạn sẽ bắt gặp đâu đó những nguồn cảm hứng, động lực và bài học hay cho riêng mình.
Lấy cảm hứng từ những khởi đầu nhỏ
Sinh ra và lớn lên tại Đức, một quốc gia phát triển và không còn quá nhiều cơ hội cho những ý tưởng kinh doanh mới. Lúc đó, Julia không nghĩ sẽ làm một cái gì đó cho riêng mình. Nói cách khác, khởi nghiệp đối với Julia rất mơ hồ. Mãi đến khi về Việt Nam, và thực tập cho Elle, ý định kinh doanh của Julia mới bắt đầu hình thành.
Ở tuổi 20, Julia phát hiện ra rằng bản thân không nhất thiết phải là nhà thiết kế hay làm về marketing cho một nhãn hàng thời trang nào đó thì mới được gọi là ‘làm thời trang’.
Đằng sau ‘ngành công nghiệp giấc mơ’ ấy – cách mà Julia miêu tả về lĩnh vực thời trang – là công sức của rất nhiều người, họ có thể là những người nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sáng tạo nội dung, thiết kế đồ họa hay trưng bày cửa hàng… Tóm lại, có rất nhiều vị trí để bạn có thể thử sức trong lĩnh vực thời trang.
Và cũng chính trong kỳ thực tập này, Julia có dịp quen biết với những người bạn có khát vọng khởi nghiệp, quyết tâm xây dựng cơ ngơi cho riêng mình từ lúc họ còn đang làm một công việc toàn thời gian.
Julia nhớ lại, “Người đầu tiên Julia gặp là một chị editor và stylist tại Elle, hiện tại chị sở hữu hai cửa hàng thời trang và một studio. Là người yêu thời trang, đặc biệt là những món đồ cao cấp, nên sau giờ làm mỗi ngày, chị thường dành 3-4 tiếng để tự làm các loại vòng tay và bán tại Saigon Flea Market nhằm kiếm thêm thu nhập. Điều bất ngờ là công việc phụ này mang lại cho chị thu nhập còn cao hơn mức lương mỗi tháng. Nhìn chị, Julia nghĩ rằng mình nên bắt đầu kinh doanh một thứ gì đó.”
Ngoài ra, mạng xã hội cũng mang lại nhiều nguồn cảm hứng cho Julia. Đây là nơi Julia có thể biết được mọi người đang làm gì, trong số đó, có nhiều người có tầm ảnh hưởng (influencer) rất thành công trong việc tự xây dựng thương hiệu cá nhân. Là một người yêu thời trang, đồng thời có số lượng đông đảo người hâm mộ theo dõi qua mạng xã hội, Julia quyết định bắt đầu thử sức với việc kinh doanh thời trang, cụ thể là trang sức và phụ kiện thông qua các kênh online và thế là Floralpunk ra đời từ đó.
Khi mới biết tin, mẹ Julia đã rất lo lắng vì cho rằng công việc kinh doanh rất vất vả. Thế nhưng sau đó, chính mẹ lại là người giúp Julia định giá sản phẩm cho Floralpunk ngay từ những ngày đầu tiên.
“Bố mẹ Julia là những người có đam mê kinh doanh rất lớn. Khi nghĩ ra bất cứ ý tưởng nào hay ho, họ đều muốn biến nó thành hiện thực, từ hệ thống phân phối, kinh doanh nhà hàng, mỹ phẩm đến bán đồ chơi trẻ em… Và họ không bao giờ muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào, đặc biệt là khi còn trẻ. Thực tế là ở một số lĩnh vực, bạn không nhất thiết phải sở hữu một số vốn khổng lồ thì mới khởi nghiệp được.”– Julia chia sẻ.
Khởi nghiệp là hành trình tìm hiểu và hoàn thiện bản thân…
…cả điểm mạnh
Từ bé, Julia đã rất thích… kiếm tiền, nó khiến cô hào hứng hơn là cắp sách đến trường. Theo Julia, “càng kiếm được nhiều tiền, Julia lại càng tiêu xài tiết kiệm hơn. Và càng bán được thì lại càng muốn tìm cách để bán được nhiều hơn nữa. Cứ thế Julia đã bắt đầu làm marketing trước khi biết chính xác marketing là gì.”
“Làm thế nào để phát triển kinh doanh?” – Đó là câu hỏi luôn khiến Julia có những suy nghĩ như: “Mình muốn bán sản phẩm”, “mình muốn thành công”, “mình muốn mọi người biết đến sản phẩm của mình”… Julia khẳng định, “Tính cầu tiến là lợi thế của Julia trong kinh doanh, vì điều này giúp mình tạo động lực cho bản thân.”
Bên cạnh đó, Julia là một người khá bình tĩnh trong mọi tình huống, cách cô tiếp nhận vấn đề cũng rất lạc quan. “Điều này khiến Julia dễ thích nghi với sự thay đổi và tiếp thu những điều mới. Là một người không có nhiều kinh nghiệm, Julia phải tự học và thử nghiệm rất nhiều để biết đâu là hướng đi đúng đắn cho Floralpunk.
Tuy nhiên, không phải mọi thử nghiệm đều cho ra kết quả cụ thể. Đối với Julia, trong kinh doanh, doanh thu là minh chứng thực tế nhất cho việc quyết định của mình đưa ra có hợp lý hay không. Khi thử nghiệm không mang lại hiệu quả như mong muốn, hãy thử những cái mới và phải luôn linh động đối với những quyết định của mình.”
…lẫn điểm yếu
Có điểm mạnh thì cũng có điểm yếu. “Khi còn trẻ, mỗi khi phải làm việc gì đó vất vả, Julia sẽ mất kiên nhẫn và thôi không làm nữa, nhưng khi đã thực sự khởi nghiệp rồi, sẽ không có chuyện ghét thì không làm, khó thì cho qua nữa. Bạn phải học cách nghiêm khắc với bản thân và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.”
“Julia thường đặt ra cho bản thân những câu hỏi như: Mình còn thiếu sót ở điểm nào? Mình cần phải hoàn thiện kỹ năng gì? Phần việc nào mình không thích, nhưng vẫn phải hoàn thành? Những lúc như vậy, bạn cần phải đặt cho bản thân một mục tiêu. Phải ý thức được rằng luôn luôn có những thứ mình không thích hoặc không biết làm nhưng vẫn phải làm để chinh phục mục tiêu đó.”
“Bạn không nhất thiết phải tốt nghiệp từ một trường thời trang hay một trường kinh doanh, nhưng bạn phải luôn sẵn sàng học hỏi. Trước mỗi thử thách mới trong công việc, cách đơn giản nhất mà Julia làm là tìm kiếm từ Google, những từ khóa như: “làm thế nào để bắt đầu kinh doanh”, “bán hàng online như thế nào”… sẽ cho bạn hàng triệu kết quả từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, sách cũng là một nguồn thông tin hữu ích khác.”
Bởi vì chúng ta đang sống ở mảnh đất ươm mầm khởi nghiệp
“Một trong những tính cách đặc trưng của người Việt mà Julia đánh giá cao đó là họ thích tự kinh doanh. Trong gia đình người Việt, sẽ luôn có ít nhất một người buôn bán một thứ gì đó.
Tại thời điểm này, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, theo đó là mức sống của mọi người cũng tăng lên. Nếu bạn là người có mức thu nhập ở mức trung bình nhưng lại muốn đi du lịch thường xuyên, mua đồ hiệu và ăn uống ở những nơi sang trọng thì bạn phải cố gắng kiếm nhiều tiền hơn.
Việt Nam còn nhiều cơ hội để khởi nghiệp với nhiều lý do như vị trí địa lý thuận tiện, chi phí sản xuất và nhân công phải chăng… Vì thế, Julia nghĩ giới trẻ hiện nay có nhiều hơn một lý do để bắt đầu suy nghĩ về những hướng đi cho riêng mình.”
Xem thêm:
[Bài viết] Julia Đoàn: Trưởng thành từ những trải nghiệm
[Bài viết] Linh Thai Labs: 4 hành động nhỏ ghi điểm lớn chốn công sở