WeChoice Awards 2020: “Cô Tiên 2020” và hành trình 40 ngày hướng về miền Trung

Khoảnh khắc thân hình bé nhỏ của Thuỷ Tiên lặn lội trong nước để mang đồ ăn cứu trợ đến tay bà con khiến ai nhìn vào cũng xúc động. Chính vì vậy mà nữ ca sĩ được người dân gọi bằng cái tên đầy ý nghĩa: “Cô Tiên 2020”.

WeChoice Awards
Nguồn: WeChoice Awards.

Nguồn: WeChoice Awards.

Song song với hoạt động nghệ thuật, Thuỷ Tiên thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ người dân gặp khó khăn. Những việc làm ý nghĩa và đúng thời điểm đã giúp Thuỷ Tiên nhận được sự tin tưởng của đông đảo người hâm mộ. Chính vì điều này, Thuỷ Tiên là ca sĩ tiên phong về miền Trung và nhận được sự ủng hộ lớn từ các mạnh thường quân trong đợt lũ vừa qua.

Như MC Trấn Thành từng chia sẻ: “Thuỷ Tiên là Quán quân làm từ thiện, cô tiên của năm 2020!”. Không chỉ Trấn Thành, nhiều nghệ sĩ Vbiz như MC Đại Nghĩa, Hari Won, Hoàng Thuỳ… đều bày tỏ sự ngưỡng mộ vì Thuỷ Tiên đã có những hành động đẹp để giúp đỡ đồng bào miền Trung. 

Để được ra miền Trung cứu trợ đồng bào, Thuỷ Tiên đã quyết định “đi lén” không nói cho ông xã. Khi Công Vinh biết chuyện, phản ứng của anh ấy thế nào?

Tiên buộc phải làm thế! Vì Tiên biết với tính anh Vinh thì dù Tiên có nói thế nào, anh ấy cũng sẽ không bao giờ cho mình lao vào chỗ nguy hiểm.

Buổi sáng, Tiên chờ anh Vinh đi làm thì liền quay sang nói với bạn trợ lý: “Đi miền Trung với chị không?”. Chờ bạn ấy đồng ý, 2 chị em gom ít đồ, đặt vé rồi bay thẳng đến Huế ngay lập tức.

Buổi chiều, anh ấy trở về, không thấy vợ ở nhà thì tự biết Tiên đã đi. Anh Vinh gọi điện cho Tiên liên tục. Nhưng đến tối Tiên mới dám nghe.

Ban đầu, giọng anh ấy giận lắm, bảo: “Bà có điên không?”, nhưng sau đó vẫn nhỏ nhẹ: “Ngày mai bay về đấy nhé!”.

Lúc đầu, Tiên cũng dự tính chỉ đi khoảng 1-2 ngày thôi vì hôm sau mắc lịch diễn tại Cần Thơ. Nhưng khi gọi điện tổng đài thì nhân viên báo do tình hình mưa bão phức tạp, các chuyến bay đều đã cancel. Xem như có cái cớ, Tiên tiếp tục đi hết Huế, ra Quảng Trị, Quảng Bình… kéo dài tận 1 tuần.

Anh Vinh có giận, có la, có mắng, nhưng tất cả là vì lo cho Tiên. Sống với nhau lâu, anh ấy là người hiểu Tiên nhất vì đây không phải lần đầu mình đi từ thiện.

Năm 2019, để có tiền giúp đỡ người ta, Tiên tính bán hết bất động sản mình sở hữu. Nhưng đợt ấy chẳng hiểu sao chưa có duyên bán được, thế là Tiên quyết định bán cả chiếc nhẫn cưới và của hồi môn. Đến 25 Tết, hết vàng bạc, chỉ còn đúng vài trăm triệu để gia đình ăn Tết, nhưng nghe tin bà con công nhân không có tiền về quê Tiên cũng lấy đem đi cho hết.

2 đợt cứu trợ miền Trung sau thì anh ấy quyết định bỏ việc, cùng mình vào tâm lũ.

Còn Bánh Gạo con chị, bé cảm giác thế nào khi bố mẹ liên tục vắng nhà, không dành nhiều thời gian chăm sóc, vui đùa và thậm chí phải ở những nơi rất nguy hiểm?

Lúc Tiên đang ở miền Trung, Bánh Gạo hỏi anh Vinh: “Mẹ đi đâu lâu quá chưa về?”, anh Vinh bật cho xem clip mình đi phát quà cứu trợ trên thuyền, xung quanh đầy nước lũ, nó gào khóc tức tưởi.

Tối đó, anh Vinh gọi điện, anh ấy kể: “Gạo nó nói với anh rằng không muốn thấy mẹ nó chết ở ngoài đó”.

Một đứa trẻ 7 tuổi lại thốt lên câu như thế?

Tiên mồ côi cha từ năm 9 tuổi, điều đó chắc ai cũng biết.

Tiên còn nhớ, buổi sáng hôm đó, lúc đi học, cha vẫn còn nằm trên giường nhìn mình. Một lúc sau thì chú gọi điện báo tin cha mất. Cái thời khắc ấy, trên con đường trở về nhà gặp cha lần cuối, vẫn cảnh vật đấy, con đường đấy, người ta đấy, nhưng có thứ gì đó khiến trong lòng Tiên đã sụp đổ hoàn toàn.

Cha mất, mẹ đi viện, nhà không có, đồ ăn không có.

Năm 18 tuổi, Tiên lên Sài Gòn, một mình mẹ gồng gánh nuôi. Có những ngày trong túi chẳng còn một đồng, tiền nhà không, tiền ăn không, mở mắt ra mà không biết ngày mai sẽ như thế nào, chỉ sợ tiếng gõ cửa của bà chủ đến đòi tiền.

Thật sự, cái thế giới tuổi thơ của Tiên sau thời khắc cha mất, nó thay đổi nhiều quá! Tiên bắt mình thấu hiểu trên đời này không gì là mãi mãi. Không ai sống hoài không chết. Không cuộc hôn nhân nào không chia ly. Không có cha mẹ nào ở đời đời với con cái. Mà bởi mình thương, mình yêu người ta quá, sau này nó thành vết sẹo, nhát dao âm ỉ khiến mình chẳng thể nào đứng dậy được nữa.

Hồi kết hôn với anh Vinh, có bé Gạo, Tiên thương yêu 2 người dữ lắm! Thời khắc sinh Gạo, Tiên từng xem nó là thứ quý giá nhất cuộc đời nên dành hết tình cảm, thời gian chỉ để chăm sóc nó.

Nhưng rồi một ngày Tiên sực nhớ cha, nhớ cái ngày thế giới trong mình sụp đổ… Tiên tự hỏi: Nếu sau này nó vẫn tiếp diễn, mình mất và Bánh Gạo vẫn như Tiên, vẫn cứ bám víu vào nỗi khổ sở thương yêu thì nó sẽ sống thế nào?

Tiên chọn cách yêu thương con nhưng không còn quá gần con, quan tâm nhưng tập cho con tính tự lập, không được dựa vào bố mẹ quá nhiều. Và từ lâu Tiên đã chuẩn bị sẵn cho Bánh Gạo rằng: Lỡ một ngày Tiên mất hay một ai đó đến-đi trong cuộc đời nó, nó vẫn phải sống bình thường.

Vậy có thời điểm nào Tiên đã rơi vào hoàn cảnh “sống chết” như thế?

Lúc đi cứu trợ tại Quảng Bình.

Trước khi đi, Tiên chưa bao giờ nghĩ mọi thứ kinh khủng đến như thế! Thuyền nhỏ, Tiên bảo mọi người ở lại, chỉ có bên chính quyền, chủ thuyền và 2 anh tài xế theo mình. Vì họ biết bơi có thể cứu người nếu xảy ra trường hợp bất trắc.

10 phút đầu trên thuyền, Tiên vẫn còn mở điện thoại ra livestream cho mọi người xem. Thế nhưng, 10 phút sau thì mọi chuyện thay đổi.

Chính xác thuyền đang đi trên quốc lộ thế nhưng nước đã ngập gần hết cột điện, không còn bất kỳ nóc nhà nào sót lại. Xung quanh toàn nước với nước. Trắng xoá.

Sóng đập vào mạn thuyền ầm ầm, lúc sau thì quật cả vào trong, cảm giác như tất cả đang đi giữa bão biển vậy! Lúc đấy, mọi người đều hoang mang lo sợ, phải thay nhau cầm gáo tát nước ra ngoài. Nhưng sóng thì liên tục đánh, mênh mông là nước, thuyền có khi đã sắp lật.

Tiên quay sang hỏi anh lái thuyền là có thể quay lại không? Anh ấy chỉ trả lời: “Phía trước kia thôi, cố gắng chịu một tí”. Nhưng thực chất nhìn xung quanh chẳng có một nóc nhà nào để làm bến đậu.

Lúc đấy, Tiên lấy điện thoại ra nhắn cho vài người bạn trong nhóm tu: “Hãy cầu nguyện cho em”, rồi ngước mặt lên trời thầm hỏi: “Trời ơi, con có thể quay về không?”. Thêm ít phút sau thì sóng điện thoại tắt ngúm.

Đó là lần đầu tiên Tiên nghĩ mình sẽ chết.

Cuối cùng mọi người thoát khỏi thời khắc sinh tử đó như thế nào?

Không thể quay lại thì cả đoàn vẫn phải đi tiếp thôi. Hơn 60 phút thì thuyền tiếp cận được khu dân cư đầu tiên.

Tới khi tận mắt chứng kiến người dân ở trong tận cùng cái khổ thì Tiên cũng quên sạch nỗi sợ. Có nhà kia nuôi gà với chim, một trận nước cuốn sạch. Ông chồng tiếc của chèo ghe đi tìm. Từ sáng tới chiều, bà vợ tưởng chồng đã mất, đứng trên nóc nhà gọi tên mà khóc không còn ra nước mắt. Lúc gặp Tiên, bà vợ mới oà lên nức nở.

Đến gần tối thì tất cả lật đật đi ra vì càng về đêm sóng càng đánh mạnh. Đúng lúc đó nghe tin còn mấy cụ già và trẻ em bị mắc kẹt, nhiều ngày ngồi trên trần nhà không có gì ăn. Họ lo sợ đêm nay nước dâng lần nữa sẽ không trụ nổi, xin được theo ra cùng.

Thuyền đã chật, không thể chở thêm người, trong đoàn mới đề xuất nhường chỗ cho bà con ngồi, còn mình thì đu dây. Tức là mắc dây thừng lên thuyền rồi thả hẳn người xuống nước, bám tòn ten đu ra ngoài.

Lúc đó, tất cả chỉ mặc một chiếc áo phao, trong khi sóng đánh còn cao như biển, chỉ cần chuột rút, vọp bẻ thôi là xem như mất mạng. Tiên lập tức không đồng ý.

Cuối cùng cả đoàn quyết định nhường thuyền cho dân, còn mình thì ở lại đợi chuyến cứu trợ sau. Nhưng gần tối, không chiếc thuyền nào dám vào đó nữa cả.

Bạn trợ lý ở ngoài, vừa chạy đi tìm thuyền, vừa khóc năn nỉ người ta: “Chị Tiên vẫn còn mắc kẹt trong đó”. Đến hơn 16h30 thì thuyền mới quay vào đón được.

Ra tới đất liền, tụi nhỏ nhìn Tiên, đứa nào cũng khóc: “Em không liên lạc được với chị, em tưởng đã mất chị rồi”. Cảm giác như Tiên vừa từ cõi chết trở về vậy.

Tiên có trải qua nhiều ngày thế trong suốt chuyến đi miền Trung?

Đến tận bây giờ, cả nhóm đi chung của Tiên vẫn còn nhắc mãi. Tụi nó bảo: “Có thể đây là lần lịch sử duy nhất trong đời được liều và nhiều như vậy”.

Lúc đó, bạn biết không? Có những ngày điều quý giá nhất chỉ là “Có một tô mì còn nóng”.

Buổi sáng, tụi Tiên cố gắng lắm thì chỉ mua được vài ổ bánh mì. Trời lạnh, mưa liên tục nên lúc lấy ra ăn thì bánh mì đã dai nhách, chẳng đứa nào cắn nổi nhưng vẫn cố nuốt lấy sức. Buổi trưa hết lương thực nên nhịn đói, buổi tối vội vàng quay về gom đồ cho sáng mai.

Các bạn sinh viên còn trẻ, còn dai sức nên phụ nhiều, chứ Tiên về tới đất liền thì người cứng đơ, không thể ăn uống bất cứ gì nên phải truyền thuốc, vitamin liên tục.

Tiên có bao giờ nghĩ bản thân sẽ kêu gọi được con số 150 tỷ đồng?

Tiên nghĩ là không ai nghĩ được nhiều thế, chứ không phải mình Tiên.

Cảm giác của Tiên thế nào khi tiền lên đến con số “khổng lồ” ấy?

Từ trước đến nay đi làm từ thiện, Tiên chỉ nghĩ một điều: Càng nhiều tiền càng tốt. Vì chỉ cần thêm 1 người góp thì sẽ có thêm 1 người được cứu.

Thế nên khi số tiền ủng hộ lên 150 tỷ, nhiều người hỏi mình có sợ không, chỉ cần một sai sót nhỏ thôi có thể mất tất cả. Họ lo lắng, nhắn tin, gọi điện, rồi còn nhờ vô số chuyên gia giúp mình giải quyết sử dụng số tiền một cách hợp lý. Nhưng thay vì sợ, Tiên lại cảm thấy mừng hơn.

Khi con số chạm mốc 150 tỷ, anh Vinh có nhắc mình đóng tài khoản. Vài ngày sau tin bão tiếp tục đổ vào Quảng Nam, nước lũ dâng lên ở Nghệ An, Tiên vẫn lén anh ấy mở lại tài khoản vì còn rất nhiều trường hợp cần được giúp đỡ.

Lúc đó, có mấy bé gửi tiền mà nó nhắn: “Em có 20 nghìn ăn sáng em chuyển luôn cho chị”, “Em chỉ có 70 ngàn trong tài khoản, tất cả những gì em có gửi gắm cho chị giúp bà con”… Sự phát tâm, tình cảm, tin tưởng của họ giao cho Tiên lớn như thế thì sao Tiên phải sợ, phải áp lực?

Chỉ có một lần duy nhất Tiên sợ, đó là khi mình đọc được những lời công kích từ người khác về số tiền ấy.

Thời điểm ấy, phải có ít nhất hàng chục nghìn bình luận ác ý, chỉ trích, công kích trên khắp các diễn đàn và thậm chí là một số tờ báo…

Ban đầu Tiên thấy chuyện này nó bình thường lắm! Vì chín người mười ý.

Có một đêm, Tiên nhớ là lúc mình đang ở Nghệ An thì tin nhắn, bình luận Facebook cứ nhảy liên tục. Mẹ Tiên lo sợ tới mức gọi bảo: “Dù gì cũng phải im lặng nghe con! Mẹ đi tụng kinh cầu Phật phù hộ cho con…”.

Buổi tối, sau 1 ngày dài mệt phờ vì đi phát quà nhiều quá, chờ anh Vinh ngủ, Tiên mới lên đọc thử. Nhìn đến những lời người ta nhắc đến con gái, cha mẹ, gia đình Tiên... rủa người thân mình nặng lời đến mức da gà mình nổi hết lên.

Tiên bỏ điện thoại xuống, tự dưng nước mắt cứ chảy ra.

Tiên hoạt động trong giới showbiz, bao thị phi cũng đã kinh qua, nhưng vẫn không kìm được nước mắt trước những lời thoá mạ trên mạng xã hội?

Tiên đã phải di chuyển liên tục, đối diện với rất nhiều thứ áp lực mỗi ngày. Buổi sáng, có hôm đứng tiếp trên dưới 10.000 hộ dân, buổi tối thì họp team, liên hệ chính quyền… Bản thân đã rất mệt, tối nào cũng uống thuốc giảm đau nên không còn đủ cảm xúc để phân định đúng sai như thế nào.

Lúc ấy, những suy nghĩ tiêu cực quanh quẩn trong đầu khiến Tiên tủi thân. Anh Vinh đang ngủ bên cạnh, mình càng không muốn đánh thức anh ấy nên cắn răng khóc thật nhỏ.

Nhưng giờ thì mọi chuyện đã rồi. Đâu chỉ vì một vài cái tiêu cực mà Tiên dừng lại, để phải bỏ qua rất nhiều cái đúng, cái rớt nước mắt được. Nên sáng hôm sau, Tiên vẫn thức dậy sớm, cùng các bạn tiếp tục đi cứu trợ.

Tiên đã chọn cách im lặng tại thời điểm đó. Tại sao sau khi trở về Sài Gòn một thời gian, Tiên lại bắt đầu lên tiếng?

Từ trước đến nay, vợ chồng Tiên có vài cơ sở kinh doanh, học viện cũng dư dả để lo lắng, trang trải chi phí trong phạm vi gia đình.

Nhưng hồi đợt Covid-19, có nhiều bạn sinh viên tài xế, vé số, vô gia cư… bị mất việc làm, bệnh tật, không có tiền sinh hoạt,… Tiên đã đứng ra nhận giúp đỡ họ. Để có tiền mỗi tháng, mình phải có thêm những hợp đồng quảng cáo mới đủ sức lo. Thời điểm xảy ra tranh cãi, hàng loạt nhãn hàng đã huỷ hợp đồng với Tiên.

Tiên không lo sợ cho gia đình, nhưng khi ấy sau lưng mình vẫn còn hơn 300 người nữa đang sống bằng số tiền từ những hợp đồng quảng cáo. Nếu không thể tiếp tục, Tiên sợ họ không trụ nổi mất.

300 người ấy đều biết Thuỷ Tiên đã cưu mang họ suốt thời gian khó khăn nhất và đứng ra bảo vệ Tiên chứ?

Từ nhỏ đến lớn đi làm từ thiện mình chưa bao giờ muốn cho mọi người biết mình là ai cả.

Có trường hợp Tiên lo cho họ cả năm trời. Thời điểm họ bị chấn thương, không có sức lao động kiếm tiền nuôi gia đình, mà gia đình toàn người già yếu ốm đau bệnh tật, hay những bé mất cha mẹ không nơi nương tựa… mình vẫn gửi tiền đều đặn giúp họ hàng tháng, nhưng chưa bao giờ họ biết đó là Tiên.

Lúc thì mình lấy tên Uyên, lúc thì Ngọc, Tú, Vy, Hồng... từa lưa hết. Giờ tên giả nhiều đến nỗi Tiên còn không nhớ có tổng cộng bao nhiêu cái.

Tại sao Tiên phải chọn cách lấy tên giả?

Khi mình sẵn sàng giúp ai đó thì chuyện người ta biết hay không, điều đó đâu có quan trọng! Quan trọng là họ được giúp lúc khó khăn ngặt nghèo. Nếu họ được giúp thì Uyên, Ngọc, Tú, Vy, Hồng… cũng được. Chứ biết tên Thuỷ Tiên thì cũng khác gì đâu, đôi khi còn gây ra phiền phức cho họ.

Tiên được và mất gì sau những chuyến cứu trợ của mình?

Chuyện đi làm từ thiện, đâu phải Tiên mới làm ngày một ngày hai. Từ lúc nhỏ, mình đã đi theo mẹ làm rồi. Lúc nhà khó khăn không đủ tiền giúp, mẹ Tiên cũng hay đi quyên góp với bạn bè để rủ nhau cùng chung tay làm thiện nguyện.

Có ngày ngồi chuyển tiền giúp người ta xong, xem lại tài khoản thì chỉ còn đúng 350.000 đồng. Tiên bảo: “Giờ còn 350 nghìn nè ba, chiều nay ăn cái gì nè ba?”, rồi nhìn anh Vinh cười hì hì. Anh ấy tự hiểu luôn.

Với Tiên mọi sự mà chúng ta trải qua trên đời, nó đều tự nhiên cả. Giống như người ta thiếu nợ thì đến ngày chủ nợ sẽ đến đòi. Còn nếu một người nào đó đi qua, cảm thương mà giúp họ trả nợ, thì họ phải gánh nợ cho người nợ và phải trả nợ cho chủ nợ.

Dân gian hay có câu “Làm phúc phải tội”, Tiên có đọc một quyển sách về việc can thiệp vào nhân quả của người khác… Tiên đã giúp đỡ rất nhiều người và biết mỗi lần mình làm như thế là mình đang gánh cái nghiệp, phải trả hộ nghiệp cho họ. Nó cũng là cái nghiệp bất thiện từ nhiều kiếp của mình. Vì vậy, chuyện khó khăn, đau khổ ập đến, Tiên đều chấp nhận nó, bình thản nhìn vào mặt tích cực của nó để đối diện.

Hỏi Tiên bị người ta chửi, có buồn không? Có chứ! Nhưng Tiên cảm thấy mình may mắn nhiều hơn.

Bởi nếu không may mắn thì hôm đó thuyền của Tiên đã lật trong cơn sóng dữ. Nếu không may mắn thì Tiên đã không còn sự nghiệp để tiếp tục như bây giờ. Nếu không may mắn thì thời điểm mình bị chửi trên mạng xã hội, bạn bè, fan của mình, những người tin tưởng gửi tiền cho mình đã không lên tiếng bảo vệ mình, bà con miền Trung đã không xúc động khi gặp được mình. Và may mắn hơn là mình vẫn còn được tồn tại, còn được giúp đỡ, còn được làm tất cả những điều mình mong muốn.

Thế nên, sau khi sóng gió ập tới bất ngờ Tiên có tìm tới thầy của mình để nói với thầy: “Nếu được quay lại từ đầu để chọn, con vẫn sẽ chọn con đường con đã đi”.

Tiên cảm nhận những chuyện đã qua như thế nào?

Tiên phải cảm thấy biết ơn vì tất cả chuyện đã qua đã cho Tiên nhiều bài học vô giá. Trước đây, mình có học về sự vô thường, nhưng chưa bao giờ hiểu. Thời khắc cha mất, Tiên cứ nghĩ vô thường là sự sống, cái chết.

Nhưng bây giờ Tiên thấu hiểu vô thường là gì!

Con người chúng ta nhỏ bé và mọi sự trên đời đều có thể biến đổi trong tích tắc. Nhà còn đó cũng có thể bị nước cuốn đi trong tích tắc. Tài sản còn đó nhưng cũng có thể xuống con số âm trong tích tắc. Tiên được nâng lên mây rồi cũng có thể bị đạp xuống tận đáy bùn trong tích tắc.

Mỗi người chúng ta đều sinh ra với một mục đích khác nhau, cách yêu thương cuộc sống khác nhau. Có người thì mong muốn có gia đình thật hạnh phúc, người thì mong sự nghiệp tốt, sự nổi tiếng, người mong công ty mình trở thành một tập đoàn, tập đoàn thì mong phát triển tầm thế giới... Trong lòng Tiên thì giờ không còn sợ chết, mà quan trọng nhất là sợ mình không làm được điều gì cho cuộc sống này trước khi chết.

Bởi mọi sự trên đời nó vô thường quá nên Tiên không muốn trở nên giàu có, nắm trong tay nhiều thứ rồi mất, không muốn vô tình trên đỉnh vinh quang rồi bị đạp xuống thấp nhất.

Hồi nhỏ, cha Tiên hay nói về nguyện ước của ông: “Kiếp sau không muốn tái sinh, để thoát khỏi luân hồi”, lúc ấy mình còn quá bé để hiểu.

Nhưng giờ thì Tiên đã hiểu tất cả.

Bài viết được sản xuất và đăng tải lần đầu tại WeChoice.vn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục