Work-from-home có tước đi của chúng ta thời gian biểu lành mạnh?

Bạn làm việc bao lâu mỗi ngày từ khi work-from-home?
Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện)
Work-from-home trông như thế nào? | Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Work-from-home trông như thế nào? | Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Tôi biết tới khái niệm work-from-home vào mùa xuân năm 2020, khi Hà Nội trải qua đợi giãn cách xã hội đầu tiên do dịch Covid-19. Tạm dịch ra tiếng Việt là “làm việc tại nhà”, nội hàm của thuật ngữ work-from-home rất đơn giản: Nếu công việc của bạn không yêu cầu bạn trực tiếp phải có mặt ở cơ quan, hãy ngồi tại nhà làm việc qua thiết bị điện tử.

Ưu-nhược trông thấy của work-from-home

Với sự phát triển của internet, lâu nay nhiều ngành nghề đã cho phép người lao động làm việc ở bất cứ chỗ nào họ muốn, miễn là hoàn thành công việc. Tuy vậy, work-from-home mới chỉ trở thành xu hướng toàn cầu vào năm 2019 khi dịch Covid-19 bùng nổ.

Làm việc tại nhà, chúng ta sẽ tránh được các mối nguy lây lan dịch bệnh do tiếp xúc gần với đồng nghiệp. Nhưng trong những ngày đầu work-from-home, tôi còn thấy nó có nhiều lợi ích hơn vậy.

Không phải tới văn phòng tức là không phải đụng mặt sếp và đồng nghiệp nếu bạn có quan hệ xấu với họ. Work-from-home cũng giúp ta tiết kiệm được vô số thời gian. Ta không tốn gần 2 tiếng tham gia giao thông mỗi ngày giờ cao điểm, không bị cuốn vào những “drama” vô bổ chốn công sở. Ta cũng không phải mất tới 8 tiếng mỗi ngày ngồi giữa 4 bức tường kín bưng trong khi công việc thực tế chỉ tốn khoảng 2 tiếng…

Đó là lần đầu tiên tôi được tự làm “ông chủ” của chính mình. Tôi có thể làm việc hoặc nghỉ ngơi bất cứ lúc nào mình muốn. Tôi cũng có thể nhận thêm thật nhiều việc để tăng thu nhập vẫn với quỹ thời gian lao động ngang bằng so với số giờ đến văn phòng.

Nhưng chỉ trong một tháng, tôi đã chán ngấy work-from-home. Mang công việc về nhà, tôi đã làm đảo lộn thời gian biểu hàng ngày của mình. Vừa ôm chiếc máy tính họp hành với đồng nghiệp, tôi vừa phải nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa và giải quyết các xích mích với nhà hàng xóm.

Tôi cũng không hề có thời gian nghỉ ngơi thực thụ. Bất kể lúc nào trong ngày, tôi cũng có thể bị đồng nghiệp nhắn tin giục việc.

Nhiều người sẽ nói, việc lẫn lộn giữa thời gian lao động và thời gian sinh hoạt cá nhân xảy ra là do tôi không biết cách sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Nhưng tôi nhận ra nhiều vấn đề của work-from-home còn xuất phát từ bản chất của làm việc online. Bản chất này đã thay đổi thói quen sinh hoạt và các mối quan hệ lao động của hàng triệu người trên thế giới.

Khi laptop thay thế “nhà máy”

Đề cập tới “nhà máy”, tôi muốn ám chỉ mọi không gian làm việc vật lý truyền thống như văn phòng, công xưởng, hay co-working space. Khi làm việc từ xa, laptop, hay bất cứ thiết bị điện tử nào được sử dụng để truy cập vào hệ thống công việc và giữ liên lạc với đồng nghiệp, sẽ trở thành chiếc “nhà máy” mới của chúng ta.

Chiếc laptop, cùng với phần mềm Zoom hoặc BigBlueButton, có thể thay thế gần như mọi chức năng của một văn phòng truyền thống. Nếu cơ quan yêu cầu ta làm việc theo ca kíp, ta có thể nhấn nút “điểm danh” trước khi vào phiên làm việc.

Bản mặt của bạn, cùng những người đồng nghiệp khác, sẽ được hiển thị trên những ô cửa sổ bé xíu ở góc nào đó của màn hình làm việc chung. Vậy là không ai trong số chúng ta phải nhớ nhung khi không được gặp đồng nghiệp trong một khoảng thời gian dài.

Nhưng ngày nay, hầu hết các công sở thực hiện phương án work-from-home sẽ cho phép người lao động của mình chủ động về mặt thời gian. Thay vì tính công theo số thời gian có mặt, chúng ta sẽ được khoán số tác vụ hoặc sản phẩm làm ra theo ngày, tuần hoặc tháng. Chủ lao động trả lương cho ta dựa vào những chỉ tiêu thực tế đạt được.

Nhờ thời gian làm việc linh hoạt, ta có thể làm việc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Miễn là hoàn thành công việc theo đúng “deadline” đã được định sẵn. Tưởng vậy là hay, nhưng bạn có để ý, chúng ta phải mang đồ điện tử theo người và online gần như 24/24?

Không có thời gian làm việc cố định trong ngày, tiền lương thì được tính bằng chất lượng của sản phẩm cuối cùng, có thể ta sẽ phải đốt nhiều thời gian cho công việc hơn ta tưởng.

Những cuộc gọi công việc đến với chúng ta bất ngờ, tại bất cứ thời điểm nào trong ngày. Mỗi lần Facebook hoặc các phần mềm chat báo rằng ta đang online, đồng nghiệp và sếp sẽ giả định rằng ta đang sẵn sàng để làm việc…

Nhiều lần tôi đã phải viết lên trang Facebook cá nhân của mình, giả vờ rằng laptop của tôi đang bị hỏng, hoặc tôi đi công tác tới vùng phủ sóng kém, để không bị những tin nhắn giục việc gây căng thẳng hàng ngày.

Chủ nghĩa tư bản giám sát

Chủ nghĩa tư bản giám sát (Surveillance Capitalism) là khái niệm được triển khai bởi nhà nghiên cứu truyền thông Mark Andrejevic thuộc đại học Monash - Australia. Chưa bàn tới khía cạnh mạng xã hội có thể “đánh cắp” thông tin của người dùng ra sao, Andrejevic nhận định, làm việc thông qua một hệ thống online cũng giống như xuất hiện trong một chương trình thực tế.

Trước ống kính camera trường quay, người tham dự show thực tế chịu áp lực phải “làm gì đó”, vì sẽ thật xấu hổ nếu như họ đứng đực ra trước ánh nhìn của hàng triệu khán giả.

"Online" trên mạng xã hội vào thời đại của work-from-home, cả bạn và tôi cũng đều trở thành những con rối trước ánh mắt của đồng nghiệp. Ta sẽ bị đánh giá, “Online tức là có thời gian làm việc. Nếu đang bận bịu việc khác thì sao lại online được cơ chứ?”

Work-from-home hoá ra không cho chúng ta nhiều tự do đến vậy. Trong thời đại của công việc văn phòng trước đây, chủ lao động kỳ vọng người lao động phải có mặt ở văn phòng trong càng nhiều thời gian càng tốt. Trong thời đại của work-from-home, chủ nghĩa tư bản giám sát kỳ vọng nhân công chúng ta phải có mặt trước màn hình máy tính càng lâu càng tốt.

Thời gian biểu chật chội

Đốt nhiều thời gian cho môi trường làm việc online, những người trẻ nghiện công việc chúng ta có xu hướng tìm thêm nhiều “job” có thể làm từ xa khác để kiếm thêm thu nhập.

Khi thời gian dành cho tán phét và “drama” công sở đã được cắt bỏ, thay vì nghỉ ngơi nhiều hơn, chúng ta đi tìm thêm việc cốt để lấp đầy khoảng trống thời gian.

Bản chất của Chủ nghĩa tư bản giám sát là vậy. Khi người người, nhà nhà check-in work-from-home bận rộn đến nhường nào trên mạng xã hội, ta không được phép cho bản thân mình “rảnh”. Ta cảm giác mình bị theo dõi và đánh giá bởi hàng trăm đồng nghiệp online với thái độ xét nét như khán giả thực tế.

Mới đầu, work-from-home sẽ chỉ khiến ta khó chịu bởi lẽ ta không thể toàn tâm toàn ý cho bất cứ hoạt động cá nhân thường nhật nào. Suy nghĩ về những deadline chưa hoàn thành sẽ luôn quẩn quanh. Sau đó, ta sẽ dần dần buộc phải ưu tiên công việc hơn ngủ nghỉ, ăn uống và chăm sóc gia đình.

Thời gian biểu và đồng hồ sinh học của chúng ta bị đảo lộn bởi làm việc online. Trước đây, thời gian làm việc, ngủ nghỉ, ăn uống… được xếp theo các khung giờ cụ thể, tạo thành đồng hồ sinh học. Khi đã thích ứng với thời gian biểu này rồi, cơ thể ta không bị mệt mỏi và mất sức trước công việc nặng.

Ngày nay, khung giờ sinh hoạt thay đổi hàng ngày theo yêu cầu của những deadline chồng lên deadline. Ta sẽ phải trả giá bằng sức khoẻ cho việc phá vỡ đồng hồ sinh học của mình, không hôm nay thì trong tương lai.

Trong thời đại của dịch bệnh, work-from-home dĩ nhiên vẫn là phong cách làm việc hợp lý nhất. Nói không ngoa, work-from-home đã định hình phong cách lao động tương lai của tất cả.

Để giảm thiểu những điểm trừ của kiểu làm việc này, những giải pháp như xây dựng thời gian biểu hợp lý, biết tự cách ly với đồ điện tử và nhận số “job” phù hợp với sức khoẻ… có lẽ là không đủ. Nhưng đó là những giải pháp tốt nhất tôi có thể nghĩ đến trong hiện tại.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục