Chúc mừng bạn đã chạm mốc tuổi 20! Và đây là những khủng hoảng bạn sẽ phải đối mặt

Dù 20 hay 29 tuổi, chào mừng bạn đến với thế giới khủng hoảng tinh thần của những người (sắp) trưởng thành!

Hà Phạm
Và đây là những khủng hoảng bạn sẽ phải đối mặt

Và đây là những khủng hoảng bạn sẽ phải đối mặt

Chúc mừng bạn đã chạm tới cột mốc “hai mươi cái xuân xanh”!

Dù 20 hay 29, rất có thể hiện tại của bạn không hề giống những gì bạn tưởng tượng thời còn teen.

Có thể hồi đó bạn tưởng tượng mình đã xây dựng được sự nghiệp thành công để “nở mày nở mặt” với dòng họ; tài chính dư dả để du lịch thỏa thích hay mua đồ không phải bận tâm “giật lắc siêu sale”.

Hoặc ít nhất, bạn cũng mong rằng mình mở hộp bánh quy ra mà không toàn kim chỉ; tự cắt tóc mái mà không thành thảm họa; hay đồng nghiệp sẽ rôm rả đóng góp ý kiến thay vì chỉ toàn ‘seen’ tin nhắn trong nhóm chat.

Nhưng cuộc sống nào có được êm đềm như Lối Nhỏ của Đen Vâu?

Giờ thì bạn vẫn đang ở trọ như hồi sinh viên cùng hệ thống giao thông luôn tắc nghẽn, triều cường thì lên đỉnh điểm.

Bạn vẫn giữ kiểu tóc từ năm 18 tuổi, và thi thoảng khi bạn bước chân vào thang máy công ty thì đèn báo quá tải bật sáng.

Và bạn thấy chán đời.

Những tháng ngày tuổi đôi mươi là lúc cuộc đời chuyền cho bạn những đường bóng khó nhằn, nhưng lại kiến tạo nên chính con người sau này của bạn. Có thể sau này bạn sẽ “tốt nghiệp” thập kỷ vui nhất của đời người trong tâm thế vững vàng và tràn đầy tự tin như các anh chị đi trước.

Có điều trước khi đạt tới cảnh giới ấy, sau đây sẽ là TẤT CẢ những cuộc khủng hoảng bạn đã, đang, và sẽ đối mặt ở tầm tuổi này.

Bao giờ mình mới thật sự “lớn”?

Nhìn tấm ảnh chụp bố mẹ cười thật tươi chở nhau trên chiếc xe đạp thời bao cấp (y chang như bạn và nhỏ bạn thân đèo nhau trên xe máy bây giờ), lòng bạn chợt bồi hồi: “Bao giờ mình mới được như phụ huynh hồi bằng tuổi?”.

Ngày đó, mới hai mấy tuổi, bố mẹ đã lập nghiệp, kết hôn, thậm chí sinh con. Bây giờ, bạn hai mấy tuổi vẫn đang chơi vơi trong một ma trận lựa chọn để tìm ra lối đi cho cuộc đời mình.

Nên YOLO hay nên sống lành mạnh?

“Vì một cơ thể chuẩn ba vòng và làn da không mụn,” bạn thầm hô khẩu hiệu với chính mình sau khi coi một loạt video của chị Hana Giang Anh và bắt đầu chế độ ăn ‘eat clean’ vào một buổi tối thứ Sáu.

Tuy vậy khi lướt story trên Instagram, bạn bắt đầu hoài nghi hình như cả thế giới (trừ bạn) bỗng chốc thu bé lại bằng đường Bùi Viện.

Đi kèm với tiếng nhạc xập xình là đôi ba dòng caption kiểu #youonlyliveonce hay “học không chơi đánh rơi tuổi trẻ”.

Bạn thấy mình đang cố gắng hạ người thấp xuống cho đúng tư thế squat vừa học cùng chế độ ăn kiêng giảm tinh bột.

Bạn trăn trở, “Tối mai nên healthy và balance hay đi đu đưa giống chị Bích Phương nhỉ”?

Tôi là ai? Đây là đâu?

Một cảm xúc hối hận tràn về khi bạn nhận ra ngày đó mình chọn ngành học chỉ vì ý muốn của phụ huynh (“Ngành này đang hot, kiếm được nhiều tiền, dễ xin việc”, đại loại vậy).

Giờ bạn vẫn đang chật vật định hình lại chính mình để thoát ra khỏi vòng xoáy kỳ vọng ấy của gia đình và xã hội.

“Nếu như hồi đó được làm điều mình thích, chắc hẳn đời mình đã khá hơn?”

“Đã quá muộn để học lại ngành khác rồi.”

“Mà tại sao công việc nào cũng chỉ là pha trà và trả lời email vậy?”

Thế hệ Millennials ngày nay biến nhảy việc thành xu hướng, freelance thành trào lưu, vậy bạn có định cứ làm công việc buồn chán này mãi và tự hỏi mình câu hỏi trên mỗi năm một lần cho tới lúc về hưu?

Tiền đâu mà cưới?

Mỗi một lần nhận được “thiệp hồng trao tay” từ một người bạn (nữa) chuẩn bị lên xe hoa, lòng bạn lại bồi hồi, “Không biết lúc nào thì tới lượt mình?”

Nhưng suy nghĩ đó chẳng kéo dài được lâu khi thực tế hiện ra trước mắt: tiền mừng cưới bạn còn chẳng có đủ. Dẫu biết tình yêu là giá trị cốt lõi, nhưng để xây dựng một tổ ấm bền vững lâu dài với mức sống đô thị ngày càng tăng cao thì không thể cứ mãi “một túp lều tranh với hai quả tim vàng” được.

Mình có nên “nghỉ” một năm không?

Bạn đã từng cho rằng gap year là quá mạo hiểm, tiêu tốn nhiều tiền bạc cũng như thời gian, và giờ đây bạn đang ngồi Google xem liệu mình còn đủ tuổi tham dự chương trình trao đổi du học sinh quốc tế nữa hay không.

Bạn cần và muốn thoát ra khỏi cái “rat race” mà mình đang bị mắc kẹt, vậy liệu gap year có phải là một khoảng trống vừa đẹp cho bạn bình tĩnh tìm lại chính mình? Hay bạn thực sự chỉ muốn ngủ thêm một chút vào buổi sáng thôi?

Loài người đang đi về đâu vậy?

Lại một chú rùa nữa bị ống hút nhựa kẹt trong mũi, và lại một bờ biển nào đó rác nhiều hơn cát.

Tình hình môi trường ngày càng trở nên cực đoan, không chỉ với mỗi môi trường đô thị (bụi mịn, thực phẩm bẩn) mà còn cả môi trường xã hội (trên báo ngập tràn tin giật tít, cướp-giết-hiếp, trên mạng xã hội thì cư dân mạng thi nhau tranh cãi, ném đá).

Năng lượng tiêu cực bao trùm mọi thứ khiến bạn mệt mỏi và quan ngại về tương lai trong tình cảnh môi trường đi xuống như thế này.

Bao giờ mình mới có nhà riêng?

Chuyển trọ hết từ lần này qua lần khác, bạn ngao ngán nhìn hai cái vali cùng mớ thùng carton ngổn ngang trên sàn nhà.

“Chẳng lẽ dọn về quê ở với bố mẹ cho lành?”

“Có nên chuyển hẳn ra ngoại thành ở cho tiền nhà bớt mắc?”

“Làm thế nào để đối phó với bạn cùng nhà ở dơ?”

Từ giờ tới ngày bạn được cầm chiếc chìa khóa của nhà riêng, nơi bạn hoàn toàn “độc lập, tự do, hạnh phúc”, bạn chỉ biết mơ cho tiền nhà rớt giá, hoặc tiếp tục cật lực mà “cày” thôi.

Mình còn muốn giữ những mối quan hệ này không?

Dưới mái trường thời thanh xuân, kết bạn mới có khi chỉ đơn giản là thi cùng phòng với nhau nhiều lần tới mức trở thành “gương mặt thân quen”.

Nhưng giờ bạn 25 tuổi rồi. Tuần này công việc yêu cầu bạn phải tham gia thêm 2 nhóm chat mới, đi ăn trưa với đồng nghiệp thường xuyên hơn (để cố gắng hòa nhập vào môi trường làm việc), đi cà phê với tiền bối từ công ty cũ.

Cứ thế, bạn trôi qua những mối quan hệ nửa vời với những người mình không chủ đích kết thân. Bạn nhìn lại network xã giao với một lý do là chung sếp, hoặc chung người quen, hoặc từng làm chung dự án, và bạn tự hỏi ai thật sự là bạn của mình.

Bao giờ mình mới sẵn sàng làm phụ huynh?

“Hồi xưa nuôi mình khổ lắm, nhìn bố mẹ phải vất vả hy sinh bao nhiêu mới nuôi mình khôn lớn như hôm nay,” bạn nghĩ.

Chỉ thử tưởng tượng bạn phải nuôi một đứa trẻ như chính bạn ngày bé thôi đã đủ làm bạn rùng mình.

“Nuôi mình còn chưa xong, biết bao giờ mình mới có đủ khả năng để nuôi con mình vui, khỏe, có ích?”

“Từng này tuổi rồi mà vẫn chưa một mảnh tình vắt vai…?”

Khi khắp xung quanh bạn ai cũng xứng đôi vừa lứa, bạn quyết định mở chiến dịch quét mạng nhện trái tim, mở lòng đón nhận tình yêu.

Hai mấy mùa ngổ rồi vẫn chưa nắm cổ tay ai, bạn tò mò xức nước hoa, diện đồ đẹp vì biết đâu lại gặp được người trong mộng.

Mộng đâu chẳng thấy, chỉ thấy sự thật là nhóm bạn mình (đã có người yêu hết) bàn tán về chuyện giường chiếu của tụi nó với bồ, trong khi tất cả chuyện giường chiếu mà bạn biết là ngủ 19,5 tiếng một ngày.

Tối nay ăn gì?

Đối với những cặp đôi, câu hỏi thường xuyên nhất không phải là “Anh có yêu em không?” mà là “Ăn gì đấy?”.

Đối với người độc thân như bạn, bạn hỏi chính cái dạ dày của mình đang đói cồn cào vì bỏ bữa trưa. Sau khi dạo một vòng đọc review từ Saigon Ùm đến Foody, so sánh đủ một vòng ẩm thực Tây, Ta, Tàu; bạn đứng dậy, vươn vai, vào bếp nấu mỳ tôm trứng ăn.

Có lẽ mình sẽ không bao giờ tìm thấy “tình yêu đích thực”

“Quá tam ba bận.”

Bạn đọc đâu đó trên mạng rằng sau hai mối tình thì người yêu thứ ba của bạn sẽ là “tình yêu đích thực”. Nhìn lại, bạn mới 25 và hình như bạn đã trải qua năm “tình yêu đích thực” rồi, chưa kể những mảnh tình không tên trên Tinder.

Vậy thì công thức này hẳn là có vấn đề. Hay vấn đề là ở bạn?

Bạn nhìn lại người ‘cũ’ và những người xung quanh. Bạn bè bạn đang trục trặc tình cảm. Ai đó ngoại tình. Anh họ bạn mới ly hôn. Bạn nhận ra bên nhau trọn đời là một cái kết lúc nào cũng đẹp vì đó là truyện cổ tích. Thời gian qua đi, và những người từng hạnh phúc bên nhau nhận ra tình yêu này chỉ là bến đỗ nhất thời.

Có thể “tình yêu đích thực” chỉ là một khái niệm được tô hồng lên bởi những bộ phim tình cảm hay tiểu thuyết ngôn tình. Hoặc có thể người ta may mắn tìm được người tình tri kỷ, còn bạn thì không có cái may đó.

Bạn bắt đầu hiểu tại sao người ta đi chùa cầu duyên.

Đây đã phải phong độ tốt nhất của mình chưa?

“Vẫn còn nhiều năm trước mắt để thực hiện giấc mơ mà, đúng không?”, bạn nghĩ thầm trong khi chuyển sang tập phim tiếp theo trong một series phim cổ trang đang nổi.

Ở cái tầm này, mọi thứ cứ lưng chừng, bạn cũng không còn non nớt như hồi thực tập nhưng cũng chưa xuất sắc hẳn để trở thành một senior. Bạn chột dạ khi thấy công việc cứ bình thường một cách…bất thường, vì chính bạn cũng đang tự hỏi: “Làm thế nào để nâng cao phong độ làm việc hơn mức bình bình như bây giờ?”

Mình sẽ không có được toàn bộ những thứ mình muốn

Quá trình xây dựng một cuộc sống tự lập có khá nhiều mục tiêu. Vì vậy điều này phải cần một quá trình dài để hoàn thiện. Thực sự là, bạn không thể ôm đồm tất cả cùng một lúc: sự nghiệp, nhà riêng, gia đình, tình cảm, vân vân.

Vẫn cứ hay nói “được cái này mất cái kia”, bạn sẽ không thể có được tất cả mọi thứ trên đời trong một khoảng thời gian ít ỏi, trừ phi bạn chịu trả một cái giá đủ đắt.

Quanh đi quẩn lại, bao giờ mình mới thật sự “lớn”?

Vòng vo Tam Quốc một hồi, bạn cũng quay trở lại câu hỏi xuất phát điểm ở trên. Bạn “muốn bé lại nhưng không có quyền, muốn được lớn nhưng không có tiền“.

Dù sao, bạn cũng thấy được an ủi phần nào khi biết nghiên cứu chỉ ra con người ta chỉ thực sự trưởng thành cho đến lúc 30.

Bạn mở điện thoại đặt một ly trà sữa đang được giảm giá 50% và nghĩ mình nên viết một bài viết chia sẻ với các bạn cùng cảnh ngộ đau đầu vì khủng hoảng phần tư cuộc đời (giống như bài viết nãy giờ quý bạn đọc đang chiêm ngưỡng đây).

Bài viết được thực hiện bởi Hà Phạm, dựa trên nguồn cảm hứng bởi Daisy Jones và Hannah Ewens tại Vice.

Xem thêm:

[Bài viết] Vì sao Millennials được gọi là “thế hệ lo âu”?

[Bài viết] Vì sao “Hãy suy nghĩ tích cực” là một lời khuyên phản tác dụng?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục