5 Cách nâng cao giá trị bản thân dựa trên lý thuyết về sự khan hiếm
Kinh tế học có thể xem là môn khoa học phân tích và lý giải cho sự khan hiếm. Hãy xem xét những trường hợp này:
- Trời đang mưa, nhiều bác tài vì sợ dầm mưa có thể bị bệnh rồi ảnh hưởng tới thu nhập những ngày sau nên quyết định tắt app nghỉ ngơi. Thế nên cuốc xe về nhà hàng ngày của bạn bình thường chỉ 44K, bây giờ đã thành 66K.
- Một chai nước suối ở đồng bằng, trong cửa hàng tạp hóa có giá khoảng 10K. Nhưng đối với một người đang ở lưng chừng núi với cơn khát khô cổ, thì chai nước 50K vẫn là một cái giá chấp nhận được.
- Hay hạng vé V.I.P (Very Important Person) là một “thiết kế tâm lý” để tạo cảm giác tự hào cho người sử dụng, vì họ là số ít người nhận được những đặc quyền vượt trội so với số đông. Bởi vậy, họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để có được sự ưu ái này.
Tất cả đều cho thấy một hiện tượng chung là sự khan hiếm tạo ra giá trị. Khi mình tự học về các lý thuyết Kinh tế học, rồi liên kết với Tâm lý học, mình nhận ra hiện tượng về sự khan hiếm không chỉ đúng trong kinh tế, mà còn trong cả việc phát triển cá nhân. Vậy nên, dưới đây sẽ là 5 bài học mình đúc rút được để hiểu bản chất của sự khan hiếm và áp dụng nó nâng cao giá trị bản thân.
1. Làm chủ kỹ năng hiếm người nắm vững
Trong cuốn Sự thịnh vượng của đất nước, giáo sư Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học, đã viết: “Giá trị thực của một thứ hàng hóa phụ thuộc vào mức độ hiếm có và nhu cầu đối với nó.”
Điều này giải thích vì sao những người thăng tiến nhanh trong công việc thường là những người có thể đảm đương các nhiệm vụ khó nhằn, đòi hỏi kỹ năng cao mà không nhiều người xử lý được. Đây chính là nguyên lý khan hiếm (Scarcity principle), bình thường khi có nhu cầu lớn, hàng hiếm, giá sẽ cao.
Nhưng thay vì chỉ tập trung vào chọn một ngành khan hiếm nhân lực, hãy nhìn rộng hơn là làm chủ một kỹ năng, kiến thức ít người nắm vững. Điều này sẽ giúp bạn tăng khả năng cạnh tranh, trở thành nhân lực được săn đón bất kể lĩnh vực nào.
2. Mài dũa khả năng xử lý vấn đề trong sự "thiếu thốn"
Nếu cho con khỉ đủ thời gian với máy đánh chữ, nó có thể viết ra được một tác phẩm văn học xuất sắc. Đây là phát biểu của các nhà khoa học khi nói về thuyết xác suất, tạo nên minh họa thú vị cho thấy rằng không có thứ gì là hoàn toàn bất khả thi hay khả thi tuyệt đối.
Và khi kết nối điều này với nguyên lý đã nói bên trên, ta sẽ có một góc nhìn hoàn chỉnh hơn. Nếu chúng ta đều có vô hạn tài nguyên, ai cũng có thể làm tốt việc gì đó.
- Một Junior có thể hoàn thành công việc của Senior nếu được cho hơn 20 lần thời gian.
- Một người chưa có kinh nghiệm nếu có vô hạn công cụ hỗ trợ và sự giúp đỡ, sẽ có thể giải quyết một vấn đề phức tạp.
Tuy nhiên, thực tế lại không "rộng lượng" như vậy. Mọi công việc đều phải tính đến giới hạn thời gian, chi phí và năng lực. Chính điều này là thứ tạo ra tính cạnh tranh, giữa người và người, giữa công ty và công ty.
Nỗ lực của một người sẽ trở nên giá trị hơn khi họ có thể hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện tài nguyên khan hiếm hoặc tiết kiệm được tài nguyên.
Khi không thuộc nhóm ngành "hiếm" (cầu cao - cung thấp), bạn vẫn có thể tạo giá trị bằng cách trở nên xuất sắc trong những việc phổ biến. Hay nói cách khác là mài dũa một bộ kỹ năng đặc biệt để tăng khả năng xử lý vấn đề, nhất là trong những tình huống ngặt nghèo, nhiều thay đổi, rủi ro.
Điều này phản ánh lý thuyết lợi ích cận biên giảm dần (Law of diminishing marginal utility): khi bạn làm việc hiệu quả với tài nguyên giới hạn, giá trị công việc và sự công nhận dành cho bạn sẽ tăng lên đáng kể.
3. Sẵn sàng làm việc không nhiều người làm
Có một câu nói vui trong giới kỹ thuật mình từng nghe được là: “Một bạn gái với ngoại hình bình thường, nhưng nếu là sinh viên ngành công nghệ thì sẽ là ‘hoa khôi’ trong mắt các bạn nam.”
Câu nói này, dù mang tính hài hước, lại phản ánh rất đúng hiệu ứng tâm lý khan hiếm nhận thức (Scarcity heuristic). Chúng ta sẽ có xu hướng đánh giá cao hơn và khao khát những thứ khó có được, và đánh giá thấp hơn những điều dễ có, bất kể lợi ích thực chất chúng mang lại là bao nhiêu. Điều này cũng đúng trong trường hợp nói tới kỹ năng và sự cống hiến trong công việc.
Vì vậy từ những ngày đầu đi làm, cho đến khi đạt tới vị trí quản lý, mình luôn tự nhắc nhở bản thân là: Nếu có việc cần làm mà không ai làm, tôi sẽ là người làm. Vì mình tin tư duy này không chỉ giúp bản thân phát triển về mặt năng lực mà còn tạo được sự chú ý và công nhận bởi tập thể. Khi đó dù ở trong môi trường nào bạn cũng có thể vươn lên trở thành một nhân tố nổi bật.
4. Để mọi người thấy nỗ lực của mình
Theo nhà tâm lý học Leon Festinger, con người thường tự biện minh cho những nỗ lực của mình bằng cách đánh giá cao thành quả đạt được. Chẳng hạn, dù món ăn bạn nấu không thực sự ngon, nhưng nếu bạn đã dành nửa ngày để đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu và chế biến, những người thân vẫn sẽ trân trọng bữa ăn. Bởi điều họ đánh giá không chỉ nằm ở hương vị, mà còn ở công sức bạn đã bỏ ra.
Trong công việc cũng vậy, việc để đồng nghiệp hoặc cấp trên nhận thấy sự cố gắng của bạn là rất quan trọng. Khi báo cáo, thay vì chỉ nhấn mạnh kết quả, hãy chia sẻ cả những khó khăn đã gặp phải và cách bạn giải quyết chúng, điều này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về giá trị bạn mang lại.
Đây cũng là lý do vì sao việc bước ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân luôn được khuyến khích. Đừng vội lo về kết quả, ít nhất bạn sẽ có được sự khích lệ từ góc độ tâm lý, bởi như đã nói nỗ lực càng lớn trong điều kiện khó khăn, giá trị sẽ càng cao.
5. Tích lũy lợi thế cho tương lai
Theo lý thuyết vòng lặp lợi thế (Cumulative advantage), những thành công ban đầu sẽ tạo nền tảng để bạn tiếp tục tích lũy lợi thế trong tương lai. Một khi bạn vượt qua được những thách thức lớn, giá trị của bạn sẽ gia tăng không chỉ trong hiện tại mà còn trên hành trình dài hạn.
Trong môi trường làm việc, điều này đặc biệt trong những công việc cần tới bộ kỹ năng quản lý các bên liên quan (stakeholder management). Để lời nói có trọng lượng với đối tác, bạn không thể chỉ dựa vào chức vụ hay kỹ năng thuyết trình, lập luận sắc bén.
Điều làm nên sự tín nhiệm chính là tính chính trực (integrity). Đây là khả năng hoàn thành nhiệm vụ đúng hẹn, giữ vững cam kết và đảm bảo chất lượng công việc, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Nó sẽ giúp bạn xây dựng lòng tin và mở ra cơ hội được giao phó những nhiệm vụ quan trọng trong tương lai.
Kết
Mình hy vọng lăng kính về sự khan hiếm cho bạn thêm một góc nhìn mới mẻ về việc phát triển bản thân. Giống như những mặt hàng khan hiếm luôn thu hút sự chú ý và sẵn sàng được trả giá cao hơn.
Đừng chỉ cố gắng làm nhiều, mà hãy chọn đúng lĩnh vực để phát triển, làm việc xuất sắc trong những việc tưởng như bình thường, sẵn sàng đối mặt với thử thách, thể hiện nỗ lực của mình và xây dựng lợi thế bền vững. Đó là cách để bạn trở thành một phiên bản “đắt giá” hơn trong mắt người khác và trong chính hành trình phát triển của bản thân mình.