5 Câu thoại trong phim LGBTQ+ khiến trái tim phải tan chảy

“Anh ấy là tất cả, và nhiều hơn thế nữa.”
Tuấn Anh
Nguồn: Sony Pictures Classics, NEON, A24

Nguồn: Sony Pictures Classics, NEON, A24

Các bộ phim tình cảm vẫn luôn kho tàng ẩn chứa những câu thoại đẹp và lãng mạn nhất từng được đưa lên màn ảnh. Đó là những “Em hoàn thiện anh” của Jerry Maguire, “Đối với anh, em hoàn hảo” trong Love Actually, hay câu thoại bất hủ của It's a Wonderful Life - “Em muốn vầng trăng? Hãy nói đi và anh sẽ quăng sợi dây thừng để kéo nó xuống.”

Những bộ phim tình cảm LGBT+ cũng không phải là ngoại lệ. Câu chuyện về tình yêu được khắc họa trong những bộ phim này đa sắc và đa cảm. Và những câu thoại trong phim, như thể những dòng tóm tắt súc tích nhất cho nội dung và sắc điệu của mỗi tác phẩm, một số sẽ “nhuộm hồng” góc nhìn của chúng ta về tình yêu, số khác sẽ khiến chúng ta vụn vỡ, hoặc khát khao, hoặc chiêm niệm.

CALL ME BY YOUR NAME

“Nhớ rằng trái tim và cơ thể chỉ được ban cho chúng ta một lần. Sớm thôi, trái tim con sẽ bị bào mòn, và sẽ tới lúc không ai muốn nhìn vào cơ thể của con nữa. Bây giờ là sự u sầu và nỗi đau. Đừng dập tắt chúng, và vô tình dập tắt cả những niềm vui con đã có.”

Call Me By Your Name là một trong những câu chuyện tình thơ mộng nhất từng kể trên màn ảnh. Elio và Oliver từ hai tâm hồn xa lạ chỉ tình cờ quen nhau, dần gắn kết nhờ tình cảm và cả những ham muốn “trần trụi” hơn, để đưa khán giả theo một cuộc hành trình nơi tình yêu hòa quyện với sự trưởng thành và tự khám phá bản thân. Nhưng rồi mùa hè kết thúc, Oliver phải ra đi, để lại Elio với một trái tim tan vỡ.

Elio muốn quên đi tất cả, để lòng cậu tê liệt trước nỗi đau. Nhưng bố cậu biết rằng đó không phải giải pháp. Ông Pearlman biết nỗi đau mà con trai mình đang trải qua sẽ định hình phần đời còn lại của Elio. Nhưng cùng với nỗi đau đó là những khoảnh khắc hạnh phúc mà cậu từng có với Oliver. Quên hết chúng không chỉ phung phí, nó thậm chí sẽ khiến con người vô cảm dần theo thời gian.

Ông Pearlman nhắc con trai rằng chúng ta không có nhiều thời gian để trải nghiệm tình yêu, đặc biệt là tình yêu của tuổi trẻ, vì vậy hãy chấp nhận những cảm xúc của bản thân, dù chúng có đau đớn đến mức nào. Và sau cùng, Elio đã làm vậy. Cậu chấp nhận nỗi đau của một cuộc tình đã chấm dứt, để nhớ rằng cuộc tình đó đã từng tồn tại.

PORTRAIT OF A LADY ON FIRE

“Phải chăng anh ấy đã đưa ra một lựa chọn. Anh ấy chọn lấy ký ức về nàng. Không phải lựa chọn của một tình nhân, mà của một thi sĩ.”

Cũng là về sự hữu hạn của tình yêu, nhưng Portrait of a Lady on Fire không có nắng vàng của vùng núi nước Ý. Bộ phim toát ra vẻ ảm đạm, đưa người xem tới một hòn đảo lộng gió của nước Pháp, nơi nữ họa sĩ Marianne được thuê tới để vẽ bức chân dung cho nàng quý tộc Héloïse. Để rồi trong một tuần ngắn ngủi, hai người phụ nữ dần nảy sinh tình cảm, dù biết rằng mối quan hệ cấm đoán này sẽ sớm phải chấm dứt, một khi bước chân dung được hoàn thành.

Mối tình bi kịch của Marianne và Héloïse ẩn chứa nhiều nét tương đồng với giai thoại về nhà thơ Hy Lạp cổ đại Orpheus hành trình xuống địa ngục để tìm lại người vợ Eurydice. Ngay trước khi trở lại Địa giới, Orpheus đã làm trái lời thần Hades và quay đầu lại, chỉ để thấy Eurydice biến mất vĩnh viễn.

Marianne không nghĩ đó là một quyết định sai lầm. Cô cho rằng khi đối mặt với vô vàn sự bất định, Orpheus đã lựa chọn một khoảnh khắc ngắn ngủi của sự chắc chắn, và vĩnh cửu hóa một ký ức về Eurydice. Và cũng giống như Orpheus, Marianne và Héloïse đã chấp nhận lựa chọn sự chắc chắn nhưng hữu hạn của tình yêu, thay vì im lặng trong bất định để rồi mãi tự hỏi liệu chuyện gì đã có thể xảy ra.

MOONLIGHT

“Trong ánh trăng, những cậu bé da đen ngả màu xanh.”

In Moonlight Black Boys Turn Blue là tiêu đề của một vở kịch chưa từng xuất bản, được chuyển thể thành bộ phim Moonlight. Và trong tác phẩm thắng Oscar năm 2017, dòng chữ đó lại một lần nữa xuất hiện, lần này dưới dạng một câu chuyện mà người “chú” Juan kể cho nhân vật chính Chiron, về một người đàn bà sau khi thấy đám trẻ con da màu chạy nhảy dọc bờ biển, nói rằng trong ánh trăng những cậu bé này có màu xanh.

Moonlight nhẹ nhàng và tinh tế khắc họa thứ “trải nghiệm da màu”, nhưng là một trải nghiệm hiếm khi được khắc họa trên màn ảnh, về sự mong manh và mưu cầu những mối quan hệ gần gũi, hay trong trường hợp của nhân vật Chiron là xu hướng tính dục của bản thân, được kìm nén bởi thành kiến và tiêu chuẩn về sự nam tính của người da màu.

Trong suốt tuổi thơ đầy ắp những biến cố, Chiron được trải nghiệm những khoảnh khắc ngắn ngủi của sự thân mật. Chúng thường xảy ra trên bãi biển, giữa màn đêm. Dưới ánh trăng là nơi Chiron, và có thể cả những người đàn ông da màu khác, có thể lột bỏ được lớp nhân cách cứng rắn mà hàng ngày họ phải khoác lên để sống sót trong một xã hội từ chối nhìn nhận họ theo con mắt đa chiều. Dưới ánh trăng là nơi họ có thể bộc lộ sự yếu đuối và buồn bã, là nơi họ có thể trở thành màu xanh.

ALL OF US STRANGERS

“Có lẽ mẹ đã không ôm lấy con, trong những giây phút đơn côi đó. Và có thể mẹ chưa từng nói với con rằng mẹ thật hạnh phúc khi con là con của mẹ.”

Có bao nhiêu người từng hối hận vì những thứ mình chưa làm, những điều mình chưa thổ lộ, những lời xin lỗi mình chưa dám nói trước khi quá muộn? Và nào có ai được ban cho cơ hội để sửa chữa những hối hận này? All of Us Strangers vẽ nên một viễn cảnh nơi điều đó có thể xảy ra, khi nhân vật chính Adam tình cờ tìm về ngôi nhà thời thơ ấu và gặp lại bố mẹ mình, những người đã qua đời từ khi anh mới 12 tuổi, vẫn còn sống và trẻ như trong ký ức của anh.

Đó là một cuộc hội ngộ ngập tràn cảm xúc, của sự bất ngờ và niềm vui và nước mắt. Nhưng rồi khi cảm giác hân hoan trôi qua là khi họ phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất, là làm quen “lại” với nhau. Adam giờ đây đã là một con người khác. Anh đã công khai là một người đàn ông gay, điều mà anh chưa thể tiết lộ với bố mẹ. Và việc phải một mình giữ kín những cảm xúc này suốt thời thơ ấu, và không bao giờ có cơ hội để nói với bố mẹ sau khi họ qua đời dường như đã để lại một khoảng trống rỗng đầy đau đớn trong Adam.

Khó biết được nếu nói ra khi còn bé, liệu Adam có được mẹ chấp nhận hay không. Nhưng giờ đây khi cảm xúc chủ đạo chỉ còn là sự tiếc nuối, tiếc nuối về không được “biết” người con của mình sớm hơn, mẹ của Adam chỉ có thể ôm anh vào lòng và cất lên ca khúc Always on My Mind, dùng những lời ca Elvis để thay tiếng lòng mình.

THE OLD GUARD

“Anh ấy là ánh trăng khi tôi lạc trong bóng đêm, và hơi ấm khi tôi rét run trong băng tuyết. Nụ hôn của anh ấy vẫn khiến tôi rộn ràng sau một thiên niên kỷ. Trái tim anh ấy tràn ngập thứ lòng tốt mà thế giới này không xứng đáng được trải nghiệm. Tôi yêu người đàn ông này hơn những gì lý trí có thể đong đếm được. Anh ấy không phải là bạn trai của tôi. Anh ấy là tất cả, và nhiều hơn thế nữa.”

Khác với những tác phẩm khác trong danh sách này, The Old Guard không phải một bộ phim tình cảm. Đưa khán giả theo chân một nhóm các chiến binh bất tử, The Old Guard chính xác là một bộ phim phiêu lưu - hành động - khoa học viễn tưởng dành cho những buổi tối cuối tuần cần sự thư giãn. Nhưng đó cũng là bộ phim ẩn chứa một trong những lời thoại lãng mạn nhất trong lịch sử điện ảnh.

Lần đầu tiên gặp nhau vào thế kỷ 11, Nicky hay Nicolò di Genoa là một linh mục Công giáo, còn Joe hay Yusuf al-Kaysani là chiến binh thánh chiến Hồi giáo, đứng đối lập nhau ở hai chiến tuyến của cuộc Thập tự chinh. Họ chạm mặt nhau, chém giết nhau lần này qua lần khác qua nhiều thập kỷ, cho tới khi dần quen sự hiện diện của nhau, và dần phải lòng nhau.

Joe và Nicky sát cánh với nhau suốt nhiều thế kỷ, cho tới nhiệm vụ định mệnh khi cả nhóm bị bắt giữ. Khi một tên lính đánh thuê chế nhạo về mối quan hệ với Nicky, Joe cất lên một màn độc thoại, rằng Nicky không chỉ là bạn trai, mà là tất cả những gì Joe có. Có lẽ chỉ một người đã sống qua cả một thiên niên kỷ mới có thể thốt ra những lời lẽ bay bổng như vậy về tình yêu.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục