5 điều tôi học được từ #Howmuchhaveyouchangedchallenge
Ngoài việc là một thử thách hay ho cùng một trend hot, #Howmuchhaveyouchangedchallenge có nhiều bài học thú vị hơn bạn tưởng!
Bắt đầu rộ lên từ trước ngày 10/11, #Howmuchhaveyouchangedchallenge đã vượt qua #firstimpressionchallenge và nắm giữ thử thách hashtag có nhiều lượt tham gia nhất: 4,3 triệu người.
Chúng ta luôn ‘khát’ thử thách. Những thứ bắt não bộ và cơ thể phải ‘chạy’ những bước nho nhỏ như lật lại quá khứ để so sánh ảnh thời ấy - bây giờ của chính mình đến những bước dài hơn, như ăn uống lành mạnh mỗi ngày, tập gym mỗi tuần luôn giúp các giới hạn của ta được phá vỡ. Cơ thể luôn cần những thử thách mới để luyện tập, và để tốt hơn. Nhưng ngoài việc là một thử thách hay ho cùng một trend hot, #Howmuchhaveyouchangedchallenge có nhiều bài học thú vị hơn bạn tưởng!
Đằng sau mỗi thử thách là một nỗi sợ
Cũng như hầu hết mọi người, tôi trải qua việc “mỗi lần đăng ảnh lên Facebook là một lần căng não”. Ảnh này nên chỉnh màu gì để nổi bật trên newsfeed. Ảnh kia nên cà mụn chỗ nào. Ảnh nọ nên ‘bóp mặt’ ra sao. Những app chỉnh ảnh ra đời và khiến việc này giống một thú vui, nhưng đằng sau đó là nỗi sợ hãi lớn hơn tất thảy: phải đẹp.
#Howmuchhaveyouchangedchallenge cho tôi cơ hội lật lại quá khứ. Nhưng việc lục lại ảnh cũng là một áp lực, vì tôi không bao giờ muốn đăng ảnh xấu của mình lên mạng. Ngày ấy-bây giờ trông đúng là khác nhau, nhưng những bức ảnh cho thấy sự thay đổi thật sự của bản thân, tôi giấu giếm nó vào một góc.
Đâu đó trong tôi vẫn sợ hãi việc bị chê là xấu, dù là quá khứ hay hiện tại.
Chúng ta có quan tâm đến quá khứ của người khác không?
Dù rất sợ người khác nhìn và đánh giá cả ảnh cũ lẫn mới của mình, tôi nhận ra rằng mình cũng… không để tâm đến hình ảnh của người khác đến thế. Họ có sự khác biệt nhiều hay ít, đẹp hơn hay không đẹp hơn, thật ra cũng không quan trọng.
Việc họ tham gia một challenge ngày ấy - bây giờ khiến tôi nhận ra bản thân mình cũng có những ngày ấy - bây giờ thật đặc biệt. Họ khiến tôi soi chiếu lại bản thân mình. Tôi quan tâm đến việc người khác hành xử thế nào trên mạng xã hội, hay thậm chí là ngoài đời, đơn giản vì thấy mình trong những gì họ làm. Tôi thấy sự sợ hãi về vẻ ngoài của bản thân trong bài đăng của họ. Tôi thấy những sai lầm mình không muốn phạm trong những câu chuyện họ kể về quá khứ.
Nên tất cả những phán xét, bực dọc, trầm trồ… tôi dành cho người khác, hay quá khứ của họ, suy cho cùng, cũng là những gì tôi đang tự nói với mình mà thôi.
Chúng ta luôn thay đổi
Tóc chúng ta hôm nay mọc dài hơn ngày hôm qua trung bình khoảng gần 1mm. Tế bào não mới được sản sinh liên tục. Có những người những năm trước thích tóc ngắn, nhưng giờ lại để tóc dài, và ngược lại. Có những người năm ấy có người yêu, năm nay lại độc thân vui tính. Thay đổi là một phần không thể thiếu của con người.
Nếu không ai thay đổi, xã hội vẫn sẽ ở yên những năm trước. Năm ấy có thể bạn đau khổ tột bậc vì một mối tình, nhưng bây giờ, nhờ sự thay đổi, bạn mới có cơ hội nhận ra cuộc đời vẫn còn nhiều điều thú vị hơn nhiều! Không có sự thay đổi, chắc giờ này chúng ta vẫn yên vị bên những chiếc điện thoại nấp bật, và #Howmuchhaveyouchangedchallenge cũng chẳng có cơ hội ra đời.
“Điều duy nhất không thay đổi là sự thay đổi”. Nhưng thay đổi cũng tốt!
Dậy thì 'thành công' hay không, không quan trọng
Bạn có thể thấy rất nhiều loại caption trong những người tham gia #Howmuchhaveyouchangedchallenge: kể chuyện quá khứ, nghĩ về bản thân ngày xưa một cách đầy hài hước, tự hỏi (một cách ngầm thừa nhận) rằng liệu mình đã dậy thì thành công hay chưa. Đa phần, chúng ta được nghe câu chuyện của người tham gia thử thách, mà không hề có sự áp lực nào trong việc so sánh bản thân với người khác. Tôi so sánh mình với quá khứ, và nhận ra rằng ồ, mình cũng đã có những bước tiến dài đấy chứ!
Quá trình lục lại những tấm ảnh xưa cũ cũng là một chuyến du hành từ quá khứ đến hiện tại. Có đau khổ, có mệt mỏi, có vui mà cũng có buồn. #Howmuchhaveyouchangedchallenge cho tôi cơ hội nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, và trưởng thành mà không bị nỗi ám ảnh rằng mình phải hơn người này, hay bằng người kia.
Sau cùng thì, chúng ta có dịp đối diện với chính mình để biết rằng “dậy thì thành công” cũng chỉ là một câu nói. Có cơ hội dậy thì, đã là sự thành công!
Và cuối cùng, Facebook có nhiều quyền năng hơn chúng ta tưởng
Chuỗi challenge hàng loạt bạn thấy dạo gần đây không phải một tính năng ‘làm cho vui’ của Facebook. Ẩn sau đó là cả một cuộc chiến về việc giành quyền làm chủ thị phần béo bở mang tên “hashtag” giữa các nhà mạng xã hội.
Hẳn nhiên không thể có một challenge nào trên Facebook được tạo ra mà lẻ bóng người tham dự. Nếu xem Social Dilemma, bạn sẽ nhận ra rằng có cả một đội ngũ chuyên gia về tâm lý học điều khiển từng hoạt động diễn ra trên Facebook, bao gồm cả những thử thách tưởng chừng chẳng hề có ý đồ gì mà bạn đang tham gia. Tất cả đều khiến bạn không dời mắt khỏi màn hình, và tăng đến tối đa cơ hội ‘chốt đơn’ từ các nhãn hàng.
“Nếu bạn không phải trả tiền cho sản phẩm nào, bạn chính là sản phẩm”. Facebook đang có dần có nhiều quyền năng hơn. Điều quan trọng là, có lẽ chúng ta vẫn không thể làm gì khác. Trừ khi rời khỏi màn hình.